Mãi ngời sáng “Trang văn bia” về một tiểu đoàn 3 lần anh hùng
(Đọc: “Thắm mãi màu cờ Ba lần Anh hùng” - Tập Ký, Ghi chép về
Tiểu đoàn 1 Long An, Quân khu 7 - Đơn vị Ba lần anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Nhiều Tác giả - do Hội Cựu chiến binh Tiểu đoàn 1 Long An (Khu vực phía Bắc) và Nhà Xuất bản QĐND xuất bản, Quý IV - 2024)
Trong mối quan hệ giữa “Thời và Đời”, “Cụ thể và Tổng thể”, “Riêng biệt và Rộng lớn” Tiểu đoàn 1 Long An, Quân khu 7 - Đơn vị Ba lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu: “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” là niềm vinh quang cao quý, không dễ có được ở một đơn vị cấp Tiểu đoàn trực tiếp chiến đấu trong “điệp khúc chiến công” - Ba lần làm nên Ba mốc son chói sáng. Bởi, trong toàn bộ lực lượng vũ trang của chúng ta, tới nay, với 4 đơn vị cấp Tiểu đoàn được ba lần nhận danh hiệu này, thì “Tiểu đoàn 1- Anh hùng” của Long An là “Sự kiện đặc biệt”.
Điều vui mừng là, với 64 năm đã lùi xa, kể từ khi đơn vị ra đời (1960-2024). Với hai cuộc chiến tranh khốc liệt, đánh Mỹ và cuộc chiến tranh biên giới, chống bọn diệt chủng Pôn Pốt - Iêng-xê-ry. Với hàng trăm bài báo. Với ngót ngàn trang viết đủ các thể loại ... phản ánh khá phong phú, sinh động về sự khốc liệt của chiến tranh ở vùng đất Long An, Quân khu 7, những cán bộ, chiến sỹ vô cùng quả cảm chiến đấu hy sinh, ngời sáng gương mặt anh hùng, chiến công anh hùng, trên các địa danh anh hùng, của một Tiểu đoàn anh hùng…Tất cả, đã được “Ban Biên soạn” tuyển lựa, với tất cả tình cảm, trách nhiệm và tâm huyết của “người trong cuộc” làm nên trang “Văn Bia” truyền thống, gửi về muôn sau trong nâng niu trân trọng, ngưỡng mộ và lưu truyền, qua tập Ký, Ghi chép, mang tên: “Thắm mãi màu cờ Ba lần anh hùng” do Hội Cựu chiến binh Tiểu đoàn 1 Long An (Khu vực phía Bắc) và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa xuất bản cho ra mắt công chúng độc giả.
Bìa 1 cuốn sách “Thắm mãi màu cờ Ba lần Anh hùng”
Với trên 600 trang in, trên 100 bài viết. Với ba phần kết cấu, gồm:“Dấu ấn ra đời và Danh hiệu anh hùng” Rồi, “Sự kiện và Nhân chứng” Rồi, “Các tác phẩm sách, báo viết về “Tiểu đoàn 1” với sáng tác Thơ Văn của các Cựu chiến binh qua những kỷ niệm tâm tình chân thành, xúc động. Cùng “Phụ lục” là những trang minh họa mang những hình ảnh giàu sức thuyết phục nhất…
Có thể nói, “Thắm mãi màu cờ Ba lần anh hùng” là “Trang sử truyền thống” vô cùng quý giá của “Tiểu đoàn 1 Long An - Anh hùng,” sẽ còn mãi với thời gian, sẽ góp vào biên niên sử một dòng chảy trong mạch nguồn lớn lao của dân tộc anh hùng, ngàn năm đánh giặc và thắng giặc.
Điều quý giá, đáng trân trọng nhất ở đây, là giá trị chân thực, tươi xanh và nóng bỏng của trên 600 trang sách. Một hiện thực vô cùng phong phú, sinh động của cuộc chiến vĩ đại được mô tả, tái hiện qua những người từng cầm súng trực tiếp chiến đấu. Họ thực sự là “Người trong cuộc” với trang viết của “Không gian cuộc chiến” cũng chính là không gian của ký ức, hoài niệm. Không gian của những gì còn“đang là nhỡn tiền” trong tình cảm sâu xa từ máu và nước mắt của đồng chí, đồng đội, trong “cái Nhìn, cái Thấy”, “cái Cảm, cái Nghĩ, cái Trải nghiệm” khi bước vào trang viết, bước vào trang “Văn Bia,” vang vọng hơn, khi bên cạnh việc mô tả, trần thuật, tự sự là những gì “qua sự kiện đã được phát hiện, nhận biết và khái quát ở giá trị có ý nghĩa lớn hơn sự kiện” …
Rồi nữa, “Hiện thực cuộc Đời - Hiện thực Cuộc chiến tranh” chính là cái “mỏ lộ thiên” với bao nhiêu diễn biến của năm tháng, của “Cảnh huống - Cảnh Sự”, của “Nhân chứng - Sự kiện”, của những gì thực sự làm nên “Chất Quặng” trong mỗi tư liệu được những người viết đào tìm, phản ánh, làm nên sự giàu có, nó chứa đựng và lóe sáng ở khá nhiều lượng thông tin, thông điệp ở phía sau trang viết. Những tác giả của những trang viết ở đây, luôn ngợp đầy, chìm lặn trong ngổn ngang tư liệu. Người viết ngỡ như bơi trong “Cảnh huống - Cảnh Sự” thật ngổn ngang, bộn bề trong muôn vàn ác liệt đạn bom, giữa cái sống và cái chết chỉ trong khoảnh khắc, diệu kỳ. Với họ, dường như chỉ còn là sự chọn lựa, khai sáng hơn lên, cái điển hình nhất, cái ám ảnh nhất của hiện thực cuộc chiến đã diễn ra trong cuộc đời cầm súng đánh giặc.
Theo dòng lịch sử, kể từ ngày 17 tháng 6 năm 1960, Đơn vị 1 Cơ động, tiền thân của “Tiểu đoàn 1 Long An - Anh hùng” được thành lập ở Giồng Ông Tưởng, huyện Đức Huệ, với hai trung đội và 100 chiến sĩ. Từ buổi sơ khai trứng nước đó, đến chiến công “mở màn” đánh vào căn cứ huấn luyện biệt kích Hiệp Hòa, bắt sống 4 cố vấn Mỹ (23/11/1963). Đến cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 với chiến công chói lọi 7 ngày đêm bám trụ cầu chữ Y Sài Gòn…những cuộc đối đầu đỉnh cao sinh tử với kẻ thù là đế quốc Mỹ…
Lần thứ nhất, Tiểu đoàn được trao tặng Danh hiệu Anh hùng ngày 11/12/ 1970. Sau 9 năm, ngày 20/12/ 1979, danh hiệu Anh hùng được trao tặng lần thứ hai cho Tiểu đoàn với chiến công chiến đấu, bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc. Tiếp 10 năm dài sau nữa, giai đoạn 1979 - 1989, lần thứ ba, với chiến công xuất sắc làm nhiệm vụ quốc tế, giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, xây dựng chính quyền cách mạng và khôi phục đất nước bạn.
Ba lần tuyên dương là “Tiểu đoàn Anh hùng”, với 15 Huân chương Chiến công các loại. Ba Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Campuchia cùng hàng trăm Huân - Huy chương khác. Sáu đồng chí được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hàng trăm danh hiệu “Dũng sĩ” diệt giặc. Hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ được tặng Huân chương các loại. 57 “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” có chồng và con hy sinh là cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 1 Long An…Dù có thật kiệm lời thì chúng ta vẫn có thể nói vang lên rằng: Đó là bản anh hùng ca bất tử của Tiểu đoàn 1 Long An !
Từ “Tiểu đoàn 1 Long An Anh hùng” nhiều đồng chí trở thành Bí thư Tỉnh Ủy, Ủy viên Trung ương Đảng, những cán bộ ưu tú của tỉnh Long An, của Quân khu và Bộ Quốc phòng…Giữ vững ngọn lửa truyền thống của đơn vị Ba lần anh hùng, giai đoạn nối tiếp hiện nay, Tiểu đoàn đang thực hiện “Đề án” xây dựng “Đơn vị anh hùng” lần thứ tư trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Véc tơ” truyền thống anh hùng của Tiểu đoàn 1 Long An đang phát triển đi lên trong niềm kiêu hãnh tự hào chung của đất nước.
Qua nhiều trang viết của các tác giả. Qua những mảng kết cấu tạo nên cái đa thanh, đa chiều, trong cách nhìn, cách phản ánh, cách đắp dầy và tô đậm sự kiện bằng cách “Tách nẩy và Tổng hợp” và “Lát cắt và Liên kết các lắt cắt”,“Từng mảng và toàn cục”…được xâu chuỗi hợp lý qua các chương mục. Từ “Những dòng cảm tưởng của các cán bộ cao cấp, các tướng lĩnh” nói về “Tiểu đoàn 1 - Anh hùng” như các trang viết của ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần), Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Bí thư Tỉnh Ủy Long An. Hay, Thượng tướng Trần Đơn, Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Rồi, Thượng tướng Võ Minh Lương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Rồi, Thiếu tướng Đỗ Văn Bảnh, Nguyên Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 7 (nay là Trung tướng, Chính uỷ Học viện Quốc phòng)…Những “Lời vào sách” này là “những trang mở” với sự khẳng định giá trị lịch sử về một đơn vị anh hùng trong chiến công, trong mắt xích làm nên cuộc chiến vĩ đại của một quân đội anh hùng, dân tộc anh hùng, cần được lưu giữ, tôn vinh.
Phần mở đầu cuốn sách “Dấu ấn ra đời và danh hiệu anh hùng” là những bài viết của các Nhà báo Nguyễn Đăng Văn, Đỗ Thanh Bình, Long Thái, Nguyễn Văn Mạnh …Những người từng khoác trên mình áo trận, từng đi qua cuộc chiến tranh đầy hy sinh, gian khổ, từng làm công tác trong cơ quan tuyên huấn, nghiên cứu Lịch Đảng. Đặc biệt, Nhà báo Nguyễn Đăng Văn, Nguyên là Trợ lý Chính trị “Tiểu đoàn 1 Long An - Anh hùng” cùng Nhà báo - Cựu chiến binh Nguyễn Văn Mạnh - hiện phụ trách tờ Văn học Nghệ thuật - là hai cây bút xông xáo, có nhiều đóng góp trên lĩnh vực báo chí. Hai tác giả này còn có mảng đóng góp đáng kể ở những trang viết như Truyện ký, Bút ký, thơ, được xuất bản và đăng tải trên nhiều ấn phẩm văn học.
Với lợi thế và kinh nghiệm của “Người làm báo,” với ý thức sâu và thủ pháp đa dạng, sắc sảo của quá trình “làm nghề”, chân dung 6 cá nhân anh hùng của Tiểu đoàn 1 Long An được các nhà báo khắc hoạ khái quát bằng những chiến công xuất sắc, độc đáo, đầy cảm phục. Người đọc ngưỡng mộ hơn hình ảnh anh hùng Huỳnh Văn Đảnh, được mệnh danh là “nhà thiện xạ” qua các tình tiết anh hùng, sinh động ở 134 trận đánh, diệt 100 tên địch. Bắn hạ một máy bay lên thẳng HU - 1A. Bắn tám viên đạn, diệt 9 tên địch, trong đó có một viên tiêu diệt hai tên. Anh hùng Đảnh còn vinh dự cùng đoàn anh hùng dũng sỹ miền Nam ra thăm Bác Hồ tại Hà Nội năm 1965.
Rồi, anh hùng Nguyễn Văn Thể, trong trận đánh Thanh Hà (Bến Lức), ba lần bị thương, ba lần vẫn anh dũng xông lên, chiếm Sở chỉ huy, đưa được hai thương binh khác về khu vực an toàn. Hay, anh hùng Trương Công Xưởng, một gia đình có 5 liệt sĩ. Một Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, một Phó Tư lệnh Phân khu Ba, chỉ huy trận đánh cầu chữ Y năm 1968, đã anh dũng hy sinh trong thế cùng vẫn lật hầm chiến đấu tại trận đánh ấp Mỹ Đức, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc.
Rồi, Đại tá anh hùng Nguyễn Văn Chiểu (Tư Chiểu) - Uỷ viên Trung ương Đảng - Người tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Tiểu đoàn 1 Long An, với hàng trăm trận chỉ huy xuất sắc, đóng góp lớn trong quá trình xây dựng lực lượng vũ trang Long An, sau là Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương. Rồi, Đại tá anh hùng Nguyễn Văn Bình, nổi bật chiến công trong chiến tranh bảo về biên giới Tây Nam Tổ quốc. Một tiểu đoàn trưởng xuất sắc của Tiểu đoàn 1 Long An, sau làm Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 317, Quân khu 7, người thắp ngọn lửa truyền thống lên đài lửa tại Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010….Với mỗi người, mỗi nhân vật là những cuộc thử thách hết sức khốc liệt khác nhau, những chiến công vang dội khác nhau nhưng cùng tựu chung lấp lánh lên 12 chữ vàng truyền thống của Tiểu đoàn 1 Long An: “Điều đâu đi đó, chỉ đâu đánh đó, đánh đâu thắng đó”.
Phần “Sự kiện và Nhân chứng” bao gồm 369 trang viết, chiếm tới 2/3 tập sách. Đây là, phần bao trùm, dung chứa một nội dung khá lớn và trọng yếu của tập sách. Đây cũng chính là bức tranh toàn cảnh được tái tạo một cách toàn diện, khá đầy đủ, lịch sử gương mặt một “Tiểu đoàn Anh hùng” suốt dặm dài cuộc chiến với sự trưởng thành của đơn vị chiến đấu và chiến thắng dưới bầu trời “Thắm mãi màu cờ Ba lần anh hùng.”
Từ giai đoạn chống Mỹ cứu nước, với mốc son được ghi từ trận đánh Hiệp Hòa, chiến công mở màn do Thiếu tường Huỳnh Công Thân chỉ huy, tới trận đánh “Trên cánh đồng Mương Trám” do Thiếu tướng Nguyễn Văn Ấp chỉ huy…
Với hai chục bài viết, hoặc lời kể được các tác giả mô tả rất sinh động chân dung của lớp cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Tiểu đoàn 1, từ Đại tá Mai Văn Lai, Nguyễn Văn Chuyển, Vũ Tiến Đông, Đặng Công Thạch, Nguyễn Văn Nhiều, Nguyễn Ngọc Ba, Nguyễn Văn Bình, Lê Phương, Nguyễn Tấn Hưng, Huỳnh Văn Ất, Đặng Thành Công, Võ Xuân Quân, Trần Hoài Nang. Rồi, Thượng tá Ngô Trọng Văn, Đỗ Văn Long, Nguyễn Văn Tâm, Thiếu tá Phạm Văn Ru…Những trận đánh được các tác giả làm sống lại với những chiến công vang vọng. Trận Chính trị viên Tiểu đoàn chỉ huy tiêu diệt ác ôn ở Tân Trụ. Chuyện Đại tá Nguyễn Trùng Phương với biệt danh “Năm Lồng kẽm.” Chuyện Chính trị viên tiểu đoàn Năm Nang “văn võ song toàn”. Chuyện “Tiểu đoàn phó Tư Chuyển,” chỉ huy trừng trị đích đáng địch lấn chiếm, phá hoại Hiệp nghị Pari năm 1973. Rất ấn tượng là chuyện tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Nghiệp kể về chín trận đánh “nhớ đời” với lối viết chân thực, sống động và cảm động. Chuyện về chiến sỹ bị tù đày Đào Văn Kim xin tự thiêu để phản đối nhà tù Mỹ Nguỵ trong những năm bị địch giam cầm cùng với nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Rồi, chuyện về một “bà già” Campuchia hồi sinh kỳ diệu của Đại tá Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bình gây xúc động đến bất ngờ…
Cùng với các bài viết trên, Phần “Sự kiện và Nhân chứng” còn giới thiệu trên 30 bài viết là “Những kỷ niệm sâu sắc của cuộc đời bộ đội”. Từ kỷ niệm của Đại đội trưởng Nguyễn Minh Tâm, Bùi Văn Sửu, Bùi Xuân Thiệp, Đàm Đức Hoành, Nguyễn Văn Hữu, Nguyễn Văn Đủng, Chính trị viên Đại đội Nguyễn Hữu Lễ, Trung đội trưởng Tạ Duy Chức, Âu Duy Hoan, Lương Quyết Chiến, Vũ Trí Tẩy, Đỗ Trọng Đáp, Trần Văn Khanh, Nguyễn Văn Binh, Hoàng Văn Chí (Cán bộ Quân lực) Khẩu đội trưởng Ngô Thanh Nhàn, Lê Minh Đức, Hoàng Hữu Tiếp, Trần Văn Tòng, Chu Văn Tiến, Y tá An Quang Hào…Lính đặc công: Chu Anh Thức, Vũ Xuân Được, Hoàng Hoa Thắm (chiến sĩ Trinh sát), hay, Ngô Doãn Lối, xạ thủ 12,8 ly “bóp cò một tay” với những trận đánh sinh tử…Tất cả dược các nhà báo: Vũ Chí Thành, Nguyễn Đăng Văn, Lê Đại Anh Kiệt, Nguyễn Hữu Lý, Nguyễn Xuân Tường…cùng chính các tác giả là cựu chiến binh Tiểu đoàn 1 Long An ghi chép, thể hiện lại với các sắc thái riêng của từng trận đánh, mỗi kỷ niệm chiến tranh nóng bỏng không thể nguôi quên…
Giai đoạn xây dựng “Tiểu đoàn 1 Long An Anh hùng trong thời kỳ đổi mới,” gồm các bài viết của Đại tá nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An Lê Phương, nổi bật là vượt qua trận khát lịch sử của bộ đội Tiểu đoàn 1 Long An tại chiến trường Campuchia năm 1978, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lúc anh là Tiểu đoàn trưởng. Rồi, các bài viết của Đại tá Trần Văn Trai, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An (nay là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh), Thiếu tá Nguyễn Minh An, Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Thiếu tá Biện Văn Cường, Trung tá nhà báo Bùi Trung Dũng …đã toát lên một hiện tại sinh động đầy sức sống của Tiểu đoàn 1 Long An trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Với 30 bài viết trên, tác giả chủ yếu là những người lính của Tiểu đoàn 1 trong “Ôn cố tri tân,” trong “Chuyện cũ kể lại” nhưng rất cuốn hút người đọc, không phải ở “văn hay” mà chính ở sự chân thật…đến thật thà của các tác giả vốn là những thanh niên từ luỹ tre xanh quê mẹ lên đường cầm súng đánh giặc, khiến người đọc ngỡ như được chứng kiến những trận đánh ác liệt diễn ra trước mắt họ.
Cùng với một số Phỏng vấn và ghi chép của các Nhà báo, Nhà văn chuyên nghiệp như: Ánh Tuyết, Bùi Ngọc Huấn, Anh Khôi, Phương Nam, Vũ Nhân Hưng, Hương Hồng Thu… Các tác giả đã góp vào “Chuyên mục”: “Sách báo viết về Tiểu đoàn 1” với các bài của: Đại tá Lê Phải, Thượng tá Tạ Duy Bình. Nhà báo Trần Hoàng, Thu Trang, Thành Chung, Đào Doan, Mười Tài…Nhà báo Nguyễn Đăng Văn là cây bút đóng vai trò chủ lực, đi nhiều, viết nhiều. Tác giả tung hoành trên nhiều trang cày xới, với đủ các tầng sự kiện được nối dài và đắp dầy, góp phần làm sáng lên chủ đề lớn của tập sách.
Là những trang Ký, Ghi chép, những bài báo đi sâu. Ở những trang viết, các tác giả ít dừng lại trong “nghệ thuật dựng,” nghệ thuật phân tích tâm lý hay bình phẩm, gây ấn tượng và sức ám ảnh mạnh. Mà, bằng nghệ thuật Tự sự. Tự sự là dòng chảy xuyên suốt. Tự sự là “Gốc lớn” của câu chuyện được trần thuật, tái dựng. Tự sự để dẫn chuyện. Tự sự để tái dựng, tái tạo cảnh huống, sự kiện. Tự sự để mô tả, dẫn dắt.Tự sự để phát hiện, soi sáng hiện thực. Tự sự để tìm ra những nhận biết mang ý nghĩa tư tưởng qua tư duy, trải nghiệm nào đó. Để rồi, tất cả cái “Có” được sáng lên từ 600 trang “Thắm mãi màu cờ Ba lần Anh hùng” đã khẳng định giá trị của tập sách trong việc phản ánh hiện thực, lưu giữ hiện thực với ý nghĩa hữu ích trước truyền thống lịch sử, trước cội nguồn vang vọng của dòng chảy dài xa.
Tôi là nhà văn, nhà báo và đã làm xuất bản rất nhiều năm nay, do có chút kinh nghiệm nên rất đồng cảm với hai nhà báo Nguyễn Đăng Văn và Vũ Chí Thành - những người chủ chốt là lên cuốn sách này, đặc biệt là công việc tổ chức bản thảo. Viết, xuất bản một tập sách bình thường đã rất khó, nay phải sưu tầm hiệu đính các sự kiện lịch sử cách đây gần nửa thế kỷ trên mọi miền đất nước, quả là một việc quá kỳ công, kiên nhẫn, không phải ai cũng làm được. Và với tư cách cũng là một cựu chiến binh, tôi hiểu rằng, có một động lực thúc đẩy hai nhà báo này hoàn thành xuất sắc cuốn sách đó là những máu và nước mắt đồng chí đồng đội năm xưa đã vĩnh viễn thắm mãi màu cờ truyền thống đơn vị ba lần anh hùng trong trái tim các anh.
Với những gì có được từ “Thắm mãi màu cờ Ba lần Anh hùng”…Hiện thực tươi ròng của “Tiểu đoàn 1 Long An anh hùng” đã góp phần làm nên tám chữ vàng “Trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc” mà Trung ương đã tặng cho quân dân Long An, sẽ mãi mãi đi vào trang “Văn Bia” ngời sáng trước niềm kiêu hãnh, tự hào của dân tộc ngàn năm trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước và dựng xây đất nước.
“Thắm mãi màu cờ Ba lần Anh hùng” - một cuốn sách quý, hay, độc đáo nên đọc.
Hải Phòng, Mùa Đông 2024
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.