Người FPT mở lớp học, khơi dậy đam mê lập trình cho trẻ nhỏ
Những em nhỏ mê lập trình nhờ sự kèm cặp bởi những thầy cô giáo "không chuyên" của FPT. (Ảnh: H.T/Vietnam+)
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, anh Phan Phương Đạt (đại học trực tuyến FUNix-Đại học FPT, Chủ nhiệm dự án Code for kid) cho hay, hiện nay, trẻ em thành phố thường được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ cao như iPad, smartphone, laptop… Đây cũng là lý do nhóm các bạn trẻ quyết định mở lớp học, giúp các em tiếp cận cũng như khơi dậy niềm đam mê, tìm tòi sáng tạo với công nghệ mới.
Ra đời từ tháng 4/2015, tính đến hiện tại, Code for kid đã mở được 7 lớp học (mỗi lớp từ 10-12 học viên) với cả 3 trình độ Chơi với lập trình (dành cho bé từ lớp 1 làm quen với tư duy lập trình căn bản), Scratch Beginner (dành cho bé từ lớp 5-9 làm quen với ngôn ngữ lập trình Scratch để tự tạo ra những bộ phim hoạt hình ngắn, hay những công cụ phần mềm hỗ trợ học tập) và Scratch Advance (nâng cao).
Các khóa học được thiết kế theo nguyên tắc thời gian vừa đủ để các em học được một lượng kỹ năng và kiến thức trọn vẹn. Độ dài chung cho mỗi khóa học là 16 buổi (90 phút/buổi, 2 buổi mỗi tuần) hoặc 8 buổi (180 phút, một buổi mỗi tuần) vào các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật. Trong mỗi buổi học, các em đều được thực hành để tạo ra một đơn vị sản phẩm nào đó của cá nhân.
Để cho con theo học, phụ huynh học sinh có thể đăng ký với YPC qua website. Sau đó, ban tổ chức sẽ căn cứ vào số học sinh đăng ký để sắp xếp lớp học cũng như kinh phí phụ huynh phải chi trả cho việc thuê phòng giảng dạy và hỗ trợ giáo viên. Trung bình, mỗi buổi học, học viên chi trả từ 60-90.000 đồng.
Cũng theo anh Đạt, bên cạnh việc tiếp tục mở các lớp học, mục tiêu của YPC là nhân rộng mô hình này, giúp đội ngũ giáo viên ở các địa phương có thể tiếp cận và giảng dạy cho trẻ nhỏ.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề dạy lập trình cho học sinh ngay từ bậc tiểu học, thầy Nguyễn Anh Văn (giáo viên Toán-Tin trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông Hai Bà Trưng, Vĩnh Phúc) rất đồng tình. Theo đó, việc áp dụng dạy ngôn ngữ lập trình cho các em ngay từ bậc tiểu học sẽ giúp các em thích thú, đam mê sớm đối với Tin học.
“Hiện nay, các em học sinh cấp 2, cấp 3 vẫn coi Tin học là môn phụ nên không chú tâm nhiều. Với tin học từ bé, tôi nghĩ việc học Tin học trong các cấp học cao hơn sẽ được cải thiện theo chiều hướng tích cực,” thầy giáo Nguyễn Anh Văn cho biết.
Trong khi đó, em Bùi Nhật Minh, học sinh lớp 8 (Trường Trung học Cơ sở Archimedes Academy, Cầu Giấy) cho hay, sau khi tham gia 2 khóa học lập trình, cách sử dụng thiết bị di động của em đã thay đổi.
"Trước đây em chơi nhiều trò chơi khác nhau, mỗi trò thích một chút. Từ khi học xong khóa lập trình, em có thể tự mình làm game theo những gì mình nghĩ, mình thích. Em mong các thầy cô tiếp tục mở khóa nâng cao để có thể theo đuổi đam mê này," Minh tâm sự.
Vừa qua, nhóm dự án đã cộng tác với trường Phổ thông trung học Mạc Đĩnh Chi (Ba Đình, Hà Nội) để tổ chức các lớp học Hour of code - một giờ làm quen với mã lập trình miễn phí cho toàn bộ các em học sinh trong trường với thời lượng 2 buổi/ tháng. Tiếp đến, các thành viên giảng dạy tại Code for kid cũng sẽ hỗ trợ tập huấn cho giáo viên hướng dẫn sử dụng code.org và cung cấp tài liệu về scratch nhằm tạo ra 1 đội ngũ tự giảng dậy và học lập trình trong nhà trường./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.