Nữ sinh lớp 12 sáng chế bảng học chữ cái và Toán học chô người khiếm thị
Phạm Thuỳ Trang (lớp 12 Trường THPT Trần Văn Quan- Bà Rịa - Vũng Tàu) bắt đầu từ năm lớp 10 đã có dịp tham quan tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) và cảm nhận được những khó khăn mà các bạn khiếm thị trong việc học tập.
Mang theo những trăn trở đó, Trang đã bắt tay nghiên cứu thiết bị giúp trẻ em khiếm thị thuận tiện trong quá trình học tập. Cô bắt đầu vẽ phác hoạ trên giấy, sau đó đưa cho giáo viên góp ý.
Với niềm đam mê sẵn có và là thành viên Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật của trường, Thùy Trang mày mò tạo ra sản phẩm ban đầu là chiếc máy giúp học bảng chữ cái và những câu tiếng Anh đơn giản. Thời gian sau đó, cô thường xuyên tham gia các chương trình và cuộc thi, mang thiết bị đi thực nghiệm, đồng thời trò chuyện với giáo viên hướng dẫn, từ đó sửa đổi bản phác thảo và tạo ra "Thiết bị học chữ cái, học toán cho trẻ khiếm thị".
Thuỳ Trang có niềm đam mê với khoa học kỹ thuật (Ảnh: TTO)
Thuỳ Trang đã dành 4 tháng để học các kiến thức liên quan đến đề tài bao gồm cả những hiểu biết về trẻ khiếm thị.
Quá trình hoàn thành sản phẩm có đôi lúc khiến Trang cảm thấy mệt, quá tải. Sản phẩm đầu tiên do Trang làm ra cũng chỉ được đánh giá ở mức độ dùng cho trẻ học phát âm chữ cái, không thể dùng để tính toán và học hình học.
Thế nhưng, được sự động viên của thầy cô, Trang đã tìm ra phương pháp cân đối thời gian giữa học và nghiên cứu.
Được biết, ngay từ khi còn đang học cấp trung học, cô nàng đã dành giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh với dự án "Thước đo đa năng", sau đó là giải ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và giải nhất tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng (VIFOTEC) cấp tỉnh.
Năm 2020, khi vừa trở thành học sinh lớp 10 Trường THPT Trần Văn Quan, cô tiếp tục mang về cho mình giải khuyến khích tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng (VIFOTEC) toàn quốc và giải nhất Cuộc thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên cấp tỉnh do Hội LHTN, Tỉnh đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức.
Trong năm 2021, Trang mang thiết bị học chữ cái, học toán cho trẻ khiếm thị dự thi và giành được giải nhất Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp (CiC) do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức; giải "Thí sinh được yêu thích nhất" tại Cuộc thi Start-up Wheel do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) tổ chức và giải nhì Cuộc thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên cấp tỉnh.
Trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, Trang luôn trao đổi với giáo viên hướng dẫn và mang thiết bị đi thực nghiệm tại trường, xin ý kiến của trẻ khiếm thị để cải thiện các tính năng. Hiện nay, sau khi đưa sản phẩm đi thực nghiệm tại Trường nuôi dạy trẻ khiếm thị Hữu Nghị, Trang tiếp tục chỉnh sửa thiết bị để giúp các trẻ khuyết tật cảm thấy thuận lợi nhất khi sử dụng.
Dự kiến đến cuối tháng 8 Thùy Trang sẽ kết hợp thêm tính năng dành cho trẻ khiếm thính và cho phép đổi đơn vị ngay trên thiết bị.
"Trong tương lai, mình sẽ kết hợp công nghệ 4.0 cho phép giáo viên quan sát dữ liệu mà học sinh đã học được trong ngày. Học sinh có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên thông qua thiết bị mà không cần phải dùng các thiết bị khác như smartphone hay máy tính", Trang nói.
Cũng có niềm đam mê với khoa học kỹ thuật, 2 học sinh Đỗ Kim Khánh, lớp 11A1 và em Đinh Hoàng Đức, lớp 11 Sinh (Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai) đã sáng chế thành công xe lăn 2 trong 1 cho người khuyết tật.
Xe được thiết kế bằng 2 vật liệu chính là khung sắt và gỗ. Trọng lượng của xe là 17kg. Xe có thể chịu được tải trọng từ 50-90kg với vận tốc di chuyển tối đa là 12km/giờ. Ngoài ra, xe có chế độ cài đặt vận tốc cố định, khuyến khích ở mức 6km/giờ. Tuy nhiên, nhược điểm là khối lượng của xe còn khá nặng, tính thẩm mỹ chưa cao; xe không thể di chuyển thuần cơ khi không có nguồn điện. Nhóm mong muốn sẽ khắc phục nhược điểm này, đồng thời phát triển thêm một số tính năng mới như: đo nhịp tim; nút bấm liên lạc khẩn cấp để kết nối với người thân hoặc nhân viên y tế trong trường hợp khẩn cấp.
Được biết, Kim Khánh và Hoàng Đức đều đã 2 lần tham gia cuộc thi KHKT. Trong đó, Hoàng Đức từng đoạt giải nhì cấp tỉnh với đề tài Nghiên cứu sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải nhà máy sữa kết hợp với men bồ hòn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.