Nghệ An: 123 trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ kinh phí nấu ăn bán trú
Trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ kinh phí thuê lao động nấu ăn bán trú cho trẻ.
Việc thông qua Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để các trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn tổ chức nấu ăn bán trú cho trẻ đảm chế độ dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Qua đó, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cho trẻ em ở độ tuổi mầm non; góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo thống kê của ngành giáo dục Nghệ An, toàn tỉnh có 118 xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ. Tại các xã đặc biệt khó khăn, cấp học mầm non có 123 trường công lập với 501 điểm trường; không có trường dân lập, tư thục.
Cô trò Trường mầm non Bảo Nam (xã đặc biệt khó khăn huyện Kỳ Sơn, Nghệ An)
Qua kết quả khảo sát năm học 2018-2019, 77,3% số trường mầm non công lập thuộc xã đặc biệt khó khăn đang phải tổ chức bữa ăn trưa cho trẻ bằng hình thức “bán trú dân nuôi”.
Cụ thể có 95 trường mầm non tổ chức bán trú dưới hình thức “bán trú dân nuôi”. Trong đó, 398 điểm trường trẻ ăn trưa tại trường bằng suất cơm do cha mẹ chuẩn bị ở nhà mang tới trường;
Có 28 trường có điều kiện vận động xã hội hóa đã vận động cha mẹ trẻ lương thực, chất đốt và một phần kinh phí để thuê khoán người nấu ăn hoặc vận động giáo viên, phụ huynh nấu ăn cho trẻ tại trường
Ở các xã đặc biệt khó khăn tỉnh Nghệ An, từ năm 2018, trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo học ở các trường mầm non đã được Nhà nước cấp kinh phí hỗ trợ tiền ăn trưa theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, do đời sống của đồng bào miền núi còn hết sức khó khăn nên nhà trường không thể huy động tiền đóng góp của cha mẹ trẻ để chi trả hợp đồng người nấu ăn bán trú tại trường.
Trong khi đó, ngân sách chi thường xuyên cho các trường mầm non chỉ mới đảm bảo chi trả lương và các chi phí hành chính và hoạt động chuyên môn của trường;
Hình thức “bán trú dân nuôi” tuy linh hoạt, nhân văn nhưng lại phụ thuộc vào điều kiện mỗi gia đình nên không đảm bảo chế độ và cân đối dinh dưỡng cho trẻ; luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm đối với trẻ do nguồn thức ăn đưa từ gia đình đến trường không được kiểm soát.
Qua đánh giá tình trạng dinh dưỡng cuối năm học 2018-2019, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các xã đặc biệt khó khăn đang ở mức trên 9%; cao hơn so với bình quân chung cả tỉnh từ từ 3,6% đến 6,5%
Theo Nghị quyết vừa được HĐND tỉnh Nghệ An vừa thông qua, các trường mầm non công lập thuộc xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An được hỗ trợ kinh phí để thuê khoán người nấu ăn cho trẻ theo định mức bằng 135% mức lương cơ sở/tháng/35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo, số dư từ 20 trẻ trở lên được tính thêm 1 lần định mức; nhưng mỗi trường được hưởng tối đa không quá 5 lần định mức/tháng.
Thời gian hỗ trợ: Không quá 9 tháng/năm. Thời gian thực hiện: Từ ngày 1/1/2020.
Kinh phí hỗ trợ do ngân sách tỉnh đảm bảo từ nguồn sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, năm 2020 là 9,6 tỷ đồng; từ năm 2021 là 10,4 tỷ đồng/năm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.