Người phu nữ khuyết tật mang nghề đan lục bình, tạo thu nhập cho chị em
Bà Nguyễn Thị Mười (56 tuổi), ngụ ấp Đông Thuận, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành (Hậu Giang) bị teo chân bẩm sinh. Cuộc sống của bà phụ thuộc vào đôi nạng mới có thể di chuyển. Thế nhưng, không vì thế mà bà Mười buôn xuôi, phó mặc cho số phận.
Bà Mười phát triển kinh tế với nghề đan lục bình (Ảnh: LĐO)
12 năm trước, tình cờ bà biết được có công ty ở Cần Thơ tuyển công nhân đan lát sản phẩm mỹ nghệ từ lục bình. Không chần chờ, bà Mười đã ứng tuyển vào làm và bén duyên từ đó.
Khi đã lành nghề, thấy nhiều chị em phụ nữ tuổi trung niên trong xóm không có công ăn việc làm, có người chỉ loay hoay trong nhà, bà Mười nảy nghĩ ra ý tưởng mở một điểm dạy nghề tại nhà mình. Chị em ở gần thì có thể đến làm trực tiếp, ai ở xa thì nhận nguyên liệu về làm tại nhà, bà tự đến tận nơi thu gom thành phẩm.
Để hoàn thiện sản phẩm, những công nhân phải trải qua 3 công đoạn: Đầu tiên là dán băng keo lên khung sắt do công ty đối tác cung cấp; kế tiếp là bắt công bằng dây lát làm điểm cố định, cuối cùng là đan lục bình.
(Ảnh: LĐO)
Bà Mười giúp đỡ chị em phụ nữ có công ăn việc làm (Ảnh: LĐO)
Theo báo LĐO, chị Nguyễn Thị Hạnh- công nhân làm việc tại xưởng của bà Mười chia sẻ: chị làm công việc này được 5 năm từ lúc được bà Mười dạy nghề đến nay. Bình quân mỗi ngày đan được 20 sản phẩm, rảnh giờ nào làm giờ đó, thu nhập mỗi ngày cũng được 100.000 đồng.
Ông Võ Văn Đến - Phó chủ tịch UBND xã Đông Thạnh - cho biết: “Mô hình đan lát lục bình của bà Nguyễn Thị Mười hiệu quả cao. Với mô hình này hàng tháng bà Mười cung cho công ty đối đối tác hàng nghìn sản phẩm đan lát từ lục bình để xuất khẩu ra các nước trên thế giới. Mô hình đan lát lục bình được UBND huyện Châu Thành khuyến khích nhân rộng toàn huyện. Bà Mười là người rất nhiệt tâm, hiện nay bà tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ trung niên trong xã”.
Mới đây, bà Mười nhận được giấy chứng nhận của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc - Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hồng Ngọc Invoice cũng là một tấm gương vượt khó. Chị bị teo và liệt chân từ nhỏ, tốt nghiệp Trung học phổ thông vào TPHCM học ngành Tin học kế toán ứng dụng tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II.
Dù phải ngồi xe lăn, nhưng chị đã không ngừng học hỏi và mạnh dạn mở công ty riêng do mình làm chủ, tạo việc làm cho nhiều lao động. Hiện công ty có 6 nhân viên, đều là người khuyết tật. Mọi hoạt động của công ty được số hóa nên chị có thể quản lý nhân viên và có thể hỗ trợ họ giải quyết sự vụ phát sinh từ xa.
Chị Ngọc chia sẻ: Lượng khách hàng từ web của em một ngày đến 2.000. Thu nhập của em mỗi tháng 10 triệu, chồng em từ 6 đến 7 triệu. Hiện công ty có 6 bạn nhân viên cũng là người khuyết tật.
Các bạn làm web, hỗ trợ chữ ký số hóa đơn cho khách hàng, thiết kế logo và không cần phải đi đến khách hàng, chỉ cần làm online, từ xa, các bạn không cần đến công ty”.
Vừa làm chủ vừa làm nhân viên nên chị tự tay làm mọi thứ. Với chiếc xe ba bánh, chị rong ruổi khắp nơi để gặp gỡ, hỗ trợ khách hàng, ký hợp đồng. Khi biết chị là người khuyết tật, nhiều khách hàng rất e dè, thậm chí nghi ngờ năng lực của công ty. Thế nhưng, sau khi được hỗ trợ, họ vui vẻ hợp tác ngay.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.