Dự án hỗ trợ người nhiễm chất độc da cam: Kết quả đến nay ra sao?
Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật (NKT) tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” (Dự án Hòa nhập 1) được triển khai từ năm 2021 đến năm 2026, với nhiều mục tiêu cụ thể hướng đến NKT.
Bên cạnh mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của NKT, mở rộng dịch vụ xã hội, tăng cường hỗ trợ hòa nhập xã hội và triển khai hỗ trợ trực tiếp giúp tăng cường chất lượng sống của NKT, dự án còn hướng tới nhiệm vụ cải thiện chính sách, cải thiện thái độ công chúng, giảm thiểu các rào cản, đảm bảo hòa nhập xã hội của NKT. Đồng thời tăng cường năng lực quản lý, thực hiện và hoạt động hỗ trợ NKT ở các cấp.
Dự án Hòa nhập/Inclusion do USAID tài trợ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1276/QĐ-TTg ngày 20/7/2021 và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt dự án tại Quyết định 3754/QĐ-BQP ngày 26/10/2021. Dự án được triển khai tại 8 tỉnh (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Định, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai) từ cuối năm 2021. Cơ quan chủ quản dự án là Bộ Quốc phòng, do Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường thuộc Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư. |
---|
Bà Đoàn Thị Hoài Nhi - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho hay, toàn tỉnh hiện có hơn 71.700 NKT, trong đó có hơn 14.500 NKT đặc biệt nặng, hơn 47.300 NKT nặng.
Dự kiến, hết giai đoạn 5 năm của dự án Hòa nhập 1, số người hưởng lợi tại Quảng Nam sẽ bao gồm 7.300 NKT và 4.900 thành viên gia đình, người chăm sóc.
Bên cạnh đó, có 330 cán bộ y tế, người cung cấp dịch vụ sẽ được nâng cao năng lực về phục hồi chức năng (PHCN), trong đó khoảng 40% được đào tạo từ 6 tháng trở lên, thiết lập và tăng cường năng lực cho 10 đơn vị PHCN đa chuyên ngành tuyến tỉnh/huyện, hỗ trợ xây dựng và triển khai kế hoạch công tác PHCN, thí điểm xây dựng giá thành gói dịch vụ và cải thiện hệ thống thông tin quản lý PHCN.
“Từ khi triển khai dự án đến tháng 9/2022, số người hưởng lợi của dự án trên địa bàn tỉnh gồm 591 NKT nhận dịch vụ PHCN và chăm sóc, 633 thành viên gia đình/người chăm sóc được đào tạo; có 63 cán bộ y tế được đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn qua các khóa đào tạo trung hạn và ngắn hạn. Ngoài ra, có 3 đơn vị PHCN được hỗ trợ để cung cấp dịch vụ PHCN theo hướng đa chuyên ngành.
Đến hết năm 2022, dựa trên những chỉ tiêu mà các đối tác triển khai đã cam kết, dự kiến số người hưởng lợi lũy tiến sẽ tăng lên 470 người nhận dịch vụ PHCN, 490 người nhận dịch vụ chăm sóc, 70 trẻ khuyết tật nhận các dịch vụ PHCN và chăm sóc thông qua đào tạo cho phụ huynh, 895 thành viên gia đình/người chăm sóc được đào tạo; 93 cán bộ y tế được đào tạo gồm 9 người được đào tạo qua các khoá trung hạn và 84 người được đào tạo ngắn hạn có chứng chỉ đào tạo liên tục” - bà Nhi thông tin.
Bà Aler Grubbs - Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam - đơn vị tài trợ dự án cho hay, dự án Hòa nhập 1 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đời sống NKT.
“Chương trình hỗ trợ NKT trong dự án này là nỗ lực của Chính phủ và người dân Mỹ trong việc khắc phục các vấn đề hậu chiến. Dự án đang đi đến những tháng cuối của giai đoạn 1 (2021 - 2022), chúng tôi hy vọng trong tương lai, những nỗ lực hợp tác sẽ mang lại kết quả to lớn hơn.
Các đối tác là trái tim của dự án, đóng vai trò đảm bảo sự thành công. Các tổ chức này vừa thể hiện kiến thức chuyên môn trong thực hiện các nội dung, vừa là cam kết mạnh mẽ đối với việc hỗ trợ đời sống NKT.
Dự án liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, chúng tôi kêu gọi cam kết hỗ trợ mạnh mẽ từ phía UBND tỉnh, các ngành liên quan, hướng tới mục tiêu chung là hỗ trợ tốt hơn cho đời sống NKT ở các địa phương thực hiện dự án” - bà Aler Grubbs nói.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, Quảng Nam là một trong các tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng của bom mìn, chất độc hóa học trong chiến tranh. Dự án Hòa nhập 1 là cơ hội lớn để tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ cho NKT, nạn nhân chất độc da cam. Quảng Nam xác định công tác phối hợp thực hiện dự án cũng là một trong những trách nhiệm lớn của tỉnh, khối lượng công việc rất nhiều.
“Điều chúng tôi quan tâm nhất là phải triển khai thực hiện đảm bảo cho những người ở diện thụ hưởng được tiếp cận các chương trình hỗ trợ trong khung hoạt động của dự án. Quảng Nam mong muốn các đơn vị tiếp tục phối hợp đẩy mạnh truyền thông, thông tin về dự án, sớm có chính sách đào tạo cán bộ y tế, hỗ trợ cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các tuyến y tế và các hoạt động cộng đồng, đào tạo nghề cho NKT.
Tỉnh mong muốn các đơn vị thông tin kế hoạch cụ thể của từng hợp phần, xác định khung thời gian, nhóm công việc, những hoạt động sẽ triển khai ở Quảng Nam để phối hợp, phân giao nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo tiến độ của đề án. Đồng thời đề nghị mở rộng địa bàn dự án lớn hơn quy mô hiện tại” - ông Trần Anh Tuấn nói.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.