Mang thai vì lầm lỡ, mẹ đơn thân khuyết tật tìm lại chính mình, vươn lên làm bà chủ
Chị Trần Thị Như Hoa, sống ở TP.Vinh (Nghệ An) là một tấm gương người phụ nữ năng động, tự chủ cuộc sống, khởi nghiệp thành công. Chị cho biết, bản thân bị liệt một chân khi lên 5 tuổi, sau một trận ốm nặng. Khi mới 20 tuổi, đang là sinh viên của một trường cao đẳng tại Vinh, chị trót mang bầu nhưng bạn trai chối bỏ trách nhiệm. Cô gái trẻ lúc đó đành bảo lưu kết quả học tập, sinh con bất chấp dị nghị của người thân.
Ảnh: Báo điện tử VTV
Con được 6 tháng tuổi, chị thuê phòng trọ ở riêng, làm đủ thứ việc để có tiền nuôi con. Bản thân tàn tật, những lúc con ốm, không có ai ở bên, một mình đi lại vất vả, chị phải chạy đôn chạy đáo đưa con đi viện, chăm sóc con khiến nhiều lúc muốn gục ngã. Và cũng chính trong khoảng thời gian ấy, chị Hoa nói, chị đã quyết tâm thay đổi cuộc sống của mình.
Chị xin được việc làm ở một tiệm may ở gần nhà trọ, vừa học việc vừa làm. "Sau 3 năm rưỡi vừa học may vừa học nghề thì tôi đã có những tháng lương đầu tiên đủ trang trải cuộc sống. Tôi đã cóp nhặt được cho mình sự trưởng thành trong tuổi tác, mạnh mẽ hơn trong tâm hồn. Cũng rất cảm ơn giai đoạn qua đã tôi luyện tôi trở thành tôi như bây giờ".
Chị Hoa hướng dẫn, đào tạo các học viên (Ảnh: Vietnamnet)
Một vài thời gian, chị mạnh dạn mở một xưởng may nhỏ. Ban đầu, chị chỉ có 1 máy may, sau dần gây dựng được uy tín, chị mua thêm 2-3 máy, tuyển thêm người để đáp ứng nhu cầu của khách. Về sau, được Trung tâm Hỗ trợ người khuyết tật của tỉnh tạo điều kiện, chị thuê được mảnh đất trong vòng 30 năm để dựng xưởng và xây một phòng ở nhỏ cho mình và con trai.
Chị nói, khó khăn là không thể kể hết, nhưng sau cùng khi nhìn lại, chị vẫn cảm thấy biết ơn quyết định giữ lại con ngày ấy. “Nếu cho chọn lại, tôi cũng vẫn sẽ làm như thế”. Bây giờ, cậu con trai của chị đã là sinh viên năm thứ 2 một trường đại học ở TP. Vinh.
Hiện, xưởng may của chị có 10 nhân công là người khuyết tật, thu nhập mỗi người từ 3,5 đến 8,5 triệu đồng/tháng. Hiện tại, xưởng của chị đang cung cấp các sản phẩm thời trang cho 5 cửa hàng ở Nghệ An và Hà Tĩnh, mỗi tháng sản xuất 420-450 sản phẩm. Mới đây, để tận dụng nguồn vải vụn của xưởng may, chị có ý tưởng sản xuất các sản phẩm túi xách, đồ trang trí nhỏ xinh để tăng thu nhập cho người lao động cũng như hạn chế rác thải ra môi trường.
Một góc xưởng may của chị Hoa (Ảnh: Vietnamnet)
Chị Trần Thị Như Hoa là người phụ nữ khuyết tật duy nhất đã nhận được giải thưởng xuất sắc khi tham gia Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020 do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức với sự đồng hành của Uniliever Việt Nam và nhãn hàng Sunlight. Nguồn vốn hỗ trợ 100 triệu đồng từ Sunlight đã trở thành bước đệm vững chắc để chị khởi nghiệp kinh doanh.
Bản thân chị cũng được nhãn hàng Sunlight mời đến nhiều tỉnh thành chia sẻ, truyền cảm hứng, động lực cho các chị em phụ nữ, giúp họ tự tin khởi nghiệp và toả sáng.
"Mỗi người đều có sự lựa chọn riêng cho cuộc đời của mình - chọn một công việc ổn định hay tìm kiếm các nguồn thu nhập bằng nhiều cách khác nhau. Với tôi, tôi tin tưởng vào trực giác và khả năng làm việc của mình" - chị Hoa nói - "Khi đã quyết định tôi hiểu mình có thể tạo ra cho người khác những giá trị đáng kể và họ sẽ vui vẻ trả tiền cho những sản phẩm tôi tạo ra để tôi có thể đưa tổ hợp may mặc của mình đứng vững lâu dài".
Câu chuyện về quá trình khởi nghiệp của chị Hoa được kể trong chương trình "Phụ nữ là để yêu thương" mùa 4, phát sóng vào 20h30 trên VTV2.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.