Thanh Hóa: Bảo đảm an toàn công tác chăm sóc người có công và đối tượng bảo trợ xã hội trong mùa dịch
Cán bộ, y, bác sĩ chăm sóc cho các đối tượng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công, phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn). Ảnh: Trần Hằng
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), toàn tỉnh hiện có 1.056 đối tượng BTXH đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội; 230 đối tượng NCC với cách mạng đang được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh và khoảng 125 trẻ mồ côi được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Làng trẻ em SOS Thanh Hóa. Thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐTB&XH, UBND tỉnh, Sở LĐTB&XH, các cơ sở nuôi dưỡng NCC, BTXH trên địa bàn đã triển khai thống kê, nắm chắc tình hình sức khỏe của đối tượng; thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc hồ sơ điện tử đầy đủ đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên và đối tượng trong các cơ sở trợ giúp xã hội nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, bệnh không lây nhiễm hoặc các bệnh lý khác. Đồng thời, có giải pháp bảo đảm an toàn cho các đối tượng đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng; tạm ngừng tiếp đón các đoàn đến thăm, tặng quà cho đối tượng tại cơ sở BTXH.
Chúng tôi đến Trung tâm BTXH số 2, phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn) vào những ngày đầu tháng 5, khi diễn biến của dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng mọi hoạt động của trung tâm vẫn diễn ra bình thường. Sáng sớm các cụ ông, cụ bà vẫn say sưa với bài tập thể dục, chỉ khác là ai cũng phải đeo khẩu trang và giữ đội hình giãn cách 2m. Bà Nguyễn Thị Nụ, người cao tuổi hiện được chăm sóc tại trung tâm, chia sẻ: Cùng với hoạt động phòng, chống dịch theo quy định đã được cán bộ trung tâm phổ biến, hướng dẫn từ trước, chúng tôi còn được các nhân viên hướng dẫn tập thể dục theo bài cổ động phòng, chống dịch, hoạt động này giúp chúng tôi khỏe hơn, yên tâm và vui vẻ, thoải mái tinh thần hơn rất nhiều.
Được biết, Trung tâm BTXH số 2 hiện đang chăm sóc khoảng 180 đối tượng chủ yếu là người tàn tật nặng, người già vô gia cư với nhiều bệnh lý như: Không nói được, không kiểm soát được hành động hoặc bị liệt nằm một chỗ..., nên dễ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhận thức được vấn đề đó, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, ngay từ khi dịch bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam, trung tâm đã bám sát hướng dẫn, triển khai ngay nhiều biện pháp chủ động, tích cực để phòng, chống dịch. Theo đó, trung tâm đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch do đồng chí giám đốc trung tâm trực tiếp làm trưởng ban; ban hành các kế hoạch, phương án và xây dựng các kịch bản cụ thể trong công tác phòng, chống dịch; thông báo và triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch tại trung tâm theo đúng hướng dẫn của các ngành chức năng. Với 3 kịch bản ứng với 3 cấp độ giả định về tình hình dịch bệnh được xây dựng cụ thể, trung tâm đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch COVID-19.
Cũng giống như Trung tâm BTXH số 2, tại Trung tâm Điều dưỡng NCC, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khi đón các đối tượng bảo trợ quay trở lại, trung tâm đã tạm dừng việc thăm thân nhân nhằm hạn chế tiếp xúc xã hội. Tại trung tâm, toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động và những người đang được nuôi dưỡng tại đây đều thực hiện nghiêm túc các quy định về việc đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn, không tập trung đông người; công tác theo dõi, giám sát các biểu hiện bất thường về sức khỏe của các đối tượng được tăng cường. Cán bộ, nhân viên trung tâm thường xuyên vệ sinh, lau chùi khử khuẩn môi trường sống chung đảm bảo thông thoáng, phun thuốc khử trùng 3 lần/tuần. Tăng cường dinh dưỡng, các vitamin, thuốc bổ cho các đối tượng. Bên cạnh đó, trung tâm cũng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cùng các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là cơ quan y tế trên địa bàn làm tốt công tác theo dõi, giám sát sức khỏe, phun tiêu độc, khử trùng, hậu cần lương thực, thực phẩm và sẵn sàng trang thiết bị, vật tư, thuốc men khi cần thiết cho các đối tượng.
Đồng chí Vũ Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng NCC cho biết, hiện trung tâm đang chăm sóc 230 thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Trong đó, có nhiều trường hợp đa bệnh tật, mắc các bệnh mạn tính và có nhiều bệnh lý nền. Trước sự bùng phát và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trung tâm đã chủ động tuyên truyền về cách phòng, chống dịch để các đối tượng có kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân. Chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, hướng dẫn cách luyện tập thể thao phù hợp, nâng cao sức khỏe. Đồng thời, quản lý chặt chẽ không để các đối tượng ra môi trường bên ngoài và tiếp xúc với người lạ để hạn chế lây nhiễm dịch. Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với các cơ quan y tế tiến hành phun khử trùng tại khu vực phòng ở, phòng ăn, khu vực sinh hoạt chung. Thường xuyên kiểm tra thân nhiệt và sức khỏe của các đối tượng, cân đối nguồn dinh dưỡng trong các bữa ăn. Tạm dừng các hoạt động thăm, gặp người thân để hạn chế lây nhiễm vi-rút từ bên ngoài.
Làng trẻ em SOS Thanh Hóa – nơi đang nuôi dưỡng, chăm sóc 125 trẻ mồ côi, tại 14 ngôi nhà, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được thực hiện nghiêm ngặt. Từ những ngày đầu tháng 3, làng đã ban hành các kế hoạch, phương án cụ thể trong công tác phòng, chống dịch; thông báo và triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch tại làng theo đúng hướng dẫn của các ngành chức năng. Trang bị khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tại các phòng ở của trẻ. Tất cả các trẻ đều sinh hoạt trong làng không được ra ngoài. Đồng thời không cho người ngoài vào làng tiếp xúc với trẻ. Ngoài ra, làng tạm dừng tất cả các chương trình thăm hỏi, tặng quà của các tổ chức, cá nhân. Công tác chăm sóc sức khỏe các em được đặc biệt chú trọng. Khẩu phần ăn hàng ngày của mỗi em đều được tăng cường thêm dưỡng chất.
Với những biện pháp chủ động, tích cực đã được triển khai thực hiện trong thời gian qua tại các Trung tâm BTXH, Điều dưỡng NCC, Làng trẻ em SOS Thanh Hóa... đã và đang góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.