Trò chuyện với chiến sĩ Điện Biên về chiến thắng 70 năm trước

2024-04-17 13:15:00 0 Bình luận
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Tạp chí Điện tử Hòa nhập đã có cuộc gặp gỡ và trò truyện với những chiến sĩ Điện Biên năm xưa tại Nghệ An.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hòa Nhập gặp gỡ, trò chuyện cùng với những cựu chiến binh là chiến sĩ Điện Biên năm xưa để được nghe kể lại những năm tháng hào hùng, đầy gian khổ và đoàn kết của quân dân ta.

Những người lính Điện Biên năm xưa nay đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe đã yếu đi nhưng với họ, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ luôn là câu chuyện nóng hổi mỗi dịp gặp mặt để nhớ về những người đồng đội đã hy sinh, ký ức về những trận đánh nảy lửa, giành nhau từng tấc đất.

Ký ức của người lính bộ binh

Ở một vùng quê nghèo thuộc làng Danh, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An không ai là không biết tới ông Trần Văn Liêu mỗi khi chúng tôi hỏi về ông. Tiếp chúng tôi là một người đàn ông giản dị năm nay đã 90 tuổi nhưng trông ông rất khỏe khoắn với nụ cười hiền hậu.

Ông Trần Văn Liêu

Ông Trần Văn Liêu, SN1934, trong một gia đình bần nông nghèo, đông anh em. Năm 11 tuổi, cha ông mất, ông phải đi ở đợ hết nhà này sang nhà khác để có cái ăn cái mặc và phụ giúp mẹ nuôi các em. Cuộc sống vẫn luôn khốn khó nhưng ông rất cần cù, siêng năng. Tới lúc trưởng thành, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ngày 20/3/1953 ông tình nguyện xung phong vào quân đội nhân dân Việt Nam, là chiến sĩ bộ binh thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 305 của Sư đoàn 341 đóng tại Nghệ An.

Tại đây, chiến sĩ Trần Văn Liêu rất hăng hái luyện tập, rèn luyện tinh thần kỷ luật cao trong quân đội, cũng như trang bị những nghiệp vụ cần thiết của một người lính bộ binh. Chiến tranh đang diễn ra ác liệt, sau 3 tháng huấn luyện, đơn vị của ông được lệnh hành quân chi viện hỗ trợ cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông kể lại: “Tôi vẫn nhớ những ngày hành quân lên Tây Bắc, từ nơi đóng quân huyện Yên Thành băng qua quãng đường dài với nhiều khu rừng già hiểm trở. Để đảm bảo bí mật, an toàn nên đơn vị của ông phải hành quân vào ban đêm, kéo dài cả tháng trời mới tới được Điện Biên Phủ. Đó là một hành trình băng rừng, lội suối với địa hình phức tạp, những quả đồi núi cao, những con dốc lớn, những con đường bí mật xuyên rừng cùng những con suối sâu nước chảy xiết. Dù trải qua hành trình gian khổ, vất vả, hiểm nguy nhưng tinh thần của các chiến sĩ bộ đội và dân công ta luôn bừng bừng khí thế, ý chí quyết tâm đánh thắng kẻ thù luôn mãnh liệt”.

Khi tới Tây Bắc, đơn vị của ông được lệnh đóng tại Mộc Châu tiếp tục huấn luyện, sẵn sàng chi viện cho chiến dịch. Tại đây, vì nhiệm vụ cần kíp ông được cử sang làm trinh sát pháo binh, ngành thông tin 701 thuộc tiểu đoàn pháo binh của Sư đoàn 335.

Ông nhớ lại không khí toàn thắng của dân tộc ta: “Trong lúc chúng tôi vẫn miệt mài luyện tập để sẵn sàng chi viện cho chiến trường Điện Biên thì nghe tin chiến dịch toàn thắng, lúc đó không có một từ nào diễn tả nổi, tất cả anh em dừng việc luyện tập, ôm chầm lấy nhau xúc động trong niềm hạnh phúc vô bờ”.

Ông Trần Văn Liêu (ngồi hàng đầu thứ 3 từ trái sang) dự lễ kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tổ chức tại Thanh Hóa

Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông Liêu tiếp tục phục vụ trong quân đội với vai trò là trinh sát pháo binh của Sư đoàn 335, đến năm 1960, ông phục viên về địa phương công tác và sinh sống.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà cho ông Trần Văn Liêu

Tại địa phương, ông Trần Văn Liêu rất tích cực tham gia vào công tác hội nông dân xã, xã đội trưởng và phó chủ tịch xã. Ở bất kỳ công việc nào ông cũng luôn hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao và luôn được cơ quan khen thưởng, được nhân dân tin yêu, kính trọng.

Nhà báo chiến trường lão luyện 

Cũng trên địa bàn huyện Yên Thành, cách nhà ông Liêu chừng 5km về phía bắc của xã Hùng Thành, chúng tôi tìm về xóm Ngọc Thành, dưới những tán cây nhãn, cây xoài lâu năm xum xuê là ngôi nhà nhỏ mộc mạc của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, nhà báo Nguyễn Thế Viên, năm nay đã tròn 94 tuổi.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với vị trí là phóng viên của báo Quân đội nhân dân, ông đã vượt lên rất nhiều khó khăn gian khổ, thiếu thốn và đạn bom của quân thù để có những trang viết chân thực, phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ông Nguyễn Thế Viên (hàng đầu thứ 4 từ phải sang) dự lễ kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tổ chức tại Thanh Hóa

Ông Nguyễn Thế Viên sinh ra và lớn lên trong một nhà nho giàu truyền thống cách mạng. Tháng 1 năm 1951, khi vừa học xong lớp đệ tứ Trường tư thục Lê Doãn Nhã, ông tham gia viết tin gửi cho tờ tin của Sư đoàn 312, báo Quân đội nhân dân về các trận đánh, nêu gương các chiến sĩ trung kiên, dũng cảm, được ban biên tập báo khen ngợi, cổ vũ. Từ đó, ông càng có thêm động lực, hăng say cầm bút rồi trở thành phóng viên của tờ báo Quân đội nhân dân, rồi phóng viên của Thông tấn xã. 

Với sự minh mẫn và tự hào, ông Viên kể lại: “Năm 1951, tôi bắt đầu tham gia lực lượng thanh niên xung phong và thực hiện nhiệm vụ rà, phá bom mìn trên các tuyến đường huyết mạch ở Sơn La để quân đội ta tiến vào Điện Biên Phủ. Năm 1953, tôi được bổ sung vào quân đội và tham gia chiến đấu. Lúc này, chiến sự ở Điện Biên Phủ đang có nhiều biến chuyển ác liệt nên tôi vừa cầm súng chiến đấu vừa viết tin, viết bài gửi về tòa soạn. Những tin, bài hồi đó còn sơ sài nhưng đều được đăng đều đặn trên báo Quân đội nhân dân, góp phần đưa tin nhanh về chiến sự tại Điện Biên Phủ đến với công chúng cả nước”.

Trong thời gian chiến đấu ở Điện Biên Phủ, sự kiện làm ông nhớ nhất là tham gia tác nghiệp tại trận mở màn chiến dịch, trận đánh cứ điểm Him Lam ngày 13/3/1954. Đây là trận chiến ác liệt nhất, trong trận này ông chứng kiến và ghi lại sự hy sinh anh dũng của anh hùng Phan Đình Giót đã chiến đấu kiên cường và dũng cảm lấy thân mình lấp lỗ châu mai, dập tắt hỏa lực của địch, tạo điều kiện cho đơn vị xông lên tiêu diệt cứ điểm.

Trận này, ông cũng chứng kiến anh hùng Trần Can, người hiên ngang dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt đầu cầu để xông vào sở chỉ huy, tiêu diệt địch còn lại trong hầm ngầm, bắt 25 tên địch, thu nhiều vũ khí, cắm lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” lên trung tâm cứ điểm Him Lam. Đây là lá cờ đầu tiên quân ta cắm trên cứ điểm địch tại chiến trường Điện Biên Phủ.

Ông Nguyễn Thế Viên say sưa kể về những ngày đêm khói lửa trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

Tiếp đó, trong chiến dịch Điện Biên Phủ sáng ngày 7/5/1954, nhà báo Nguyễn Thế Viên cũng tham gia chiến dịch cùng đơn vị Trần Can. Ông xúc động kể lại: “Trận này địch phản kích dữ dội, hòng đánh bật quân ta giành lại cửa ngõ tiến vào Mường Thanh. Anh hùng Trần Can đã chỉ huy đơn vị đánh tan từng đợt phản kích của địch, kiên quyết giữ vững trận địa, tạo đà cho đơn vị tiến công vào trung tâm Mường Thanh. Trong lúc chỉ huy bộ đội đánh địch phản kích, giữ vững trận địa, thì một đợt hỏa lực mạnh của địch bất ngờ ập xuống, Trần Can trúng đạn và anh dũng hy sinh, khoảng một giờ sau kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ”.

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Nguyễn Thế Viên rời quân ngũ về làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi chuyển sang làm phóng viên báo Thông tấn xã. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bùng nổ, ông Viên lại một lần nữa “xông pha” trận mạc với nhiệm vụ phóng viên chiến trường.

Ông cho biết: “Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bắt đầu ác liệt. Để đưa thông tin nhanh về tinh thần chiến đấu của quân và dân ta khu vực Thanh - Nghệ - Tĩnh, tôi lại vào tham gia chiến trận, viết tin bài gửi về tòa soạn báo Thông Tấn xã Việt Nam. Năm 1968, tôi được điều về làm phóng viên báo Quân giải phóng (báo Quân đội Nhân dân Việt Nam khu vực Miền Nam) và đi đến các chiến trường ác liệt để đưa tin. Đây cũng là thời điểm khó khăn, gian khổ trong hành trình làm phóng viên chiến trường”.

Đối với ông, dù có đánh đổi bằng xương máu cũng phải chuyển được thông tin về tòa soạn. Ông Viên nói: “Năm 1969, khi tiểu đội chúng tôi tiến vào An Khê, Bình Định để lấy tin hoạt động cách mạng bí mật thì bất ngờ bị địch phục kích khiến 1 chiến sĩ hy sinh. Tôi cũng bị địch bắn bị thương ở bụng nhưng vẫn cố hết sức lấy thông tin để viết bài. Năm 1974, khi tôi tiến gần để chụp ảnh chiếc máy bay địch bị quân ta bắn cháy ở sân bay An Khê, Bình Định thì bị địch câu pháo. Lúc đó, tôi bị pháo nổ làm hỏng một mắt, quai hàm bị gãy, toàn bộ máy ảnh và các tư liệu bị hư hỏng. Đó là lần tôi bị trọng thương buộc phải lui về khu vực hậu chiến điều trị”. 

Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước đi qua, ông Nguyễn Thế Viên lại trở về quê hương với cuộc sống mới. Để nuôi sống bản thân và gia đình, ông nhận một mẫu đất hoang rồi cải tạo trồng cây, nhận 1ha rừng trồng keo, một mẫu ao thả cá. Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, nhà báo Nguyễn Thế Viên còn hăng hái cầm bút viết tin, viết bài cho nhiều tờ báo. Nhà báo cho biết, dù tuổi cao sức yếu nhưng nghề báo đã thấm vào máu, là niềm đam mê. Năm 1986, ông về nghỉ hưu, hưởng chế độ thương binh 2/4. Ngoài ra, ông còn được bầu làm chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ xã Hùng Thành kiêm phụ trách chi hội Thơ Đường của huyện Yên Thành.

Ông Nguyễn Thế Viên với các đồng đội

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử”. Ý chí quật cường, sự hy sinh quả cảm vì Tổ quốc thiêng liêng của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa mãi được khắc ghi trong trang sử vàng của dân tộc, là nguồn động lực tinh thần vĩ đại cho khát vọng xây dựng thành công đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, văn minh, phồn vinh và hạnh phúc.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia – sự kiện văn hóa thường niên, đã trở thành biểu tượng của nền xuất bản Việt Nam, không ngừng lan tỏa giá trị tri thức, văn hóa và góp phần xây dựng xã hội học tập.
2024-11-22 22:15:00

Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á phẫu thuật nhân đạo cho người nghèo tại Hải Phòng

Sáng 22/11, Đoàn công tác của Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á (APBA) do Giáo sư Bác sĩ Hattori Tadashi - Giám đốc dẫn đầu, đến khám và phẫu thuật nhân đạo cho bệnh nhân nghèo, mắc bệnh nặng về dịch kính võng mạc tại Hải Phòng.
2024-11-22 19:05:20

Fansipan rực rỡ sắc màu lễ hội hoa sen đá, giá vé cáp treo chỉ còn 550.000 đồng

Lầu đầu tiên được tổ chức tại Fansipan, Lễ hội hoa sen đá đem đến vô vàn trải nhiệm độc đáo cho du khách, đặc biệt khi Sa Pa đang vào mùa mây đẹp nhất năm.
2024-11-22 18:47:26

HEAD Honda Thắng Lợi lưu chuyển tiền thuần âm và chiến lược vượt khó

Mặc dù trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Công ty TNHH Thắng Lợi âm 225 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm hơn 1,7 tỷ đồng nhưng kết thúc năm 2023, công ty TNHH Thắng Lợi đạt hơn 711 tỷ đồng doanh thu, báo lãi sau thuế hơn 260 triệu đồng.
2024-11-22 17:40:02

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chặng đường tiếp theo của Việt Nam và Malaysia cũng như việc bảo đảm một hệ thống quốc tế công bằng, rộng mở phụ thuộc lớn vào sự phát triển vững mạnh của ASEAN.
2024-11-22 14:08:22

Hợp tác xã Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường kỷ niệm 10 năm thành lập

Hợp tác xã (HTX) Cựu chiến binh (CCB) Vạn Xuân Trường là mô hình được thành lập theo Luật HTX năm 2012, qua 10 năm hoạt động đã vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế tập thể, là HTX tốp đầu của tỉnh Nam Định về sản xuất kinh doanh.
2024-11-22 09:34:27
Đang tải...