Thái Nguyên: Xuân về trong những ngôi nhà 22
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới khang trang, kiên cố, ông Chu Văn Tường (66 tuổi) là nạn nhân chất độc da cam, xóm Đồng Lá 2, xã Điềm Mặc, Định Hóa vui mừng chia sẻ: Trước đây, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên gia đình tôi phải sống trong căn nhà vách đất, mái lợp lá cọ xuống cấp nghiêm trọng. Được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công, gia đình tôi đã vay mượn thêm họ hàng, làng xóm để xây dựng căn nhà cấp 4 kiên cố với diện tích sử dụng gần 100m2. Có nhà mới, gia đình tôi không còn phải lo lắng mỗi khi trời mưa bão, các con cháu cũng yên tâm sinh sống và phát triển kinh tế gia đình.
Tương tự, gia đình bà Đinh Thị Cúc (73 tuổi), thuộc diện người có công được nhận huân chương trong kháng chiến chống Pháp, ở xóm Sơn Đông, xã Sơn Phú, Định Hóa cũng mới được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng căn nhà mới theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trò chuyện với chúng tôi, bà Đinh Thị Cúc vui mừng cho biết: Gần chục năm qua, gia đình tôi phải sống trong căn nhà lụp xụp nhưng chưa có điều kiện để xây dựng lại. Năm 2018, nhờ có chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công, gia đình tôi đã xây được căn nhà mới vững chãi để ở. Đây là nguồn động viên để gia đình tôi tiếp tục phấn đấu vươn lên trong cuộc sống…
Gia đình Bà Nguyễn Thị Lý- xã Vô Tranh, huyện Phú Lương là một trong những hộ thuộc diện được hỗ trợ làm nhà theo quyết định 22 hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở của thủ tướng chính phủ. Hơn 3 năm qua kể từ ngày căn nhà được hoàn thành và đưa vào sử dụng, cuộc sống của gia đình bà đã vơi bớt đi rất nhiều khó khăn.
Trong những năm qua, xác định nhu cầu nhà ở cho người có công là cấp thiết, do đó, bên cạnh việc tổ chức triển khai các chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách ưu đãi của nhà nước đối với người có công theo Quyết định số 118/TTg, Quyết định 20/2000/QĐ-TTg, Quyết định 117/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. Hoạt động này nhận được sự đồng thuận của toàn cộng đồng và có sự chỉ đạo thực hiện sâu sát của các cấp ủy, đảng chính quyền các địa phương, do vậy, các quy định của Chính phủ, quy trình bình xét, tổ chức hỗ trợ tại các địa phương được đảm bảo đúng quy định.
Từ tỉnh tới cơ sở đã tích cực, chủ động vận động các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng "Quỹ đền ơn đáp nghĩa" các cấp, qua nguồn này đã thực hiện hỗ trợ xây 561 "Nhà tình nghĩa" cho 561 gia đình người có công với cách mạng với tổng kinh phí 15 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg và Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg, địa phương đã thực hiện miễn, giảm và hỗ trợ cho 1.028 người theo quy định, với số tiền là 33.910 triệu đồng, trong đó, 6 người được miễn, giảm khi mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước; 328 người được hỗ trợ 50.000.000đ/người; 694 người được hỗ trợ 25.000.000đ/người. Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, tỉnh Thái Nguyên có tổng số 9.821 gia đình có công với cách mạng được hỗ trợ nhà ở. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc làm mới, sửa chữa nhà ở, chỉ còn 182 hộ sẽ làm mới, sửa chữa. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở trên địa bàn tỉnh là 227 tỷ đồng, cấp ủy, chính quyền địa phương còn hỗ trợ, vận động doanh nghiệp, xã hội, bà con hàng xóm quyên góp, người có công với cách mạng đối ứng 265 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa nhà ở.
Đã có nhiều huyện thị tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định 22, như Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ… Công tác hỗ trợ được triển khai theo đúng tiến độ, không xảy ra khiếu kiện. Các ngôi nhà được hỗ trợ xây mới có diện tích sử dụng tối thiểu là 30m2, đảm bảo đúng tiêu chí nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng. Từ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 22 nên qua 6 năm thực hiện chính sách hỗ trợ người có công về nhà ở tại Thái Nguyên, những ngôi nhà được hỗ trợ sửa chữa và xây mới đã hoàn thành an toàn, sạch đẹp. Những việc làm này thể hiện trách nhiệm và nghĩa tình của cộng đồng đối với những đóng góp của những người có công xây đắp nền độc lập cho đất nước hôm nay.
Ðược sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy Ðảng, chính quyền các cấp và cộng đồng, đến nay có 99,1% số hộ gia đình chính sách ở tỉnh Thái Nguyên đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, nhiều thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, gia đình, không ngừng phấn đấu vươn lên, lập được nhiều chiến công, thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu, lao động, học tập. Tại các huyện thị có hộ gia đình chính sách đều được nhân dân thăm hỏi, động viên bằng vật chất, tinh thần làm tăng thêm sự gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Cùng với các hội, đoàn thể, các cấp Hội Cựu chiến binh Thái Nguyên đã chung tay góp sức hỗ trợ, giúp đỡ cho người có công, các gia đình chính sách. Trên toàn địa bàn, ngày càng có nhiều gương thương binh làm kinh tế giỏi, thương binh tiêu biểu xuất sắc, thương binh đi đầu trong các hoạt động xã hội, trở thành tấm gương cho cộng đồng cũng như thế hệ trẻ noi theo.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.