Tiểu đoàn 1 Long An, Quân khu 7: Đại đội trưởng Mười Tâm – Niềm tin trong những trận chiến đấu khốc liệt
Chân dung đồng chí Nguyễn Minh Tâm (Mười Tâm)
Chuyện xưa và ngày gặp lại
Thời chiến tranh, không hiểu sao, khi tôi về Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 Long An thì được cử ngay làm liên lạc đại đội. Cụ thể là làm liên lạc cho đồng chí Nguyễn Minh Tâm (Mười Tâm), Đại đội trưởng Đại đội 2. Lúc đầu tôi còn rất bỡ ngỡ, nhưng sau đó, gần với tác phong chiến đấu nhanh lẹ của anh Mười Tâm, tôi cũng nhanh chóng thích nghi theo, hoàn thành mọi nhiệm vụ. Những trận chiến đấu ác liệt diễn ra, địch chết rất nhiều, anh em ta hy sinh và bị thương cũng không ít. Sự khốc liệt của chiến trường đã làm cho suy nghĩ của tôi đanh lại. Đặc biệt, tôi càng khâm phục bản lĩnh chỉ huy chiến đấu dũng cảm của Thủ trưởng Đại đội Mười Tâm.
Ngoài những kỷ niệm với anh Mười Tâm trong chiến đấu, anh còn coi tôi như đứa em trong nhà. Một lần, sau 1975, lúc ấy mới giải phóng miền Nam, đơn vị đang đóng quân ở Láng Cò (Xã Phú Mỹ, huyện Thủ Thừa), tôi có ông bác ruột (anh bố tôi) ở Sài Gòn xuống thăm. Nghe tôi giới thiệu, anh Mười Tâm tiếp đón rất chu đáo. Ồng bác tôi rất vui và mời anh Mười Tâm lên Sài Gòn chơi. Thế là vài hôm sau, anh Tâm bảo tôi đi. Tìm mãi mới đến nhà người bác. Cuộc gặp gỡ giao lưu hôm ấy diễn ra rất vui, lại nhiều ấn tượng và tình cảm sâu sắc. Mọi thành viên gia đình bác tôi đều rất quý anh Tâm và tôi, hãnh diện vì có bộ đội giải phóng đến nhà. Bác tôi cười bảo: “Mười Tâm chơi được đấy”. Anh Tâm cũng cười lớn: Con và Văn là anh em mà bác ! Người bác tôi đã mất từ lâu, nhưng kỷ niệm ấy, tôi và anh Tâm không bao giờ quên được.
Thế rồi bẵng đi mấy chục năm, tôi chuyển ngành, đi học Đại học rồi chuyển công tác về Bắc. Tuy nhiên, lúc nào tôi cũng nhớ đến anh Mười Tâm - người anh, người đại đội trưởng đặc biệt trong suốt cuộc đời cầm súng của tôi, nhưng không có cách nào liên lạc được, không biết anh còn sống hay đã mất ? Thật là may mắn, vào dịp thăm lại chiến trường xưa 30/4/2021 vừa qua tại Long An và Quân khu 7, tôi đã gặp lại được anh Mười Tâm tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Tôi đứng lặng một lúc rồi ôm chầm lấy anh, nước mắt trào ra. Anh cũng vậy, hỏi tôi: Giờ mày ở đâu ? Tôi nói: Em chuyển ra Hà Nội rồi, nghỉ hưu, hiện tham gia Ban Liên lạc Hội Cựu chiến binh Tiểu đoàn 1 Long An. Vậy à - anh nói - và kéo tôi ngay vào bàn nhậu. Anh vẫn tác phong thế, còn quá linh hoạt so với tuy tuổi 75 của anh. Tôi nâng ly rượu sau gần 50 năm mới gặp lại anh, “keng” một cái rồi dốc cạn cùng anh, thấm thía nghĩa tình. Rồi tôi nhìn anh kỹ hơn, anh không thay đổi mấy, vẫn dáng người nhỏ con, gương mặt tinh nhanh, nói năng rõ ràng dứt khoát và đặc biệt là rất nhớ chuyện đánh giặc ngày xưa. Lòng tôi bỗng trào lên thương anh. Dường như lịch sử đã chọn anh phải có mặt ở những nơi khốc liệt nhất của chiến tranh, và có lẽ, lịch sử cũng “ưu tiên” cho anh để còn sống đến ngày hôm nay. Phải đã từng chiến đấu ở bên anh mới biết, anh còn sống đến hôm nay là điều hết sức lạ kỳ. Và hạnh phúc ngày gặp lại hôm nay của anh cũng chính là niềm tự hào của chúng tôi - những cựu chiến binh Tiểu đoàn 1 Long An anh hùng !
Sáng ngày 8/5/2021 Ban Liên lạc Hội Cựu chiến binh Tiểu đoàn 1 Long An chúng tôi do anh Đàm Đức Hoành - Trưởng Ban Liên lạc Hội (các tỉnh phía Bắc) làm trưởng đoàn, Đại tá Nguyễn Văn Nhiều - Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Long An, đại diện cho Ban Liên lạc phía Nam và tôi - Nguyên trợ lý chính trị Tiểu đoàn 1 Long An đã đến thăm gia đình anh Mười Tâm tại Ấp 4, Xã Phước Vĩnh An, Huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Đó là một khu đất rộng chừng 1 ha đất. Anh và vợ anh là chủ một trang trại chăn nuôi heo, nghe nói rất hiệu quả. Vợ anh là một phụ nữ giỏi giang, rất mực thương yêu anh. Khi anh đang tiếp chúng tôi, chị lặng lẽ đem cho anh cốc sữa nóng bắt phải uống, vì biết rằng lát nữa anh nhậu với anh em nên chị phải “thủ sức” cho anh. Anh là một Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi nhiều năm qua, có nhiều đóng góp cho xã hội và địa phương. Hiện anh là Chủ nhiệm Câu lạc bộ kinh tế Cựu chiến binh huyện. Tiếp chúng tôi trong cái không gian “vừa làm việc, vừa tiếp khách”, giọng anh Mười Tâm vẫn sang sảng y nguyên như năm xưa, nhưng chứa đựng đầy tình cảm với anh em đồng chí. Tôi hỏi vui anh Mười Tâm: Nhà anh có rượu không ? Anh dãn cả cơ mặt ra và chỉ tay vào trong nhà: “Đ…má, mấy anh nhìn thấy mấy cái hũ bự trong kia không. Nhưng thôi, bữa nay mời uống bên nhà hàng cho đàng hoàng”. Mọi người cười lớn, “khen” cái oai vệ - thô tục - thói quen - vốn có - của Mười Tâm. Sau khi thăm hỏi và làm xong việc thu thập tài liệu chuẩn bị cho cuốn sách viết về Tiểu đoàn 1 của Hội, Mười Tâm đưa chúng tôi sang nhà hàng. Một bữa tiệc thịnh soạn diễn ra, không khí thật vui vẻ, ấn tượng, thỏa lòng sau bao nhiêu năm tháng anh em còn sống nay mới tìm gặp được nhau. Khi chia tay, anh Mười Tâm còn dúi vào tay tôi đưa lên xe can rượu thuốc bổ quý tặng anh em mà anh tự tay ngâm…
Đồng đội ngày gặp lại
Những năm tháng khốc liệt
Đồng chí Nguyễn Minh Tâm quê ở Bến Tre, anh nhập ngũ năm 1965. Năm 1970 anh về Tiểu đoàn 1 Long An, đúng vào lúc đơn vị được Đảng, nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân lần thứ nhất. Qua nhiều năm chiến đấu chống Mỹ ở chiến trường Long An, anh trưởng thành từ cán bộ Tiểu đội, lên Trung đội rồi Đại đội. Ở cương vị nào anh cũng tỏ ra là một cán bộ chỉ huy xuất sắc, mưu trí linh hoạt, dũng cảm kiên cường, chủ động tiến công tiêu diệt địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sau 1975, sau khi tham gia đánh quân Pôn Pốt bảo vệ biên giới Tây Nam, cuối năm 1982, anh ra quân khi ở cương vị Tiểu đoàn phó đã hoàn thành nhiệm vụ. Cả cuộc đời bộ đội của anh, đó là chặng đường liên tục cầm súng đánh giặc. Trải qua những năm tháng cam go nhất, nói đến anh, cả đơn vị thường nhắc đến một Mười Tâm nhanh nhẹn, nóng tính, thương yêu anh em đồng đội và cấp dưới, sống nghĩa tình, nhưng đồng thời, còn là một Mười Tâm dũng mãnh, sáng tạo trong chỉ huy các trận đánh, đặc biệt là ở những khi xuất hiện tình thế khốc liệt nhất. Bản lĩnh chiến đấu xuất sắc trong anh thường toả sáng trong những thời khắc này. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, anh đã được trao tặng 3 Huân chương chiến công giải phóng các hạng Nhất, Nhì, Ba. Ba Huân chương chiến sỹ giải phóng các hạng Nhất, Nhì, Ba. 1 Huy chương kháng chiến hạng Nhất và nhiều lần đi dự hội nghị báo cáo thành tích chiến đấu ở Tỉnh, Phân khu và Miền.
Năm 1973, Tiểu đoàn 1 tổ chức đánh trận Kênh Ngay ở Bình Đức (Thủ Thừa). Trong đêm hôm trước, Đại đội 1 đã đánh địch, sáng hôm sau, địch điều tiểu đoàn 311 lên giải tỏa. Nhận nhiệm vụ, lập tức Mười Tâm chỉ huy đại đội 2 đánh phản kích. Trận địa đón địch được bố trí hình chữ V, đại đội trưởng Mười Tâm ở giữa. Đồng chí Hưng C phó hỏi Tâm: Ngụy trang thế nào ? Tâm nói: Anh ngụy trang thế nào tôi không cần biết, tôi yêu cầu khi nổ súng là phải diệt được địch ngay. Đó là nếp quen chỉ huy của Mười Tâm. Hôm đó, Tiểu đoàn cử đồng chí Vũ Tiến Đông (anh Bảy Đông) - Chính trị viên phó Tiểu đoàn xuống trực tiếp chỉ huy. Bọn địch mò vào trận địa đúng như dự kiến của ta. Các tay súng nằm im chờ địch. Bỗng bọn chúng rẽ ngang, sai với kế hoạch của ta. Lập tức, Tâm cho 12,8 ly nổ, địch chết tại chỗ rất nhiều. Tiếp theo là đạn cối 60 của đồng chí Cúc (quê Bắc Giang) nổ liên tục khóa đường chạy của bọn sống sót. Cuối cùng, còn 3 tên địch lấp ở sau gò đất, bọn chúng bất ngờ bắn chết đồng chí Thông - Chính trị viên đại đội lúc đang chỉ huy, sau đó, chúng bị bắt. Mười Tâm “điên tiết” rút súng ngắn toan bắn cho `mỗi thằng một viên. Đúng lúc anh giơ súng lên thì bàn tay của Bảy Đông giữ lại: Không được bắn vì chính sách tù hàng binh ! Mười Tâm đành phải chấp hành, nén vào lòng niềm đau xót mất người chính trị viên dũng cảm của đơn vị. Trận này ta toàn thắng, tiêu hao 1 đại đội địch, bắt tù binh, thu nhiều vũ khí.
Năm 1973, Tiểu đoàn 1 nhận nhiệm vụ bảo vệ Ban Liên hợp 4 bên, địa điểm tại ngã ba Hàng Gòong, thời gian gặp nhau lúc 9 h. 9h30 đồng chí liên lạc chạy về đơn vị báo trực thăng đổ quân. Biết rõ là bọn địch lật lọng, lập tức ta tổ chức tấn công. Trận đánh kéo dài tới chiều, tối đơn vị trụ lại Giồng Manh Manh. Bộ Chỉ huy lệnh cho Tiểu đoàn 1 không được rời vị trí, củng cố sửa sang công sự chuẩn bị đánh tiếp. Đêm đó, Tiểu đoàn 1 đánh hất toàn bộ quân địch xuống bưng và rút khỏi trận địa. Trận này đơn vị hoàn thành xuất sắc việc bảo vệ Ban Liên hợp 4 bên, làm chủ trận địa, diệt nhiều địch, thu vũ khí.
Năm 1972, trận Kênh Gia Vấn (Thủ Thừa), C2 được tăng cường khẩu đại liên Kalilop và có 2 phóng viên (Trí, Công) xuống quay phim. Mười Tâm bố trí: B1 ở cánh phải, B2 ở cánh trái, B3 đón đánh tàu ở sát sông Vàm Cỏ. Tâm gọi đồng chí Cúc cối 60 sẵn sàng và dặn các tay súng AK phải để địch vào 5 đến 10 mét mới được nổ súng. 9h địch lố nhố mũ sắt ở phía xa, Tâm đề nghị phóng viên nằm sát với anh em. Bọn 311 đổ tàu lên 1 tiểu đoàn nữa do tên Chi khu phó Thủ Thừa Trần Tấn Phát trực tiếp chỉ huy. Tình hình gay go hơn vì lực lượng ta chỉ có 1 đại đội của Mười Tâm thôi. Khi địch vào đúng khoảng cách dự tính, đồng chí liên lạc Đoàn Thế Thơ (quê Bắc Giang) nổ ngay AK, tiếp theo là đồng loạt các loại hỏa lực. Mười Tâm mang đạn cối 60 đưa cho Cúc, giục bắn tiếp. Địch cuống cuồng trước những quả đạn cối nhỏ nhẹ nhưng chính xác, sát thương rất cao của ta. Khi phát hiện thấy tên Trần Tấn Phát bị thương vào cằm, nhưng vẫn lăm le cầm súng bắn lại ta. Mười Tâm nhanh trí xông lên bắn chết tên này. Trận này, ta toàn thắng, diệt 1 C tăng cường và đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 311, bắt sống 11 tù binh, thu rất nhiều vũ khí. Lực lượng Đại đội 2 của ta chỉ có 50 đồng chí.
Cũng trong năm 1973, Tiểu đoàn 1 tổ chức đánh 1 tiểu đoàn địch tại Ấp 6, xã An Thạnh (huyện Bến Lức). Ta sử dụng 2 đại đội, C2 do Mười Tâm chỉ huy và C1 do đồng chí Năm Sửu (một Đại đội trưởng cũng đặc biệt xuất sắc của Tiểu đoàn 1) chỉ huy. Đêm hôm đó, đơn vị hành quân tới trận địa, trời mưa. Mười Tâm bảo đồng chí Thơ liên lạc ở nhà, anh đi bố trí đội hình. C2 nằm ở hướng Bến Lức đi ra, C1 đi từ Vàm Cỏ Đông lên. Địch sử dụng tiểu đoàn 303 do tên Thiếu tá Hoàng tiểu đoàn trưởng chỉ huy. Lúc này đồng chí Thơ bảo Mười Tâm: Công sự em lo rồi, anh nghỉ chút đi. Tâm nói: Không nghỉ được, để tao coi tụi nó đến đâu. Nói rồi Tâm leo lên ngọn cây quan sát, thấy mấy chiếc xe của địch đổ quân. Anh liền tụt xuống, ra lệnh cho cối 60 bắn chặn phía sau, 12,8 ly nổ phía trước và đồng loạt nổ súng vây chặt địch. Bỗng Mười Tâm nghe tiếng tàu chạy ì ì phía bờ sông. Anh nói với Năm Sửu: Tàu đó, chuẩn bị Sửu ơi, nó đổ quân xuống đấy. Năm Sửu bảo: Biết rồi ! Vì biết rõ bản lĩnh chiến đấu của Sửu nên Mười Tâm rất yên tâm. Sau đó, các loại hỏa lực của Sửu đồng loạt nổ tiêu diệt địch. Đến 11 giờ, địch tiếp tục phản kích. Cả C1 và C2 bám sát, khóa chặt đội hình địch. Lúc này Năm Sửu bị thương. Mười Tâm hỏi nhanh: Còn giữ được không, tao tăng cường ? Sửu nói: Không sao, tao giữ được. Trận đánh tiếp tục. Một số lớn xác địch nằm tại trận địa do ta khống chế nên bọn chúng không thể vào lấy ra. Ta tranh thủ củng cố công sự đánh diệt tiếp một số tên bò vào lấy xác. Đến ngày thứ 2, xác địch bị sình lên nhưng chúng cũng không thể vào lấy. Trận này ta đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 303, thu vũ khí. Ta thương vong rất ít.
Đầu năm 1974, tại kênh Thố Mố, Tiểu đoàn 1 đối đầu với 4 tiểu đoàn địch.Trận địa được bố trí khá rộng, đại đội 2 ở mé bên này, các đại đội khác ở mé bên kia. Đầu buổi sáng, địch đi vô, đến gần trưa địch cho tiểu đoàn 320 và 337 đổ quân trên tàu xuống, đánh tới. C2 của Mười Tâm đối diện với tiểu đoàn 305 địch. Cuộc chiến ác liệt diễn ra tới 3 giờ chiều, địch dạt ra, điều tiểu đoàn 337 từ sau lưng thọc tới. Được đại đội 1 yểm trợ, các chiến sỹ đại đội 2 đánh bật địch ra ngoài. Lúc này Mười Tâm lại leo tên cây quan sát. Khi nhìn rõ địch, anh kêu đồng chí Tiến, xạ thủ cối 60 bắn liên tục, kết quả chết 23 tên. Đến chiều, toàn đơn vị vẫn trụ lại đó, ta bị thương 1 (đ/c Định B phó). Buổi tối, ngay cạnh chỗ cây tàn dù đơn vị đang đóng quân, Mười Tâm phát hiện có mấy người đi lại lố nhố. Anh hỏi: Ai đó ? Đáp lại: Tao đây. Lập tức Tâm kéo đồng chí Trường liên lạc nằm xuống vì biết là đụng địch (bọn địch đóng dã chiến, may là Mười Tâm nói tiếng miền Nam, chớ nói tiếng Bắc thì toi rồi) và Trường nổ súng ngay, xung phong bắt được tù binh, thu vũ khí. Sau đó, đơn vị vận động tiếp 800 mét nữa thì gặp anh Năm Nang, Chính trị viên phó tiểu đoàn đang chỉ huy. Lúc này, trong hai thằng tù binh thì phát hiện ra có một thằng là cháu anh Mười Lai (đồng chí Mai Văn Lai - Chỉnh trị viên Tiểu đoàn 1) do bị địch bắt ép đi lính. Mười Tâm đề nghị phóng thích tại chỗ. Trận này, hiệu suất chiến đấu của ta rất cao vì 1 chọi 4 (D1 đối đầu 4 tiểu đoàn địch), đánh thiệt hại nặng lực lượng lớn của địch.
Đồng đội ngày gặp lại
Lời kết
Trong cuốn sách: “Tiểu đoàn 1 Long An - Đơn vị 3 lần anh hùng LLVT nhân dân”, có nhắc đến đồng chí Mười Tâm. Điều đó đúng nhưng chưa đủ, những chiến công xuất sắc của Mười Tâm đã có đóng góp xứng đáng làm lên thành tích vẻ vang của Tiểu đoàn 1. Chính anh là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là niềm tin, là điểm tựa cổ vũ thôi thúc chúng tôi vững chí quyết chiến quyết thắng quân thù. Anh là một trong số những cá nhân của Tiểu đoàn 1 được cho là xứng đáng được phong anh hùng LLVT nhân dân. Nhưng đó là một câu chuyện dài. Với chúng tôi, những người đồng chí, đồng đội của anh, là cấp dưới của anh luôn luôn kính trọng và ngưỡng mộ anh như một người anh hùng cả cuộc đời đã cống hiến vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Khi tôi hỏi thăm về tâm tư, nguyện vọng hôm nay, anh Mười Tâm nói: “Mình còn sống đến hôm nay là hạnh phúc rồi, không tâm tư gì cả, tôi chỉ mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm đến lực lượng Cựu chiến binh thêm ít nữa, tạo điều kiện cho anh em gặp gỡ, giao lưu để phát huy truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng và để ôn lại những ngày gian khổ hy sinh nhằm giáo dục cho con cháu, đây là nguyện vọng chính trị của chúng ta. Riêng anh em Cựu chiến binh Tiểu đoàn 1 Long An cả trong Nam ngoài Bắc, cố gắng xây dựng mô hình kinh tế để nâng cao đời sống gia đình và góp phần hỗ trợ cho anh em đã ngã xuống, chung tay với nhau hỗ trợ cho con em khó khăn. Cùng với chính quyền địa phương, giúp đỡ cho con em phát triển.
Ban Liên lạc Hội Cựu chiến binh Tiểu đoàn 1 Long An, Quân khu 7 đến thăm gia đình đồng chí Mười Tâm (đứng giữa).
Đúng như vậy, đó không chỉ là tình cảm mong muốn của đồng chí Mười Tâm - Người đại đội trưởng tiêu biểu xuất sắc năm xưa của chúng tôi mà chính là ý nguyện tha thiết của tất cả anh em Cựu chiến binh Tiểu đoàn 1 Long An, của cựu chiến binh Việt Nam đang sinh sống trên khắp đất nước hôm nay./.
Hà Nội, Tháng 6 năm 2021
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.