Nghệ An: Những kiến nghị từ Nhà máy nước sạch xã Diễn Thọ
Nhà máy nước Diễn Thọ (do thương binh Nguyễn Minh Huệ đầu tư hơn 70 tỷ đồng bằng vốn vay) và Nhà máy nước Long Thành (đã được đầu tư 120 tỷ đồng bằng tiền ngân sách) |
Nỗi niềm: “Con đẻ, con nuôi”...
Như Hòa Nhập đã phản ánh, Nhà máy nước sạch Long Thành (Yên Thành, Nghệ An) do Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường Nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư với tổng số tiền 120 tỷ đồng từ nguồn vay ngân sách (không phải trả lãi suất). Số liệu này, được ông Phạm Duy Kỷ - giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường Nông thôn Nghệ An cho biết chính thức tại Hội thảo “Giới thiệu và triển khai thực hiện dự án WOBA hợp phần nước sạch” được tổ chức tại Diễn Châu sáng ngày 28/2/2019.
Bên cạnh số tiền được nhà nước “cho mượn” nêu trên, người dân các xã Long Thành, Vĩnh Thành, Khánh Thành và 4 xóm xã Trung Thành, muốn sử dụng nước sạch phải nộp 2 triệu đồng/hộ mới được đấu nối. Diện tích đất được nhà nước giao để xây dựng dự án nhà máy nước sạch Long Thành là 6ha, thế nhưng suất nhà máy chỉ đáp ứng được cho khoảng 5.500 hộ dân. Hiện nay, nhiều hộ dân xã Trung Thành, xã Khánh Thành muốn được dùng nước sạch vẫn phải “xếp hồ sơ chờ duyệt”.
Trong khi đó, Nhà máy nước sạch Diễn Thọ do Công ty CP Xây dựng số 3 Nghệ An đầu (dự án hoàn toàn bằng vốn vay của tư nhân), do thương binh 2/4 Nguyễn Minh Huệ làm giám đốc, chỉ với hơn 70 tỷ đồng đầu tư giai đoạn 1, với công suất đủ cung cấp nước sạch cho 7.000 hộ dân.
Điều đáng nói ở đây là từ khâu giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà máy, hệ thống đường nước dự án Nhà máy nước sạch Diễn Thọ đều bằng vốn vay của ông Huệ (thương binh) và một vài cổ đông. Mặc dù mới hoàn thành giai đoạn 1 cuối năm 2017 để đưa nước sạch về phục vụ cho 3000 hộ dân ở 2 xã Diễn Thọ và Diễn Lợi (huyện Diễn Châu) nhưng đã góp phần làm cho bộ mặt Nông thôn mới ở 2 xã này khởi sắc.
Trong khi Nhà máy nước sạch Long Thành đang khát nước vì thiếu nguồn nước, thì Nhà máy nước sạch Diễn Thọ vẫn đầy ắp nước dự trữ trong hồ chứa. |
Theo ông Huệ, đến thời điểm này, xã Diễn Lợi còn nợ ông 750 triệu đồng là tiền cam kết chịu trách nhiệm thu của dân mỗi hộ 1,5 triệu đồng chi phí đấu nối đồng hồ. UBND xã Diễn Thọ cũng còn nợ ông Huệ khoảng 3 tỷ đồng từ cam kết huy động mỗi hộ dân 1,5 triệu đồng/hộ đăng ký dùng nước sạch trước khi xây dựng nhà máy.
So sách để thấy rằng, việc ưu tiên cho các DN ngoài quốc doanh đầu tư các dự án kinh doanh, có lợi hơn là Nhà nước cứ “ôm vào” để rồi hiện tượng thất thoát, lãng phí tiền của ngân sách tiếp tục tái diễn.
Đừng để nhà đầu tư... bỏ chạy!
Chẳng biết từ khi nào, giới doanh nhân Xứ Nghệ chua chát chia sẻ nhau 1 câu ví von về môi trường đầu tư của Nghệ An: “Trên rải thảm, dưới rải đinh”. Câu ví von này cũng làm nhói lòng không ít quan chức Xứ Nghệ. Nhưng, để “tháo lớp đinh” dưới “thảm đỏ” với những lời mời, lời cam kết ngọt ngào được lãnh đạo tỉnh Nghệ An nêu ra tại Hội nghị gặp mặt các Nhà đầu tư hàng năm, thì gần như vẫn đang là bài toán nan giải. Nhiều dự án do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, phải chấp nhận “đắp chiếu” do sự nhiêu khê, ì ạch từ bộ máy hành chính cấp sở, ngành, địa phương.
Ông Huệ bức xúc: “Ở Diễn Châu này, doanh nghiệp của tôi còn 2 dự án xây dựng nhà máy, đó là nhà máy nước sạch Diễn Thọ này và nhà máy Gạch tuynen. Doanh nghiệp đã đền bù cho dân xong, đã xây dựng nhà máy và đưa vào khai thác, nhưng “chạy” cho ra “cái bìa đất” mà trầy trật mấy năm nay rồi. Huyện đẩy lên tỉnh, tỉnh đẩy sang cho Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam. Gừ chà, nhọc có kể. Nhiều khi muốn vứt quách đi cho rồi”.
Nước sạch của Nhà máy nước Diễn Thọ được xử lý rất bài bản với hệ thống máy bơm, máy lọc với phụ gia, hóa chất đạt tiêu chuẩn cao |
Tìm hiểu về vướng mắc trong thực hiện cam kết huy động dân mỗi hộ 1,5 triệu đồng khi muốn sử dụng nước sạch, ông Đặng Quang Trung- Chủ tịch UBND xã Diễn Thọ phân trần: “Dân xã còn nghèo quá nên huy động 1 lúc là rất khó. Xã cũng đã có đề xuất với ông Huệ là nên giãn số tiền đó ra thành 2 hoặc 3 năm. Xã vẫn đang đôn đốc, tuyên truyền, vận động dân thường xuyên thông qua Bí thư các Chi bộ và trưởng các xóm. Tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân xã, chúng tôi cũng tiếp tục tuyên truyền”.
Ông Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch UBND xã Diễn Lợi thì bảo: “Đúng là xã đã ký cam kết với nhà đầu tư trước khi xây dựng nhà máy, nhưng khi thu tiền, dân bảo: Ở xã Diễn Thọ họ đã nộp hết mô mà bầy tui nộp. Nghe nói dự án ni được nhà nước cho tiền để dân được dùng nước sạch, để chờ coi ra răng”.
Cử kiểu đùn đẩy, thoái thác như vậy thì đến khi nào nhà đầu tư mới thu hồi được vốn? Trao đổi nội dung trả lời phóng viên của 2 ông chủ tịch xã Diễn Thọ và Diễn Lợi, ông Huệ bức xúc: “Khi chưa có nước sạch, lãnh đạo huyện và lãnh đạo các xã cứ nài nỉ, mời mọc tui làm cho bằng được. Giờ có nước sạch rồi, đủ tiêu chí công nhận xã Nông Thôn mới rồi, thì tìm cách chuầy ra rứa với tui là không được. Lớ xớ là tui phát văn bản thẳng lên tỉnh, lên Trung ương cho coi. Tui nghe họ xúi dại à”.
Khuôn viên Nhà máy nước sạch Diễn Thọ sạch sẽ ngay từ cổng vào đến hồ nước, bể lọc, phòng ăn, phòng làm việc của cán bộ nhân viên, kỹ sư vận hành |
Ông Hòa - một chuyên gia tư vấn về xây dựng dự án nước sạch mà phóng viên gặp tại Hội thảo “Giới thiệu và triển khai thực hiện dự án WOBA hợp phần nước sạch” được tổ chức tại Diễn Châu nói trên, ông Hòa chia sẻ những điều rất sát thực: “Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nước sạch rất dễ bị thua lỗ, nên ít anh muốn làm. Nếu cứ cam kết xong rồi lại đùn đẩy như xã Diễn Thọ và xã Diễn Lợi thì nhà máy nước của ông Huệ chết là cái chắc, tiền đâu mà trả lãi ngân hàng. Vấn đề này Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu phải vào cuộc, để cho xã giải quyết là không xong rồi”.
Hỏi ông Huệ về ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, ông Huệ bảo: “Kêu hết rồi, kêu nhiều lần rồi, họ cứ hứa rồi để đó. Chả lẽ lại chửi cho bỏ tức?”
Có dịp về thăm quan Nhà máy nước sạch Diễn Thọ do thương binh Nguyễn Minh Huệ vay tiền đầu tư, so sánh với các nhà máy nước sạch khác “của Nhà nước” vừa mới được đưa vào sử dụng mới thấy hết được giá trị của từng công trình. Chẳng lẽ lãnh đạo huyện Diễn Châu không nhận ra điều này hay vì quan liêu, vô cảm mà bỏ mặc cho doanh nghiệp?
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.