Ngân sách sẽ bù lỗ cho dự án nghìn tỉ thua lỗ?
2019-09-02 13:56:04
0 Bình luận
Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - chủ nợ của nhiều dự án nghìn tỉ thua lỗ, đang rất khó khăn về tài chính, không có khả năng tự cân đối nguồn để bù đắp cho các dự án thua lỗ, để bảo đảm thanh khoản cho VDB sẽ phải dùng ngân sách bù đắp.
Ngân sách có thể sẽ phải bù lỗ cho các dự án nghìn tỉ thua lỗ như đạm Ninh Bình để bảo đảm hoạt động VDB - Ảnh: T.T. |
Nhận định được Bộ Tài chính đưa ra trong báo cáo chuẩn bị phiên họp thứ 8 Ban chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp thuộc ngành Công thương gửi tới Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Liên quan tới xử lý nợ, lãi suất vay vốn của các dự án, doanh nghiệp tại VDB, đề xuất của ngân hàng này đã chia nợ vay của các dự án nghìn tỉ thua lỗ trong ngành công thương thời gian qua thành 3 nhóm: cơ cấu nợ vay, khoanh nợ vay, và xử lý tài sản bảo đảm tại các dự án thua lỗ.
Bộ Tài chính cho biết trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho các dự án nghìn tỉ thua lỗ như đạm Ninh Bình, nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy đóng tàu Dung Quất… trong đó có chính sách về tín dụng. Nhưng các chính sách này chỉ tập trung tháo gỡ khó khăn, xử lý vốn vay tại các ngân hàng thương mại, chưa có giải pháp đối với tín dụng đầu tư vay từ VDB.
Mới đây VDB đã đề xuất giải pháp xử lý rủi ro với nhóm thực hiện cơ cấu nợ bao gồm dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc dư nợ đến hết tháng 12-2018 khoảng 3.946 tỉ đồng và dự án đầu tư xây dựng nhà máy số 2 dư nợ 1.729 tỉ đồng.
VBD đánh giá dù dự án này đang gặp khó khăn, không đạt công suất thiết kế, Vinachem gặp khó khăn về tài chính, việc kéo dài thời hạn vay vốn tối đa 20 năm và thị trường phân bón ổn định có thể bảo đảm khả năng trả nợ của dự án.
Để bảo đảm an toàn trong hoạt động, VDB cũng đề xuất Chính phủ cho khoanh nợ tại dự án đạm Ninh Bình, với công nghệ sản xuất phân đạm từ than cám, công suất 1.760 tấn đạm urê/ngày, Công ty CP đạm Ninh Bình đang nợ gốc khoảng 2.640 tỉ đồng. Nhà máy đạm Ninh Bình đang hoạt động cầm chừng, không cân đối được nguồn trả nợ theo hợp đồng tín dụng, rất cần thời gian khôi phục sản xuất kinh doanh nên phải khoanh nợ.
Một dự án nghìn tỉ thua lỗ khác cũng phải thực hiện giải pháp khoanh nợ vay là gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 cũng có dư nợ gốc đến hết năm 2018 khoảng 1.136 tỉ đồng. Đến nay dự án này chưa hoàn thành, và vướng vào các vấn đề pháp lý nên chưa đưa vào sử dụng, không có nguồn trả nợ.
Đáng lưu ý, có tới 2 dự án của Công ty TNHH MTV CNTT Dung Quất, dư nợ gốc hiện nay khoảng 524 tỉ đồng. VDB đánh giá các dự án của công ty này không có khả năng trả nợ, việc áp dụng sử lý tài sản bảo đảm phù hợp với đặc thù dự án nhưng VDB vẫn không thu đủ nợ doanh nghiệp này đã vay.
VDB là ngân hàng 100% vốn nhà nước, đang trong giai đoạn tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Chính phủ.
VDB cho biết tình hình tài chính đang rất khó khăn, không có khả năng tự cân đối nguồn để bù đắp khi thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ cho các dự án yếu kém nêu trên của ngành công thương.
Vì vậy, VDB kiến nghị để bảo đảm thanh khoản cho ngân hàng, trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ đồng ý các phương án cơ cấu nợ, xử lý nợ cho các dự án thì ngân sách nhà nước phải bố trí bù đắp phần thiếu hụt tương ứng cho VDB.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
PV