Nhức nhối tình trạng tài xế nghiện ma tuý, say xỉn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt với tài xế say rượu và sử dụng chất kích thích. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phạt chưa nghiêm, phát hiện chưa triệt để
Báo cáo tại buổi họp sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra chiều ngày 22/7, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng CSGT đã phát hiện xử lý 78.117 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, 239 trường hợp lái xe dương tính với ma túy.
Riêng tỉnh Quảng Ninh, ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, 6 tháng đầu năm lực lượng CSGT tỉnh Quảng Ninh đã xử lý 935 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma tuý; trong đó có 6 trường hợp người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma tuý. Tỉnh này đã tạm giữ 935 phương tiện, tước giấy phép lái xe của 794 phương tiện.
Ông Khắng cho biết, mặc dù đã kịp thời triển khai có hiệu quả công tác xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường có sử dụng chất kích thích, nhưng trong quá trình xử lý vi phạm lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn.
Tiêu biểu như, các lái xe uống bia rượu, dùng ma tuý hầu hết đều hạn chế khả năng điều chỉnh hành vi, cá biệt có trường hợp thiếu kiềm chế, mất tự chủ dẫn đến thái độ không chấp hành, kháng cự lại lực lượng chức năng. Song, ngoài việc xử lý vi phạm theo Nghị định 46 thì quan điểm về xử lý các hành vi khác (chống người thi hành công vụ, cản trở giao thông…) giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa thống nhất nên hiệu quả răn đe không cao.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho rằng hiện nay mức xử phạt đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà cơ thể có chất ma tuý, vi phạm nồng độ cồn còn ở mức thấp, chưa đủ sức răn đe.
Một hạn chế nữa phải kể đến là quy trình kiểm tra, xử lý lái xe trong cơ thể có chất ma tuý còn mất nhiều thời gian (khoảng 15-20 phút/trường hợp), phương thức kiểm tra còn bất tiện (lái xe phải ngậm ống trong một thời gian dài mới đủ yêu cầu mẫu thử), số lượng trang thiết bị còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình kiểm tra xử lý. Trong khi đó, để đảm bảo tính chính xác, sau khi test nhanh người điều khiển phương tiện dương tính với ma tuý, lực lượng chức năng phải đưa người lái xe đến cơ sở trung tâm xét nghiệm để đảm bảo căn cứ xử lý theo vi quy định pháp luật rất mất thời gian, ảnh hưởng tới hiệu quả công tác.
Về phía tỉnh Hải Dương, địa phương này lại nêu một khó khăn khác về việc khám sức khoẻ và kiểm tra lái xe sử dụng chất ma tuý, đó là theo quy định tại Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì “đơn vị kinh doanh vận tải phải chịu trách nhiệm tổ chức khám sức khoẻ cho lái xe và sử dụng lái xe đủ sức khoẻ theo quy định”. Tuy nhiên, việc khám sức khoẻ cho lái xe (khám định kỳ và lái xe mới tuyển dụng) hầu hết đều do lái xe tự đi khám tại các cơ sở y tế mà không có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước khiến việc phát hiện bị hạn chế trong trường hợp lái xe cố tình gian lận.
Ngoài ra, đối với những lái xe kinh doanh vận tải là các hộ cá thể, taxi công nghệ (như Grab) hay lái xe hợp tác với các công ty taxi chưa có quy định bắt buộc và chế tài xử lý đối với lái xe khám sức khoẻ, kiểm tra sử dụng chất ma tuý định kỳ.
Đồng tình tăng nặng chế tài xử phạt
Với tình trạng của địa phương, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã đề nghị Uỷ ban ATGT Quốc gia đưa việc kiểm tra lái xe sử dụng chất ma tuý đối với lái xe kinh doanh vận tải là hoạt động bắt buộc, định kỳ hàng năm. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu chung toàn quốc về danh sách lái xe dương tính với ma tuý để cơ quan chức năng theo dõi.
Về phía tỉnh Quảng Ninh, tỉnh này cho rằng, xảy ra tình trạng như trên là do một số người dân chưa nhận thức được sự nguy hiểm của việc điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma tuý, sử dụng rượu, bia. Cùng với đó, cách nhìn nhận của dư luận xã hội nhiều khi không khách quan, thiếu thiện chí, thậm chí “vào hùa” cho các hành vi chống đối lực lượng chức năng, gây sức ép lớn tới tâm lý, trách nhiệm của người thi hành công vụ…Vì thế, Quảng Ninh cho rằng cần tập trung vào giải pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức người dân về tác hại của rượu bia, ma tuý, tạo hiệu ứng xã hội đồng tình ủng hộ trong việc xử lý vi phạm.
Trước báo cáo và đề xuất của các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận tình trạng “đáng quan ngại là người nghiện ma túy, lái xe uống rượu say xỉn điều khiển phương tiện vẫn rất cao”.
Từ thực tế trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương đề xuất dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ. Bộ Tư pháp trình dự thảo sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng mạnh khung xử phạt vi phạm ATGT để tăng sức răn đe. Các cơ quan chức năng cần khẩn trương hoàn thành dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 46 quy định về xử lý vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt, Nghị định thay thế nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ô tô để lấy ý kiến thành viên Chính phủ; hướng dẫn thực hiện Luật Phòng chống tác hại rượu,bia đã được Quốc hội thông qua.
“Quy định hiện nay đã cao rồi nhưng chưa đủ răn đe, cứ 80 mg/100 ml máu thì coi như chuyển hình sự rồi, chứ không phải hành chính bình thường nữa. Hay là nghiện ma túy, nghiện rượu, thu ngay vĩnh viễn bằng lái. Luật Xử lý vi phạm hành chính này phải sửa khung cao như một số nước. Phải sửa khung này, mang tính răn đe cần thiết, ít tốn kém mà lại hiệu quả cao”, Thủ tướng yêu cầu.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.