Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cần tích cực, chủ động ứng phó với bão số 7
2016-10-16 22:15:19
0 Bình luận
Chiều nay 16/10, ngay sau khi kết thúc chuyến công tác để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại 4 tỉnh miền Trung, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp để chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 7 có tên quốc tế là Sarika.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương ven biển, đặc biệt là các tỉnh miền Trung khẩn trương chuẩn bị ứng phó với bão, khắc phục hậu quả lũ lụt với ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn cho người dân. Ảnh VGP/Xuân Tuyến |
Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Tham gia trực tuyến là lãnh đạo UBND các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định.
Bão số 7 mạnh nhất trong nhiều năm qua
Theo thông tin cập nhật từ ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, từ khoảng 7h sáng nay, 16/10, bão đã đi vào Biển Đông. Đến 13h chiều nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 670km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.
Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13 giờ ngày 17/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 113,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16-17.
Theo ông Cường, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) là khá rộng, trải dài trên vùng biển từ Hải phòng đến Khánh Hoà, phía Bắc Vĩ tuyến 14 và phía Đông Kinh tuyến 111. Vùng gió mạnh từ cấp 8 trở lên phía Bắc Vĩ tuyến 15 và phía Đông Kinh tuyến 112.
Về hướng di chuyển, bão số 7 được dự báo di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Hiện tại các cơ quan dự báo khí tượng thuỷ văn uy tín trên thế giới và Việt Nam đều cho rằng, Bão sẽ đi qua phía nam đảo Hải Nam trước khi đổ bộ vào Vịnh Bắc Bộ. Dự báo hiện nay bão có thể đổ bộ khu vực khá rộng, từ Hải Phòng đến Quảng Bình.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 16-17. Biển động dữ dội.
Bão số 7 cũng được dự báo sẽ gây ra mưa lớn, thời gian mưa ngắn và tập trung. Khu vực mưa to được dự báo là Thanh Hoá, đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Tổng lượng mưa từ 200 – 400 mm.
Tuy nhiên, điểm cần đặc biệt lưu ý là thời điểm bão đổ bộ (dự báo khoảng chiều ngày 19/10) cũng là thời điểm triều cường cao nhất trong năm. Do đó, nguy cơ xảy ra ngập lụt là rất cao.
Không chỉ vậy, Giám đốc TTDBKTTVTW còn cho biết một cơn bão nữa đang hình thành ngoài khơi và cũng được dự báo đi vào Biển Đông với cấp siêu bão.
Nếu đúng như dự báo, bão số 7 sẽ là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua, lại diễn ra vào thời điểm hết sức nguy hiểm là triều cường đạt đỉnh, có thêm một cơn bão lớn nữa đang hình thành, trong khi đó các tỉnh miền Trung vẫn chưa khắc phục xong hậu quả của lũ lụt.
Chạy đua với thời gian
Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đều cho biết sẽ tích cực, chủ động, khẩn trương chuẩn bị thật tốt theo phương châm 4 tại chỗ để ứng phó với bão số 7.
Chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An cho biết, chính sự chuẩn bị chu đáo, cộng với sự tham gia tích cực của nhân dân đã giúp hạn chế tối đa hậu quả của lũ lụt những ngày qua. Cho đến thời điểm này, các tỉnh miền Trung đều đã kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn và sẽ kiểm soát thật tốt, không để ngư dân ra biển trong những ngày tới.
Các địa phương cũng sẽ tiếp tục duy trì chế độ trực 24/24 để kịp thời ứng phó với những tình huống bất ngờ xảy ra, triển khai khắc phục hậu quả mưa bão một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với các địa phương là phần lớn các hồ, đập đều đã đầy nước, do đó nếu bão số 7 kéo theo mưa lớn, gần như chắc chắn sẽ gây ra lụt, thậm chí đe doạ sự an toàn của các công trình.
Gần như tất cả các ý kiến phát biểu của lãnh đạo các địa phương tại cuộc họp đều kiến nghị các cơ quan chức năng cần nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo dự báo sớm, chính xác để từ đó địa phương có cơ sở triển khai các phương án ứng phó. Các địa phương cũng kiến nghị cần tăng cường thông tin, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động đề phòng.
Trung tướng Lê Ngọc Minh, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch UBQG TKCN cũng cho biết, hiện tại đã điều động lực lượng của Quân khu 4 đến các tỉnh miền Trung để tham gia khắc phục hậu quả lũ lụt. Đối với bão số 7, cơ quan này sẽ tập trung chỉ đạo lực lượng Biên phòng để kiểm đếm, đưa phương tiện vào nơi tránh trú, neo đậu an toàn, đồng thời chỉ đạo các lực lượng theo dõi chặt chẽ hướng di chuyển của bão để chủ động bố trí, huy động lực lượng ứng phó. Trung tướng Lê Ngọc Minh cũng đề nghị các địa phương cần chủ động sẵn sàng huy động tối đa lực lượng tại chỗ để tham gia phòng, chống bão khi có yêu cầu.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường - Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai nhấn mạnh nhiều lần về tính chất phức tạp và nguy hiểm của cơn bão số 7, do đó yêu cầu các địa phương phải tuyệt đối không chủ quan, hết sức khẩn trương để chuẩn bị ứng phó với bão.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương ven biển, đặc biệt là các tỉnh miền Trung khẩn trương chuẩn bị ứng phó với bão, khắc phục hậu quả lũ lụt với ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn cho người dân. Ảnh VGP/Xuân Tuyến |
Ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Thừa Thiên – Huế phải tiếp tục thực hiện nghiêm 2 công điện của Thủ tướng Chính phủ, trong đó ưu tiên cao nhất là tìm kiếm người mất tích, động viên, thăm hỏi gia đình có người chết, mất tích, bị thương, đồng thời khẩn trương rà soát để ứng cứu kịp thời những hộ dân bị hoạn nạn, không để bất cứu người dân nào bị đói, khát.
Bên cạnh đó, các địa phương này cũng phải nhanh chóng khôi phục, sửa chữa hạ tầng phục vụ cho sản xuất, trước hết là hạ tầng giao thông, điện, sửa chữa nhà cửa; vệ sinh môi trường, tẩy rửa các khu vực ô nhiễm để có thể bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất.
Đối với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin, duy trì chế độ trực. Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tuyên truyền, vận động, quản lý, không để ngư dân ra biển trong những ngày sắp tới; thông báo cho tàu thuyền trên biển để chủ động ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương cần nhanh chóng gia cố, bảo vệ các công trình quan trọng, xung yếu, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây xanh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo ngành điện lực phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kiểm tra an toàn hồ chứa, tổ chức vận hành, đảm bảo an toàn hồ chứa, vận hành phù hợp để hồ chứa tích nước được đảm bảo hiện quả kinh tế nhưng phải đảm bảo an toàn cho hạ du.
Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cần theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến, cung cấp kịp thời đầy đủ thông tin để chủ động ứng phó, phòng tránh bão.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, những ngày qua, các cơ quan báo chí, truyền thông đã phát huy rất tốt vai trò của mình, góp phần quan trọng nâng cao ý thức người dân, đồng thời thông tin đầy đủ, đa dạng về diễn biến của mưa lũ, thiệt hại của người dân. Theo Phó Thủ tướng, những thông tin của báo chí cũng đã góp phần quan trọng giúp Chính phủ, các Bộ, ngành rất nhiều trong chỉ đạo ứng phó với thiên tai. Trong những ngày tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các cơ quan báo chí cần vào cuộc tích cực hơn nữa, bám sát mọi diễn biến của bão để đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân chủ động phòng tránh bão một cách hiệu quả.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo baochinhphu.vn