“Room” tín dụng cần thiết góp phần kiểm soát lạm phát
Phù hợp kiểm soát lạm phát
Hiện nay, tín dụng ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng tăng. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) , tỷ lệ này của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (đến cuối năm 2021 tỉ lệ này là 124%). Ngày 6/9/2022 mới đây, Moody’s mặc dù nâng mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2 nhưng vẫn tiếp tục cảnh báo tỉ lệ tín dụng trong nước/GDP và tỉ lệ tổng tài sản của ngân hàng trong nước/GDP là một trong những tỉ lệ cao nhất trong số quốc gia xếp hạng Ba và Baa.
Giao dịch với ngân hàng. Ảnh: Trọng Triết
Bởi vậy, nếu cho phép tín dụng tăng trưởng quá nhanh, có thể gia tăng nguy cơ rủi ro lạm phát, gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Hệ lụy là cuộc đua lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng để có nguồn vốn cho vay, dẫn đến lãi suất cho vay tăng tương ứng và nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng cao, từ đó gây bất ổn vĩ mô, lạm phát tăng cao, đe dọa sự an toàn của hệ thống tài chính.
Tính đến ngày 26/8/2022, tín dụng đã tăng 9,9%, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua và cao hơn nhiều so với mức tăng 7,9% của 8 tháng đầu năm 2021. Ngày 7/9/2022, NHNN thông báo đã cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng. Mức tăng cụ thể tại các ngân hàng gồm: Sacombank 4%; Agribank 3,5%; MB 3,2%; SHB 3,2%; OCB 3,2%; VIB 3%; Vietcombank 2,7%; TPBank 1,2%...
Hiện NHNN đã cấp hết 13,6% trong tổng số 14% “room” tín dụng năm nay song đến nay Chính phủ và NHNN không có chủ trương nới thêm.
Thực tế, NHNN việc sử dụng “room” tín dụng – một công cụ trực tiếp và có tính hành chính nhưng lại phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, nhất là khi thị trường vốn chưa phát triển, vốn trung và dài hạn của nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Thứ nhất, đây là công cụ trực tiếp để kiểm soát tín dụng cho nền kinh tế. Được biết, trong giai đoạn 2007-2010, tín dụng của Việt Nam tăng rất cao, từ khoảng 20-25%, thậm chí có năm trên 53%. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho lạm phát tăng cao vào giai đoạn các năm từ 2008-2010. Từ thực tiễn đó, Việt Nam đã quyết định sử dụng “room” tín dụng. Tác dụng của việc quy định sử dụng “room” tín dụng đã kéo giảm tốc độ tăng tín dụng hằng năm, chỉ còn 2/3, thậm chí còn khoảng 1/2 so với trước đây. Việc áp dụng “room” tín dụng đã giúp kiểm soát lạm phát, tác động tích cực đến nền kinh tế vĩ mô bắt đầu từ năm 2013 đến nay.
Thứ hai, “room” tín dụng không chỉ dừng lại ở tổng tăng trưởng tín dụng chung mà còn áp dụng quy định “room” tín dụng cho từng ngân hàng thương mại. Điều này cũng giúp kiểm soát tăng tín dụng chung, đồng thời đã cấp “room” tín dụng phù hợp với “sức khỏe” và khả năng của từng ngân hàng.
Năm 2022, NHNN sử dụng kết quả xếp hạng chính thức từng tổ chức tín dụng (TCTD) để phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Căn cứ kết quả xếp hạng mới nhất theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN, tình hình hoạt động của các TCTD trong năm 2022, diễn biến thị trường và các tiêu chí đã định hướng từ đầu năm để thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các TCTD có đề nghị và đã có thông báo gửi các TCTD này. Do đó, việc phân bổ “room” tín dụng cho từng ngân hàng cũng rất rõ ràng, minh bạch và có căn cứ.
Điều quan trọng hơn, khi áp dụng “room” tín dụng sẽ ngăn chặn được tình trạng các ngân hàng nhỏ, yếu kém phá vỡ hoạt động trên thị trường như việc chạy đua tăng lãi suất huy động, cho vay các ngành nghề rủi ro, gây ra nợ xấu.
Như vậy, quy định “room” tín dụng đáp ứng yêu cầu đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thực tế chứng minh đã thành công.
Sử dụng “room” tín dụng là cần thiết
Việc áp dụng “room” tín dụng khoảng 14%, thậm chí có những năm thấp hơn đã góp phần giữ lạm phát mục tiêu hằng năm là dưới 4% nhiều năm gần đây. Thực tế thời gian qua, việc sử dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng ở mức 14% đã kiềm chế được lạm phát, đồng thời kiểm soát rủi ro và đảm bảo an toàn hệ thống mà vẫn đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Điều này cho thấy lựa chọn sử dụng hạn mức 14% là hợp lí.
Xét trong bối cảnh hiện nay và yêu cầu về đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”: ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm giữ lạm phát và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, củng cố vững chắc nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ trong trung và dài hạn theo Nghị quyết XIII của Đảng, thì việc kết hợp sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ điều hành chính sách, trong đó có công cụ hạn mức tín dụng vẫn là rất cần thiết, xuất phát từ 3 yếu tố chính sau:
Thứ nhất, về mặt chủ trương, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để phát triển hài hòa, bền vững hạn chế được những khiếm khuyết, mặt trái của nền kinh tế thị trường, Nhà nước sử dụng kết hợp các công cụ thị trường với các công cụ quản lý Nhà nước, các công cụ mang tính hành chính phù hợp.
Thứ hai, với yêu cầu về hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi phải giữ ổn định lãi suất và giảm lãi suất. Để đạt được “mục tiêu kép” vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ được doanh nghiệp và đạt hiệu quả trong điều hành, việc sử dụng kết hợp công cụ hạn mức tín dụng với lãi suất và các công cụ khác là cần thiết.
Thứ ba, về mặt lí luận, tăng trưởng tín dụng của các TCTD ngay cả khi không có hạn mức tín dụng thì cũng có giới hạn, bởi lẽ hoạt động tín dụng, quy mô tín dụng của các TCTD phụ thuộc và chịu điều chỉnh bởi các chỉ số an toàn trong hoạt động ngân hàng như tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu, hệ số sử dụng vốn, tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, giới hạn cho vay đối với khách hàng, nhóm khách hàng có liên quan… Trong đó, tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu có ý nghĩa tác động trực tiếp bởi đối với các TCTD, việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng, nhất là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, luôn gắn liền với yêu cầu phải tăng trưởng vốn tự có (để luôn đảm bảo tỉ lệ theo quy định).
Ngân hàng không thiếu tiền cho vay. Ảnh: Trọng Triết
Thực tế, thời gian qua cho thấy, NHNN đã và đang vận dụng, kết hợp hiệu quả các công cụ để điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, đạt mục tiêu đề ra trong từng năm, từng giai đoạn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.