Sẽ cấm lãi suất ngân hàng vượt quá 20%?
Mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (BLDS) (sửa đổi).
Nội dung báo cáo nêu rõ, Điều 483 dự thảo BLDS Chính phủ trình Quốc hội quy định về lãi suất như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.
Tuy nhiên, quy định này đã có nhiều ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở của việc nâng mức lãi suất lên 200% lãi suất cơ bản (quy định hiện hành là 150%); đề nghị không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu vì đây là công cụ điều hành chính sách tiền tệ, nên quy định một mức lãi suất cố định trong BLDS với tỉ lệ % tính theo năm của khoản tiền vay cho ổn định. Ý kiến khác đề nghị nên nghiên cứu sử dụng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu Chính phủ hoặc lãi suất của một hoặc một số ngân hàng thương mại lớn để tham chiếu...
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, nếu cho rằng không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu trong quan hệ dân sự với lý do đây là công cụ điều hành chính sách tiền tệ, thì lãi suất tái cấp vốn cũng có chức năng tương tự như quy định tại Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; nếu chọn mức lãi suất cho vay tiêu dùng của một hoặc một số ngân hàng thương mại lớn, hay lãi suất trái phiếu Chính phủ... cũng là những mức lãi suất không phổ biến và khó tiếp cận với phần lớn người dân như lãi suất cơ bản. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị nên quy định một mức lãi suất cố định trong BLDS, tuy nhiên, phương án này thuận lợi cho việc áp dụng nhưng lại không bảo đảm tính linh hoạt khi điều kiện kinh tế - xã hội có biến động.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh quy định này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề xuất hai phương án tại Điều 467 mới như sau: Phương án 1: quy định mức lãi suất cố định ngay trong BLDS là tối đa 20%/năm của khoản tiền vay; Phương án 2: giữ như quy định của dự thảo trình Quốc hội, vẫn sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, đồng thời xác định quy định về trần lãi suất của BLDS sẽ không được áp dụng trong trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.
Trong hai phương án nêu trên, cũng có ý kiến đề nghị đối với phương án 1 cần giao cho cơ quan có thẩm quyền sửa đổi mức lãi suất này khi cần thiết; đối với phương án 2 phải thống nhất áp dụng chung mà không loại trừ trường hợp luật khác có quy định khác. Tại báo cáo giải trình này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng thể hiện, tán thành với ý kiến thứ nhất.
Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo (Đoàn ĐBQH Tp Hà Nội) |
Góp ý vào dự thảo tại hội trường, Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, cần phải quy định trần lãi suất. Đại biểu Thảo giải thích, nền kinh tế của ta là thị trường định hướng xã hội nên cần phải có điều tiết, tránh cho vay nặng lãi. Đại biểu Đinh Xuân Thảo cũng đồng ý với mức quy định lãi suất tối đa 20% năm để dễ dàng thuận lợi trong việc xác định.
Phát biểu tiếp đó, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai)... cũng tán thành với quy định lãi suất tối đa 20%năm.
Tuy nhiên, một số đại biểu tỏ ra không tán thành với phương án này.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (Tp.HCM) lại cho rằng phương án quy định lãi suất tối đa 20% sẽ gây khó khăn, nếu lạm phát tăng cao sẽ thiệt hại cho người cho vay. Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng nên áp dụng phương 2, nhưng phải quy định rõ về lãi suất cơ sở để áp dụng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.