Từ vụ học sinh Nha Trang ngộ độc: 'Trường học Việt Nam thiếu chuyên gia an toàn'
“Lỗ hổng” an toàn thực phẩm học đường
Đến ngày 24/11, vụ ngộ độc thực phẩm đau lòng xảy ra tại Trường Tiểu học, THCS, THPT iSchool Nha Trang liên quan Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG), khiến 600 học sinh nhập viện, một học sinh tử vong. Một lần nữa khiến người dân, phụ huynh bất an về bữa ăn học đường.
Bữa ăn bán trú có yêu cầu tuyệt đối an toàn vì ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh; vậy cớ sao vẫn xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm trường học ? đây là một câu hỏi cần có lời đáp, không chỉ cho hiện tại mà cũng để phòng ngừa những vụ việc tương tự trong tương lai.
Chia sẻ với báo chí, chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho hay, với trường học, thầy cô, các công ty đầu tư giáo dục, phụ huynh, học sinh, an toàn là tiêu chí quan trọng nhất của trường học, vì nó là sinh mạng, là sự sống. Các trường học ở Việt Nam cần cải thiện về tư duy an toàn.
Nhiều học sinh Trường iSchool Nha Trang phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm (nguồn: Internet).
Một thực tế, hầu hết trường học ở Việt Nam đều không có chuyên gia an toàn trường học. Khi tư vấn cho trường học, tôi luôn khuyên các trường nên có chức danh này trong biên chế nhân sự. Đây thực sự là một lỗ hổng, một khiếm khuyết của trường học, chuyên gia Bùi Khánh Nguyên nhấn mạnh.
Nhân sự chuyên trách về an toàn tại một trường học có vài trăm đến vài nghìn con người là rất quan trọng. Phạm vi an toàn không chỉ là phòng ngừa tai nạn như té ngã, va chạm nói chung, mà còn là cháy nổ, thiên tai, điện, ngộ độc thực phẩm, sự cố gây thương tích, chết đuối… là những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong.
Tiếp đó, bữa ăn của trường học phải xếp theo thứ tự an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, ngon miệng. Đây là điều tôi học được từ quá trình đi làm cho nhiều tổ chức lớn và đi thăm các trường học tốt ở các nước khác. Hầu hết tâm lý cha mẹ học sinh chỉ đòi bữa ăn của con ở trường ngon miệng, nhưng tôi khẳng định với họ, bữa ăn học đường là bữa ăn tập thể; để bảo vệ học sinh thì phải đặt an toàn thực phẩm lên vị trí ưu tiên cao nhất, sau đó mới là dinh dưỡng phù hợp và ngon miệng.
Bữa ăn bán trú phải là bữa ăn chuyên nghiệp và không nên là chỗ để kê giá giữa nhà trường với phụ huynh. Nhà trường có thể thu học phí cao hơn, nhưng nên minh bạch bữa ăn của học sinh với cha mẹ. Bữa ăn có giá 50.000 đồng phải đúng là 50.000 đồng, không được phép làm bữa ăn chỉ 20.000 đồng. Kê giá bữa ăn là việc làm thiếu đạo đức. Bữa ăn bị “rút ruột” là một nguyên nhân chính khiến các nhà cung cấp suất ăn phải “cân đối thu chi” bằng các nguồn nguyên liệu kém chất lượng, kém an toàn, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Nhiều món ăn ngon miệng như bánh bao, bánh chưng, bánh giò… lại là thực phẩm dễ hư hỏng và gây ngộ độc. Với trường học cung cấp suất ăn đại trà, nguy cơ ngộ độc thực phẩm hàng loạt là rất lớn.
Cần qua tâm tới an toàn hơn là thành tích học tập
Việt Nam là quốc gia nông nghiệp lẽ ra bữa ăn của học sinh phải được ăn những bữa ăn sạch, an toàn. Nhưng thời gian qua, thực phẩm bẩn lại là nguyên nhân chính của những vụ ngộ độc thực phẩm ở trường học. Có lẽ đã đến lúc cần xem lại lại gốc rễ vấn đề trước khi giáo dục học sinh bất kỳ điều gì to lớn về tương lai, về thế giới.
Một thực trạng là thực phẩm bẩn đã len lỏi vào bữa ăn ở nhiều trường học, đây là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm trường học thời gian vừa qua. Có lẽ đây là tấm “khiên” dễ tổn thương nhất ở trường học.
Một thực trạng khác nữa là rủi ro tai nạn học đường. Dù đó là trường tư, trường công, trường bán công, trường quốc tế, trường chuyên… Để giảm thiểu và phòng tránh rủi ro, chỉ có thể dựa vào chính sách tốt, quy trình tốt và con người mẫn cán. Và đề cao sự an toàn trước khi lấy thành tích học thuật. Đó mới đúng nghĩa là trường học vì trẻ em.
Trước đó, ngày 17/11, sau bữa ăn bán trú tại Trường iSchool Nha Trang, chiều cùng ngày, trong số 880 học sinh, có 600 học sinh nhập viện vì triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn ói… Nguyên nhân được xác định nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella. Các em được phụ huynh đưa đi cấp cứu tại 5 bệnh viện. Hiện 176 ca xuất viện, còn 211 ca đang điều trị, 1 ca tử vong.
Minh họa (nguồn; Internet).
Chiều 22/11, kết luận trên được Viện Pasteur Nha Trang đưa ra sau quá trình xét nghiệm kéo dài nhiều ngày, đối với 8 mẫu thực phẩm liên quan đến vụ ngộ độc.
Kết quả cho thấy vi khuẩn Salmonella, Bacillus cereus và E. Coli có trong mẫu cánh gà chiên. Ngoài ra, vi khuẩn Bacillus cereus còn có trong mẫu nước mắm. Đây là chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu (HBL: Hemolysin BL) và độc tố ruột không ly giải hồng cầu (NHE: Non-haemolytic enterotoxin). Bacillus cereus phân bố nhiều trong tự nhiên, nhiễm vào các loại thức ăn qua đêm hay trữ lạnh lâu, gây ngộ độc thực phẩm.
TS. Nguyễn Thị Hương Giang, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, cho biết phác đồ điều trị cho các bé là dùng kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn Salmonella, thời gian điều trị khoảng 5 đến 7 ngày, tiếp tục cân bằng vi khuẩn đường ruột và chữa các triệu chứng.
Sau vụ việc ở trường iSchool Nha Trang, Bộ GD&ĐT đã có công văn số 6141 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, các cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy định về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục (nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục), giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.