Việt Nam xóa sóng 2G, sẽ phổ cập điện thoại thông minh giá rẻ tới người dân
Bỏ đi "gánh nặng" công nghệ cũ
Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), tính đến hết tháng 9/2020, trong số 87 triệu thuê bao di động của Việt Nam thì chỉ có khoảng 10% chỉ sử dụng sóng 2G, và con số đang giảm mạnh theo từng năm. Đây cũng là xu hướng chung của viễn thông thế giới bởi theo số liệu từ Hiệp hội Thông tin di động toàn cầu, dự kiến tới năm 2025, tổng số thuê bao 2G sẽ chỉ còn ở mức ít ỏi là 6%.
Các nhà mạng sẽ triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho các thuê bao 2G chuyển sang dùng smartphone trước khi tắt sóng 2G.
Nhận định trước được viễn cảnh này, ngay từ năm 2018, vấn đề dừng công nghệ 2G đã được Bộ TT&TT cùng các nhà mạng đưa ra nghiên cứu, định hướng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển 5G, thì việc duy trì cùng lúc 4 công nghệ (gồm cả 2G, 3G, 4G) là quá lãng phí tài nguyên, do đó dừng 2G để tập trung nguồn lực, băng tần cho những công nghệ hiện đại hơn lại càng là nhu cầu cấp thiết.
Hơn thế nữa, với mục tiêu phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam được đề ra tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng vừa phê duyệt hồi tháng 6/2020, việc tắt sóng 2G chính là yêu cầu bắt buộc. Bước đi mang tính cách mạng này sẽ góp phần thúc đẩy Chính phủ điện tử kinh tế số, xã hội số... những yếu tố mang tính sống còn để đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn trong thời gian tới.
Việc tắt sóng 2G cũng từng được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng ví như việc bỏ đi gánh nặng của quá khứ, "để đất nước tiến lên mạnh mẽ hơn thì cần phải chia tay với những công nghệ cũ". Ông Hùng cũng khẳng định bỏ 2G là chiến lược quan trọng của Việt Nam nhằm đưa đất nước trở thành một trong số ít quốc gia có lượng sử dụng smartphone lên tới 100% và sẵn sàng cho công dân điện tử.
Được biết, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng có nhiều chương trình phối hợp với các cơ quan T.Ư khác cũng như DN nhằm đưa ra các chính sách đồng bộ để thúc đẩy phát triển công nghiệp điện tử, sản xuất smartphone giá rẻ, yêu cầu điện thoại sản xuất hoặc nhập khẩu về Việt Nam phải hỗ trợ 4G... để chuẩn bị sẵn sàng cho việc tắt sóng 2G.
Smartphone có giá chỉ... 500.000 đồng
Dự tính hiện Việt Nam đang có xấp xỉ 9 triệu thuê bao di động chỉ sử dụng mạng 2G, điều này cũng đồng nghĩa với việc đang có một số lượng lớn điện thoại thông thường sẽ phải chuyển sang smartphone nếu sóng 2G bị tắt. Do đó, vấn đề mấu chốt để người dùng sẵn sàng "đoạn tuyệt" với 2G là giá smartphone phải bằng hoặc thậm chí thấp hơn so với điện thoại thông thường, từ đó nhu cầu chuyển đổi sẽ được thực hiện dễ dàng hơn rất nhiều.
Để giải quyết vấn đề thiết yếu trên, ngay từ đầu 2020, Bộ TT&TT cùng nhà mạng, hãng sản xuất điện thoại, nhà cung cấp ứng dụng đã phối hợp để đưa ra các chương trình smartphone giá rẻ nhằm thúc đấy những sản phẩm này đến tay người dùng. Hiệu quả thu về cũng khá tích cực khi hơn 10.000 smartphone giá rẻ đã được tiêu thụ. Đồng thời, hàng loạt giải pháp đã được Bộ TT&TT liên tục triển khai trong thời gian qua, có thể kể đến như thúc đẩy sản xuất trong nước bằng chương trình smartphone giá rẻ hay hạn chế nhập khẩu điện thoại thuần 2G bằng cách ban hành quy chuẩn bắt buộc tích hợp 4G đối với thiết bị di động đầu cuối.
Được sự hỗ trợ tích cực từ mặt chính sách, các hãng sản xuất smartphone trong nước đều khẳng định việc phổ cập smartphone giá rẻ đến người dùng là hoàn toàn khả thi. Đại diện VNPT Technology cho biết, DN của mình đủ khả năng để sản xuất khoảng 2 - 3 triệu smartphone/năm với giá chỉ từ 700.000 - 900.000 đồng/sản phẩm. Nếu bán với mức giá 500.000 đồng/smartphone thì về cơ bản DN sẽ không có lãi, tuy nhiên nếu có thị phần tiêu thụ đủ lớn, mức giá này hoàn toàn có thể đạt được.
Nói về việc chuẩn bị cho thị trường smartphone giá rẻ tại Việt Nam sau thời điểm tắt sóng 2G, CEO của Bkav Nguyễn Tử Quảng chia sẻ, DN đang phối hợp với các nhà mạng trong nước như Viettel để cùng hợp tác sản xuất smartphone giá rẻ. Do Bkav làm chủ được công nghệ lõi nên việc tối ưu hóa giá thành cho smartphone ở mức khoảng dưới 1 triệu đồng là chắc chắn. "Với việc sản xuất số lượng smartphone lớn, sự hỗ trợ của chính sách, hợp tác của nhà mạng cùng nhà cung cấp dịch vụ thì việc phổ cập smartphone giá 500.000 đồng tới người dùng là có thể thực hiện được" - ông Quảng khẳng định.
Về phía Viettel, Phó Tổng Giám đốc Tào Đức Thắng cho biết, nhà mạng này cũng đã lên kế hoạch phối hợp với các nhà cung cấp trong nước để phân phối các mẫu smartphone 4G giá dưới 1,5 triệu đồng/máy và điện thoại cơ bản có tính năng smartphone có giá khoảng 400.000 đồng/máy. Thậm chí phương án trợ giá cho mỗi smartphone giá rẻ ở mức 10 USD cũng đã được tính tới và việc này cũng hoàn toàn nằm trong khả năng của Viettel.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.