Nâng cao chất lượng kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm: Thực tiễn và giải pháp từ Đảng bộ huyện Điện Biên
Tính đến 20/3/2023, Đảng bộ huyện Điện Biên có 65 chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc (24 đảng bộ, 41 chi bộ), 424 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với 6.438 đảng viên (đảng viên chính thức 6.032 đồng chí, dự bị 406 đồng chí), đảng viên nữ 2.474 đồng chí, đảng viên là người dân tộc thiểu số 3.439 đồng chí. Tổng số cấp ủy viên cấp cơ sở 371 đồng chí; cấp ủy viên cấp huyện có 41 đồng chí.
Quá trình hoạt động, nhiều tổ chức cơ sở đảng đã phát huy tốt chức năng lãnh đạo và xây dựng nội bộ đảng, hầu hết đảng viên, nhất là cấp ủy viên cơ sở đã có đóng góp quan trọng vào thành tích chung của Đảng bộ. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ chủ chốt đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí phấn đấu, suy thoái về đạo đức, lối sống, dẫn đến vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thậm chí có đối tượng còn bị khởi tố hình sự. Đây là những nội dung được các chi, đảng bộ cơ sở quan tâm, tăng cường công tác quản lý đảng viên, đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát, quyết tâm phát hiện dấu hiệu vi phạm để tập trung lực lượng đấu tranh, xử lý.
Hội nghị giao ban công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng quý I năm 2024 của Huyện ủy Điện Biên
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, UBKT Huyện ủy Điện Biên đã tiến hành 03 cuộc kiểm tra, trong đó có 02 cuộc đối với 02 đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý; 01 cuộc đối với 01 tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy cơ sở. Qua kiểm tra kết luận: 01 đồng chí vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật. UBKT Huyện ủy ra quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách; 01 đồng chí qua xem xét có vi phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật; tổ chức đảng qua kiểm tra kết luận có hạn chế, khuyết điểm nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật, tuy nhiên cá nhân 01 đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật đảng.
Qua công tác kiểm tra đối với tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm đã giúp cho cấp ủy các cấp ngăn chặn, phòng ngừa được các thiếu sót, khuyết điểm của tổ chức đảng, đảng viên, không để khuyết điểm trở thành sai phạm; vi phạm nhỏ không trở thành vi phạm lớn, vi phạm của một người không trở thành vi phạm của nhiều người và của tổ chức. Đồng thời giúp tổ chức đảng quản lý đảng viên thấy rõ trách nhiệm của mình, rút ra bài học trong việc quản lý, giáo dục và kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
Trên thực tế, trong quá trình tổ chức thực hiện cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên và tổ chức đảng thường gặp phải một số khó khăn sau: Đó là việc nhận thức của một số cấp ủy cơ sở chưa thực sự quan tâm đến hoạt động kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Đối tượng kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm thường là cán bộ có chức vụ, nội dung kiểm tra mới khá phức tạp, chưa có trong tiền lệ; việc thẩm tra, xác minh liên quan đến nhiều tổ chức đảng và cá nhân nên mất nhiều thời gian. Công tác phối hợp khi kiểm tra của cấp ủy, UBKT với các tổ chức, các lực lượng có lúc, có việc chưa đồng bộ.
Để kịp thời nâng cao chất lượng, hiệu quả việc kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm thì cấp ủy và UBKT các cấp, cán bộ làm công tác kiểm tra cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, thường xuyên, kịp thời quán triệt đầy đủ, sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy và UBKT các cấp một cách có hệ thống các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, đặc biệt là công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp và cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của việc kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.
Hai là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với UBKT, tổ chức đảng cấp dưới trong việc giám sát thường xuyên đề phát hiện nguồn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Phân công trách nhiệm cụ thể cho cán bộ kiểm tra phụ trách địa bàn, lĩnh vực, thường xuyên bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, chủ động theo dõi, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm, đề xuất tổ chức kiểm tra đối với tổ chức đảng và đảng viên, nhất là cấp ủy viên và diện cán bộ cấp ủy cấp mình quản lý khi có dấu hiệu vi phạm.
Ba là, tăng cường công tác giám sát của cấp ủy, UBKT đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm. Tiếp tục thực hiện tốt các quy chế phối hợp giữa UBKT với các cơ quan, đơn vị. Thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình tổ chức đảng và đảng viên, nhất là thông tin về dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên trong việc thực hiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bốn là, cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra cần chấp hành đúng quy trình kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; đổi mới phương pháp tiếp cận và phát hiện dấu hiệu vi phạm theo hướng mở rộng và thu thập thông tin từ các nguồn để xem xét sàng lọc thông tin, xây dựng kế hoạch, quyết định tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm cho phù hợp. Động viên, thuyết phục đối tượng kiểm tra nêu cao tính tự giác, vai trò, trách nhiệm của mình để phối hợp thực hiện những yêu cầu của chủ thể kiểm tra và kế hoạch kiểm tra. Kiên trì giải thích, thuyết phục, động viên, cảm hóa đối tượng được kiểm tra để có nhận thức đúng, xác định rõ trách nhiệm của mình, thay đổi thái độ, tâm lý, chấp hành nghiêm túc trong quá trình kiểm tra, giúp cho cuộc kiểm tra đạt kết quả tốt.
Năm là, cán bộ kiểm tra phải thường xuyên cập nhật các văn bản, quy định mới và cần nắm chắc các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những văn bản theo ngành, lĩnh vực; tình hình tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên của tổ chức đảng; các kênh thông tin đa chiều, nắm bắt kịp thời phát hiện sớm tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm, quyết định lựa chọn nội dung, đối tượng kiểm tra và cách thức tiến hành phù hợp để đạt hiệu quả thiết thực.
Sáu là, trong quá trình kiểm tra cần thể hiện sự công tâm, khách quan, toàn diện, chính xác, coi trọng chứng cứ, không chủ quan, suy diễn, bảo đảm kết luận kiểm tra đúng người, đúng lỗi. Các trường hợp kết luận có vi phạm đến mức thi hành kỷ luật thì kiên quyết xử lý nghiêm minh, bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Thực hiện việc công khai kết quả các kỳ họp của cấp ủy, UBKT các cấp tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, góp phần cảnh báo, giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm. Tăng cường theo dõi, đôn đốc tổ chức đảng, đảng viên thực hiện các kết luận, quyết định kiểm tra; xây dựng lộ trình, thời gian, các biện pháp khắc phục vi phạm, sửa chữa khuyết điểm có hiệu quả.
Bảy là, cấp ủy các cấp cần tiếp tục quan tâm xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra đảm bảo về số lượng, chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Thường xuyên tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ kiểm tra cơ sở. Đẩy mạnh sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tăng cường sinh hoạt chuyên đề về công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, trao đổi kinh nghiệm giữa UBKT các cấp và các đơn vị có thành tích trong công tác kiểm tra, nhất là kinh nghiệm trong thực tiễn thực hiện và vận dụng những quy định của Đảng, tìm ra giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này ngày càng hiệu quả hơn.
Tám là, thông qua hoạt động kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vị phạm cần kịp thời minh oan cho cán bộ, đảng viên bị vu khống, nói xấu, công khai chỉ đạo xin lỗi, khắc phục hậu quả mà trước đó đã bị tổ chức đảng có thẩm quyền xử lý không đúng, đồng thời kiên quyết lãnh đạo việc xử lý kịp thời, nghiêm minh, đồng bộ giữa tổ chức đảng và chính quyền các vi phạm đã được phát hiện, chỉ đạo khắc phục hậu quả do các vi phạm gây nên./.
Ths Đào Thị Ngọc Thủy
Phó Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Điện Biên
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.