Người đàn ông khuyết tật thành triệu phú sau đêm chỉ nhờ một chiếc chăn
Loren Krytzer đã từng phải sống trong một túp lều nhỏ ở rìa Thung lũng Liona của California, bị mất một chân vì tai nạn xe hơi khủng khiếp, thậm chí là mất việc làm ngay sau đó. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục chiến đấu với khó khăn của cuộc sống.
Cuộc đời ông sau đó đã thay đổi khi ông phát hiện ra một vật gia truyền cũ bị lãng quên của gia đình, chiếc chăn Navajo từ những năm 1800 đã nằm trong tủ của ông suốt 7 năm. Và nó có giá trị thực sự là 1,5 triệu USD.
Ban đầu, các thành viên trong gia đình không ai nhận ra giấ trị của chiếc chăn. Khi bà ông mất, ông đã đến nhà bà để lấy những cuốn sách mà bà đã hứa trao lại cho ông ấy. “Mọi thứ đã bị chị tôi và mẹ tôi cướp phá,” ông ấy nhớ lại.
Điều ông không ngờ là chiếc chăn bị lãng quên đó lại được dệt từ những năm 1800 và trị giá hàng triệu đô-la. Khi phiên đấu giá kết thúc với con số 1,5 triệu đô-la. Khoản tiền này không chỉ cho ông một cuộc sống tốt hơn cho bản thân, mà còn là cho vợ và 3 cô con gái của mình sau những chuỗi ngày khốn khó.
Tuy nhiên, việc sở hữu và chi tiêu một cách hợp lý số tiền này cũng là một thách thức lớn với Krytzer. Ông đã chi một số tiền lớn để mua hai căn nhà mới, khang trang hơn cho gia đình ở Trung tâm California với suy nghĩ rằng mọi người sẽ có điều kiện sống tốt hơn. Nhưng những khó khăn của đại dịch cũng làm cho gia đình không đủ việc làm để duy trì chi phí. Chỉ riêng tiền bảo hiểm và thuế tài sản mỗi năm, Krytzer mất khoảng 10 nghìn đô-la để chi trả. Điều này đã khiến ông và vợ xem xét bán căn nhà hiện tại và chuyển về Idaho sống - nơi thuế không quá nặng nề và cuộc sống hợp lý hơn.
Krytzer cũng gặp nhiều khó khăn với các thành viên trong gia đình của mình. Sau khi buổi đấu giá diễn ra thành công, tin tức về số tiền khổng lồ đã có mặt trên nhiều trang báo, mạng xã hội… Vì vậy, điều này khiến cho ông nhận được nhiều cuộc gọi từ những người họ hàng xa, bạn bè không gặp mặt lâu ngày cũng như người lạ mặt tự xưng là người thân thiết để hỏi về số tiền này. Thậm chí, Krytzer nói: "Chị gái tôi còn dọa kiện tôi vì đã đấu giá chiếc chăn này. Chị tôi nói đây là một món đồ gia truyền của gia đình, vì vậy, lợi nhuận thu về được cần phải được chia sẻ một cách công bằng".
Dù có nhiều khó khăn, Kryzter vẫn cố gắng phân chia khoản tiền một cách công bằng nhất. Ông cũng vui vẻ cho rằng bản thân được hưởng nhiều điều tốt hơn là các mặt trái của số tiền này đem lại như trên. Sau khi xem xét và cân nhắc lại số tiền có được, ông ấy đã chi tiêu một cách khôn ngoan và thông minh hơn khoản tiền "trời cho" này. Phần lớn, ông đầu tư một khoản tiền lớn cho bất động sản, cổ phiếu và trái phiếu. Đồng thời, Kryzter cũng trích ra một số tiền tiết kiệm cho gia đình có thể trang trải nếu điều kiện sống gặp khó khăn, đặc biệt là trong thời kỳ đang diễn ra đại dịch.
Trước đó, với khoản chi phí tiết kiệm được, Kryzter đã có thể đưa vợ và ba cô con gái đi du lịch trên chiếc du thuyền sang trọng tại Mexico. Đó là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của ông vì cuối cùng mình có thể tận hưởng không gian thoải mái cùng người thân sau những bi kịch của cuộc đời. Kryzter còn mua một chiếc xe Dodge Challenger SRT8 2012 từ West Coast Customs, cửa hàng cơ khí nổi tiếng của MTV.
Mặc dù, Kryzter đã sở hữu một số tiền triệu đô, khiến cuộc sống thay đổi hoàn toàn, ông vẫn nói: "Tiền không thể thay đổi được những bản chất vốn có của tôi. Tôi không vì số tiền này mà hưởng trọn vẹn nó cho riêng mình. Tôi vẫn chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ với vợ con, với những người thực sự thân thiết và giúp đỡ mình. Tuy có những giai đoạn tôi cảm thấy mệt mỏi, trầm cảm khi có nhiều người vì số tiền mà làm thân với tôi, nhưng nó cũng đã qua". Qua đó, cuộc sống của ông đã trở nên dễ dàng hơn và ông luôn khắc ghi số tiền đã cứu mạng ông và gia đình trong thời gian khốn khó nhất.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.