Nam Định: Dâng hương tưởng niệm 791 năm ngày mất của Thái Tổ Thái Thượng Hoàng Trần Thừa
Dâng hương, tri ân, tưởng niệm Thái Tổ Thái Thượng Hoàng Trần Thừa tại Đền Vạn Khoảnh tại làng Vạn Thanh, xã Mỹ Phúc, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định - Ảnh: Hồ Thanh
Sáng 15-2 (tức ngày 18 tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025) tại Đền Vạn Khoảnh, xã Mỹ Phúc, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định đã diễn ra Lễ dâng hương, tưởng niệm 791 năm ngày mất của Thái Tổ Thái Thượng Hoàng Trần Thừa (1234-2025). Dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo thành phố Nam Định; các vị Hòa thượng, Thượng tọa; đại biểu dòng họ Trần Việt Nam, dòng họ Trần tỉnh Nam Định, dòng họ Trần các huyện, thành phố của tỉnh Nam Định; đại biểu dòng họ Trần các tỉnh bạn; lãnh đạo xã Mỹ Phúc cùng đông đảo du khách và người dân địa phương.
Thái Tổ Thái Thượng Hoàng Trần Thừa sinh năm Giáp Thìn (1184) tại hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định), là con trưởng của Nguyên tổ Trần Lý. Năm 1209 ông theo cha và cậu đem quân về kinh thành, cùng với em trai là Thái úy Trần Tự Khánh lập công, đánh tan quân giặc ngoài biên ải. Ngày 10 tháng 1 năm 1226, con trai thứ của Trần Thừa là Trần Cảnh (sinh năm 1218) lên ngôi vua, hiệu là Trần Thái Tông, trở thành vị hoàng đế đầu tiên của vương triều nhà Trần. Năm 1234 Trần Thừa được tôn làm Thái Thượng Hoàng và năm 1248 được truy tôn là Đức Thái Tổ. Trần Thừa là người đã quyết định giao cho Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ từng bước thực hiện việc chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần, góp phần đưa nước ta thoát khỏi cuộc suy loạn cuối vương triều nhà Lý. Thái Tổ Trần Thừa cũng là người giỏi quy tụ nhân tâm, dung hòa mọi hiềm khích với các cựu thần triều Lý, củng cố đoàn kết nội bộ, thiết lập kỷ cương để tái thiết đất nước, làm sáng nghiệp nhà Trần. Trong 9 năm ở ngôi vị Thái Thượng Hoàng, ông đã cho tổ chức khoa thi “Tam giáo” năm 1227 và khoa thi “Thái học sinh” năm 1232 để tuyển chọn người hiền tài cho đất nước. Ông cũng là người sửa đổi hình luật, thuế khóa, lễ nghi, lương bổng và biên soạn “Quốc triều thông chế” quy định việc điểm chỉ vào các văn tự (một quy định đi trước các nước khác nhiều thế kỷ). Thái Tổ Thái Thượng Hoàng Trần Thừa mất ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Ngọ 1234.
Các vị đại biểu, nhân dân địa phương, con cháu họ Trần về dự Lễ dâng hương, tưởng niệm 791 năm ngày mất của Thái Tổ Thái Thượng Hoàng Trần Thừa - Ảnh: Hồ Thanh
Tại buổi lễ, trong không khí trang trọng, linh thiêng, các đồng chí lãnh đạo địa phương, nhân dân và du khách thập phương đã thành kính dâng hương, tri ân, tưởng nhớ công lao của Thái Tổ Thái Thượng Hoàng Trần Thừa, nguyện một lòng đoàn kết, tiếp tục giữ vững, phát huy truyền thống “Hào khí Đông A”, nỗ lực phấn đấu, cống hiến tài năng, trí tuệ, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.