Người thương binh làm kinh tế giỏi, hiến hơn 2.000m2 đất vì cộng đồng
Người thương binh đó không ai khác là ông Hoàng Văn Thàm - Dân tộc Nùng ở khu phố 5, phường Tiến Thành, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Người đàn ông với gương mặt rắn rỏi, tác phong nhanh nhẹn mời nhóm phóng viên ngồi bên tách trà xanh thơm nồng trong căn nhà được xây dựng khang trang, thoáng mát, xung quanh là các loại cây cảnh, rau màu.
Người thương binh sinh ra và lớn lên ở tỉnh Cao Bằng cho biết, giữa năm 1977, theo tiếng gọi của Đảng, ông Thàm khi ấy mới 18 tuổi đã tình nguyện nhập ngũ tại Trung đội pháo binh thuộc Quân khu 1. Trải qua hơn nửa năm huấn luyện thao trường, đến tháng 8-1978, chiến sỹ trẻ Hoàng Văn Thàm cùng đồng đội lên đường tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
Trong một trận giao tranh ác liệt với địch ngày 17-2-1979, ông đã bị thương. Do các vết thương quá nặng ở 2 chân, vùng đầu và phổi, ông được đồng đội đưa về Quân y 91 điều trị và mất hơn nửa năm mới tạm bình phục. Đến tháng 11-1979, ông được giám định thương tật mất 36% sức khỏe, là thương binh hạng 4/4. Với tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng nặng, ông được cấp trên động viên xuất ngũ.
Trở về cuộc sống đời thường với đầy thương tích trên cơ thể, nhưng người thương binh ấy không đầu hàng trước số phận. Năm 1982, ông lập gia đình với người con gái cùng làng cũng trở về từ chiến trường, sau đó ra riêng sống với mấy sào ruộng của cha mẹ cho. Khó khăn trải dài, cái nghèo đeo bám, năm 1984, bán hết tài sản đang có, ông quyết định đưa vợ con vào Nam lập nghiệp theo diện kinh tế mới với ước mơ đổi đời.
Người thương binh Hoàng Văn Thàm không những làm kinh tế giỏi mà còn hết mình vì cộng đồng
“Ngày đó, hoàn cảnh gia đình tôi vô cùng khó khăn, cái nghèo được ví như “trăm dâu đổ đầu tằm”. Cũng may những năm đầu đến đây lập nghiệp, gia đình tôi mượn được chút đất của một người đồng hương tốt bụng rồi cất căn chòi lên ở tạm, gọi là che nắng che mưa, rồi 2 vợ chồng đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy. Sau nhiều năm “bán cái mặt cho đất, bán cái lưng cho trời”, năm 1992, dành dụm được ít tiền, gia đình tôi mua được 1,3ha đất ở đây (nay là khu phố 5, phường Tiến Thành, TP Đồng Xoài) rồi từ từ gầy dựng, phát triển kinh tế gia đình” – người thương binh hạng 4/4 với nước da nhám nắng, thân hình rắn rỏi nay 63 tuổi, nói.
Chia tay quãng đời làm thuê, trên diện tích đất 1,3ha tậu được, ông Thàm làm đủ thứ, trồng đậu, rau màu các loại, nuôi heo, đào ao nuôi cá… Không chỉ làm nông, thấy người dân ăn chay nhiều nên nhu cầu về đậu hũ rất lớn nên vợ chồng ông Thàm đã cất công đi nhiều nơi học hỏi rồi về mày mò mở xưởng sản xuất đậu hũ bán cho khắp các chợ ở Đồng Xoài.
Với tính tình cần cù, siêng năng, chí thú làm ăn, sức đã không phụ người, từ làm nông, sản xuất tàu hũ đã mang lại cho gia đình ông thu nhập ổn định mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Khi cuộc sống đã ổn định, có của để dành, năm 2008, ông Thàm quyết định chuyển gần hết diện tích đất sang trồng cao su, vì thấy loại cây trồng này tốn ít công chăm sóc, thu nhập ổn định. Ông chỉ giữ lại vài trăm mét đất trồng tỉa rau màu các loại để phục vụ cho bữa ăn gia đình và người thân. Ở tuổi 62, ông Thàm vẫn còn rất khỏe mạnh, hằng ngày ông vẫn thức dậy sớm ra lô cạo mủ, trút mủ rồi chở mủ đi bán.
“Có được thành quả như hôm nay vợ chồng tôi đã vất vả quần quật suốt bao năm qua. Đêm hôm thì thức dậy làm tàu hũ để sáng sớm đi giao ở các chợ, về đến nhà lại lao ra vườn trồng rau màu, đủ thứ, nào là đậu, khoai, cà, rôi nuôi heo, thả cá… rồi chở mang bán khắp nơi. Hầu như cứ làm lụng suốt ngày đêm để kiếm tiền, để nuôi con cái ăn học. Chỉ mấy năm gần đây 2 vợ chồng mới bớt khổ, giờ thì gọi là nhàn hơn, chủ yếu chỉ còn thu hoạch mủ cao su” – Người thương binh với thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng nói.
Với cơ ngơi hơn 1,2ha cao su tọa lạc trong thành phố đang cho khai thác cùng căn nhà rộng rãi, khang trang, kiên cố xây cách nay hơn chục năm trị giá nhiều tỉ đồng mà gia đình ông đang sinh sống là kết quả của sự lao động vất vả khó nhọc, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Thàm còn nổi tiếng là người nuôi dạy con ngoan. Ông có 5 người con, trong đó có 4 người con gái, 1 người con trai, tất cả đều được học hành, đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đã ra riêng có cuộc sống ổn định. Bên cạnh đó, ông Thàm còn nhiệt tình tham gia đóng góp xây dựng cho quê hương thêm giàu đẹp. Thời gian qua, gia đình ông hiến hơn 2.000m2 đất trị giá hàng trăm triệu đồng để xây dựng tuyến đường dân sinh trong khu phố. Không chỉ năng động trong lao động sản xuất, gia đình ông còn thường xuyên giúp đỡ bà con trong làm ăn kinh tế cũng như vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngoài việc bản thân gương mẫu thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, người thương binh Hoàng Văn Thàm còn tích cực tuyên truyền trong hội viên chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương và khu dân cư.
Với những thành tích đạt được, nhiều năm qua ông Thàm được Chủ tịch UBND TP Đồng Xoài, các cấp hội cựu chiến binh tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; liên tục được khu phố bình xét đạt danh hiệu gia đình văn hóa; đặc biệt ông được các cấp bình chọn là “Gương điển hình bệnh binh vượt khó, làm giàu”.
Trước tinh thần nỗ lực và cống hiến của thương binh Hoàng Văn Thàm, ông Lê Thanh Hoàn - Chủ tịch UBND phường Tiến Thành cho biết: “Vươn lên bằng nghị lực của chính bản thân để xây dựng gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, ông Thàm thật xứng đáng là người lính Bộ đội Cụ Hồ, là tấm gương sáng về tinh thần vượt lên khó khăn, quyết tâm thoát nghèo, làm giàu chính đáng tại địa phương, nêu gương cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo. Nghị lực vượt khó vươn lên của ông là tấm gương sáng thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.