'Tẩm quất, massage vẫn là nghề mũi nhọn của người mù cả nước'
Báo cáo tại Đại hội toàn quốc Hiệp hội DN Thương binh và Người khuyết tật vừa qua, ông Lê Văn Lộc (Chủ tịch Hội người mù tỉnh TT-Huế) cho rằng nếu người khuyết tật là một trong những nhóm người yếu thế trong xã hội thì có thể nói người mù là người yếu thế nhất trong số những người yếu thế đó. Với mỗi con người, không có gì quý giá bằng đôi mắt. Mất đi đôi mắt, người mù phải đối mặt với biết bao khó khăn, thử thách của cuộc sống. Tuy nhiên, dù mất đi đôi mắt người mù vẫn còn lại khối óc và đôi bàn tay để khẳng định bản thân và thông qua chúng cảm nhận được cuộc sống một cách trọn vẹn nhất.
Chủ tịch Hội người mù TT-Huế đánh giá: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến đời sống Người khuyết tật nói chung và người mù nói riêng. Đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn trong đó có Pháp lệnh về Người tàn tật năm 1998 và đặc biệt nhất là sau khi tham gia ký Công ước quốc tế về các quyền của Người khuyết tật được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 13/12/2006, Quốc hội đã ban hành Luật về Người khuyết tật và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011 và đặt biệt là Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 5/8/2020 của Thủ Tướng về việc Quyết định phê duyệt chương trình trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2020-2030.
Ông Lê Văn Lộc (Chủ tịch Hội người mù tỉnh TT-Huế).
Ông Lê Văn Lộc trình bày: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói "Tàn nhưng không phế” để động viên, khuyến khích người mù xóa bỏ mặc cảm tự ti và vươn lên trong cuộc sống. Cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước thể hiện qua các chủ trương, chính sách thiết thực nói trên, các thế hệ cán bộ, hội viên người mù trên cả nước đã gặt hái được kết quả trên tất cả các mặt hoạt động hội được Đảng, Nhà nước và các cơ quan, ban ngành và toàn xã hội ghi nhận.
Trong những năm qua, Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên Huế luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của Trung ương Hội người mù Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành chức năng nên công tác hướng nghiệp dạy nghề gắn với tạo việc làm của Hội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hội triển khai đồng bộ các chương trình công tác như công tác củng cố phát triển tổ chức Hội, công tác tuyên truyền văn hóa giáo dục, công tác đối ngoại hợp tác quốc tế đặc biệt là công tác lao động sản xuất- dạy nghề tạo việc làm, cho vay vốn phát triển kinh tế nhằm xóa đói giảm nghèo trong toàn hội,
Trong thời gian qua, Hội đã mở 31 lớp đào tạo với các ngành nghề như xoa bóp (Massage), tin học dành cho người mù và các ngành nghề tiểu thủ công, nông nghiệp khác và 7 khóa tập huấn cho 631 cán bộ, nhân viên, hội viên người mù trên địa bàn và ngoài ra còn mở rộng dạy nghề cho người mù, người khuyết tật tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên theo nguồn phân bổ kinh phí thực hiện dạy nghề của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, ngân sách và các tổ chức phi chính phủ khác với tổng kinh phí 2.281.121.500. Các học viên sau đào tạo có trên 70% có việc làm và thu nhập ổn định, đặc biệt nhất là ngành nghề xoa bóp (massage) là ngành nghề mũi nhọn của người mù trong cả nước nói chung cũng như tại tỉnh hội Thừa Thiên - Huế nói riêng.
Trong quá trình triển khai công tác dạy nghề, Hội đã tập trung nghiên cứu, xây dựng đề án để đề xuất và được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật tỉnh và thành lập 2 hợp tác xã nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho những học viên, hội viên đã qua đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động là người mù, người khuyết tật.
Song song với công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm, được sự giúp đỡ của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam, chi nhánh Tỉnh Thừa thiên Huế cũng như các chi nhánh tại các huyện, thị xã và thành phố Huế, thời gian qua Hội đã liên tục triển khai hiệu quả chương trình vay vốn giúp người mù phát triển kinh tế gia đình. Tổng số vốn vay Hội đã giúp cho người mù vay cho đến thời điểm này đã lên 473 dự án/6969 hộ vay với tổng số vốn 32.625.600.000. Có thể nói, được dạy nghề và được vay vốn với lãi suất ưu đãi, người mù như được tặng chiếc cần câu kỳ diệu để dùng đôi bàn tay nhỏ bé và khối óc thông minh, sáng tạo cùng với nghị lực phi thường đã tự đứng vững trên đôi chân của mình để khẳng định bản thân trước gia đình xã hội rằng mọi sự khác biệt sẽ không là rào cản nếu chúng ta nổ lực hết sức vì một ngày mai tốt đẹp hơn ngày hôm nay.
Theo ông Lộc, để người khuyết tật nói chung và người mù nói riêng có cơ hội được tiếp tục khẳng định bản thân và đóng góp tích cực cho xã hội nhiều hơn nữa, Hội cũng kiến nghị với các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ nhiều hơn nữa nhất là trong việc triển khai các chủ trương, chính sách liên quan đến người khuyết tật một cách đồng bộ và hiệu quả hơn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.