'Một thời Quảng Trị' - Cuốn hồi ức chiến tranh đặc sắc
"Một thời Quảng Trị" là cuốn hồi ức chiến tranh đặc sắc và tâm huyết của Thượng tướng, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu. Đặc sắc bởi hiện thực của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lừng lẫy được tái hiện đầy kì vĩ và độc đáo, trong đó Quảng Trị là một trong những mảnh đất huyền thoại, là minh chứng hùng hồn của đỉnh cao khí phách, trí tuệ Việt Nam... Tâm huyết bởi tác giả là người bao năm trực tiếp lăn lộn, chiến đấu trên chiến trường này; bởi ông viết để tri ân đồng đội, đồng bào từng sát cánh bên ông vượt qua mọi thử thách hiểm nguy và đấu tranh để giành, giữ lấy từng tấc đất thiêng, nhiều người trong số đó đã anh dũng hy sinh, tên tuổi của họ đã trở thành bất tử...
Thượng tướng, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu - tác giả cuốn hồi ức "Một thời Quảng Trị"
Là một người lính đã có gần 40 năm tuổi quân, cũng từng tham gia chiến đấu trên nhiều chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thú thực, soi mình vào "Một thời Quảng Trị", tôi bỗng giật mình, thấy mình nhỏ lại.
Quảng Trị anh hùng ơi! Chiến công nối tiếp chiến công, rực rỡ lẫy lừng biết mấy, và sự mất mát hy sinh cũng to lớn quá chừng!
Mở đầu tác phẩm là cuộc hội thảo "Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội" mà ý tưởng chính là từ tác giả. Thông qua cuộc hội thảo, Thượng tướng, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu muốn dựng lên một bức tranh hoành tráng về Quảng Trị xưa, nay và cả tương lai. Hiếm có một cuộc hội thảo nào mà ý kiến lại đồng thuận đến cao độ như vậy. Tôi có cảm giác, giữa mảnh đất linh thiêng ấy, cuộc hội thảo còn có lớp lớp những người con ưu tú đã anh dũng ngã xuống, và những ý kiến tham gia hội thảo chính là nói hộ điều tâm nguyện của họ - điều tâm nguyện của gần 60 vạn liệt sĩ đang yên nghỉ ở 72 nghĩa trang lớn nhỏ và cả những liệt sĩ vẫn còn đang nằm ở những lòng sông, khe suối, bìa rừng, cửa biển... chưa về tụ hội. Điều tâm nguyện đó là: Năm tháng qua đi, đất nước đang tiến nhanh về phía trước nhưng lịch sử luôn còn đó, sáng ngời. Những chiến công vang dội, những tên đất, tên người trên mảnh đất thiêng Quảng Trị mãi mãi tạo nguồn sức mạnh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quảng Trị hùng thiêng sông núi phải là đỉnh cao của truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".
Phải chăng "Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội" cũng chính là một gợi ý chí nghĩa, chí tình cho nhiều vùng đất thiêng từ Bắc đến Nam, nơi đã từng là chiến trường ác liệt, là nơi đất trời Tổ quốc đang ôm ấp, chở che cho hàng ngàn, hàng vạn linh hồn?
Phần tiếp theo của tác phẩm là sự tái hiện chân thực, sinh động về cuộc chiến đấu quả cảm, ngoan cường của quân dân Quảng Trị suốt gần 8 năm ròng. Từ chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh đến cuộc chiến đấu trên tuyến hàng rào điện tử Mác Na-ma-ra; từ chiến dịch phản công Đường số 9 – Nam Lào đến cuộc chiến đấu giải phóng Quảng Trị năm 1972, từ những trận chiến đấu ngăn chặn sự phá hoại Hiệp định Pa-ri của địch đến cuộc hành quân thần tốc đập tan tuyến tử thủ Bắc Sài Gòn...Tất cả, tất cả đều hiện lên sống động trên từng trang, từng dòng tác phẩm. Tôi đọc "Một thời Quảng Trị" mà ngỡ như đang xem một bộ phim chiến trường dài tập với hàng trăm trường đoạn cùng hàng ngàn chi tiết đặc tả. Tôi thật sự ngạc nhiên về trí nhớ bền lâu của tác giả. Thời gian hình như đã bất lực trước những ký ức của ông.
Đồng thời, với sự chỉ đạo tài tình của các cấp chỉ huy, sự mưu trí sáng tạo của từng đơn vị trực tiếp chiến đấu mang đậm nét nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam..., những tấm gương phi thường của người chiến sĩ trong "Một thời Quảng Trị" đã để lại cho tôi những ấn tượng mạnh mẽ.
Tổ chiến đấu ba người của Cao Như Thiêm chống lại một trung đội Mỹ. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra quyết liệt nhiều giờ. Hai chiến sĩ Nguyễn Văn Toại và Nguyễn Văn Đồng anh dũng hy sinh. Mặc dù bị thương máu chảy ra thẫm đất, một mình Thiêm vẫn kiên cường chiến đấu tiêu diệt nhiều tên địch. Anh đã bắn đến viên đạn cuối cùng. Bọn địch ào tới thi nhau đấm đá anh. Mặc! Không một lời khai báo, tức tối, bọn địch dựng anh vào gốc đa, xả súng. Anh vươn người đứng thẳng, nhìn về phương Bắc hô lớn "Việt Nam nhất định thắng! Hồ Chí Minh muôn năm!".
Chiến sĩ B41 Phùng Văn Khoét, ngay quả đạn đầu tiên đã diệt tan chiếc xe chỉ huy của địch. Địch bắn như đan lửa về phía anh, đạn bay mù mịt trên đầu, anh vẫn bình tĩnh lao lên diệt thêm hai chiếc xe tăng nữa. Bị thương nặng lại lạc đơn vị, anh vẫn dũng cảm chiến đấu rồi lần đường tìm về, ngã trong vòng tay đồng đội...
Đại đội trưởng Mai Xuân Tình, mới vào chiến trường ít ngày đã xông xáo khắp trận địa chỉ huy bộ đội chiến đấu. Chính anh đã phát động đơn vị tích cực tiêu diệt nhiều sinh lực địch để trả thù cho Chính trị viên Hồng và đề nghị từng tổ, từng người đǎng ký lập công. Trong một trận chiến đấu quyết liệt với bộ binh và cơ giới địch, anh đã dùng B40 hạ gục hai chiếc xe M113. Mải tiến công trong khói lửa mịt mùng, anh đã bị quân thù bắn lén và hy sinh khi trận chiến đấu gần kết thúc...
Má Sáu Ngẫu, một cơ sở cách mạng nơi cửa ngõ Sài Gòn bao năm bền bỉ theo dõi lực lượng địch rồi cẩn thận ghi vào tấm bản đồ tự tạo. Tấm bản đồ đó đã góp phần quan trọng để Quân giải phóng nhanh chóng tiêu diệt các căn cứ địch, mở toang cánh cửa tiến vào Sài Gòn. Chiến công thầm lặng của má Sáu Ngẫu là một biểu tượng cao đẹp của bao chiến công thầm lặng trên khắp miền Nam trong những năm dài máu lửa...
Những ngày tháng chiến đấu ác liệt để bảo vệ từng tấc đất linh thiêng tại Thành cổ Quảng Trị
Kể sao hết, viết sao đủ những tấm gương phi thường ấy trong khuôn khổ một bài cảm nhận ngắn ngủi. Chỉ biết rằng "Một thời Quảng Trị" đầy ắp những tượng đài, tượng đài của lòng quả cảm, đức hy sinh - tượng đài chiến thắng!
Có những điều tưởng như chuyện lạ nhưng lại là sự thật hiển nhiên: Chủ nhiệm công binh Trần Hữu Mỹ chỉ đạo đại đội dùng mìn mai phục bên khe núi tiêu diệt máy bay địch... Lợi dụng dù địch thả xuống, tổ vây ép bò vào tận hàng rào thứ 5 căn cứ Cồn Tiên. Hàng ngày bọn địch vẫn hùng hổ đi tuần mà không ngờ phía bên trong hàng rào có Quân giải phóng. Rồi một trung đội Mỹ có xe M113 yểm trợ đã bị diệt gọn vì sự không ngờ đó - không ngờ Quân giải phóng từ trong hang ổ của chúng đánh ra... Trên đường rút quân, bị máy bay địch phát hiện rượt đuổi. Giữa bốn bề trống trải, hai chiến sĩ On và Tý đã nằm bắn rơi tại chỗ trực thăng địch... Chiến tranh nhân dân là thế! Sức mạnh của chính nghĩa là thế! Sức mạnh đó đã tạo nên nghị lực và trí tuệ cho người chiến sĩ giữa cuộc chiến tranh khốc liệt.
Vẫn biết rằng, không có chiến thắng nào là không có những hy sinh, mất mát, nhưng lòng tôi vẫn đau thắt khi tác giả nhắc đến tên tuổi, quê hương từng liệt sĩ sau mỗi trận chiến đấu. Tôi vừa đọc vừa thấp thỏm, chỉ mong tên tuổi các anh đừng dài nữa. Sao có thể cầm được nước mắt khi đọc đến những dòng cắt cứa:
"Pháo địch bắn như bao bọc lấy đám cháy... Tôi đành bảo anh em đưa liệt sĩ ra sông Cam Lộ, buộc đá vào từng thi thể thả xuống sông để đêm sau ra đưa anh em về an táng...", "... Đau đớn, cǎm thù thay! Địch cho xe ủi đất san bằng trân địa - nơi còn 10 thi hài cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 và Đại đội 4...", "... Hoàng Thọ Mạc đã anh dũng hy sinh. Máu cua anh chảy ra đó thâm một khoảng đất đầu cầu Vīnh Bình... Tôi báo anh em đưa thi hài Hoàng Thọ Mạc lên xe tiến thẳng vào hang ổ cuối cùng của địch. Đây là một trong những cán bộ hy sinh ngay trước giờ thắng lợi. Tang lễ Hoàng Thọ Mạc được tổ chức trọng thể với chiếc quan tài đẹp nhạt...".
Bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng sự nhớ thương đồng đội vẫn nặng trĩu trong lòng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu. Nhớ lại ngày 20 tháng 12 nǎm 1973 - một trong những ngày thiêng liêng nhất của cuộc đời ông - ngày ông đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ông đã viết: "... Hôm nhận danh hiệu anh hùng tôi đã khóc. Tôi nhớ đến hình ảnh Đại đội trưởng Mai Xuân Tình, Chính trị viên Đặng Quang Hồng, Trung đội trưởng Phan Hữu Mỹ, Nguyễn Đình Cư…chiến sĩ Cao Như Thiêm, chiến sĩ B41 Phùng Văn Khoét, Trung đoàn trưởng Cao Uy và biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 – Mặt trận B5 thân yêu của tôi đã anh dũng ngã xuống... Nhờ họ tôi mới có được vinh quang này...".
Hiếm có một cuốn hồi ức nào lại giàu chi tiết và sự kiện chiến đấu như "Một thời Quảng Trị". Chi tiết nối tiếp chi tiết, sự kiện nối tiếp sự kiện tạo nên từng lớp sóng cuồn cuộn để rồi cuối cùng hợp thành con sóng khổng lổ, đó là những đại quân hùng dũng, thần tốc tiến vào Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Tôi được biết, để hoàn thành cuốn hồi ức đầy ắp chiến công cũng như thấm đẫm máu và nước mắt này, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và Đại tá Lê Hải Triều (người thể hiện cuốn hồi ức) đã tranh thủ thời gian trở lại chiến trường Quảng Trị để thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sī, gặp lại đồng đội cũ, người thân. Các chuyến đi ấy đã góp phần khơi lại cảm xúc mãnh liệt từng ấp ủ trong ông suốt mấy chục năm trời. Sức hấp dẫn đặc biệt của tác phẩm chính là nhờ cảm xúc mãnh liệt đó. Nó lan tỏa rồi lắng đọng trong lòng người đọc, tạo nên sự rung động cộng hưởng một cách tự nhiên, để rồi từ đó khắc sâu những lời nhắn gửi: "... Niềm kiêu hãnh tự hào của người chiến thắng; lòng khát khao độc lập tự do, đất nước vươn mình trong tươi xanh sự sống; người với người chan chứa yêu thương, mỗi cuộc đời đều ấm nồng giữa lòng vị tha nhân ái để chung xây một thế giới hòa bình...".
Cũng giống như điều tâm nguyện trong cuộc hội thảo "Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội", phải chăng lời nhắn gửi sâu nặng ấy trong "Một thời Quảng Trị" chính là lời nhắn gửi của hàng vạn anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng?
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.