Sức mạnh của các Tổng Công ty Nhà nước
Năng động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh
Năm 2015, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm mạnh mẽ dưới sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các TCT Nhà nước bám sát thực tiễn, điều hành linh hoạt, năng động sáng tạo, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra, tiếp tục phát huy vai trò điều tiết thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả các chương trình an sinh xã hội, kết hợp kinh tế với quốc phòng, đóng góp lớn vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong khi nhiều ngành còn gặp khó khăn thì các TCT Nhà nước vẫn tăng trưởng tốt, lực lượng lao động ổn định, mức thu nhập của người lao động cao hơn so với mức bình quân của toàn Ngành, nhiều đơn vị đạt và vượt chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, thu nộp ngân sách Nhà nước tăng so với cùng kỳ năm trước, điển hình là TCT Hàng không Việt Nam, TCT Thuốc lá Việt Nam, TCT Công nghiệp Xi măng Việt Nam, TCT Lương thực miền Bắc... Mặc dù giá nguyên liệu cà phê liên tục rớt giá tại thị trường quốc tế nhưng TCT Cà phê Việt Nam vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và đời sống của người lao động.
Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh, các TCT còn tích cực thực hiện đề án tái cấu trúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, 1 TCT đã cổ phần hóa xong, 10/11 TCT trong khối đã thực hiện cổ phần hóa/đa dạng hóa sở hữu Công ty thành viên, hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, áp dụng các phương pháp quản trị tiên tiến.
Chủ động xây dựng thực hiện chương trình đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; tiết giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, rà soát tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng cơ bản; sử dụng hiệu quả nguồn vốn doanh nghiệp; tích cực phòng chống tham nhũng; tăng cường tuyên truyền về tiết kiệm, chống lãng phí; thường xuyên kiểm tra chương trình hành động cụ thể tại các đơn vị… đã được các TCT chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Đi đầu trong công tác xã hội, từ thiện
Thực hiện Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, khối các doanh nghiệp Nhà nước đã tích cực đi đầu trong công tác xã hội, từ thiện với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
TCT Hàng không Việt Nam tiếp tục hỗ trợ giúp đỡ huyện nghèo Minh Hóa (Quảng Bình), Mường Nhé (Điện Biên), trợ cấp các gia đình chính sách khó khăn, tặng quà cho công nhân nghèo, ủng hộ các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại biển Đông, chương trình nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa với tổng số tiền 22,708 tỷ đồng. TCT Thép Việt Nam giúp đỡ 2 huyện nghèo Bắc Hà (Lào Cai) và Vân Canh (Bình Định), đồng thời triển khai chương trình Mái ấm công đoàn gia đình chính sách và công nhân viên chức lao động nghèo trong toàn TCT với số tiền là 11,872 tỷ đồng. TCT Công nghiệp Xi măng Việt Nam hỗ trợ các huyện nghèo: Lang Chánh - Quang Sơn - Quan Hóa (Thanh Hóa), huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và ủng hộ đền ơn đáp nghĩa với tổng số tiền 15 tỷ đồng; thực hiện công tác xã hội với Trung ương, địa phương và TCT với số tiền trên 45 tỷ đồng. TCT Đường sắt Việt Nam đã vận động các đơn vị trong TCT xây dựng 01 cầu treo dân sinh ủng hộ đồng bào ở xã Y Can, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái với kinh phí trên 3 tỷ đồng.
TCT Thuốc lá Việt Nam hỗ trợ 2 huyện nghèo trong xây dựng nông thôn mới là Hà Quảng (Cao Bằng) và huyện Bác Ái (Ninh Thuận) với số tiền trên 11,4 tỷ đồng. TCT Lương thực miền Bắc thực hiện tốt công tác hỗ trợ các tỉnh Tây Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An: Đảm bảo an ninh lương thực, cung cấp muối I-ốt cho đồng bào vùng cao và tiêu thụ nông sản hàng hóa cho các tỉnh Tây bắc, Thanh Hóa, Nghệ An... tổng số tiền ủng hộ từ thiện lên đến 10 tỷ đồng. TCT Hàng hải Việt Nam tích cực tham gia Chương trình "Góp một viên gạch xây dựng khu tưởng niệm Chiến sỹ Gạc Ma"; Ủng hộ xây dựng Khu tưởng niệm tại Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; Đóng góp xây dựng Trạm xá đảo Song Tử Tây... với tổng số tiền ủng hộ là 18,7 tỷ đồng...
Thi đua thiết thực, hiệu quả
Không chỉ năng động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, đi đầu trong công tác xã hội từ thiện, các đơn vị trong khối còn tích cực, chủ động trong các phong trào thi đua, coi thi đua là động lực để thúc đẩy sản xuất phát triển.
Các phong trào thi đua với nội dung phong phú, thiết thực, hình thức đa dạng, tiêu chí cụ thể, bám sát nhiệm vụ chính trị của từng doanh nghiệp đã tạo sự đồng thuận, động viên, cổ vũ đội ngũ cán bộ, công nhân viên vượt mọi khó khăn, hăng say thi đua lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Thấm nhuần lời dạy của Bác “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, ngay từ đầu năm 2015, các đơn vị trong Khối đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi như phong trào thi đua “Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép”; “Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ” của TCT Hàng không Việt Nam; Phong trào thi đua “vận hành thiết bị đạt năng suất - sáng tạo - hiệu quả”, thi đua giữ lò máy chạy dài ngày, “của TCT Công nghiệp Xi măng; Phong trào “Lao động và quản lý giỏi”, “Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ nơi làm việc” phong trào thi đua liên kết với các đơn vị vận tải, hãng tàu, đại lý, các cơ quan hữu quan để tìm kiếm thị trường góp phần nâng cao chất lượng, năng lực canh tranh của TCT Hàng hải Việt Nam, Phong trào Thi đua triển khai phương châm kinh doanh “An toàn - thuận tiện - thân thiện - đúng giờ - hiệu quả”, phục vụ khách hàng theo tiêu chí 4 xin - 4 luôn của TCT Đường sắt Việt Nam; phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp” tiếp tục duy trì mô hình “Nhà máy - công viên”, nhân rộng mô hình “nhà ăn ca tự chọn” của TCT Thép Việt Nam; phong trào thi đua “Giảm 2% chi phí sản xuất, 10% chi phí hành chính” của TCT Thuốc lá Việt Nam; “Gắn biển công trình”, phong trào thi đua trên các công trình trọng điểm của TCT Thuốc lá Việt Nam, TCT Đường sắt Việt Nam...
Bên cạnh các phong trào thi đua thường xuyên, các đơn vị trong khối đã phát động các phong trào thi đua theo chuyên đề, theo đợt, phong trào thi đua nước rút nhằm giải quyết nhiệm vụ khó, trọng tâm, trước mắt như thi đua làm tốt công tác đầu tư, hoàn thành các dự án trọng điểm; thi đua đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; thi đua xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội… hướng tới mục tiêu tăng năng suất, chất lượng, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho người lao động.
Công tác khen thưởng được lãnh đạo các TCT quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt, chất lượng khen thưởng được nâng lên. Đặc biệt, các TCT đã chú trọng khen thưởng đột xuất cá nhân là người trực tiếp lao động hoặc có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất, lao động nữ, lao động ở vùng sâu, vùng xa, tổ chức các Hội nghị điển hình tiên tiến, tuyên dương, khen thưởng và vinh danh nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc với tổng số tiền thưởng hàng trăm triệu đồng…
Qua các phong trào thi đua, các đơn vị lựa chọn được cá nhân điển hình tiên tiến, lao động giỏi, lao động sáng tạo với nhiều sáng kiến, cách làm hay, có sức lan tỏa rộng... để làm nòng cốt, tạo điều kiện giúp họ phát huy năng lực, sở trường nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều chương trình, chuyên trang, chuyên mục chất lượng được xây dựng để tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua, tạo sức lan tỏa trong xã hội. Năm 2015 có hàng ngàn tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được khen thưởng cấp từ Nhà nước, cấp Bộ đến cấp TCT.
Biến thi đua thành công cụ hữu hiệu...
Để phong trào thi đua và công tác khen thưởng trở thành công cụ quản lý nhà nước, một biện pháp hữu hiệu tạo động lực thúc đẩy thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, năm 2016, Khối thi đua các TCT Nhà nước tiếp tục bám sát, quyết liệt tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ nhằm đạt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, trọng tâm là đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, hoàn thành kế hoạch sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước theo đúng lộ trình đề ra.
Quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và người đứng đầu doanh nghiệp trong công tác thi đua, đẩy mạnh các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Duy trì các phong trào thi đua truyền thống, thiết thực, hiệu quả của các Tập đoàn gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để hướng phong trào thi đua bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của mỗi TCT, trên cơ sở đó xác định khâu đột phá, đẩy nhanh tiến độ công trình, dự án trọng điểm, tổ chức các đợt thi đua nước rút nhằm hoàn thành, về đích trước kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016.
Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến thông qua phong trào thi đua để có hình thức khen thưởng, biểu dương kịp thời. Tăng cường khen thưởng với các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc phát hiện các điển hình tiên tiến để xét khen thưởng.
Để thực hiện thi đua hiệu quả ở doanh nghiệp, các TCT Nhà nước đề nghị Ban Thi đua - khen thưởng Trung ương hướng dẫn cụ thể một số quy định tại Nghị định 42/2012/NĐ-CP; 65/2014/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về kinh phí dành cho khen thưởng, hướng dẫn công tác xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, vấn đề như thế nào là “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ, pháp luật của Nhà nước”...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.