Người phụ nữ khuyết tật bán trứng mưu sinh, dành tiền hỗ trợ người nghèo
Chị Trịnh Thị Thuỷ (SN 1978), thường bán trứng, vàng mã ở ngõ 165 Chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa, Hà Nội). Chị là nạn nhân chất độc da cam, bố mẹ đã mất đã được 20 năm.
Dù ở chung với gia đình anh trai, nhưng chị Thuỷ vẫn tự lực chuyện ăn uống, sinh hoạt. Bởi, theo chị "Ai cũng khổ và có gia đình riêng, nên tự mình vượt lên chính mình, không muốn nhờ vả ai cả".
Chị Thuỷ là nạn nhân chất độc da cam (Ảnh: Nhịp sống Việt)
Lịch trình của chị Thủy đều đặn: Sáng bán vàng mã từ 6h đến 11h, chiều bán trứng từ 13h đến 17h. Bóng dáng quen thuộc nơi góc phố ấy chẳng mấy khi vắng dù nắng hay mưa. Tuy vất vả, nhưng chị Thủy không bao giờ dùng hoàn cảnh để lợi dụng lòng thương từ mọi người: "Có hôm bán hàng mã, có người đến mua ủng hộ và cho tôi tiền thừa nhưng tôi không lấy. Tôi không bao giờ lấy tiền thừa dù chỉ một đồng".
Đặc biệt hơn, không chỉ nỗ lực tự nuôi chính mình, người phụ nữ khuyết tật này còn dành tiền hỗ trợ của mình và tìm nhiều cách khác để giúp đỡ bao hoàn cảnh khó khăn.
Người phụ nữ tật nguyền nhưng giàu lòng nhân ái (Ảnh: Nhịp sống Việt)
Như ngôi nhà tình nghĩa mà cụ Vũ Thị Võng (SN 1939) ngụ cùng khu vực chị sinh sống là món quà chị Thuỷ góp phần dành tặng bà. Thương cảm hoàn cảnh khó khăn, nhà dột nát trước kia của cụ, chị đã liên hệ với Hội Người khuyết tật quận Đống Đa để tìm nhà tài trợ giúp đỡ.
Chị Thuỷ tự túc sinh hoạt, không phiền hà đến mọi người (Ảnh: Nhịp sống Việt)
Bà Trần Thị Giang (1051) cũng được chị Thuỷ giúp đỡ nhiều lần. Khi mì, gạo, trứng; khi thuốc, tiền; bà Giang với đôi mắt bị bệnh chỉ nhìn thấy lờ mờ cũng được động viên, an ủi phần nào.
Không chỉ cụ Vọng, bà Giang, chú Thắng; mà còn biết bao hoàn cảnh khốn khổ khác được chị Thủy dang tay trợ giúp. Là người khuyết tật bẩm sinh do chất độc màu da cam, chị Thủy thỉnh thoảng được nhận trợ cấp từ cá nhân và cộng đồng.
Tuy nhiên, với tấm lòng nhân ái, chị lại tìm những người có hoàn cảnh khó khăn khác để cho đi. Đa phần những trường hợp chị trao yêu thương đều là người già neo đơn, người vô gia cư và trẻ em.
Để nắm bắt được thông tin chính xác, chị Thủy đã liên hệ với cán bộ phường Trung Phụng (quận Đống Đa, Hà Nội) để xin danh sách số điện thoại những hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, chị liên kết với một bạn tình nguyện để đến từng hoàn cảnh hỗ trợ. Nhằm chứng minh độ uy tín, chị còn lập danh sách, nhờ mọi người kí xác nhận để gửi lời phản hồi đến các nhà tài trợ.
Tháng 7/2021, chị được nhận hỗ trợ quà và tiền bạc. Không giữ cho mình một khoản nào, chị quyết định phân chia và gửi tới nhiều người nghèo. Không dừng lại, chị Thủy còn gửi 300 quả trứng đến công an phường Trung Phụng để dành tặng tới những hộ gia đình khó khăn trong đợt dịch Covid.
Tương tự chị Thuỷ, anh Quảng Đình Hậu (28 tuổi), ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) cũng là một tấm gương khuyết tật giàu lòng nhân ái. Bị khuyết tật bẩm sinh, đôi chân teo tóp đi lại khó khăn nhưng không ngăn anh Hậu chia sẻ yêu thương tới mọi người.
Anh Hậu hỗ trợ bà con vùng dịch (Ảnh: Báo Quảng Ngãi)
Mùa dịch Covid-19, biết được thông tin các hội, nhóm thiện nguyện cần tình nguyện viên chung tay nấu ăn, phát quà cho người nghèo, anh Hậu sẵn sàng tham gia mặc cho cơ thể vốn không khỏe mạnh như bao người. Anh cũng không ngại đi xin sự hỗ trợ của nhiều người, rồi đến các vùng rau để mua rau ủng hộ cho các khu cách ly.
“Bản thân tôi là người khuyết tật, từ nhỏ tôi đã sống thiếu tình thương của cha mẹ, phải sống nương tựa vào bà nội, nhưng tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Hiểu được sự yêu thương, giúp đỡ của mọi người dành cho tôi trong lúc khó khăn quý giá đến nhường nào, nên tôi muốn san sẻ tình cảm ấy đến với những người nghèo, dù chỉ là chút tiền mặt hay những bó rau, ký gạo, nhưng tôi cảm thấy rất vui”, anh Hậu chia sẻ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.