Sinh viên khuyết tật có được miễn môn Giáo dục quốc phòng?
Ông Thi hỏi, vậy những sinh viên khuyết tật có được miễn học các học phần Giáo dục quốc phòng - an ninh không? Nếu phải học thì người nhà đi cùng với sinh viên tại Trung tâm để hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày được không?
Ông Thi cũng muốn biết, nội dung thực hành kỹ năng quân sự là những nội dung (học phần) nào được quy định tại Thông tư 31/2012/TT-BGDĐT ngày 12/9/2012 về việc ban hành chương trình Giáo dục quốc phòng - an ninh?
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 4 Thông tư liên tịch số 18/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH ngày 8/9/2015 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: “Học sinh, sinh viên là người khuyết tật, có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật” thì được miễn học nội dung kỹ năng thực hành quân sự của môn học Giáo dục quốc phòng – an ninh.
Đối với sinh viên khuyết tật gia đình phải đưa, đón đi học hàng ngày và hình thức tổ chức dạy, học môn học Giáo dục quốc phòng - an ninh hiện nay phải học tập, rèn luyện tập trung tại các Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh; gia đình làm đơn đề nghị nhà trường (nơi sinh viên học tập) miễn cả học lý thuyết và thực hành môn học Giáo dục quốc phòng - an ninh cho sinh viên vì trường hợp khuyết tật đặc biệt và ở xa nơi tổ chức môn học.
Quy định về nội dung thực hành kỹ năng quân sự
Ngày 12/9/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 31/2012/TT-BGDĐT về Chương trình Giáo dục quốc phòng – an ninh trình độ đại học, cao đẳng loại hình đào tạo chính quy.
Chương trình bao gồm 3 học phần, thời lượng 8 tín chỉ; trong đó, nội dung thực hành kỹ năng quân sự được quy định tại Học phần 3: Quân sự chung và chiến thuật, kỹ thuật bắn súng tiểu liên AK (CKC) với thời lượng là 3 tín chỉ.
Học phần này bao gồm các nội dung: Đội ngũ đơn vị và ba môn quân sự phối hợp; sử dụng bản đồ địa hình quân sự; giới thiệu một số loại vũ khí bộ binh; thuốc nổ; phòng chống vũ khí hủy diệt lớn; cấp cứu ban đầu vết thương chiến tranh; từng người trong chiến đấu tiến công và phòng ngự; kỹ thuật bắn súng tiểu liên AK (CKC).
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.