Sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

2023-10-19 09:13:23 0 Bình luận
Hiện nay, trước yêu cầu quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ cần tiếp tục được hoàn thiện để bảo đảm thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế, thúc đẩy việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Khái niệm về hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ

Nhìn chung, mọi nghiên cứu và sáng tạo của con người đều hướng vào việc phục vụ đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong nhiều trường hợp, những ý tưởng này, sau những nỗ lực nghiên cứu nhất định, thường chuyển hóa thành các sản phẩm ứng dụng, hay cao hơn nữa trở thành các giải pháp công nghệ ứng dụng nhằm tạo ra các sản phẩm. Ngoài chức năng lưu thông và tiêu dùng, các sản phẩm này còn mang ý nghĩa truyền đạt thông tin về sự hiện hữu của sản phẩm cũng như chất lượng và kiểu dáng của chúng và qua đó thuyết phục khách hàng mua hàng hóa. Do đó, có thể nói những ý tưởng này luôn thể hiện tính mới mẻ và khác biệt, hàm chứa một lượng thông tin có giá trị kinh tế trong trường hợp hàng hóa được lưu thông trên thị trường. Khi đạt tới một trình độ trao đổi nhất định, giá trị tiềm ẩn này sẽ bộc lộ, và vì thế, hình thành giá trị sở hữu trí tuệ. Như vậy, giá trị sở hữu trí tuệ phần nào do giá trị thị trường của hàng hóa quyết định. Nếu sở hữu trí tuệ được pháp luật thừa nhận thì sẽ hình thành quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Tập hợp các quyền SHTT và các chính sách bảo hộ quyền SHTT tạo thành một hệ thống SHTT.

Hệ thống SHTT bao gồm chính sách SHTT, cơ sở hạ tầng cũng như nguồn nhân lực phục vụ cho việc thực thi chính sách đó. Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể, mỗi quốc gia sẽ hình thành hệ thống SHTT riêng. Một chính sách bảo hộ quyền SHTT bao gồm:

- Các tiêu chuẩn xác lập quyền của chủ sở hữu SHTT trong việc ngăn cấm người khác khai thác kinh tế đối với sáng tạo của họ; các tiêu chuẩn này sẽ xác định phạm vi được bảo hộ của các sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, bản quyền và các quyền sở hữu trí tuệ khác.

- Các giới hạn đối với các quyền nêu trên vì mục đích phát triển kinh tế trong nước cũng như chính sách xã hội; các giới hạn này bao gồm việc cho phép phát triển công nghệ, sử dụng trong giáo dục đào tạo, chống độc quyền đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, thời hạn bảo hộ, v.v...

- Các biện pháp và chế tài bảo hộ các quyền nêu trên.

Xét trên phương diện vĩ mô, cùng với sự phát triển của kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống quyền SHTT sẽ có những ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động thương mại, và rộng hơn là đến nền kinh tế quốc gia và nền kinh tế toàn cầu.

Vai trò của hệ thống SHTT trong bối cảnh khu vực hóa và toàn cầu hóa

Hệ thống SHTT và hoạt động thương mại

Những hạn chế trong bảo hộ quyền SHTT có thể bóp méo nền thương mại của một quốc gia. Một quốc gia có hệ thống bảo hộ yếu (về bản quyền) sẽ tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp sao chép bất hợp pháp sản phẩm, nhãn hiệu băng đĩa, phần mềm máy tính, v.v... thay vì nhập khẩu các sản phẩm này với giá cao. Bên cạnh đó, việc kiểm soát hoạt động buôn bán qua biên giới một cách lỏng lẻo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu các mặt hàng vi phạm và hàng giả. Nhà kinh doanh cũng có thể thay đổi phương án kinh doanh của mình do những hạn chế trong việc bảo hộ quyền SHTT. Ban đầu anh ta có ý định triển khai phương án kinh doanh, nhưng nếu nhận ra những khiếm khuyết trong việc bảo hộ bí mật thương mại, anh ta sẽ từ bỏ ý định này. Như vậy, hệ thống bảo hộ quyền SHTT yếu là một trong những lý do chính dẫn đến các hoạt động kinh doanh phi pháp và mang tính "chụp giật". Trong trường hợp ngược lại, một hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh sẽ tạo điều kiện cho việc chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh, giảm thiểu rủi ro của quá trình kinh doanh và đó chính là tiền đề thúc đẩy sự phát triển của nền thương mại.

Hệ thống SHTT và hoạt động đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ

Một công ty đa quốc gia co nhiều lựa chọn khác nhau để xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Họ có thể đầu tư trực tiếp (tức là trực tiếp chọn địa điểm đầu tư, xây dựng nhà máy và điều hành sản xuất), hoặc liên doanh với doanh nghiệp địa phương thông qua góp vốn, công nghệ, nhân lực hay đơn giản nhất là chuyển giao công nghệ. Việc lựa chọn hình thức đầu tư và kinh doanh của nhà đầu tư phụ thuộc vào thị trường và hệ thống luật pháp của nước sở tại, trong đó hệ thống bảo hộ SHTT đóng một vai trò quan trọng. Nét đặc trưng của các công ty đa quốc gia là chúng thường sở hữu những khoản tài sản vô hình rất lớn, trong đó công nghệ là một trong những loại tài sản vô hình quan trọng nhất. Xét trên góc độ quyền SHTT, đó là các nhãn hiệu nổi tiếng, các sáng chế đã tạo nên danh tiếng của công ty và là một phần không thể mất đi của công ty. Các công ty đa quốc gia có xu hướng xây dựng các công ty 100% vốn của mình tại các nước có hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh, đối với nhà đầu tư, ưu điểm của hình thức này là có thể bảo hộ tốt bí mật công nghệ và nhãn hiệu hàng hóa, còn nhược điểm của nó là tốn kém, không tận dụng được hết các ưu thế mà địa phương đem lại và quốc gia được đầu tư không học hỏi được kỹ năng quản lý cũng như cách thức sản xuất.

Quyền SHTT còn ảnh hưởng đến kênh chuyển giao công nghệ. Công nghệ ở đây được phân loại thành loại dễ bắt chước và loại khó bắt chước. Loại công nghệ dễ bắt chước thường gồm có công nghệ sao chép băng đĩa nhạc, sản xuất đồ chơi, v.v... Có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng bắt chước công nghệ, chẳng hạn, đối với các công ty nhỏ, việc bắt chước công nghệ nhằm phục vụ cho sản xuất kinh doanh, còn đối với các công ty có nhiều đối thủ cạnh tranh, việc nghiên cứu công nghệ của đối phương sẽ giúp họ khắc phục những nhược điểm của công nghệ hiện đang sử dụng và phát minh ra những công nghệ mới. Loại công nghệ khó bắt chước thường được sử dụng trong lĩnh vực dược phẩm và phần mềm máy tính. Việc bắt chước công nghệ sẽ giúp các chuyên gia trong ngành giảm bớt chi phí trong việc phát hiện và tạo ra những loại thuốc mới và nhanh chóng tung ra thị trường các sản phẩm cạnh tranh tương tự, thậm chí có thể là những sản phẩm ưu việt hơn. Nhìn chung, các sản phẩm máy móc, thiết bị y tế thường khó bắt chước. Tuy nhiên, dù tinh vi và phức tạp đến mức nào, tất cả các sản phẩm đều hàm chứa rủi ro bị lộ bí mật công nghệ, hay bị bắt chước. Chính vì vậy, các nhà đầu tư phải cân nhắc khá nhiều vấn đề khi tiến hành chuyển giao công nghệ. Một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh có thể hạn chế việc sao chép, làm giả sản phẩm và tăng chi phí bắt chước. Bất kỳ quốc gia nào xây dựng được một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh sẽ có điều kiện tiếp nhận các công nghệ tiên tiến phục vụ cho việc phát triển đất nước. Ngược lại, các quốc gia có hệ thống bảo hộ quyền SHTT yếu sẽ chỉ có cơ hội tiếp nhận các công nghệ đã phát minh từ lâu, thậm chí đã lỗi thời và mất dần giá trị khai thác.

Vai trò của hệ thống SHTT trong phát triển kinh tế

Đánh giá và phân tích vai trò của quyền SHTT đối với phát triển kinh tế của một quốc gia là công việc tương đối phức tạp và cần phải được xem xét từ nhiều góc độ. Việc bảo hộ quyền SHTT tốt sẽ khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và tạo uy tín cho sản phẩm. Ngoài ra, việc bảo hộ tốt sẽ dẫn đến giá thành sản phẩm cao, hạn chế các vi phạm như tình trạng khai thác công nghệ không được phép của người sở hữu bằng độc quyền, hay sản xuất hàng giả, hàng nhái và các vi phạm khác. Xét về lâu dài, hệ thống SHTT mạnh sẽ có tác dụng tốt trong việc phát triển công nghệ và kinh doanh lành mạnh, đóng một vai trò tích cực đối với công cuộc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là, xét trên một khía cạnh nào đó, hệ thống bảo hộ SHTT yếu sẽ cho phép một quốc gia phát triển công nghệ với chi phí thấp. Đương nhiên, trong bối cảnh mới khi mà xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và chuyên nghiệp đang ngày càng trở thành nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia và toàn thế giới, chúng ta không thể và không muốn khuyến khích và áp dụng cách tiếp cận này. Thực tế chỉ ra rằng, hiện nay, đa phần các nước nghèo vẫn coi đây là giải pháp để hiện đại hóa công nghệ của mình và qua đó, phát triển nền kinh tế của mình. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, một hệ thống SHTT mạnh luôn là cái đích cuối cùng trên con đường phát triển kinh tế của một nước.

Hệ thống bảo hộ SHTT ở các quốc gia có nền kinh tế mở

Các bộ phận cấu thành hệ thống bảo hộ SHTT của mỗi quốc gia rất khác nhau, nhất là giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển. Các quốc gia phát triển thường áp dụng chính sách bảo hộ rõ ràng và chặt chẽ. Lấy Nhật Bản làm ví dụ. Vào năm 1990, Kokekiyo Takahashi, chủ tịch đầu tiên của Cục Sở hữu Trí tuệ Nhật Bản (Japan Patent Office) đã khẳng định vai trò của hệ thống bảo hộ SHTT nói chung và bằng độc quyền (patent) nói riêng trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

Nhật Bản đã phát triển hệ thống SHTT của mình một cách toàn diện. Các nước phát triển khác cũng vậy. Điển hình là Hoa Kỳ, với một câu nói rất nổi tiếng về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: "Mọi thứ trên đời này do con người tạo ra đều có thể đăng ký bảo hộ" ("All things under the sun made by man are patentable").

Tại các nước phát triển, xây dựng một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh là một đòi hỏi bức thiết do trình độ phát triển công nghệ rất cao kéo theo hệ quả là công nghệ bắt chước cũng rất tinh vi. Trên thực tế, các quốc gia phát triển có tiềm lực và đã dành nhiều tâm sức cũng như chi phí để nghiên cứu và phát triển công nghệ. Đến lượt mình, công nghệ lại được áp dụng vào trong hoạt động sản xuất và ngay lập tức đem lại lợi ích kinh tế. Một phần quan trọng từ lợi ích kinh tế đó lại được đầu tư vào việc phát triển công nghệ. Sự luân chuyển đầu tư theo mô hình tuần hoàn này đã tạo nền tảng và bệ phóng cho sự phát triển của khoa học - kỹ thuật. Có thể nói trình độ khoa học - công nghệ phát triển đã, đang và tiếp tục là vũ khí mạnh nhất mà các nước phát triển có trong tay. Trình độ khoa học - công nghệ tiên tiến một mặt cho phép sản xuất số lượng lớn hàng hóa, mặt khác nó cũng dẫn đến sự ra đời của vô số nhãn hiệu hàng hóa, bản quyền, kiểu dáng công nghiệp và bí mật thương mại. Chính vì vậy, sự phát triển không ngừng của các đối tượng SHTT đòi hỏi phải có một hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh.

Xét về mặt chính sách vĩ mô, việc bảo hộ chặt chẽ quyền SHTT ở các nước phát triển để thực hiện hai mục tiêu sau:

(a) Khuyến khích phát triển công nghệ và cạnh tranh lành mạnh. Các nhà khoa học, các nhà kinh doanh chỉ đầu tư cho nghiên cứu khoa học khi biết rằng công sức mình bỏ ra không bị mất trắng.

(b) Gây sức ép lên các nước khác trong hội nhập kinh tế, hạn chế các vi phạm đối với hàng hóa khi tham gia vào quá trình lưu thông trên các thị trường quốc tế, thông qua hoạt động của các chủ thể kinh doanh quan trọng trong hoạt động kinh doanh quốc tế như các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn xuyên quốc gia của những nước phát triển.

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các nước đang phát triển có khuynh hướng và hiện vẫn đang áp dụng chính sách bảo hộ SHTT lỏng lẻo và không muốn áp dụng chính sách bảo hộ chặt chẽ hơn. Như đã phân tích ở trên, một chính sách bảo hộ quyền SHTT tốt sẽ tạo điều kiện phát triển cho một quốc gia. Tuy nhiên, đây là vấn đề dài hạn, kết quả không có ngay mà chi phí bỏ ra lại lớn. Các quốc gia đang phát triển có rất ít sáng chế trong khi nhu cầu nhập khẩu công nghệ lại rất cao. Chính bởi vậy, việc theo đuổi ngay chính sách bảo hộ quyền SHTT chặt chẽ sẽ không có lợi nếu xét về chiến lược kinh doanh. Việc bảo hộ chặt chẽ sẽ làm cho việc bắt chước rất khó khăn. Bắt chước công nghệ, đối với nhà phát minh, sẽ gây rất nhiều tổn thất, nhưng có thể đem lại rất nhiều lợi ích cho người đi bắt chước, và theo nghĩa rộng hơn, cho cả quốc gia kém/đang phát triển, với một nền công nghiệp bắt chước. Thực tế cho thấy, các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc phát triển rất nhanh nhờ nhiều vào việc bắt chước công nghệ nước ngoài. Với hệ thống bảo hộ quyền SHTT còn nhiều kẽ hở, công dân nước này có thể tiêu dùng các sản phẩm như phần mềm máy tính, băng đĩa nhạc với giá rẻ, trong khi nếu áp dụng luật bản quyền, mức giá sẽ đội lên rất nhiều. Những lợi ích ngắn hạn tương tự như vậy đã khiến các nhà làm luật cân nhắc khi xây dựng và phát triển hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh.

Xây dựng một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh và hoàn thiện là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của bất kỳ quốc gia nào. Nó cũng đồng thời là một đòi hỏi bắt buộc trong quá trình hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, bức tranh kinh tế toàn cầu luôn đầy màu sắc tương phản. Vấn đề đặt ra là liệu có thể có và bao giờ có một bức tranh kinh tế toàn cầu mà trong đó mảng màu quyền SHTT là đơn sắc. Câu trả lời là chúng ta có thể làm được điều đó nhưng không phải trong ngắn hạn. Song trong bất cứ hoàn cảnh nào, những vấn đề mang tính nhân đạo phải được ưu tiên hàng đầu. Hy vọng rằng trong vòng đàm phán sắp diễn ra của WTO, các nước nghèo sẽ giành được ưu đãi trong việc sản xuất các sản phẩm y tế.

Cơ quan Hải quan với nhiệm vụ thực thi bảo vệ quyền SHTT

Trong bối cảnh sự phát triển kinh tế của các quốc gia dựa vào tài nguyên và lao động ngày càng cạn kiệt thì nguồn lực phát triển dựa vào tài sản trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng. Việt Nam cũng như các quốc gia khác luôn chú trọng đến vấn đề SHTT, xem đó là một yếu tố không thể  tách rời trong các chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Điều dễ nhận thấy là SHTT đã và đang trở thành một nội dung chính và mối quan tâm chung hàng đầu của các quốc gia khi đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thỏa thuận hợp tác quốc tế về đổi mới sáng tạo.

Cơ quan Hải quan ngoài nhiệm vụ tạo thuận lợi cho thương mại, thu thuế xuất nhập khẩu còn có nhiệm vụ chính là đảm bảo an ninh quốc gia, gìn giữ sự ổn định kinh tế đất nước và lợi ích cộng đồng, trong đó việc chủ động phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và tham gia đấu tranh, ngăn chặn các tội phạm và hoạt động thực thi bảo vệ quyền SHTT.

Pháp luật các quốc gia trên thế giới thường có quy định cho phép cơ quan Hải quan áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền SHTT chủ sở hữu. Bởi lẽ, việc xử lý xâm phạm quyền sở SHTT sẽ thu được hiệu quả cao nếu được tiến hành ngay khi hàng hóa đi qua biên giới, chưa đưa vào mạng lưới lưu thông của thị trường nội địa. Đối với các chủ sở hữu quyền SHTT, nếu được cơ quan Hải quan trợ giúp ngay tại biên giới, việc bảo vệ quyền SHTT sẽ dễ dàng hơn so với việc phải đối phó với rất nhiều vi phạm có thể xảy ra khi hàng hóa đã được phân phối vào thị trường nội địa.

Tại Việt Nam, các quy định về biện pháp bảo vệ quyền SHTT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong lĩnh vực hải quan như: Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT; kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT được quy định tại Luật Hải quan, Luật Sở hữu trí tuệ, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn (như Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,  Thông tư số 13/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền SHTT; kiểm soát hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 13/2020/TT-BTC ngày 06/3/2020 (VBHN số 29/VBHN-BTC);…).

Tổng cục Hải quan đã thực hiện có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan trong hoạt động kiểm soát chống buôn lậu hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. Hàng năm, Tổng cục Hải quan đều xây dựng các kế hoạch về công tác chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền SHTT nhằm triển khai thực hiện đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm, bám sát tình hình thực tế công tác và yêu cầu nhiệm vụ được giao; đồng thời chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc được tình hình địa bàn để xác định trọng điểm, xây dựng các kế hoạch bắt giữ đạt hiệu quả.

Nhằm nâng cao hiệu quả thực thi bảo vệ quyền SHTT trong thời gian tới, cơ quan Hải quan sẽ thực hiện các giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực thực thi bảo vệ quyền SHTT, như: Hoàn thiện thể chế, tăng cường năng lực cho cơ quan Hải quan trong việc thực thi bảo vệ quyền SHTT tại biên giới; Tăng cường phối hợp giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan chức năng liên quan, các cơ quan tư pháp và hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ quyền SHTT; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt là hành vi xâm phạm quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số; Nâng cao hiệu quả thực hiện biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu liên quan đến SHTT; Tích cực và chủ động phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về SHTT; nâng cao hiệu quả công tác điều tra các vụ án về SHTT; Tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tự bảo vệ quyền SHTT của mình; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ SHTT cho đội ngũ công chức Hải quan làm công tác bảo vệ quyền SHTT.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia – sự kiện văn hóa thường niên, đã trở thành biểu tượng của nền xuất bản Việt Nam, không ngừng lan tỏa giá trị tri thức, văn hóa và góp phần xây dựng xã hội học tập.
2024-11-22 22:15:00

Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á phẫu thuật nhân đạo cho người nghèo tại Hải Phòng

Sáng 22/11, Đoàn công tác của Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á (APBA) do Giáo sư Bác sĩ Hattori Tadashi - Giám đốc dẫn đầu, đến khám và phẫu thuật nhân đạo cho bệnh nhân nghèo, mắc bệnh nặng về dịch kính võng mạc tại Hải Phòng.
2024-11-22 19:05:20

Fansipan rực rỡ sắc màu lễ hội hoa sen đá, giá vé cáp treo chỉ còn 550.000 đồng

Lầu đầu tiên được tổ chức tại Fansipan, Lễ hội hoa sen đá đem đến vô vàn trải nhiệm độc đáo cho du khách, đặc biệt khi Sa Pa đang vào mùa mây đẹp nhất năm.
2024-11-22 18:47:26

HEAD Honda Thắng Lợi lưu chuyển tiền thuần âm và chiến lược vượt khó

Mặc dù trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Công ty TNHH Thắng Lợi âm 225 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm hơn 1,7 tỷ đồng nhưng kết thúc năm 2023, công ty TNHH Thắng Lợi đạt hơn 711 tỷ đồng doanh thu, báo lãi sau thuế hơn 260 triệu đồng.
2024-11-22 17:40:02

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chặng đường tiếp theo của Việt Nam và Malaysia cũng như việc bảo đảm một hệ thống quốc tế công bằng, rộng mở phụ thuộc lớn vào sự phát triển vững mạnh của ASEAN.
2024-11-22 14:08:22

Hợp tác xã Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường kỷ niệm 10 năm thành lập

Hợp tác xã (HTX) Cựu chiến binh (CCB) Vạn Xuân Trường là mô hình được thành lập theo Luật HTX năm 2012, qua 10 năm hoạt động đã vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế tập thể, là HTX tốp đầu của tỉnh Nam Định về sản xuất kinh doanh.
2024-11-22 09:34:27
Đang tải...