Cách tính lương phụ cấp cho giáo viên dạy ở lớp có trẻ khuyết tật
Hiện nay có nhiều giáo viên dạy các lớp có trẻ em khuyết tật tham gia học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập thắc mắc, dạy các lớp có học sinh khuyết tật tuy nhiên lại không nhận được chế độ của giáo viên dạy trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
Để bạn đọc nắm rõ "trẻ em như thế nào là trẻ khuyết tật?", "Giáo viên dạy trẻ được hưởng chế độ như thế nào?", "Hồ sơ hưởng chế độ ra sao?", thầy giáo Bùi Nam sẽ làm rõ các nội dung trên và hướng dẫn cách tính tiền phụ cấp trách nhiệm cho vấn đề này.
Chế độ phụ cấp cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật hòa nhập được quy định như thế nào? (Ảnh minh họa)
Trẻ khuyết tật gồm những dạng nào
Nghị định số: 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật có quy định chung tại Điều 2. Dạng tật như sau:
1. Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.
2. Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.
3. Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.
4. Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.
5. Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.
6. Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp được quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
Về mức độ khuyết tật chia làm 3 loại khuyết tật đặc biệt nặng không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, khuyết tật nặng có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% và khuyết tật nhẹ có khả năng tự phục vụ sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng lao động dưới 61%.
Ủy ban cấp xã hoặc tương đương cấp giấy chứng nhận khuyết tật
Tại Thông tư số: 01/2019/TT-BLĐTBXH quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.
Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã) quyết định thành lập.
Sau khi thành lập hội đồng, nếu hội đủ điều kiện thì Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã sẽ cấp giấy chứng nhận khuyết tật theo mẫu.
Giấy chứng nhận khuyết tật là căn cứ để học sinh được hưởng chế độ dành cho người khuyết tật, cũng như căn cứ để chi trả phụ cấp trách nhiệm dành cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật hòa nhập.
Điều kiện để giáo viên dạy trẻ khuyết tật hòa nhập hưởng chế độ
Mục 2 Điều 2 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT quy định: Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật là phương thức giáo dục chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục.
Lớp học hòa nhập là lớp học có người khuyết tật học tập cùng với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục.
Như quy định trên, tất cả các giáo viên có dạy học sinh khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật của cấp ủy ban xã sẽ được hưởng phụ cấp trách nhiệm dành cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật hòa nhập.
Lưu ý là học sinh phải được cấp giấy chứng nhận khuyết tật, thì giáo viên dạy lớp có học sinh đó mới được hưởng phụ cấp trách nhiệm.
Điều kiện để giáo viên được hưởng phụ cấp trách nhiệm dạy trẻ khuyết tật
Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập được quy định tại Điều 5 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật, cụ thể như sau:
Sắp xếp, bố trí các lớp học phù hợp với người khuyết tật; đảm bảo mỗi lớp học hòa nhập có không quá 02 (hai) người khuyết tật. (Trừ trường hợp đặc biệt).
Tuy nhiên không phải có học sinh khuyết tật trong lớp là giáo viên được hưởng phụ cấp, muốn được hưởng phụ cấp nhà trường, giáo viên phải đảm bảo các yêu cầu sau:
Thứ nhất, học sinh phải được cấp giấy chứng nhận khuyết tật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tương đương.
Thứ hai, đầu năm học các trường phải lập và gửi danh sách học sinh khuyết tật hòa nhập về cơ quan quản lý ủy ban huyện, sở/ phòng giáo dục để phê duyệt danh sách lớp có học sinh khuyết tật hòa nhập.
Thứ ba, nhà trường phải xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập; tư vấn, định hướng nghề nghiệp phù hợp nhu cầu và khả năng của người khuyết tật.
Thứ tư, mỗi giáo viên dạy trẻ khuyết tật hòa nhập phải có kế hoạch cá nhân để giảng dạy trẻ khuyết tật hòa nhập.
Bên cạnh phân công của nhà trường, hồ sơ quyết toán, chi trả phụ cấp trách nhiệm cho giáo viên dạy trẻ giáo dục hòa nhập (do hiệu trưởng và kế toán thực hiện).
Chế độ giáo viên dạy trẻ giáo dục hòa nhập
Căn cứ Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 113/2015/NĐ-CP.
Điều 5 Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH nêu rõ cách tính, hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật, cụ thể:
Việc tính, hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 8 Nghị định số 113/2015/NĐ-CP như sau:
- Cách tính tiền phụ cấp trách nhiệm công việc hằng tháng.
- Cách tính phụ cấp trách nhiệm người khuyết tật dạy trẻ khuyết tật được hưởng phụ cấp trách nhiệm mỗi tiết dạy là 0,2.
Cụ thể mỗi tiết dạy trẻ khuyết tật hòa nhập giáo viên được hưởng thêm 20% số tiền của mỗi tiết dạy của cá nhân đó.
Do đó, người có số tiết dạy trên lớp nhiều và mức lương cao thì phụ cấp trách nhiệm dạy trẻ giáo dục hòa nhập càng cao.
Ví dụ 1: một giáo viên dạy Toán 4 tiết mỗi tuần tại trường trung học cơ sở dạy lớp giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật có tiền lương dạy 1 giờ là 150.000 đồng thì được hưởng phụ cấp dạy 1 lớp trên như sau: 0.2 x 150.000 x 4 tiết/tuần x 35 tuần tổng cộng được hưởng khoảng 4,2 triệu đồng mỗi năm học cho lớp có trẻ khuyết tật hòa nhập.
Ví dụ 2: một giáo viên môn Sinh học dạy 2 tiết mỗi tuần, giáo viên có tiền lương 1 giờ là 120,000 đồng thì được hưởng phụ cấp trách nhiệm như sau: 0.2 x 120,000 x 2 tiết/tuần x 35 tuần khoảng 1,68 triệu đồng mỗi năm.
Tất nhiên có nhiều lớp có học sinh khuyết tật thì giáo viên sẽ có thêm nhiều khoản thu nhập từ dạy trẻ hòa nhập.
Do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mỗi lớp không quá 2 học sinh khuyết tật để cho các em hòa nhập nên các giáo viên trên chỉ được hưởng phụ cấp trách nhiệm bên cạnh các chế độ khác của nhà giáo theo quy định pháp luật.
Trên đây là toàn bộ những vấn đề về quy định, tiêu chuẩn, điều kiện, và cách tính hưởng phụ cấp trách nhiệm của giáo viên dạy trẻ giáo dục hòa nhập dành cho lớp có trẻ khuyết tật.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.