Người khuyết tật khó xin việc: Phải có chế tài với doanh nghiệp?
Bà Đinh Việt Anh phó chủ tịch Hội người mù Việt Nam cho biết, hiện nay các cấp hội đã mở các lớp đào tạo ngắn hạn như xoa bóp, bấm huyệt, các lớp kỹ năng chăn nuôi, tin học văn phòng, làm đồ thủ công, làm tăm tre... cho các hội viên và đã đạt được nhiều thành công nhưng song vẫn còn nhiều hạn chế. Lý do là thiếu hụt cơ sở vật chất cho việc hỗ trợ học viên, cơ hội nghề nghiệp cho những người khuyết tật đặc biệt là người khiếm thị còn rất hạn chế, thiếu các cơ sở giáo dục, dạy nghề ở cấp cơ sở như huyện, xã, thôn và các tỉnh lẻ.
Ngoài ra, việc tìm đầu ra cho học viên là rất khó khăn vì các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về người khuyết tật. Chưa kể, trình độ học vấn của người khuyết tật hiện nay còn thấp, nhiều người khuyết tật vẫn còn mang tâm lý tự ti, mặc cảm, có những người khuyết tật chưa định hướng được nghề nghiệp phù hợp dẫn đến việc họ không biết thế mạnh của mình là gì, vì vậy, họ đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội được tham gia vào thị trường lao động vốn đã nhiều sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay, có những học viên đã học rất nhiều nghề nhưng khi hoàn thành thì lại không kiếm được công việc ổn định.
Vì thế, vẫn còn nhiều người khiếm thị chưa kiếm được việc làm. Ngoài ra, gia đình vẫn còn có tư tưởng bao bọc sợ con ra ngoài dễ bị lợi dụng nên gia đình không muốn tạo điều kiện cho con em họ đi học nghề. CÓ một số ít người khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa chưa biết được các trung tâm đào tạo nghề nên họ không biết phải tìm ở đâu, chỉ khi có người quen giới thiệu thì gia đình mới cho họ đi học. Việc tham gia vào thị trường lao động là ước mơ không chỉ riêng bất kì ai trong đó, có cả người khuyết tật.
"Ngoài việc đào tạo nghề, việc tìm việc làm cho học viên rất quan trọng. Chưa kể, công tác tư tưởng cho gia đình học viên để họ đồng ý đưa con em họ tham gia học nghề là rất khó khăn. Thế nhưng, để làm được điều đó cần có sự trung tay của cộng đồng và xã hội để giúp nhiều người khuyết tật có cơ hội được học nghề". - Bà Đinh Việt Anh bày tỏ.
Hiện nay, cả nước có hơn sáu triệu người khuyết tật chiếm 7.6% dân số. tuy nhiên, tỉ lệ người khuyết tật được giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm còn thấp. chưa kể, tỉ lệ người khuyết tật có bằng cấp còn hạn chế. Sự hỗ trợ người khuyết tật chưa phù hợp dẫn đến số lượng người khuyết tật chưa đảm bảo được sinh kế.
Hầu hết, để nhận được sự hỗ trợ này người khuyết tật phải đi học ở những thành phố lớn và họ bắt buộc phải xa gia đình còn lại những tỉnh lẻ, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn rất ít trung tâm đào tạo nghề cho họ. Đặc biệt, đối với những người khuyết tật trẻ thì càng khó có cơ hội tiếp cận với những nghề mới hơn. Thế nên, khả năng bị bỏ lại là rất cao. Nhiều tổ chức đã cố gắng hỗ trợ người khuyết tật tốt nhất có thể nhưng tình trạng người khuyết tật chưa được đào tạo nghề vẫn còn cao.
Cần có những giải pháp tối ưu để tất cả người khuyết tật được hỗ trợ việc làm ở mức tối đa. Giảm bớt gánh nặng cho xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh quá trình hòa nhập của người khuyết tật vào đời sống.
Ở các nước phát triển, người ta rất chú trọng quan tâm tới giáo dục, dạy nghề cho người khuyết tật. Tiêu biểu như ở Pháp, người khiếm thị được ưu tiên cung cấp, hướng dẫn đào tạo, họ được làm việc trong mọi lĩnh vực từ công nghệ thông tin, kinh tế, tài chính, kỹ sư xây dựng…
Họ được đi học như người bình thường, học trường bình thường bởi họ có những công cụ hỗ trợ, mỗi trường học luôn có bộ phận giúp đỡ học sinh khuyết tật. Họ cũng học đại học, làm thạc sĩ, tiến sĩ … như tất cả mọi người.
Các doanh nghiệp ở Pháp bắt buộc phải tuyển người khuyết tật. Ở Mỹ, khái niệm tách biệt trường dành cho người bình thường và người khuyết tật là không có, bởi mọi người tin rằng ai cũng cần có quyền được phát triển bình đẳng. Hay ở Nepal, người khuyết tật được nhận vào làm việc cho các doanh nghiệp nếu họ đáp ứng đầy đủ nhu cầu từ phía nhà tuyển dụng.
Nếu trường hợp, các công ty không nhận người khuyết tật vào làm việc chỉ vì lý do bị khiếm thị và cho rằng không đáp ứng đủ điều kiện công việc thì người lao động có thể khởi kiện công ty đó ra tòa. Với điều kiện là họ phải có bằng chứng đầy đủ khẳng định là công ty đó có thái độ kì thị, phân biệt đối xử và có đầy đủ cơ sở pháp lý để làm điều đó. Đây cũng là 3 ví dụ tiêu biểu trong việc cải thiện chất lượng cũng như khắc phục khó khăn trong giáo dục, dạy nghề cho người khuyết tật .
Mong rằng, Đảng và Nhà nước ta có những chế tài hợp lý để người khuyết tật có thêm cơ hội việc làm, góp phần nâng cao đời sống, giảm bớt sự phụ thuộc vào gia đình, xã hội, đặt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững và chương trình trợ giúp người khuyết tật dai đoạn 2021 - 2030.
Bài phân tích và thể hiện quan điểm của tác giả Cường Nguyễn
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.