"Tài chính Hiphop": Đầu tư khởi nghiệp hay biến tướng "đa cấp"?
Tài chính Hiphop
“Tài chính Hiphop” hay “Tài chính 4.0” là thuật ngữ của 1 nhóm bạn trẻ có độ tuổi trẻ từ 16 đến 25 tuổi đặt ra với mục đích kêu gọi đầu tư tài chính trực tuyến thông qua các sàn giao dịch hay ứng dụng tài chính. Việc lợi dụng cụm từ "Hiphop" trong thuật ngữ này nhằm thu hút các bạn trẻ có phong cách và sở thích về văn hóa Hiphop tham gia.
Những bạn trẻ này chọn đầu tư vào Rosichi – một sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option), có thể gọi tắt là Trade BO. Hầu hết các bạn trẻ tham gia Rosichi đều xây dựng hình tượng bản thân là người nhiều tiền, tự lập tài chính, có đôi chút cá tính, hiphop. Hình tượng này rất được lòng giới trẻ hiện nay, đặc biệt là các bạn sinh năm 2000 – 2005 thuộc thế hệ Gen Z.
Sau khi được mời tham gia những buổi event sang chảnh, những party đậm chất hiphop, nhiều Gen Z nhẹ dạ cả tin đã nhanh chóng được mời vào con đường đầu tư tài chính, một bước trở thành những “chiến thần đầu tư”.
Một thành viên của "tài chính HipHop"
OTB Group – Đại diện tiêu biểu
Được biết, những "Chiến thần đầu tư" của sàn Rosichi thường thành lập hội nhóm riêng, trong đó điển hình nhất là hội nhóm có tên "OTB Group". M là một thành viên từng tham gia vào hội nhóm này với mong muốn kiêm thêm tiền, có thêm thu nhập. M tin tưởng tham gia sàn vì những lời khẳng định của leader "Sàn mình uy tín, không sập như các sàn khác", "Sàn không nhận ủy thác, giam vốn", "Tiền ai nấy giữ, lãi ai người đấy cầm"…
PV Báo Pháp luật Việt Nam đã tìm hiểu về hoạt động của sàn Rosichi và được M cho biết: "Người chơi chỉ cần đặt cược một khoản tiền để dự đoán xu hướng lên/xuống của đồng tiền ảo BTC trong một thời gian nhất định. Nếu dự đoán đúng, người chơi sẽ nhận được tiền (95% lãi), đoán sai sẽ mất toàn bộ tiền đặt cược. Mỗi lần giao dịch tối thiểu là 1$. (Hình thức này gọi là trade)."
Hướng dẫn trade của các "chuyên gia tài chính".
Người chơi (là F0) cũng có thể kêu gọi thêm nhiều người gia nhập như mình để kiếm tiền, chỉ cần hai người gia nhập (hai F1) là F0 đã có thể hoàn vốn. Khi mỗi một thành viên là F1 mua quyền đại lý (trở thành thành viên VIP trong nhóm) thì ngay lập tức F0 sẽ nhận được 50$ hoa hồng. Mỗi khi F1 thực hiện bất kể giao dịch gì không kể thắng hay thua thì F0 sẽ nhận được 1% trên tổng khối lượng của giao dịch đấy.
"Đa số thành viên đều không kiếm được tiền nhờ trade nên mới chuyển qua kiếm F1 để hồi vốn. Mà muốn kiếm F1 chỉ có cách là đăng bài." - M nói.
Khi tham gia nhóm OTB, M kể được đào tạo xây dựng thương hiệu cá nhân bằng cách thường xuyên đăng bài trúng lệnh. Tiêu đề được ghi: "Ăn sáng ngon nghẻ", "Bữa trưa ngon miệng", hoặc đăng những bài viết giải thích về sàn,… viết sao cũng được miễn là thu hút được nhiều người tham gia.
Để tham gia sàn Rosichi, M buộc phải nạp sàn 100$ để mua quyền thành viên Vip, bởi như vậy người tham gia mới được học đọc lệnh và được đào tạo từ A-Z, được nghe đọc lệnh của các chuyên gia qua Zoom. Những "chuyên gia đọc lệnh" được M cho biết chỉ là những bạn trẻ sinh năm 2000-2003, đều là thành viên của OTB – những leader đời đầu nên có kinh nghiệm hơn.
Một trong những "vị tổng tư lệnh" lâu đời nhất ở OTB Group là Lê Mai H - một người sở hữu các tài khoản mạng xã hội có lượt theo dõi cao. Trên facebook, H chia sẻ đã tham gia sàn Rosichi được 6 tháng và gặt hái nhiều thành công.
Leader này thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng tải những bài viết kêu gọi đầu tư, lôi kéo người chơi, giúp bạn trẻ giải đáp thắc mắc. Ví dụ, trong một bài đăng đính chính về sàn Rosichi, H nhắc đến “lõi cân tiền liên sàn MT6”, trong khi thực tế, MT6 không tồn tại. MetaTrader mới có đến bản MT5.
Đến đây, nhiều người đặt ra câu hỏi: Một người đứng đầu hội nhóm chơi Rosichi, người hướng dẫn những anh em đầu tư mà còn phát ngôn sai về lý thuyết, thì không biết khi chinh chiến thương trường thực tế sẽ ra sao?
Để bảo vệ sàn Rosichi, nhiều bạn trẻ trong OTB Group còn đưa ra luận điểm: báo chí đưa tin về mô hình đa cấp của Rosichi để che giấu tình hình dịch bệnh căng thẳng. H thậm chí còn có những phát ngôn ngông cuồng, thiếu căn cứ về tình hình dịch bệnh COVID-19.
Nhận thấy, bản thân leader của OTB đều là những người rất trẻ, kinh nghiệm về tài chính cũng chưa dày dạn, thậm chí chưa hiểu hết về tài chính, phát ngôn còn có chỗ sai lệch, đôi khi ngông cuồng. Vậy, những leader này làm thế nào có thể dẫn dắt người khác tìm hiểu và đầu tư vào Roisichi?
Biến thể của "đa cấp"
Mô hình trả hoa hồng 10 tầng của Winsbank.
Theo tìm hiểu, OTB Group thuộc hệ thống sàn Rosichi, sàn giao dịch này thuộc chuỗi Winsbank của Trung Mỹ. Trong dự án đầu tư tiềm năng của Winsbank, sàn Wefinex cũng được lập ra với mục đích đón đầu xu hướng mới. Nhìn lại, cách thức hoạt động của sàn Rosichi hiện cũng tương tự như sàn Wefinex.
Ngày 10/12/2020, Công an TP HCM đã phát đi thông báo cảnh báo hình thức huy động vốn, tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép trên website Wefinex.net. Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương cũng xác định Wefinex có dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép. Đồng thời khuyến cáo người dân cần cảnh giác không để bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch như trên.
Việc kêu gọi, dụ dỗ đầu tư "tài chính hiphop" liệu có vi phạm pháp luật, chế tài xử phạt nào dành cho những kẻ mượn danh "chuyên gia tài chính", "doanh nhân" này về việc huy động vốn bằng tiền ảo trái phép, mời độc giả đón đọc kì tiếp theo trên Báo Pháp luật Việt Nam.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.