Người CCB trên đất mỏ làm nông nghiệp sạch
Đất khai trường đóng cửa mỏ được hoàn thổ, tái tạo thành trang trại chăn nuôi-trồng chọt ra sản phẩm nông nghiệp sạch.
Là những người bạn cùng chung chiến hào trong kháng chiến, rời tay súng về quê hương cùng làm kinh tế vốn đã thân mật, lại khéo gợi chuyện nên Trần Hòa mới cởi lòng tâm sự. Mình sinh trưởng ở vùng mỏ, gia phả mấy đời làm thợ mỏ, khi rời ghế nhà trường thì lên đường nhập ngũ vào một đơn vị thường trực chiến đấu và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Khi ấy đất nước ta còn nghèo, giao thông lại cách trở. Mùa mưa, vùng Đông Bắc lũ rừng kéo về các điểm chốt trên cao nhiều ngày liền như các hòn đảo bốn bề là nước, thác lũ phong tỏa, đường tiếp phẩm ắc tắc. Chính đơn vị mình là nơi phát tích câu chuyện hài “ bát canh Đại dương”; và chính anh lính Trần Hòa cũng từng thầm mong, hết chiến tranh về quê được ăn “vã” một bữa thịt lợn thỏa thích.
Khi mặt trận yên tiếng súng, anh lính Trần Hòa được xuất ngũ về địa phương. Nhưng cái ước mơ bé nhỏ được ăn “vã” một bữa thịt lợn thỏa thích cũng khó. Bởi nền kinh tế bao cấp con cá-lá rau phải tem phiếu, cả gia đình năm bảy miệng ăn một tháng chỉ được phân phối cân thịt lợn mậu dịch. Làng mỏ nhà ai cũng vậy phải căn cơ, mua tem phiếu thịt lợn phải phân ra sao cho có xương-có mỡ. Xương thì băm vụn kho mặn để ăn dè, mỡ thì rán quoắt tóp chắt nước bỏ liễn treo cao, đến bữa nổi lửa cho rau lướt ván qua mỡ. Nay món đậu lướt ván nên thương hiệu, phổ biến ẩm thực đường phố ở vùng mỏ.
Rời quân ngũ CCB Trần Hòa theo chân cha anh làm nghề mỏ; và tiếp tục dùi mài bút nghiên vừa học vừa làm, rồi khoa cử Cử nhân quản trị kinh doanh. Trần Hòa tiến bộ trong công tác, từng điều hành khai trường và quản lý xuất nhập than của ngành mỏ. Nhưng Trần Hòa vẫn đau đáu nỗi lòng với nghề nông chăn nuôi-trồng chọt, trước là để cải thiện bữa ăn cho gia đình mình-sau là đáp ứng tại chỗ nguồn thực phẩm tươi sống cho thị trường vùng than.
CCB Trần Hòa sinh trưởng trên đất mỏ lại giàu ý trí nghiên cứu-ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào bảo tồn, nhân giống đàn lợn, đàn gia cầm bản địa và nhập ngoại có thương hiệu, giá trị thương phẩm cao.
CCB Trần Hòa nhiều lần dành cả kỳ nghỉ phép năm, len lỏi đến vùng ngoại thị tìm kiếm đất canh tác nhưng không thành, đâu đâu cũng “tấc đất tấc vàng” ruộng vườn đều do HTX nông nghiệp quản lý. Sau nhiều đêm trăn trở với suy nghĩ tận dụng bãi thải cũ, khai trường đã đóng cửa mỏ làm cơ sở sản xuất nông nghiệp. Được gia đình và chính quyền địa phương ủng hộ, CCB Trần Hòa có lưng vốn trên 2 tỷ đồng lập nghề tay trái theo hướng phần thuê đất có thời hạn, phần nhượng lại quyền sử dựng đất của các chủ sở hữu trên thổ đất khai trường cũ, của mỏ than đóng cửa từ thời thuộc Pháp, thời gian phong hóa đất đồi đã cơ bản hoàn nguyên, chỉ cần cải tạo lại thổ nhưỡng là có thể mở nghề (VAC) vườn ao chuồng. Và Trần Hòa đã lập được cơ sở tăng gia, trang trại ở tổ 2 khi I phường Cửa Ông.
Khi đủ tuổi về hưu rời nghề mỏ, với CCB Trần Hòa thì nghề tay trái canh nông lại trở thành nghề tay mặt thay thế nghề làm than. Doanh nghiệp mà CCB Trần Hòa làm Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc xác định ngành chăn nuôi là ngành mũi nhọn, chăn nuôi theo khoa học-công nghệ tiên tiến, đầu tư xây dựng trang trại bảo tồn- nhân giống gia xúc-gia cầm bản địa-nguyên thủy (hạt nhân); và tập trung nuôi lợn hướng nạc công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi, trồng trọt; tạo và lai ghép nhiều giống mới, tăng giá trị, chất lượng sản phẩm, tiết giảm nhân công lao động, cải thiện môi trường, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp.
CCB Trần Hòa đã nhập lợn giống gốc, thiết bị dây chuyền chăn nuôi từ các nước trên thế giới có nền nông nghiệp chăn nuôi phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ phát triển chăn nuôi theo hướng tự động, công nghệ cao, nghiên cứu đầu tư lai tạo các loại giống lợn ngoại với giống lợn Móng Cái, lợn VCN-MS 15, lợn Hương, kết nối với các tập đoàn giống vật nuôi trên thế giới cùng quản lý di truyền, dinh dưỡng và cung cấp giống lợn ra thị trường.
Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp của CCB Trần Hòa nuôi giữ giống gốc lợn thuần chủng Móng Cái, lợn GGP và phát triển nguồn gen giống lợn Hương.
Hiện CCB Trần Hòa có 7 trại chăn nuôi lợn tập trung, tổng diện tích sử dụng đất là 350 ha; với tổng đàn lợn trên 65.000 con, bao gồm trại lợn giống hạt nhân âm tính với quy mô 1.750 lợn nái cụ kỵ, ông bà gồm các dòng: Pietrain, Duroc, Landrace, Yorkshire, Hampshire, được quản lý và sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế với thiết bị được nhập khẩu 100% từ Đan Mạch và kết nối quản lý với tập đoàn giống JSR của Anh Quốc. Sản phẩm hàng năm đạt trên 15.000-20.000 lợn nái bố mẹ và 3.000 đực giống.
Bốn trại chăn nuôi tập trung lợn hướng nạc công nghệ cao tổng diện tích chuồng trại 250ha tại thành phố Cẩm Phả, quy mô 5.000 nái được đầu tư theo hướng hiện đại công nghệ cao. Hệ thống cho ăn tự động, hệ thống điều hoà không khí bằng hơi nước theo công nghệ cao nâng cao hiệu quả sản xuất, sản lượng hàng năm đạt trên 12.000 tấn lợn hơi. 4 Khu chăn nuôi, bảo tồn các giống lợn quốc gia gồm lợn bản địa thương hiệu lợn Móng Cái, lợn Hương, lợn VCN-MS 15...sản lượng hàng năm đạt trên 3.000 tấn lợn hơi xuất chuồng và trên 10.000 con giống.
Khu chăn nuôi thực hiện chương trình nuôi giữ giống gốc vật nuôi quốc gia được Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường giao nhiệm vụ nuôi giữ giống gốc lợn Móng Cái, lợn GGP, vịt biển… CCB Trần Hòa phối hợp thực hiện các nhiệm vụ cùng Viện chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường khai thác và phát triển nguồn gen lợn Hương, khai thác và phát triển nguồn gen gà Hắc Phong và gà Tò, chăn nuôi gà lai hướng trứng GB thuộc chương trình Xây dựng mô hình chăn nuôi gà lai hướng trứng GB….;phối hợp với Học Viện nông nghiệp Việt Nam thực hiện dự án Bảo tồn nguồn gen lợn Móng Cái trên địa bàn Quảng Ninh từ năm 2021-2025.
CCB Trần Hòa phối hợp với Viện chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên phát triển nguồn gen giống gà Hắc Phong; gà tiến vua làng Tò, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) và gà râu thương hiệu gà Tiên Yên.
Doanh nghiệp của CCB Trần Hòa không ngừng tái sản xuất mở rộng, đang đầu tư xây dựng Khu chăn nuôi tập trung công nghệ cao, sản xuất chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, phân bón hữu cơ tại thôn Nước Đừng, huyện Ba Chẽ; diện tích 200 ha, quy mô 5.000 con lợn nái sinh sản, 60.000 con lợn thương phẩm, 150.000 con gia cầm, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm công suất 1.500 tấn/tháng. Đầu tư Khu chăn nuôi, bảo tồn phát triển giống lợn thuần chủng Móng Cái tại xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái; diện tích 150 ha, quy mô 1.500 con lợn nái sinh sản, 15.000 con lợn thương phẩm.
Cơ sở sản xuất của CCB Trần Hòa, chăn nuôi gà lai hướng trứng GB thuộc chương trình Xây dựng mô hình chăn nuôi gà lai hướng trứng GB, ứng dụng dây chuyền công nghệ nuôi gà tự động.
Trong những ngày cả nước vui mừng đón chào kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025); và đất nước bước vào kỷ nguyên mới… CCB Trần Hòa có nguyện vọng đề xuất Quảng Ninh và cả nước cần quan tâm bảo tồn và phát triển các giống gia xúc-gia cầm bản địa có thương hiệu, thương phẩm, giá trị kinh tế cao; con giống là vấn đề cấp thiết, hàng đầu trong các biện pháp phát triển sản xuất chăn nuôi.
Cơ sở chăn nuôi của CCB Trần Hòa mở cửa hàng giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đề nghị Tỉnh hỗ trợ kinh phí nuôi giữ giống gốc, sản xuất giống gốc gia xúc-gia cầm. Nhà nước nên hỗ trợ Vaccine phòng bệnh, vật tư hóa chất tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh gia xúc-gia cầm cho nông dân theo chương trình xây dựng nông thôn mới và các cơ sở bảo tồn-nhân giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao; miễn giảm thuế đất, thuế tài nguyên nước, hỗ trợ hạ tầng xây dựng như đường giao thông, điện, nước đến hàng rào chân công trình khu chăn nuôi tập trung, nuôi giữ giống gốc gia xúc-gia cầm theo luật đầu tư.
Biến khai trường mỏ đã đóng cửa thành trang trại và phát triển du lịch sinh thái.
Những đề xuất của CCB Trần Hòa là phù hợp với chính sách khuyến nông; và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm xác định: “Kinh tế tư nhân đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, thể hiện qua những đóng góp quan trọng vào GDP, tạo việc làm cho người lao động...” Đảng Nhà nước hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân bằng cách triển khai quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp nhằm giảm chi phí đối với hoạt động sản xuất. CCB Trần Hòa mở trang trại chăn nuôi ở vùng than, còn gợi mở hướng sử dụng tài nguyên đất đai, biến khai trường mỏ đã đóng cửa vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế xanh bền vững rất đáng quan tâm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.