Ngày này 45 năm trước ở CT4/203 (Tiếp theo)
Gấu đen càng ngày càng tỏ ra là con chó của lính xe tăng thực thụ. Nó nằm chồm chỗm trên đỉnh tháp pháo trông rất điệu nghệ và oai phong.
Về đây, lại những dãy nhà 1 tầng, tường gạch, lợp tôn như ở Sơn Trà. Giữa các khu nhà là đường nhựa kẻ ô bàn cờ trông rất ra dáng một doanh trại chính quy. Có cả sân vận động và bãi tập thể lực các loại. Tuy vậy, nó được xây dựng giữa khu đồi trọc, xung quanh trơ trọi sỏi đá, chẳng có cây cối gì cả. Bù lại, ở đây có những dãy nhà xưởng rất rộng, lợp tôn (kiểu như nhà Tiệp bây giờ). Hàng chục chiếc xe tăng đỗ lọt thỏm trong đó.
Về tập kết ở đây có rất nhiều đơn vị, cả XT và BB và các BC khác. Chúng tôi được phổ biến là khẩn trương họp tổng kết chiến dịch Huế - Đà Nẵng và tiến hành bảo dưỡng cấp 2 để chuẩn bị tiến về Sài Gòn. Lại tiếp tục bài ca thịt hộp, canh đỗ xanh, xót ruột như bào.
Về đến đó, chúng tôi gặp lại hai xe 382 và 389. Sau khi sửa chữa xong chúng tiếp tục lên đường và vào thẳng đây. Như vậy, cho đến lúc này đại đội tôi còn 6 xe (380, 381, 382, 386, 389 và 390). Một chuyến xe tải chở tất cả những thứ chúng tôi vứt xuống ở Động Truồi cùng hai chú pháo hai Khoái và Lực cũng đã vào đây. Thế là gần chục ngày mới có quần áo để thay.
Sáng ngày 5 tháng 4, đại đội chúng tôi họp tổng kết chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Có cả đoàn đại biểu cơ quan lữ đoàn do Chủ nhiệm chính trị Lê Minh dẫn đầu xuống dự. Nếu so với các đơn vị trong lữ đoàn thì C4 chúng tôi có thành tích khá nhất vì đã tham gia đánh Núi Bông, giải phóng Huế và giải phòng Đà Nẵng, lại làm tốt nhiệm vụ bảo vệ Đà Nẵng những ngày đầu giải phóng. Khi bình xét khen thưởng thì 100% CB-CS đã tham gia đầy đủ từ đầu đều được đề nghị khen thưởng từ Bằng khen trở lên. Chính trị viên Thận cũng được đề nghị thưởng Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng 2, nhưng ngay sau đó Chủ nhiệm Chính trị Minh tuyên bố: “Đ/c Thận không được thưởng Huân chương vì đã vi phạm kỷ luật Chiến lệ phẩm (CLP)”. Nguyên nhân thật đơn giản: mấy hôm ở thành phố Đà Nẵng, vì là cán bộ, có tiền nên anh Thận mua 1 cái đồng hồ. Thực tình, bọn tôi cũng chẳng biết Chính trị viên Thận mua đồng hồ lúc nào, không hiểu sao lữ đoàn lại biết?. Ông còn hùng hồn: “Các đồng chí nên nhớ chúng ta là đội quân giải phóng chứ không phải đội quân vơ vét”. Kể ra nói thế cũng đúng nhưng có phần nặng nề và nâng quan điểm quá. Cuối cùng ông dõng dạc tuyên bố: “Tới đây, chúng ta sẽ hành quân vào phía Nam. Đồng chí lái xe nào đưa được xe mình vào tham gia trận đánh cuối cùng sẽ được thưởng 1 Huân chương Chiến công!”. Lái xe tăng nào cũng sướng phổng mũi.
Ngay chiều đó chúng tôi tổ chức nộp lại CLP và điểm nghiệm quân trang. Nghĩ đến lời nói của Chủ nhiệm Chính trị Lê Minh lúc sáng, tôi đem tất cả số bóng bán dẫn và cái máy ảnh ra nộp. Hầu hết anh em trong đại đội tôi cũng vậy, có nhặt được cái gì hay mua được cái gì đều đưa ra. Thực ra cũng toàn thứ lặt vặt thôi, chắc là khi thấy không cần thiết họ bỏ lại chứ cũng chẳng quý hóa gì. Có điều tôi rất bất ngờ và cho đến giờ cũng không hiểu nguyên nhân từ đâu mà tất cả những gì thu hồi được đều được ném vào đống lửa! Riêng những thứ anh em khai báo là mua được thì lữ đoàn tạm cất đi xử lý sau.
Tuy nhiên, chắc cũng có người giấu được - xe tăng thì thiếu gì chỗ mà. Ở xe tôi, tôi biết thằng Thọ còn giấu một vốc bóng bán dẫn. Cả thằng Khoa còi nữa: Năm 88 - lần đầu tiên tôi trở lại 203 sau 15 năm xa cách. Lúc đó CT4 của tôi còn 2 người ở đó là anh Thận - bây giờ là lữ trưởng và thằng Khoa còi, lái xe 382- giờ là D phó. Thấy nó đeo cái đồng hồ Selko cũ rỉ tôi hỏi thì nó cười: “năm 75 đấy”. Để giấu chiếc đồng hồ này Khoa còi đã phải tháo nắp hậu chiếc đồng hồ thời gian của xe và đút cái đồng hồ này vào đó. Mãi đến khi lữ đoàn quay ra Phú Bài (Huế) mới tháo ra dùng.
Ngày 6 tháng 4, chúng tôi vẫn ở Khánh Sơn (căn cứ Sư đoàn 3 VNCH). Nghe nói lữ đoàn đã biên chế lại. Sau nghe cán bộ C về phổ biến thì biết Đại đội 4 của tôi từ nay sẽ thuộc tiểu đoàn 1 - tiểu đoàn trưởng là anh Ngô Văn Nhỡ. Còn đại đội 3 vẫn ở lại D4 và D4 được bổ sung 2C thiết giáp trang bị K63 để trở thành tiểu đoàn tăng thiết giáp hỗn hợp. Cuộc chia tay này cũng chẳng có gì bịn rịn cho lắm vì chúng tôi vẫn cùng lữ đoàn. Nhất là với lính tráng thì ở đâu chẳng được. Tuy nhiên, tôi cũng sang bên đó chơi với mấy anh em. Sang đến nơi thì nghe một tin không vui - cái xe 724 mà tôi đã ở một thời bị sệ tháp pháo, có thể phải nằm lại. Nếu như vậy, nó sẽ bị “thịt” để lấy khí tài cho các xe khác. Ngoài ra chúng tôi còn được biết lữ đoàn sẽ có thêm một tiểu đoàn tăng thiết giáp (DTTG) mới từ 574 của Quân khu 5 bổ sung mang phiên hiệu là DTTG 5 và cũng trang bị K63-85 và K63.
Xe tăng Kiểu 63 nhìn từ thân phải
Sau này, khi có điều kiện nghiên cứu mới biết: Để bảo đảm phương châm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” thì Quân đoàn 2 đã tổ chức một lực lượng phái đi trước. trong đó có 2 DTTG. Tuy nhiên, do địch phá hoại nhiều cầu nên lực lượng này phải có khả năng bơi. Chính vì vậy trên mới sắp xếp lại như vậy để 2 D 4 và 5 đi trước. CT4 của tôi trang bị T59 nên phải sang D1 để cùng với D2 hình thành đội hình xe tăng chủ lực của lữ đoàn.
Trưa hôm ấy, đến giờ cơm mà không thấy Gấu Đen về. Từ hôm về đây, nó hay lang thang đi chơi lắm nhưng cứ gần đến giờ ăn lại về. Thế mà hôm nay không hiểu sao lại không thấy. Thằng Trực thổi còi mồm đến điếc cả tai vẫn không thấy bóng dáng nó đâu. Mấy anh em ngồi đợi và bàn ra tán vào. Thằng Thọ bảo: “Có khi nó bị bọn nào thịt mất rồi”. Nghe đến đây thằng Trực - thằng này nóng tính lắm, y như cái tên của nó đứng phắt dậy, mặt đỏ phừng phừng: “Để tao chạy quanh đây xem thằng nào thịt chó thì nện bỏ mẹ nó đi”. TX Luông với tôi phải gàn mãi nó mới nguôi. Chiều xuống, vẫn không thấy nó về. Đến lúc đó thì chúng tôi biết là mất nó vĩnh viễn. Chắc chắn nó không bị lạc mà chỉ bị lính ta xử thôi.
Mới ở với nhau 10 ngày, song khi mất nó chúng tôi đều thấy hẫng hụt.
Ngay đầu giờ buổi sáng ngày 7 tháng 4, chúng tôi được cán bộ đại đội tập trung lại và phổ biến điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi toàn quân. Chẳng nhớ nội dung toàn bức điện ra sao, chỉ nhớ có hai câu: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa”. Bác Toàn cứ đọc đi đọc lại hai câu này, quả thật - chỉ là lính trơn thôi mà nghe đã thấy khí thế hừng hực. Các bác ấy còn ra lệnh kẻ hai chữ “Thần tốc” lên tháp pháo. Nghe vậy, chúng tôi đoán là chỉ nay mai chúng tôi sẽ lên đường. Bên đại đội 3 đã thấy chúng nó cố định các thứ sẵn sàng rồi.
Ngay sau đó chúng tôi bắt đầu công việc bảo dưỡng cấp 2 và nói chung là giải quyết mọi vấn đề về kỹ thuật để đảm bảo cho cuộc hành quân ngót nghìn cây số phía trước. Nói riêng, với con 380 sứt môi này thì tôi không lo lắm. Gắn bó với nó mấy năm, lại sử dụng thường xuyên nên nó có tật gì tôi đều đã khắc phục từ trước. Bây giờ chủ yếu là tôi kiểm tra điều chỉnh các hành trình, gián cách cho thật chuẩn và làm nhờn các điểm theo quy định mà thôi.
Ký họa chân dung Nguyễn Kim Duyệt của họa sĩ Lê Trí Dũng.
Đúng lúc đó, xe tôi có sự thay đổi về mặt nhân sự: Vũ Xuân Trực được điều đi xe khác làm pháo thủ. Về thay thế cho Trực là Nguyễn Kim Duyệt, người Hà Nội, nguyên sinh viên Đại học Nông nghiệp. Duyệt từ bên C1 về, hồi trước nó đóng ở Quảng Trị nên chúng tôi không biết nhau. Tuy vậy, Duyệt hòa nhập rất nhanh với kíp xe (Riêng chuyện về Duyệt tôi đã kể trong “Lời xin lỗi không bao giờ kịp nói”- bài đăng báo QĐND và được giải B cuộc thi viết Ký ức Mùa Xuân đại thắng năm 2005).
Tầm 9 giờ thì tiểu đoàn 4 - trong đó đại đội 3 dẫn đầu lên đường. Tôi ra tiễn mấy thằng bạn cũ bên C3, hẹn nhau “Gặp lại ở Sài Gòn”. Cái 724 bị bỏ lại thật, nó đã hy sinh thân mình để 5 xe còn lại mỗi xe được thêm mấy chục mảnh xích và vài thứ khí tài dự bị. Chúng nó đi hùng dũng lắm. Xe nào cũng phấp phới cờ giải phóng và hai chữ “Thần tốc” bên sườn.
(còn nữa)
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.