Tâm sự của ông Tổng giám đốc 20 năm vác đơn đi kêu oan
2017-10-03 11:22:21
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Một lúc tôi mới nhận ra “ông lão” đang nhẫn nại xin trình bày … là ông Ngô Đình Quý – Vị Giám đốc danh tiếng một thời của Nhà máy đóng tàu Hạ Long cách đây hơn 30 năm. Tôi bám theo khi thấy ông “bất lực” trước “nguyên tắc không nghe trình bày” của cô nhân viên Toà án, rồi “nhẫn nhịn” đi ra. Sau ít phút gợi cho ông nhớ lại một số hình ảnh trong Đại hội đại biểu Đảng bộ Nhà máy diễn ra vào tháng 9/1991, khi đó ông được bầu giữ chức Phó Bí thư kiêm Giám đốc nhà máy thì ông mời tôi về nhà “tâm sự”.
Ông Ngô Đình Quý chăm chú ngồi nghiên cứu hồ sơ án |
Tôi thật bất ngờ khi chứng kiến gia cảnh của vị Tổng giám đốc một liên hiệp công nghiệp vào loại lớn nhất nước thời kỳ đổi mới, nay đang phải cô quạnh, tá túc nhờ một người bạn. Chạnh lòng khi rót trà ông Quý nói: Mình cũng muốn “tâm sự” bằng chút rượu, nhưng khổ cái mình không có lương hưu, sống bằng trợ giúp của con cái nên không “đãi” khách được, thông cảm nhé!
Có lẽ đã lâu mới có người chịu ngồi nghe, nên ánh mắt ông Quý sáng lên khi được tâm tình… Ông nói: Khi đó, vào năm 1986, Nghị quyết đại hội Đảng do Tổng bí thư (TBT) Trường Chinh soạn thảo khởi xướng và TBT Nguyễn Văn Linh thực hiện là phải tự cứu lấy mình và muốn vậy phải đổi mới toàn diện về quản lý kinh tế. Khi đó, tôi đang là Phó giám đốc Nhà máy đóng tầu Hải Phòng thì bất ngờ nhận lệnh của Bộ GTVT chuyển về làm Giám đốc Nhà máy đóng tầu Hạ Long (NMĐTHL). Tôi rất lo, vì cùng trong liên hiệp nên tôi biết NMĐTHL lúc đó với gần 2.000 CBCNV đang thiếu việc làm, có tới 95% hoạt động bị đình trệ, khung cảnh hoang tàn.
Ông Quý phấn chấn, ánh mắt sáng lên và kể tiếp. Nhận nhiệm vụ, tôi tập hợp lại lao động, vật tư, vật liệu…mạnh dạn vay vốn để trả lương và ngay năm 1987 nhà máy đã nhận đóng mới con tầu 3.000T lớn nhất Việt Nam lúc đó (theo giá trị đầu tư do Bộ GTVT thẩm định là 4,8 tỷ đồng). Không may cho chúng tôi, chủ đầu tư mua tầu không thu xếp đủ vốn nên con tầu bị đọng lại làm ứ vốn, phát sinh chi phí bảo quản, lãi vay.., ngân hàng ngừng cho vay, sản xuất kinh doanh và đời sống CBCNV của toàn nhà máy nguy cơ lại đình trệ. Trước tình thế cấp thiết trên, tin theo nghị quyết đổi mới toàn diện về kinh tế của Đảng, ông Quý mạnh dạn xin phép Bộ GTVT trình Chính phủ cho phép NMĐTHL được chủ động bán/xuất khẩu tầu. Được phép, qua môi giới ngày 30/3/1991 ông đã ký bán được con tầu cho công ty Kamtranship (Campuchia) với giá 1.030.000 USD - khoảng hơn 11 tỷ đồng Việt Nam, gấp 2,6 lần giá Bộ GTVT thẩm định. Cả nhà máy vỡ oà vui sướng vì được giải cứu. Nhưng mừng hơn cả là qua kết quả này nhà máy đã chứng minh được năng lực làm việc với Nhà nước với đối tác. Nhờ chất lượng sản phẩm tốt nên Bộ Quốc phòng đã tín nhiệm đặt nhà máy đóng tầu cho Bộ Quốc phòng, tạo thế ổn định, phát triển bền vững, lâu dài cho nhà máy. Với thành tích trên ông Quý được Bộ GTVT tín nhiệm trình Thủ tướng bổ nhiệm trọng trách làm Tổng giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp đóng tàu (LHCXNĐT) Việt Nam.
Nói tới đây, Ông Quý bỗng trùng xuống, ánh mắt vô định rồi tiếp tục tâm sự: Đúng là cái gì cũng có giá phải trả, những ngày đó bản thân tôi đã giành hết tâm trí, thời gian, sức lực cho nhà máy, không biết một ngày nghỉ phép, một ngày cho gia đình… Rồi căn nhà mà gia đình tôi sống biến thành văn phòng đại diện của nhà máy tại Hà Nội, vợ tôi thành nhân viên không lương của nhà máy lúc nào không hay. Vì vậy cùng với giải cứu được nhà máy thì ông cũng không kịp nhận ra giữa ông và gia đình đã có khoảng cách.
Song, bù lại sự mất mát đó, ông Quý lại được sự kính trọng và yêu thương của những người lao động trong nhà máy. Chả thế mà, sau khi được đặc xá dù đã gần 20 năm, song cả nghìn CBCNV nhà máy vẫn đang đứng đơn, xin làm chứng để minh oan cho ông.
Năm 1998 được đặc xá ra tù, trước cảnh gia đình tan nát, không nhà, ở vào tuổi 60 không lương hưu…may anh em “lính cũ” cưu mang vào Tp.HCM làm giám sát tại một nhà máy đóng tầu với mức lương 1.000 USD/tháng để vui sống. Nhưng được hơn 2 năm nhà máy cũng hết việc nên ông lại phải ra Hà Nôi ở nhờ lay lắt qua ngày. Có lẽ, Trời không lấy của ai tất cả, nhờ “thất nghiệp” ông có thời gian gặp lại CBCNV NMĐTHL và họ trợ giúp lần hồi, thu thập được các chứng cứ thể hiện ông vô tội. Trong đó quan trọng nhất là Biên bản quyết toán việc bán con tầu 3.000T trên do Bộ Tài chính, Bộ GTVT, LHCXNĐT Việt Nam, Cục Thuế Quảng Ninh duyệt quyết toán ngày 01/10/1995 (Biên bản được lập trong thời gian ông đang thi hành án trong tù). Theo đó hoá ra tất cả các khoản tiền mà Bản án hình sự phúc thẩm số 516 ngày 21 và 22/4/1994 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã quy buộc ông tham ô (90 triệu) đều có chứng từ ông đã nộp về, được hạch toán, duyệt quyết toán đầy đủ tại NMĐTHL.
Ông nói đến giờ dù gần 30 năm, song ông vẫn không hết bàng hoàng, ngỡ ngàng với việc mình bị bắt giam khi vừa được ghi nhận công lao đóng mới con tầu 3.000T lớn nhất Việt Nam và bán lãi gần gấp 03 lần giá vốn thì bị bắt giam vì bị cho rằng đã tham ô trong việc bán con tầu trên.
Theo bản án kết tội ông thì theo hợp đồng đối tác Campuchia thanh toán cho NMĐTHL bằng USD tiền mặt và hàng hoá (gồm sắt thép và đầu lọc thuốc lá). Trong số sắt thép phía Campuchia trả có một phần chủng loại không phù hợp với sản xuất của nhà máy nên ông giao cho ông Nguyễn Hồng Thự là trưởng đại diện NMĐTHL tại Tp.HCM bán tại Tp.HCM được 1.775.788.000 VND. Song ông Thự lại lập chứng từ giả chữ ký giả của ông để chỉ nộp về nhà máy 1.527.768.000 VND, còn 228.000.000 VND để ngoài và trong số này ông Thự đem 80 triệu đồng ra Hà Nội đưa cho vợ ông và 10 triệu đồng đưa cho ông trong dịp vào công tác miền Nam. Căn cứ vào lời khai của ông Thự, bản án đã quy kết ông tham ô số tiền 90 triệu trên và xử phạt 14 năm tù về tội tham ô. Song giờ gặp lại CBCNV nhà máy họ mới cho ông biết và xác nhận 80 triệu mà ông Thự đưa cho vợ ông đã được ông Nguyễn Tốt – Phó giám đốc giao cho ông Vũ trọng Phụng - Phó phòng Bảo vệ (mang vũ khí đi áp tải tiền), bà Lê thị Sâm thủ quỹ, ông Đinh văn Hoàng lái xe đi về Hà Nội đến nhà ông nhận 80 triệu này mang về tổng hợp nhập quỹ nhà máy tại phiếu thu số 34 ngày 24/5/1992. Số tiền 10 triệu ông nhận của ông Thự khi đi công tác miền Nam ông Thự cũng đã làm thủ tục thanh toán về nhà máy theo đúng quy định. Việc này còn được chứng minh bằng Biên bản duyệt quyết toán việc bán con tầu 3.000T ngày 01/10/1995 trong đó phê duyệt toàn bộ số tiền 1.775.788.000 VND bán sắt trong Tp.HCM đã nhập quỹ, hạch toán đầy đủ chứ không có khoản 228 triệu để ngoài như bản án quy kết.
Hồ sơ giải oan của ông Ngô Đình Quý |
Ngoài nỗi oan bị quy kết tham ô, bản án còn quy kết hành vi ông đổi tiền USD mà phía Campuchia thanh toán tiền mua tầu ra tiền VND trên thị trường tự do (không qua ngân hàng) là cố ý vi phạm quy định của pháp luật thời kỳ 1991 cấm mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do. Đây là nỗi day dứt oan khiên mà ông muốn chia sẻ với các giám đốc thời kỳ đổi mới. Đảng lúc đó đã ra nghị quyết đổi mới, “cởi trói giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp để tự cứu lấy mình”, Bộ GTVT và Chính phủ thì đã ra văn bản cho phép nhà máy được nhận thanh toán bằng USD tiền mặt và được giữ lại sử dụng cho hoạt động của nhà máy. Song pháp luật thì chưa sửa đổi kịp theo nghị quyết của Đảng về đổi mới quản lý kinh tế và sự cho phép cởi trói của Chính phủ khi vẫn quy định cấm mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do. Điều này dẫn đến hoàn cảnh trớ trêu là sau khi nhận thanh toán của phía Campuchia, ông cử ông Nguyễn Tốt Phó giám đốc và ông Đỗ văn Nhuận là kế toán trưởng mang số USD sang Ngân hàng Công thương chi nhánh Quảng Ninh gửi/đổi sang tiền VND thì theo như BL406 hồ sơ vụ án ông Nhuận khai: “Giám đốc ông Hiệt và Trưởng phòng ngoại hối bà Hiền của NHCTQN từ chối nhận/đổi vì ngân hàng chưa được phép nhận Đola tiền mặt mà chỉ được nhận/đổi SEC, LC chuyển khoản…”.
Số tiền USD nhà máy mang đến là tiền mặt không có nguồn là trôi nổi tự do nên ngân hàng nhận mua/đổi sẽ là vi phạm quy định cấm mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do. Sự trớ trêu trên dẫn tới ông đành phải “cất giữ” USD và khi nhà máy cần thì mang ra thị trường tự do đổi sang VND và làm thủ tục thanh toán cho phía Campuchia và nhập quỹ theo VND chứ không phải USD như thực tế phía Campuchia thanh toán và sự cho phép của Chính phủ. Ông tâm tư: Vậy đó, mình là đảng viên phải thực hiện theo nghị quyết của Đảng, là Giám đốc DNNN thì phải tuân theo sự cho phép, chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ nhưng quy định pháp luật thì chưa đổi mới kịp thì khác nào làm theo Đảng, theo Chính phủ thì ngấp nghé cửa tù, song nếu không làm thì bản thân và 2.000 CBCNV nhà máy chết ngay. Ông nói vui nó na ná như việc người tiêu dùng hiện nay đang phải đối mặt với thực phẩm bẩn vậy: Không ăn thì chết ngay, còn ăn thì chết từ từ ..?
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Đức Hà