Trí thức trẻ sẵn sàng nghiên cứu, đột phá trong khoa học công nghệ
Phát biểu tại buổi gặp mặt, PGS, TS Lê Phước Minh, Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam nhấn mạnh, Nghị quyết 57 đã thể hiện một tầm nhìn mới về khoa học công nghệ (KHCN), coi trọng sự “đột phá”. Điều này có nghĩa là cần có cơ chế, chính sách cho phép chấp nhận rủi ro và thất bại. Việc chấp nhận rủi ro sẽ khuyến khích các nhà khoa học dám dấn thân, đưa ra những ý tưởng táo bạo, không đi theo lối mòn an toàn.
PGS,TS Lê Phước Minh cho rằng cần tập trung vào “lĩnh vực ngách” trong KHCN. Theo đó, Hội cần tập trung vào những lĩnh vực, sản phẩm, ý tưởng KHCN mà trước đây bị coi là khoa học viễn tưởng. Đây là cách để Hội tạo ra sự khác biệt, đóng góp vào những lĩnh vực mà các tổ chức KHCN chính thức khác ít quan tâm.
Vì vậy, PGS, TS Lê Phước Minh khẳng định, cần tập trung vào việc xây dựng kế hoạch hành động của Hội. Trong đó, nhấn mạnh vào tính "đột phá" trong kế hoạch, sự chi tiết trong lộ trình thực hiện và tầm quan trọng của cơ chế giám sát để đảm bảo kế hoạch được triển khai hiệu quả.
Cũng theo PGS.TS Lê Phước Minh, một trong những định hướng chiến lược mà Hội đặt ra là tập trung vào những "lĩnh vực ngách" trong khoa học công nghệ – những lĩnh vực từng bị xem là viễn tưởng hoặc chưa được khai phá đúng mức. Đây không chỉ là cách để tạo ra sự khác biệt mà còn mở ra cơ hội cho những nghiên cứu mang tính đột phá, giúp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới.
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Hội xác định vai trò kết nối là yếu tố then chốt, thông qua việc xây dựng mạng lưới, diễn đàn, website nhằm tập hợp những cá nhân và tổ chức quan tâm đến khoa học công nghệ, từ học sinh, sinh viên, nhà khoa học đến doanh nhân. Tại đây, các ý tưởng có thể được chia sẻ, tìm kiếm sự bảo trợ và phát triển, tạo tiền đề để những sáng kiến khoa học công nghệ có thể đi vào thực tiễn.
Không chỉ tập trung vào phát triển khoa học công nghệ trong nước, Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam còn khẳng định vai trò của mình trong kết nối và hợp tác quốc tế. Việc giao lưu, học hỏi từ các quốc gia phát triển và cả những nước láng giềng không chỉ giúp nâng cao trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam mà còn góp phần xây dựng hình ảnh một Việt Nam nhân văn, yêu chuộng hòa bình, có trách nhiệm trên trường quốc tế. Hội cũng đặt mục tiêu tham gia các hoạt động tái thiết sau chiến tranh, xung đột, thể hiện tinh thần nhân đạo và trách nhiệm toàn cầu của trí thức trẻ Việt Nam.
Trong khuôn khổ buổi gặp mặt, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội, nhấn mạnh rằng việc bồi dưỡng, hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ông đề xuất mở rộng mạng lưới hội viên tại các trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu, tạo ra một lực lượng trí thức trẻ kế cận hùng hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền khoa học công nghệ nước nhà.
Bên cạnh đó, ông Đặng Văn Phúc, Ủy viên Ban Chấp hành Hội, chuyên gia IT trong lĩnh vực tài chính, đưa ra một góc nhìn thực tiễn hơn khi cho rằng Hội không chỉ nên dừng lại ở việc ghi nhận và vinh danh những nghiên cứu đã hoàn thiện mà cần có cơ chế hỗ trợ ngay từ giai đoạn đầu của quá trình nghiên cứu. Theo ông, những ý tưởng khoa học thường trải qua nhiều giai đoạn trước khi có thể ứng dụng vào thực tế, và nếu có sự đồng hành từ sớm, tỷ lệ thành công sẽ cao hơn rất nhiều.
Không dừng lại ở những lĩnh vực khoa học công nghệ truyền thống, TS. Bàn Tuấn Năng, Ủy viên Ban Thường vụ Hội, còn đề xuất một hướng đi độc đáo: quan tâm hơn đến lĩnh vực nông nghiệp bản địa và văn hóa. Theo ông, đây không chỉ là một hướng đi mới mẻ mà còn mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng.
Một trong những đề xuất nhận được sự quan tâm tại phiên họp là ý kiến xây dựng Hub Tri thức trẻ của ông Đinh Văn Hoàng, Viện trưởng Viện phát triển Doanh nghiệp và Chính sách, thành viên BCH VAYSE. Bám sát tinh thần Nghị quyết 57, ông Hoàng nhấn mạnh sự cần thiết của xã hội hóa nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện để doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia sâu rộng vào quá trình này. Ông đề xuất xây dựng một Hub, đóng vai trò là đầu mối kết nối các bên liên quan, cung cấp thông tin, hỗ trợ và tạo ra môi trường hợp tác, đồng thời tìm kiếm nguồn tài trợ từ các quỹ đầu tư. Theo ông Hoàng, Hub cần có cơ chế để các doanh nghiệp có thể đầu tư vào các dự án nghiên cứu, thúc đẩy sự phát triển của các nhà khoa học trẻ, tạo ra một hệ sinh thái KH&CN năng động và hiệu quả.
Có thể hình dung đề xuất của ông Hoàng như một mô hình hệ sinh thái KH&CN hoàn chỉnh, nơi các doanh nghiệp cung cấp tài chính và định hướng thị trường, nhà nghiên cứu và sinh viên đóng vai trò phát triển ý tưởng, chuyên gia hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn, cùng với quỹ đầu tư đảm bảo nguồn vốn cho các sáng kiến mới. Việc thiết lập một hệ sinh thái như vậy sẽ giúp tăng cường tính thực tiễn của nghiên cứu khoa học và tạo ra các cơ hội phát triển bền vững. Đề xuất này không chỉ giúp các hoạt động nghiên cứu khoa học trở nên bài bản, có hệ thống, mà còn tạo ra sự gắn kết giữa nghiên cứu và thực tiễn, giữa khoa học và kinh doanh, giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Kết thúc phiên họp, BCH VAYSE đã thống nhất cao về các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, đồng thời quyết tâm triển khai một cách hiệu quả các giải pháp đã được thảo luận, đặc biệt là ý tưởng xây dựng Hub/Trung tâm, nhằm thúc đẩy sự phát triển của VAYSE và đóng góp vào sự phát triển chung của KH&CN Việt Nam. Với sự đồng lòng, quyết tâm và những ý tưởng sáng tạo, VAYSE hứa hẹn sẽ có một năm hoạt động thành công, góp phần đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống và tạo ra những chuyển biến tích cực cho nền KH&CN nước nhà.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã cùng thảo luận, đề xuất các sáng kiến đột phá trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để hiện thực hóa sứ mệnh của Hội trong năm 2025; thảo luận các ý tưởng góp phần thúc đẩy vai trò của trí thức trẻ trong sự phát triển của đất nước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.