"Phạt" học sinh sao cho "tâm phục, khẩu phục"?
Việc ồn ào này là điều dễ hiểu, bởi quy định đó tác động tới đối tượng là học sinh đang tuổi lớn và đụng chạm tới đông đảo các gia đình. Vấn đề đang nhận được sự quan tâm của dư luận với hai luồng ý kiến khác nhau.
Theo Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng Khoa công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam thì đây là một biện pháp phản giáo dục. Ông không ủng hộ giải pháp này.
"Ở tình huống này, tôi cho rằng đã có sự nhận thức sai và bị đánh đồng một hành vi sai xử lý bằng mặt đạo đức và dùng kỷ luật là một biện pháp cuối cùng. Đây cũng được coi là một giải pháp thất bại của nhà quản lý" - ông Hà nói.
Là một nhà tâm lý học, ông Hà phân tích, chúng ta cần đặt vấn đề: Tại sao học sinh lại vi phạm? Có phải vì các em không hiểu luật đầy đủ không? Các em học sinh đang ở lứa tuổi thích chứng tỏ mình và làm ngược lại những điều mà bị cấm. Các em cho rằng, phải làm khác đi so với người khác mới là lớn, là tự tin, thậm chí là "anh hùng".
Do vậy, ông cũng lo ngại, nếu phạt nghỉ 7 ngày thì các em sẽ làm gì, kết quả học tập bị giảm sút, bố mẹ vất vả hơn và các em lại càng dễ tụ tập. Trong tình huống này, tác dụng giáo dục mà Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra là việc không tưởng và là một quyết định phản giáo dục.
Về cách giải quyết, theo ông Hà nếu đứa trẻ sai về hành vi thì sẽ chỉnh sửa bằng hành vi, chứ không dùng mặt đạo đức để kỷ luật.
Ông chia sẻ cách mà các nước phương Tây áp dụng: Nếu học sinh vi phạm Luật Giao thông thì bố trí cho các em đứng ngoài đường hướng dẫn giao thông với thanh niên tình nguyện chẳng hạn, hoặc với cảnh sát giao thông hay tới thăm, hỗ trợ chăm sóc các nạn nhân bị tai nạn giao thông tại các bệnh viện.
"Các việc công ích sẽ mang lại giá trị cho bản thân các em để các em hiểu được hành vi vi phạm có thể ảnh hưởng tới chính mình như thế nào. Việc ấy có tác dụng hơn nhiều, và đương nhiên nhà trường sẽ phải làm thêm nhiều việc hơn. Còn kỷ luật thì nhà trường đỡ phải lo. Tôi cho rằng, nhà trường cần tạo nhiều hoạt động khác nhau để giúp học sinh tiếp nhận những giá trị quan trọng" - ông Hà phân tích.
Ngoài ra, theo ông Hà, cũng cần phải hiểu là các em đang ở lứa tuổi muốn chứng tỏ bản thân để lựa chọn cách giáo dục có hiệu quả, không làm tổn thương tâm lý các em, tạo cơ hội cho các em sửa chữa và nhận thức sâu sắc.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Ba Đình lại tán thành quy định này của Sở GD&ĐT và yêu cầu cần phải có chế tài mạnh hơn để học sinh chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Ông Lâm chỉ ra thực trạng hiện nay: Học sinh không tôn trọng an toàn giao thông đang có xu hướng gia tăng. Một trong các nguyên do là các em đang ở độ tuổi thích tự do, thoải mái; bản thân người lớn cũng có rất nhiều người không nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông. Mặt khác, tình trạng học sinh vi phạm giao thông không ít nhưng tỷ lệ bị phạt không nhiều, lại càng không đủ sức răn đe.Ông Lâm dẫn chứng, ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng, khi ở trong trường học sinh rất ngoan, chấp hành nghiêm các quy định, nếu đội mũ bảo hiểm chưa cài quai cũng không được ra khỏi cổng trường.
Tuy vậy, khi ra khỏi cổng trường, cũng không thể biết các em có chấp hành được như thế không? Rõ ràng là ngoài nhà trường, cần phải có sự phối hợp vào cuộc quyết liệt của gia đình cũng như xã hội.
Hành vi vi phạm an toàn giao thông không thể không xử phạt. Nếu chỉ áp dụng ý kiến thứ nhất: không phạt mà cho tham gia các hoạt động công ích thì chưa hẳn đã có hiệu quả, mặt khác điều kiện và hoàn cảnh ở Việt Nam lúc này là không thể áp dụng…
Do vậy, một luồng ý kiến khác cho rằng, có thể kết hợp hai hình thức trên: vừa giáo dục ý thức cho học sinh từ trong nhà trường, gia đình nhưng cũng phải có biện pháp răn đe dủ mạnh để nâng cao ý thức cho các em. Chỉ có như vậy mới góp phần vào việc giáo dục và nâng cao ý thức chấp hành luật pháp một cách tốt nhất cho các em - những chủ nhân tương lai của đất nước./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.