Ngôi làng có tập tục sống với người chết
2016-04-02 20:36:07
0 Bình luận
Thi thể của những người chết của tộc người thiểu số ở Indonesia được để trong nhà trong nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm liền và được chăm sóc giống như người còn sống.
Chị em gái bên cạnh xác của Syahrini Tania Tiranda, bé gái 3 tuổi được phủ khăn voan mới mất một ngày. Các bé ôm ấp và trò chuyện cùng Tiranda, coi em là "makula - người ốm". Ảnh: NG |
Theo National Geographic, tộc người Toraja sống tại thị trấn Rantepeo thuộc đảo Sulawesi (Indonesia) tin rằng, con người không thực sự ra đi cho tới khi người ta giết trâu trong lễ tang của họ để làm phương tiện đi lại trong thế giới bên kia. Cho đến khi lễ tang diễn ra, thi thể của người chết vẫn được để trong nhà trong nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm liền và được chăm sóc giống như người sống.
Với phương pháp ướp xác formalin (gồm dụng dịch formaldehyde và nước) của người Toraja, thi thể của người chết sẽ không bị thối rữa mà dần dần khô lại.
Elisabeth Rante, một người Toraja cho biết, chồng cô, anh Petrus Sampe vừa mất cách đây gần một tháng. Sau khi Sampe mất, gia đình cô vẫn để thi thể của anh trên chiếc giường đôi bằng gỗ, với chiếc chăn đỏ được kéo lên đến cằm. Hàng ngày, Rante và các con đều nói chuyện với anh, mang đồ ăn thức uống cho anh 4 lần mỗi ngày, gồm bữa sáng, bữa trưa, bữa tối và bữa trà trưa.
"Chúng con làm như vậy vì chúng con rất yêu và tôn trọng ông", Yokke, con trai cả của Rante nói.
"Trước đây, chúng tôi thường ăn cơm cùng nhau. Giờ anh ấy vẫn đang ở nhà nên chúng tôi cần phải cho anh ấy ăn", Rante chia sẻ.
Người Toraja tin rằng, con người không thực sự ra đi khi họ chết và mối quan hệ sâu nặng giữa người với người còn vượt trên cả cái chết. Họ coi cái chết không phải là một điều gì đó cực kỳ đau khổ, mà chỉ là chuyển sang một loại quan hệ khác.
Nhiều ngày sau, Rante mới làm lễ nhập quan cho Sampe thông qua một nghi thức Công giáo và một bữa tối, gồm thịt bò, rau và cơm, cho hơn 100 người.
Phong tục cổ xưa của tộc Toraja cho rằng không được để người chết ở một mình, nên dù đã nhập quan nhưng thi thể của Sampe vẫn được đặt ở trong nhà cho đến khi tổ lễ tang chính thức. Trong thời gian đó, người thân gọi anh Sampe là "makula" - người bị bệnh.
"Chúng con tin rằng dù bị bệnh nhưng linh hồn ông vẫn ở trong ngôi nhà", Yokke nói.
Một số người khác vẫn duy trì mối quan hệ với người đã mất thông qua nghi lễ ma’nene’ - lễ tang thứ hai được tổ chức vài năm một lần vào tháng 8. Theo nghi lễ, các gia đình mang thi thể của những người đã khuất ra khỏi quan tài, lau chùi và thay quần áo cho thi thể và hầm mộ của họ.
Risma Paembonan mang bữa tối cho mẹ chồng là Maria Salempang, người mất được hai tuần, thọ 84 tuổi. "Tôi không buồn, vì bà vẫn ở bên cạnh chúng tôi", cô con gái 75 tuổi của bà cụ nói. Ảnh: NG |
Đối với người Toraja, lễ tang sẽ được trì hoãn đến khi mọi người thân có thể trở về tụ họp. Vì vậy, lễ tang lớn nhất có thể kéo dài cả một tuần. Đặc biệt, ông Daniel Rantetasak, một người dân làng cho biết: "Bạn có thể cáo lỗi không đến dự một đám cưới nhưng bạn phải tới dự một lễ tang."
Một lễ vật không thể thiếu trong lễ tang là trâu, con vật được xem là phương tiện đi lại của người đã mất ở thế giới bên kia. Lễ tang lớn hay nhỏ phụ thuộc vào số lượng và chất lượng của những con trâu bị giết trong đó, và tối thiểu phải có 24 con bị giết. Đôi khi, số lượng trâu bị giết có thể hơn 100 con.
Những con trâu này là quà tặng của người tới tham dự lễ tang. Kích thước của mỗi con trâu phụ thuộc vào thứ bậc tôn ti; nói cách khác, người bề trên sẽ phải hiến tặng con trâu to hơn. Khi lễ tang kết thúc, gia đình chịu tang sẽ nhận được một quyển sổ ghi chép về người tặng trâu, với mong muốn rằng khi một thành viên của gia đình họ qua đời, họ sẽ được đáp quà.
Nguồn gốc
Không ai biết chính xác những tục tệ đó của tộc người Toraja có từ khi nào. Chữ viết của người Toraja bắt đầu xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 nên phần lớn các truyền thống cổ xưa đều được truyền miệng.
Trong lễ tang, các con vật, đặc biệt là con trâu, được dùng làm vật hiến tế và thịt của chúng sẽ được chia cho khách tới dự theo địa vị xã hội. Ảnh: NG |
Ông Petrus Kambuno, người được cho là biết rõ nguồn gốc của những tục tệ này cho biết: "Chính ở đây, Chúa Trời đã tạo dựng lên người đàn ông ở trên thiên đường và người phụ nữ ở dưới đất. Chúa Trời tạo cây tre và cây chuối ở dưới đất, và cây trầu không và cây chanh ở trên trời. Ngài lệnh cho chúng tôi dùng những món quà này để xoa dịu nỗi đau của loài người và giúp họ cảm thấy vui vẻ mỗi khi họ buồn vì một người nào đó qua đời".
"Bố tôi ở đây và tôi cũng ở đây nên ông ấy không hề ra đi. Mẹ tôi ở đây và tôi có con gái nên bà ấy cũng không hề ra đi. Những đứa con gái của tôi là người thay thế cho mẹ tôi. Còn tôi thay thế cho cha tôi",ông Kambuno nói, tay chỉ vào hầm mộ gia đình.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo BXD