Những nụ cười từ “ngôi nhà vô sản”
Thầy Hải chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ của các học viên
Hơn chục năm qua, thầy đã nuôi dưỡng, dạy nghề miễn phí cũng như tạo công ăn việc làm cho hàng trăm học viên, giúp cho nhiều hoàn cảnh khó khăn có một cuộc sống yên bình và động lực vươn lên trong cuộc sống.
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ Linh Quang (phường Văn Chương, Đống Đa), Trung tâm Linh Quang là nơi sinh hoạt của nhiều người khuyết tật, hoàn cảnh đặc biệt trong nhiều năm qua. Thầy kể, năm 1976, đất nước khó khăn nên số lượng trẻ lang thang đường phố rất nhiều. “Chứng kiến cảnh các em lang thang, đói rách, rồi lại phải vật lộn mưu sinh hằng ngày trong khi đang tuổi ăn, tuổi học, tôi thấy xót xa vô cùng. Nhiều lần gọi các em vào nhà, cho ăn uống nhưng tôi nghĩ ngoài kia còn nhiều em khổ quá, không thể giúp đỡ như vậy mãi nên phải cho các em chiếc “cần câu cơm”, thầy Hải tâm sự.
Nghĩ là làm, thầy Hải liền bắt tay thực hiện kế hoạch. Thời gian đầu, thầy chỉ mở được một lớp nhỏ. Nhiều người không hiểu được tâm ý của thầy, đồn thổi thầy tụ tập trẻ em đường phố để làm chuyện xấu, khiến không ít lần thầy phải đi giải thích với cơ quan chức năng. Nhưng rồi tâm huyết cùng tấm lòng nhân ái, đã có không ít người chung tay ủng hộ, giúp thầy có thêm kinh phí dạy nghề cho học viên.
Tuy đã có sự ủng hộ nhưng khó khăn chồng chất khó khăn. Trung tâm đặc biệt hơn những nơi khác khi chính thầy Hải quản lý lại đứng dạy học, đôi khi trở thành... xe ôm đưa các học viên đi chữa bệnh. Thầy Hải còn nói vui rằng, Trung tâm chẳng khác nào... “ngôi nhà vô sản”: “Kinh phí không có nhiều nên khó có thể thuê thêm giáo viên. Thứ “giàu” nhất mà chúng tôi đang có là những nụ cười của học viên”.
Hơn chục năm đi vào hoạt động, đến nay Trung tâm đã mở rộng đối tượng tiếp nhận, từ trẻ em tàn tật, lang thang đến phụ nữ là nạn nhân của nạn bạo hành, buôn người cũng được thầy Hải đưa về trung tâm. Là một trong những hợp đặc biệt, chị Nguyễn Thị Tới (33 tuổi, Lạng Sơn) từng bị bọn buôn người đưa sang Trung Quốc làm vợ của một ông già phía bên kia bên giới. May mắn hơn những người khác khi thoát được khỏi “địa ngục trần gian”, chị Tới được thầy Hải đón về đào tạo nghề. “Có được sự giúp đỡ của thầy Hải, tôi giống như được sinh ra lần thứ hai. Thầy nuôi ăn, nuôi ở, lại còn cho tôi cái nghề để mưu sinh. Đến nay, tôi có thể tự nuôi sống được bản thân”, chị Tới rưng rưng nước mắt.
Hiện tại, Trung tâm đào tạo năm nghề chính cho các học viên: điện, vi tính, may, thêu và dệt. Những nghề được lựa chọn để giảng dạy đều được thầy và nhân viên Trung tâm nghiên cứu kỹ để khi hoàn thành khóa học, học viên có việc làm ngay.
Thời gian trôi đi, biết bao con người, số phận đã trưởng thành, có cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ tấm lòng của thầy Trần Duyên Hải. Với thầy, cuộc hành trình đầy yêu thương sẽ vẫn tiếp tục và sẽ chỉ dừng lại khi thầy nhắm mắt, xuôi tay.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.