Logistics: Cần được thông suốt, giá cước ổn định
Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu trọng điểm
Trải qua hai tháng giãn cách xã hội và phương thức sản xuất ba tại chỗ, hoạt động của ngành thủy sản trong đó có xuất khẩu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kết quả, trong tháng 8/2021, xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 588 triệu USD, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực.
Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu thủy sản sang tất cả các thị trường trong tháng 8/2021 đều giảm từ 16% – 50% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể: Trung Quốc và Nhật Bản cùng giảm mạnh 36%; EU giảm 32% (riêng sang Hà Lan giảm gần 50%, Đức giảm 42%); Anh giảm 48%; Australia và Canada giảm 35% và 37%; Mỹ và Nga giảm ít nhất là 16%.
Tăng trưởng xuất khẩu. Ảnh Trọng Triết.
Luỹ kế 8 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 6,4% đạt 2,45 tỷ USD, cá tra đạt 993 triệu USD, tăng 8,8%, cá ngừ tăng 12%, mực, bạch tuộc và cá khác tăng 4-5%. Kết quả này có được là nhờ xuất khẩu của 7 tháng trước đó tăng cao.
Trong 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, Nga là thị trường xuất khẩu lớn nhất với mức tăng trưởng 52%; tiếp đến là Mỹ tăng gần 27%; Australia tăng 25%; EU tăng 10%; Hàn Quốc tương đương cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó xuất khẩu sang Trung Quốc giảm sâu 14,6%, Nhật Bản giảm gần 3%.
Sau một thời gian dài giãn cách, nhiều doanh nghiệp cho biết sức chịu đựng của họ đã đến mức báo động nếu không thể phục hồi sản xuất sớm trước 15/9/2021. Trong trường hợp doanh nghiệp được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách sau 15/9, khả năng đáp ứng được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng khá hạn chế, những đơn hàng mới hầu như khó thực hiện.
Với khách hàng trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, doanh thu hằng năm trên 10 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện giãn cách xã hội gây ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng tôm của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.
Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, do giãn cách, cách ly nên việc cung ứng con giống, thức ăn, hóa chất, vi sinh và dịch vụ bảo hành, sửa chữa thiết bị nuôi tôm bị đứt gãy, nên người nuôi tôm rất khốn đốn. “Ảnh hưởng lớn nhất đến chuỗi cung ứng tôm phải kể đến các nhà máy chế biến tôm phải thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” nên một số nhà máy không đáp ứng được, phải đóng cửa. Số còn lại thực hiện được thì chỉ sản xuất được khoảng 25% - 50% công suất, với chi phí sản xuất tăng thêm đến 70%, không kể chi phí tôm nguyên liệu”, ông Quang giãi bày.
Hiện tại, nhiều khách hàng trên khắp thế giới của Tập đoàn Minh Phú đang khẩn thiết yêu cầu công ty cung cấp đơn hàng đã ký để kịp bán trong dịp Noel. Nếu không giao được hàng, khách hàng sẽ bỏ sang mua của Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan, như vậy Tập đoàn Minh Phú sẽ mất khách hàng, mất thị trường đã bỏ công gây dựng nhiều năm.
Còn theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, với đặc thù kênh rạch chằng chịt, lúa, gạo sản xuất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được vận chuyển 95% bằng đường thủy, do đó việc ách tắt dòng chảy phương tiện như thời gian qua đã đưa đến nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa từ đồng ruộng ra đến cảng xuất khẩu. Nếu khó khăn nội tại không được giải tỏa kịp thời, kim ngạch ngành hàng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và đưa đến nguy cơ mất thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường truyền thống, như: Philippines, Trung Quốc, Malaysia vào các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực, như Thái Lan, Ấn Độ.
Logistics cần được thông suốt, giá cước ổn định
Để gỡ vướng cho lưu thông, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, Bộ Giao thông vận tải cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các phương tiện giao thông vận tải, để giải tỏa ùn ứ sản phẩm hàng hóa từ các vùng sản xuất đến nơi tiêu thụ, đến các kho xưởng, nhà máy chế biến, sản xuất, giao hàng đến các bến bãi, cảng biển để xuất khẩu.
Ngoài ra, đối tượng ưu tiên tuyến đầu cần tăng độ phủ vắc xin phòng Covid-19 như lao động sản xuất, thu hái, đóng gói hàng xuất khẩu, đảm bảo đủ nhân công hoạt động và đảm bảo hàng không bị nhiễm Covid-19 khi xuất khẩu sang nước bạn, tránh tình trạng bị tẩy chay hay cấm nhập.
Đại diện nhiều Hiệp hội doanh nghiệp cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đảm bảo dịch vụ logostics được thông suốt, ổn định giá cước vận chuyển. Đồng thời, nghiên cứu các phương án tổ chức sản xuất khả thi, giúp giảm tải gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, giúp người lao động có tinh thần thoải mái để làm việc và duy trì nguồn lao động ổn định trong sản xuất.
Trước tình trạng còn một số bất cập, hạn chế tại chốt kiểm dịch của một số địa phương trên các tuyến đường liên xã, liên thôn và điểm thu mua nông sản, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Y tế và chính quyền các huyện, thị xã và các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh thống nhất vị trí đặt các chốt, quy trình, mô hình hoạt động của các chốt kiểm soát dịch, nhằm kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, đồng thời đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế.
Theo khảo sát của VASEP, đến nay số lượng các đơn hàng xuất khẩu thủy sản đã tăng 10 - 20% so với năm 2020 do các thị trường trên thế giới đều đã khôi phục lại. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản trên thế giới trong quý cuối năm sẽ tăng cao, đặc biệt để phục vụ tiêu dùng trong các kỳ nghỉ lễ lớn như Giáng sinh, Tết dương lịch…
Mục tiêu xuất khẩu của ngành thủy sản cả năm 2021 là đạt 8,5 - 8,8 tỷ USD, như vậy, trong bốn tháng cuối năm, ngành thủy sản cần phải đem về 3 tỷ USD. Tuy nhiên, dự tính của VASEP cho thấy hiện chỉ có khoảng 30% - 40% doanh nghiệp thủy sản đủ năng lực phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách. Số doanh nghiệp còn lại đang rất khó khăn hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại sản xuất.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, nhiều địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long đang lên kế hoạch đồng hành cùng các doanh nghiệp khôi phục lại các hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Điển hình như tỉnh Sóc Trăng đã đưa ra các giải pháp duy trì sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ thuỷ sản trong ba tháng cuối năm./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.