Sinh viên thực tập và nỗi lo thất nghiệp
Mỗi năm trường tôi đều đón một đoàn sinh viên về thực tập sư phạm và bắt đầu những ngày rộn ràng với nhiều hoạt động. Trước khi đón đoàn sinh viên, nhà trường thường họp hội đồng giáo viên để phân công nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ các em.
Năm nay cũng vậy, nhưng bên cạnh những công tác thường kì là lời nhắc nhở của thầy hiệu phó: Vừa hướng dẫn vừa động viên các giáo sinh ấy hoàn thành tốt đợt thực tập cũng như theo đuổi giấc mơ giảng đường đến cùng.
Vì sao phải động viên ư? Vì nỗi lo thất nghiệp đang là một áp lực không hề nhỏ luôn đè nặng trong lòng các em. Con số hơn 200 nghìn cử nhân thất nghiệp đã vẽ ra một viễn cảnh không tươi sáng chào đón khi các em giáo sinh rời mái trường. Hình ảnh những người anh, người chị đi trước thất nghiệp phải nộp hồ sơ vào các khu công nghiệp hay nay đây mai đó dạy hợp đồng thật sự là một ám ảnh.
Nhà nước ta đang thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Thêm vào đó, qui định tăng sĩ số học sinh để giảm số lớp đã được phổ biến. Việc dồn lớp đồng nghĩa với yêu cầu về số lượng giáo viên các môn học trong mỗi trường đều giảm. Việc điều động giáo viên từ trường dư thừa sang trường còn thiếu cũng đang thực hiện triệt để. Chính vì vậy, cơ hội được tuyển dụng hay dạy hợp đồng đều khép chặt cửa với các cử nhân mới ra trường.
2-3 năm trở lại đây, chỉ tiêu tuyển dụng công chức, viên chức giáo dục rất thấp. Ngoại trừ một số ngành thiếu trầm trọng luôn có chỉ tiêu như giáo viên mầm non và tiểu học, còn những môn học khác cấp THCS có chỉ tiêu tuyển dụng rất hạn chế, thậm chí có những môn hầu như không tuyển dụng suốt nhiều năm liền.
Vậy mà các trường đại học và cao đẳng sư phạm năm nào cũng tuyển sinh và đào tạo. Rồi sinh viên ồ ạt ra trường nhưng số lượng cử nhân sinh được việc làm rất thấp. Số lượng cử nhân dư thừa mỗi năm đều dồn ứ lại và nhức nhối với chính người trong cuộc cùng gia đình. Mười hai năm phổ thông đèn sách và những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường ấp ủ bao ước mơ, hi vọng bỗng tắt lụi khi các em rời mái trường và cầm hồ sơ xin việc nhưng không có cơ hội được tuyển dụng. Ước mơ và nhiệt huyết cũng sẽ bị bào mòn dần với nạn thất nghiệp và gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Trong số các em sinh viên năm cuối đang thực tập sư phạm ở các trường, có em đã từng có ý định bỏ dở việc học, nhiều em khác học trong uể oải, chán nản khi nghĩ đến ngày ra trường và thất nghiệp. Có em đã từng quyết định nghỉ học và được sự khuyên nhủ, vận động của giảng viên rồi quay lại. Chẳng trách các em được. Thực tế cuộc sống trần trụi như thế, sao có thể đòi hỏi các em phải hồn nhiên, vô tư và tràn đầy nhiệt huyết với việc học. Những lời động viên sẽ thật sự cần thiết để nối dài ước mơ cho các em.
Nạn thất nghiệp tăng và động lực học tập của sinh viên sư phạm đang giảm phải chăng đồng nghĩa với giấc mơ giảng đường sư phạm cũng không còn tròn đầy khao khát như xưa? Tôi đang lo cho đầu vào của ngành Sư phạm. Các sĩ tử có năng lực sẽ chọn những ngành đang “nóng”, những ngành học được xã hội ưu ái và có cơ hội việc làm cao. Công việc “gõ đầu trẻ” sẽ xếp sau rất nhiều lựa chọn khác. Khi chất lượng đầu vào không cao, học tập thiếu động lực và đam mê, không ai dám khẳng định đầu ra sẽ chất lượng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.