Nghề xoa bóp bấm huyệt giúp người mù huyện Nam Trực vững tin hòa nhập
Số nhà 195 Quán Chiền, TL490C, xã Nam Dương là trụ sở làm việc cũng là cơ sở xoa bóp bấm huyệt đang thu hút khách hàng của Hội Người mù huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định - Ảnh: Hồ Thanh
Chúng tôi về trụ sở Hội Người mù huyện Nam Trực cũng là cơ sở XBBH khá nổi tiếng tại số nhà 195 Quán Chiền, đường TL490C, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là nơi làm việc của Hội Người mù huyện Nam Trực khang trang, sạch sẽ, không khí thoáng mát, thuận tiện trong việc đi lại. Phòng XBBH gồm 5 giường phục vụ khách nam, 2 giường phục vụ khách nữ, được trang bị đầy đủ máy điều hòa, quạt, nệm, gối, giường ga sạch sẽ, thơm mùi thảo dược. Trước cửa ra vào phòng XBBH có bảng công khai giá tiền phục vụ theo từng công đoạn. Phòng đón tiếp khách, nhà ăn, nhà bếp, khu vệ sinh đều gọn gàng, đẹp mắt, hợp vệ sinh.
Đúng với tên gọi là “Điểm hẹn Tẩm quất” của Hội Người mù Nam Trực, nét nổi trội ở đây không chỉ là XBBH mà còn là nơi trao đổi, chia sẻ tình cảm, công việc trong khi tranh thủ thư giãn, nghỉ ngơi. Tùy theo nhu cầu lựa chọn của quý khách, kỹ thuật viên người mù tại đây thực hiện giác hơi, giải cảm, chườm gối nóng thảo dược, giúp cho họ lưu thông khí huyết, phục hồi sức khỏe. Người dân nơi đây có chung nhận xét: Những năm qua, Hội Người mù huyện Nam Trực tạo được công ăn việc làm với mức thu nhập khá là do biết đoàn kết, thương yêu nhau, luôn nỗ lực rèn luyện tay nghề, tích cực học hỏi nâng cao trình độ để tự khẳng định thương hiệu. Trong đó vai trò cá nhân được mọi người ghi nhận là khả năng quản lý, điều hành, trình độ tay nghề, tài năng đối ngoại, giao tiếp của Chủ tịch Hội Người mù huyện Nguyễn Văn Nhất và Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Trần Nguyên Khôi. Bởi lẽ, các anh luôn xứng đáng là người đứng đầu trong các hoạt động công tác Hội, từng bước giúp hội viên người mù tự tin vươn lên, gắn bó với nghề, sống hòa nhập cộng đồng
Chủ tịch Hội Người mù huyện Nam Trực Nguyễn Văn Nhất (đứng bên phải ảnh) tái đắc cử tại Đại hội đại biểu Hội Người mù huyện Nam Trực nhiệm kỳ 2022-2027 - Ảnh: Cơ sở cung cấp
Tìm hiểu, chúng tôi được biết: Hội Người mù huyện Nam Trực có tổng số 232 hội viên (127 nam và 105 nữ) đang sinh hoạt, làm việc tại 7 chi hội. Trong số 122 hội viên trong độ tuổi lao động, 92 hội viên đã có việc làm ổn định nhờ các nghề XBBH, sản xuất tăm tre, kinh doanh, buôn bán nhỏ. Trên địa bàn huyện đang có 6 cơ sở XBBH do cán bộ, hội viên người mù đứng ra quản lý, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động với mức thu nhập bình quân mỗi tháng từ 3,5 - 4 triệu đồng/người. Riêng cơ sở tại số 195 Quán Chiền, TL490C, xã Nam Dương do anh Nguyễn Văn Nhất, Chủ tịch Hội Người mù huyện Nam Trực trực tiếp quản lý mỗi tháng đạt mức thu nhập từ 7,5 - 9 triệu đồng/người. Cũng nhờ vậy hội viên người mù làm nghề tại đây luôn phấn khởi, tự tin vươn lên, ngày đêm tận tâm gắn bó với nghề XBBH.
Các cán bộ, hội viên tiêu biểu của Hội Người mù huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định được khen thưởng về thành tích xuất sắc trong hoạt động công tác Hội - Ảnh: Cơ sở cung cấp
Anh Trần Nguyên Khôi, Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Nam Trực cung cấp thêm: Ngoài nghề mũi nhọn là XBBH, Hội Người mù huyện Nam Trực còn duy trì các cơ sở sản xuất bán tập trung, tổ nhóm dịch vụ với tổng số 23 hội viên chuyên sản xuất mặt hàng truyền thống tăm tre. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ sở này đã sản xuất, cung cấp cho thị trường tiêu thụ được 25.000 gói tăm tre nhân đạo, mức doanh thu đạt 125 triệu đồng. Đến tháng 5-2024, Hội Người mù huyện Nam Trực đang quản lý nguồn vốn 238 triệu đồng thông qua kênh Trung ương Hội và Hội Người mù tỉnh Nam Định phân bổ. Nguồn vốn này đang triển khai cho 7 cán bộ, hội viên vay lãi suất thấp theo kỳ hạn 3 năm. Các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế cao, hoàn trả gốc và lãi đúng kỳ hạn, không có trường hợp nào nợ đọng.
Đến nay, Hội Người mù huyện Nam Trực không còn hộ đói, tỷ lệ hội viên nghèo và cận nghèo chỉ còn 14,5%. Nhiều năm qua, 100% hội viên và gia đình hội viên người mù không mắc tệ nạn xã hội. Những hội viên có sức khỏe, kỹ thuật cao tại cơ sở XBBH số 195 Quán Chiền, đường TL490C, xã Nam Dương, huyện Nam Trực đạt mức thu nhập mỗi tháng 9 triệu đồng/người là một minh chứng, cũng là ước mơ của nhiều người khiếm thị trong độ tuổi lao động tại tỉnh Nam Định thời điểm hiện nay. Năm 2024, với bề dày thành tích cùng niềm tin có cơ sở, cán bộ, hội viên Hội Người mù huyện Nam Trực đang nỗ lực phấn đấu để trở thành đơn vị xuất sắc của Hội Người mù tỉnh Nam Định.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.