Tăng cường năng lực cho phụ nữ khuyết tật nghèo
Mặc dù NKT nói chung và PNKT nói riêng đã và đang được quan tâm nhưng với thực trạng đa số họ đều nghèo, trình độ văn hoá thấp… nên những nỗ lực giúp NKT hoà nhập vẫn còn gặp nhiều thách thức. Các hoạt động trợ giúp hiện nay chưa thực sự khuyến khích được sự tự chủ, tự lực của NKT mà mới chỉ chủ yếu là “từ thiện”.
Là một tổ chức chính trị - xã hội có chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam rất quan tâm công tác hỗ trợ, tăng cường năng lực cho PNKT nghèo, tạo cơ hội cho chị em hoà nhập xã hội, giảm bớt mặc cảm tự ty của bản thân và kỳ thị của cộng đồng.
Hội đã tích cực tham mưu, đề xuất, xây dựng chính sách pháp luật cho PNKT; tham gia trong Ban soạn thảo xây dựng Luật NKT (tham gia nghiên cứu, đề xuất ý kiến trong Chương Việc làm và Chương Chăm sóc y tế cho người khuyết tật); tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật về người khuyết tật. Hàng năm, Hội phối hợp với Bộ Lao động – TB và XH thực hiện Chương trình Đề án về dạy nghề và tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật; Đề án Trợ giúp người khuyết tật; tham gia giám sát việc thực hiện các Chương trình đề án liên quan đến người khuyết tật.
Hàng năm, Hội đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội thực hiện công tác bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ khuyết tật, tập trung tuyên truyền sâu, rộng thông qua các nhóm/tổ phụ nữ về quyền bình đẳng, trách nhiệm của người khuyết tật, của PNKT trong các quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam; chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật; vận động toàn xã hội hỗ trợ NKT và PNKT tiếp cận các dịch vụ xã hội, sống hòa nhập cộng đồng; phê phán các hành vi kỳ thị, phân biệt, đối xử đối với NKT nói chung và PNKT nói riêng… thông qua các hình thức tổ chức các cuộc thi, chiến dịch tuyên truyền; lễ phát động; giao lưu chia sẻ kinh nghiệm. Các cấp Hội đã xây dựng và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ phụ nữ tự lực; sinh hoạt chuyên đề tổ/nhóm phụ nữ; tập huấn nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ, báo cáo viên của Hội và hội viên, phụ nữ; phát hành tài liệu tuyên truyền; đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật.
Các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ trong việc nâng cao nhận thức của các thành viên trong gia đình về khuyết tật, bảo đảm an toàn trong sinh hoạt hàng ngày và thực hiện các biện pháp phòng ngừa tật bệnh, tai nạn thương tích, phòng ngừa các nguyên nhân, nguy cơ dẫn đến khuyết tật; bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật, nhất là đối tượng phụ nữ, trẻ em bị khuyết tật; tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền, nghĩa vụ và hòa nhập cộng đồng; tôn trọng ý kiến, quyết định của họ liên quan đến cuộc sống của bản thân NKT và gia đình. Chỉ đạo các cấp Hội chủ động tham mưu, phối hợp với Chính quyền địa phương và các ngành chức năng trong việc giám sát, phát hiện những trường hợp chị em PNKT gặp khó khăn trong cuộc sống, kịp thời báo cáo để có biện pháp hỗ trợ.
Một hoạt động thiết thực giúp phụ nữ khuyết tật, đơn thân, phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được các cấp Hội phụ nữ trong cả nước tích cực, thường xuyên thực hiện trong những năm qua, đó là Cuộc vận động xây dựng Mái ấm tình thương. Cuộc vận động đã khơi dậy truyền thống tương thân, tương ái; lá lành đùm lá rách; thương người như thể thương thân… trong toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ, thu được kết quả cao, giúp cho nhiều chị em phụ nữ nghèo, khuyết tật có nhà ở ổn định, an cư, lạc nghiệp. Tính từ năm 2008 đến nay, Cuộc vận động xây dựng Mái ấm tình thương của các cấp Hội phụ nữ trong cả nước đã quyên góp, thu nhận được số tiền 292,3 tỷ đồng; xây dựng được 21.495 Mái ấm cho 21.495 phụ nữ nghèo, khuyết tật, có hoàn cảnh cảnh đặc biệt khó khăn có nhà ở ổn định, an cư, lạc nghiệp.
Hoạt động quan tâm, thăm hỏi, khuyến khích, động viên, chia sẻ với NKT và PNKT cũng luôn được Hội LHPN Việt Nam chú trọng. Năm 2010, Hội LHPN Việt Nam tổ chức gặp mặt, biểu dương 125 nữ đại biểu khuyết tật tham dự Hội nghị Biểu dương người tàn tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc do Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi VN tổ chức. Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam (25/4/1992 – 25/4/2012); Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Hội bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức Giao lưu “Vợ chồng khuyết tật – Hạnh phúc và niềm tự hào” với sự tham gia của 45 cặp vợ chồng Khuyết tật có thành tích xuất sắc trong lao động, sự nghiệp, làm kinh tế gia đình, xây dựng tổ ấm hạnh phúc, nuôi con khoẻ, giáo dục con cái trưởng thành. Hoạt động này đã thể hiện vai trò chủ động của Hội LHPNVN trong công tác phối hợp tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NKT; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của PNKT để qua đó góp phần cùng Đảng, Nhà nước giải quyết, tháo gỡ những vấn đề mà phụ nữ nhất là sinh viên nữ khuyết tật còn đang bức xúc;
Trung ương Hội trực tiếp thăm hỏi, tặng quà cho Hội bảo trợ người tàn tật VN; Liên hoan tiếng hát người mù; Chương trình giao lưu nghệ thuật “Những trái tim không khuyết tật”… với số tiền 50 triệu đồng.
Hội LHPN Việt Nam đã tập trung hoạt động tăng cường năng lực cho PNKT nghèo thông qua việc chỉ đạo xây dựng 20 mô hình Phụ nữ tự lực tại các tỉnh/thành (Hải Phòng, Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình, TT- Huế, Vĩnh Long, Hà Nội, Ninh Bình, Đồng Tháp, Hải Dương, Phú Yên, Bắc Ninh, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Quảng Trị, Quảng Nam, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc). Tại các mô hình, PNKT được giao lưu, chia sẻ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình trong cuộc sống, công việc, được cung cấp thông tin, kiến thức về quyền của người khuyết tật, được tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm… qua đó từng bước giúp chị em xóa bỏ mặc cảm, tự ti, phấn đấu vươn lên khẳng định mình trong cuộc sống...
TW Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với Hội LHPN 12 tỉnh/thành (Phú Thọ, Bắc Ninh, Vĩnh Long, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hải Dương, Lâm Đồng) tổ chức triển khai 12 khóa dạy nghề cho 360 PNKT có khả năng lao động nhưng chưa có nghề nghiệp và việc làm. Chị em đã được Hội tổ chức dạy nghề may công nghiệp, thêu, đan, móc tại các cơ sở Trung tâm dạy nghề của Hội. Các học viên được hướng dẫn may các chi tiết trên quần áo, lắp ráp quần áo, cắt may các loại quần áo sơ mi nam, nữ, may quần áo xuất khẩu, các kỹ thuật thêu đan móc từ cơ bản đến phức tạp, được cấp chứng chỉ khi kết thúc khóa học và sẽ được Hội tư vấn, giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp tại địa phương. Kết quả cho thấy, PNKT tham gia đầy đủ và nhiệt tình vào chương trình học của các lớp đào tạo nghề. Tham gia học nghề, chị em PNKT có cơ hội được hoà nhập cộng đồng và có những kỹ năng cần thiết trong tìm kiếm việc làm.
Ngoài ra, Hội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng cho PNKT nòng cốt tại nhiều tỉnh/thành (Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng, Phú Yên, Vĩnh Long, Thừa Thiên – Huế, Hà Nội, Phú Thọ, Lạng Sơn, Quảng Nam, Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa). Mỗi lớp tập huấn có 30 PNKT có khả năng được Hội tập huấn các kiến thức, kỹ năng về Quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật; 8 nội dung ưu tiên về người khuyết tật; Kỹ năng lập kế hoạch hoạt động, tổ chức của CLB phụ nữ khuyết tật; Bình đẳng giới; Phòng chống bạo lực gia đình; chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với phụ nữ khuyết tật. Thông qua đó, chị em đã được nâng cao kiến thức và kỹ năng cơ bản về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật, biết cách lập kế hoạch hoạt động của nhóm PNKT. Chị em cho rằng đây là những kiến thức, kỹ năng rất bổ ích và cần thiết đối với chị em PNKT nhằm giúp chị em nâng cao sự hiểu biết, nâng cao nhận thức từ đó phát huy tiềm năng tự lực, động viên nhau vượt qua khó khăn, mặc cảm tự ti.
Công tác hỗ trợ phụ nữ khuyết tật, tăng cường năng lực cho PNKT của Hội LHPN Việt Nam bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là việc nhận thức của một số lãnh đạo các cấp chính quyền và cộng đồng, nhất là hiểu biết về luật pháp, chính sách về NKT còn hạn chế nên sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện chưa đúng mức. Cộng đồng vẫn còn có sự phân biệt, đối xử, kỳ thị đối với phụ nữ khuyết tật. Kinh phí đầu tư cho các hoạt động tuyên truyền, nâng cao năng lực cho chị em còn thiếu. Nhiều chị em khuyết tật vẫn còn e dè, chưa dám hoà nhập cộng đồng do thiếu kiến thức.
Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo các tỉnh/thành Hội thực hiện các hoạt động hỗ trợ PNKT lồng ghép vào các hoạt động chung của Hội. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức cho PNKT và cộng đồng về Quyền bình đẳng của Người Khuyết tật; nâng cao năng lực cho cán bộ Hội chuyên trách về công tác hỗ trợ phụ nữ khuyết tật. Tăng cường chỉ đạo các cấp Hội lồng ghép thực hiện các hoạt động xây dựng mô hình nhóm PN tự lực, hỗ trợ dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho phụ nữ khuyết tật. Tiếp tục duy trì và nhân rộng hoạt động các mô hình PN tự lực tại các tỉnh/thành.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.