Những người thầm lặng canh “giấc ngủ ngàn thu” cho các anh hùng liệt sĩ ở Thanh Hoá
Chứng kiến nơi yên nghỉ của cha anh khang trang, sạch đẹp, lòng ta không khỏi xúc động trước công việc lặng thầm của những người quản trang làm nhiệm vụ canh giữ phần mộ của các anh hùng liệt sĩ.
Ông Phạm Văn Nguyên thắp hương lên mộ phần các liệt sĩ
Đến Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Nghi Sơn bất cứ khi nào, chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh người quản trang già cần mẫn, cặm cụi hương khói, quét dọn và chăm lo cho từng phần mộ các anh hùng liệt sĩ. Hơn 30 năm gắn bó ở nơi này, ông Lê Trọng Tám (sinh năm 1948) ở phường Hải Ninh thị xã Nghi Sơn tỉnh Thanh Hoá thuộc lòng từng tên liệt sĩ, quê quán, ở vị trí hàng nào, lối nào.
Ông cho biết: “Tôi nhập ngũ cuối năm 1967, đến năm 1975 thì xuất ngũ. Suốt 8 năm ở chiến trường, dù Quảng Trị, hay Đà Nẵng, ở đâu cũng nghe tiếng súng và nhìn thấy khói đen kịt. Có những trận đánh, đồng đội tôi hy sinh gần hết. Dù hiện tại đang là nạn nhân da cam mất 61% sức khỏe, ốm đau liên miên nhưng tôi luôn cảm thấy may mắn so với những đồng đội đang nằm ở nơi đây.
Vì vậy, từ năm 1989 đến nay, tôi tình nguyện gắn bó với công việc quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Nghi Sơn. Và tôi sẽ vẫn tiếp tục công việc này cho đến khi không còn làm được nữa, hoặc cấp trên yêu cầu nghỉ”.
Được biết, Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Nghi Sơn tỉnh Thanh Hoá là nơi yên nghỉ của 692 phần mộ liệt sĩ, trong đó có cả liệt sĩ khuyết danh. Để canh giữ “giấc ngủ” cho các anh hùng liệt sĩ, ông Tám luôn cần mẫn chăm sóc, dọn dẹp bảo vệ từng ngôi mộ, quét dọn nghĩa trang luôn sạch sẽ, chăm sóc, tưới nước cho hoa, cây xanh trong khuôn viên; tiếp đón, hướng dẫn các đoàn khách, thân nhân liệt sĩ khi họ đến đây thăm viếng... Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, không kể nắng mưa, ông đều cần mẫn, tận tụy với công việc của mình.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Đồng Tâm, xã Thiết Ống huyện Bá Thước tỉnh Thanh Hoá là nơi yên nghỉ của hơn 2.000 liệt sĩ ở 32 tỉnh, thành trong cả nước. Ông Phạm Văn Nguyên, sinh năm 1967, xã Thiết Ống là người quản trang suốt 26 năm qua.
Nói về việc mình đang làm, ông Nguyên chia sẻ: “Công việc hàng ngày của tôi bắt đầu từ 6 giờ sáng cho tới khi mặt trời lên cao, thời gian làm việc không cố định. Cứ thấy có cỏ là làm, có lá rơi thì quét hay vào lúc đêm khuya, có nhiều thân nhân ở xa đến thăm, tôi cũng mở cửa và sẵn lòng hướng dẫn”.
Sau ngần ấy năm làm quản trang, ông Nguyên thuộc lòng từng tên liệt sĩ, vị trí ngôi mộ, quê quán, địa điểm được quy tập về nghĩa trang. Thậm chí ông còn quen mặt từng người thân liệt sĩ mỗi khi đến viếng thăm mộ.
Trong quá trình làm việc, ông còn tìm hiểu và biết được rất nhiều thông tin, quê quán các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh và an nghỉ nơi đây. Với những ngôi mộ vô danh, không người thân thăm viếng, ông xem các anh như những người thân và luôn chăm sóc chu đáo.
Hai ông bà quản trang Lê Trọng Tám và bà Trịnh Thị Hải, thắp hương lên mộ phần các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Nghi Sơn.
Đang là thợ sửa chữa đồ điện tử có uy tín với thu nhập đủ trang trải cuộc sống 2 vợ chồng và nuôi 4 con ăn học nhưng ông Hoàng Văn Khải ở tiểu khu Nam Tiến, thị trấn Nông Cống tạm gác lại để đảm nhận vai trò quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Nông Cống.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề quản trang (từ năm 2008 đến nay) ông luôn làm tốt vai trò của người quản trang như chăm lo phần mộ, quét dọn khuôn viên nghĩa trang, tiếp đón thân nhân liệt sĩ...
Ông chia sẻ: “Dù mức trợ cấp hàng tháng chưa đến 1,4 triệu đồng và cuộc sống của gia đình còn nhiều khó khăn nhưng được tự tay chăm nom phần mộ cho các anh hùng liệt sĩ, tôi mãn nguyện và cảm thấy may mắn so với đồng đội đang yên nghỉ tại nghĩa trang này”.
Quản trang - công việc rất đỗi bình thường nhưng chất chứa trong đó là cả tấm lòng tôn kính để tri ân, báo đáp công lao những liệt sĩ đã xả thân mình vì độc lập dân tộc. Nhiều người làm nghề, dù cuộc sống hiện tại đang còn nhiều khó khăn như ông Phạm Văn Nguyên (quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Đồng Tâm) vẫn đang là hộ cận nghèo, hoặc sức khỏe không được tốt như ông Hoàng Văn Khải (quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Nông Cống) hiện đang bị bệnh gout nặng...
Song không vì thế mà nhiệt huyết, trách nhiệm với nghề giảm sút. Họ vẫn ngày đêm thầm lặng “chăm lo” cho các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang. Để rồi, vào dịp Tết Nguyên đán, hay vào những dịp đón hài cốt liệt sĩ trở về, ngày 27-7, những người quản trang như ông Nguyên, ông Tám hay ông Khải lại tất bật hơn cho công việc chăm sóc mộ phần, tiếp đón thân nhân, người dân đến thăm viếng nghĩa trang, tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.