Thủ tướng: Mỗi công dân Việt Nam sẽ đều có sổ sức khoẻ điện tử

2024-10-03 10:57:06 0 Bình luận
Thủ tướng chỉ rõ mục tiêu mỗi công dân Việt Nam, kể cả những người chưa có thẻ BHYT đều sở hữu một sổ sức khoẻ điện tử trên ứng dụng VNeID, tiến tới có bệnh án điện tử. Đến đầu năm 2025, 100% cơ sở y tế và có 40 triệu người dân sử dụng sổ sức khỏe điện tử, 100% người dân có nhu cầu được cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID.

Chiều 2/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VneID trên toàn quốc.

Thủ tướng: Mỗi công dân Việt Nam sẽ đều có sổ sức khoẻ điện tử- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VneID trên toàn quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị được kết nối trực tuyến (4 cấp) từ trụ sở Chính phủ tới các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương cấp huyện, cấp xã.

Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các sở ngành, các tổ công tác triển khai Đề án 06.

Theo báo cáo của Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, 2 tiện ích trên đã được thí điểm thành công tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, được nhân dân 2 địa phương đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực, đủ điều kiện triển khai nhân rộng toàn quốc.

Thủ tướng: Mỗi công dân Việt Nam sẽ đều có sổ sức khoẻ điện tử- Ảnh 2.

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các đại biểu đánh giá khi triển khai 2 ứng dụng này trên toàn quốc sẽ tạo bước đột phá, góp phần nâng cao quản trị xã hội, tạo tiện ích cho người dân và cơ quan quản lý nhà nước.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá tình hình cụ thể triển khai thí điểm 2 dịch vụ thiết yếu; bài học kinh nghiệm; các điều kiện triển khai nhân rộng toàn quốc (về tính pháp lý, cơ sở dữ liệu, hạ tầng, nguồn lực...); những thách thức khi mở rộng ra 63 tỉnh, thành phố, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để giải quyết; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong triển khai 02 dịch vụ này trong năm 2024 và thời gian tới.

Thủ tướng: Mỗi công dân Việt Nam sẽ đều có sổ sức khoẻ điện tử- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ đánh giá ứng dụng sổ sức khỏe điện tử và tiến tới bệnh án điện tử sẽ mang lại hiệu quả, tác động rất to lớn.

Đơn cử, Bệnh viện Bạch Mai ước tính mỗi năm cần 50 tỷ đồng để mua phim cho chiếu chụp, vừa tốn kém, ảnh hưởng môi trường, khó lưu giữ lâu. Ngoài ra, với sổ sức khỏe điện tử, các bệnh viện có thể căn cứ dữ liệu liên thông để đưa ra các quyết định như bệnh nhân có cần chuyển tuyến không.

Thủ tướng: Mỗi công dân Việt Nam sẽ đều có sổ sức khoẻ điện tử- Ảnh 4.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mặt khác, nguồn dữ liệu của các bệnh viện tuyến đầu cả nước là rất lớn, nhưng hiện lưu trữ giấy nên rất khó ứng dụng vào nghiên cứu. 

"Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá các bệnh viện lớn của Việt Nam như Bạch Mai đang nằm trên kho dữ liệu, nhưng là dữ liệu chết, phải số hóa để làm sống lại khu dữ liệu đó. Làm được điều này, sẽ là cơ sở, tiền đề quan trọng để ngành y Việt Nam có những nghiên cứu công bố quốc tế", ông Cơ nói.

Vị Giám đốc cho biết Bệnh viện Bạch Mai muốn tiến tới thí điểm bệnh án điện tử và nếu thành công sẽ hướng dẫn các bệnh viện khác.

Thủ tướng: Mỗi công dân Việt Nam sẽ đều có sổ sức khoẻ điện tử- Ảnh 5.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ đánh giá ứng dụng sổ sức khỏe điện tử và tiến tới bệnh án điện tử sẽ mang lại hiệu quả, tác động rất to lớn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

8 thành tựu nổi bật của chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc chuẩn bị và tổ chức chu đáo Hội nghị; cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu, giao Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện và trình ban hành Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia để thống nhất triển khai trong thời gian tới.

Thủ tướng: Mỗi công dân Việt Nam sẽ đều có sổ sức khoẻ điện tử- Ảnh 6.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh một số thành tựu nổi bật của chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số thời gian qua đã tạo động lực, truyền cảm hứng, củng cố niềm tin của nhân dân với chuyển đổi số, có thêm bản lĩnh, tự tin và quyết tâm, tinh thần tự lực, tự cường để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. 

"Người dân được hưởng lợi thì sẽ tích cực tham gia, làm theo", Thủ tướng phát biểu.

Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở. Công tác lãnh đạo chỉ đạo với quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả.

Từ năm 2021 đến nay, liên quan đến chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ ban hành 43 quyết định, 18 chỉ thị, 4 công điện. Tổ chức 9 phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và 40 phiên họp của Đề án 06.

Thứ hai, nhận thức và hành động về chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 chuyển biến nhanh theo hướng tích cực; củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới; quản lý nhà nước trên môi trường số được đẩy mạnh; các tổ chức đoàn thể hưởng ứng và tham gia nhiệt tình; nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội đã được chuyển sang môi trường số.

Thứ ba, công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa được triển khai tích cực. Quốc hội đã ban hành Luật Giao dịch điện tử. Chính phủ đã ban hành 6 Nghị định; các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền 4 thông tư.

Thủ tướng: Mỗi công dân Việt Nam sẽ đều có sổ sức khoẻ điện tử- Ảnh 7.

Thủ tướng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút triển khai sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VneID trên toàn quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ tư, thủ tục hành chính (TTHC), quy định kinh doanh tiếp tục được cắt giảm, đơn giản hóa; số lượng và chất lượng dịch vụ công trực tuyến được nâng lên, từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 3.000 quy định kinh doanh; phân cấp gần 700 TTHC; đã cung cấp thêm 1,8 nghìn dịch vụ công trực tuyến, đạt 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến; đã triển khai 43/53 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; 23/25 dịch vụ công thiết yếu được thực hiện toàn trình, giúp tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng/năm.

Thứ năm, hạ tầng số, nền tảng số của các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp được quan tâm đầu tư. 100% cơ quan nhà nước đã được triển khai mạng Truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã. 100% bộ, ngành, địa phương đã xây dựng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Có 82,2% hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng; 84% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh.

Thứ sáu, các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ. Sau gần 3 năm triển khai, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kích hoạt trên 57,1 triệu tài khoản VNeID; kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 04 doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng: Mỗi công dân Việt Nam sẽ đều có sổ sức khoẻ điện tử- Ảnh 8.

Thủ tướng cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ bảy, kinh tế số, xã hội số phát triển mạnh mẽ. Doanh thu thương mại điện tử tăng từ 13,7 tỷ USD năm 2021 lên 20,5 tỷ USD năm 2023. Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp (Tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87%). 100% tuyến cao tốc thu phí điện tử không dừng, 96% phương tiện ô tô sử dụng tài khoản. Đăng ký trực tuyến dự thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học, cao đẳng cho hàng triệu thí sinh.

Thứ tám, các tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả của chuyển đổi số và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam: Chỉ số môi trường kinh doanh năm 2023 tăng 12 bậc; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc và Chỉ số Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc.

"Tóm lại, chuyển đổi số đã "đến từng bộ, ngành, địa phương; lan tỏa từng nhà, từng người; thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực, hoạt động kinh tế, xã hội". Chúng ta đã củng cố, phát triển những nền tảng, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể"", Thủ tướng nói.

Về 2 tiện ích thí điểm qua VNeID, các báo cáo cho biết đến nay đã tạo lập được 32,1 triệu sổ sức khỏe cho người dân, trong đó 14,6 triệu công dân đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử qua VNeID. 

Trong hơn 04 tháng triển khai thí điểm đã tiếp nhận hơn 50.000 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID, chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của 2 địa phương Hà Nội và Thừa Thiên Huế.

Thủ tướng đánh giá, việc triển khai thí điểm 2 ứng dụng nêu trên thể hiện "3 phù hợp "và mang lại 3 lợi ích lớn.

3 phù hợp là: Phù hợp chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể; phù hợp lợi ích, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp; phù hợp với điều kiện thực tiễn (được thí điểm thành công).

3 lợi ích lớn gồm: (1) Cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm chi phí, thời gian tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong các hoạt động kinh tế, xã hội; (2) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; (3) Khẳng định một cách mạnh mẽ về những thành quả của chuyển đổi số mang lại; tiếp tục khẳng định cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về đẩy mạnh chuyển đổi số và tiếp thêm niềm tin, động lực cho những thành công trong hoạt động chuyển đổi số thời gian tới.

Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực, quyết liệt của Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian ngắn đã tập trung hoàn thiện các điều kiện, thí điểm thành công sổ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như dữ liệu chưa thực sự "đúng, đủ, sạch, sống"; tính liên thông, chia sẻ, đồng bộ hiệu quả chưa cao; ứng dụng VneID có lúc vận hành chưa ổn định; bảo đảm vận hành thông suốt giữa các hệ thống còn nhiều bất cập; việc phát triển các tiện ích trên nền tảng VneID còn chậm; việc phổ cập vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Việc triển khai và sử dụng sổ sức khỏe điện tử còn nhiều hạn chế như liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện còn nhiều bất cập, việc công nhận, tái sử dụng kết quả xét nghiệm, chẩn đoán còn nhiều vướng mắc. 

Việc cấp phiếu lý lịch tư pháp còn một số hạn chế, bất cập, nhất là liên thông dữ liệu giữa Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, làm sạch dữ liệu án tích, lý lịch tư pháp còn hạn chế.

Phân tích một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh phải lấy chất lượng phục vụ, mức độ sử dụng và hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá kết quả thực hiện. Phải hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, mạnh dạn thí điểm các mô hình mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển.

Cùng với đó, phải có mục tiêu, kế hoạch cụ thể, phân công rõ người, rõ việc, rõ ưu tiên, rõ thời gian, rõ kết quả gắn với kiểm tra, giám sát. Phải tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, làm có trọng tâm, trọng điểm, "làm việc nào dứt việc đó"; tăng cường phối hợp; bám sát thực tế, phản ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Theo Thủ tướng, quan trọng nhất là người đứng đầu phải quyết liệt, gương mẫu, tiên phong, phát huy trách nhiệm, đạo đức công vụ, huy động được sức mạnh tổng hợp, tạo được niềm tin, mang lại hiệu quả thiết thực. Việc chuyển đổi số là việc khó, mới cho nên cần có cả nhiệt tình, kiến thức, trách nhiệm.

Hoạch định chính sách, đưa ra giải pháp trên cơ sở dữ liệu

Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, tư tưởng chỉ đạo là "không có gì là không thể"; phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, "càng áp lực, thì càng phải nỗ lực vươn lên", "làm việc nào dứt việc đó", "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện là hiệu quả"; phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm", phải kiểm tra, đôn đốc, điều chỉnh những những việc chưa đúng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống" theo thời gian thực và chia sẻ, kết nối dữ liệu với nhau; hoạch định chính sách, đưa ra giải pháp trên cơ sở dữ liệu; hạ tầng thông suốt, quản trị và con người phải thông minh, tất cả vì chăm lo đời sống, sức khỏe, tính mạng, sự thuận lợi của người dân trong các giao dịch.

Thủ tướng chỉ rõ mục tiêu mỗi công dân Việt Nam, kể cả những người chưa có thẻ BHYT đều sở hữu một sổ sức khoẻ điện tử trên ứng dụng VNeID, tiến tới có bệnh án điện tử. Đến đầu năm 2025, 100% cơ sở y tế (công lập và tư nhân) và có 40 triệu người dân sử dụng sổ sức khỏe điện tử và 100% người dân có nhu cầu được cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID.

Từ kết quả bước đầu đáng khích lệ, để thực hiện chuyển đổi số quốc gia nói chung, 2 ứng dụng sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp nói riêng một cách hiệu quả, thực chất, Thủ tướng đề nghị thực hiện 5 đẩy mạnh gắn với 5 bảo đảm.

5 đẩy mạnh gồm: (1) Đẩy mạnh chuyển đổi số mạnh mẽ về cả tư duy và hành động; (2) Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là TTHC gắn với chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số; nâng cao năng lực quản lý nhà nước theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; (3) Đẩy mạnh phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo hướng tăng cường kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu; (4) Đẩy mạnh triển khai các tiện ích trên nền tảng VNeID để người dân, doanh nghiệp hưởng thụ thật; (5) Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội và hướng dẫn kỹ năng.

5 bảo đảm gồm: (1) Bảo đảm sự tham gia đồng bộ của tất cả các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai; (2) Bảo đảm hạ tầng số, nền tảng số hoạt động ổn định, thông suốt (sóng không lõm, điện không thiếu); (3) Bảo đảm nhân lực để triển khai các ứng dụng, tiện ích, nền tảng số (đủ năng lực, đủ tâm, đủ tầm, có trách nhiệm); (4) Bảo đảm 100% người dân, doanh nghiệp có nhu cầu được tiếp cận dễ dàng, an toàn, tiện lợi, chi phí thấp và thu hút người dân tham gia góp ý trong quá trình thiết kế, sáng tạo; hướng đến cá nhân hóa các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp; (5) Bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, tính riêng tư của thông tin, dữ liệu.

Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện, tối ưu hóa các tiện ích hiện có trên ứng dụng VNeID, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, an toàn, thuận tiện, thông suốt, công khai, minh bạch; xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và kiểm soát cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện dự án Luật Dữ liệu để trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

Các bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, phối hợp với Bộ Công an đề xuất triển khai, tích hợp tiếp những loại giấy tờ đang quản lý và cung cấp các tiện ích mới trên ứng dụng VNeID (như xác nhận tình trạng hôn nhân, thông báo thi hành án dân sự, thông tin giáo dục, đào tạo…).

Tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển hạ tầng số, trong đó Bộ Công an chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện tiếp cận công nghệ còn hạn chế.

Tập trung sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, hoặc đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến phiếu lý lịch tư pháp để cắt giảm yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp thuộc phạm vi quản lý.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử qua VNeID trên địa bàn, hoàn thành trong năm 2024; khẩn trương nâng cấp hệ thống giải quyết TTHC đảm bảo kết nối thông suốt với các phần mềm nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hoàn thành trong năm 2024; rà soát, làm sạch dữ liệu về lý lịch tư pháp, án tích, xóa án tích, đồng bộ, rút ngắn thời gian cấp phiếu và xử lý TTHC cho người dân, hoàn thành trong năm 2024.

Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện sổ sức khoẻ điện tử qua VNeID, để người dân có thể sử dụng thay thế sổ khám chữa bệnh bằng giấy, hoàn thành trong năm 2024.

Đẩy mạnh hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh và người dân thực hiện sổ sức khoẻ điện tử qua VNeID. Nghiên cứu xây dựng sổ sức khỏe điện tử cho trẻ em, nhất là thông tin tiêm chủng (ngay từ khi chào đời) gắn với VNeID của cha mẹ, người giám hộ. Hướng dẫn các bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, nghiên cứu thiết lập bệnh án điện tử cho tất cả công dân.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ việc liên thông dữ liệu từ các cơ sở khám chữa bệnh, để tích hợp hiển thị thông tin sức khỏe lên sổ sức khoẻ điện tử VNeID và tiến tới khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không phụ thuộc địa giới hành chính.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an kết nối với Cơ sở dữ liệu của Tòa án, Viện Kiểm sát trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành tập trung quyết liệt thúc đẩy, giải quyết các nhóm nhiệm vụ còn đang chậm muộn theo lộ trình triển khai của Đề án 06, trong đó Bộ Tài chính khẩn trương đề xuất việc ban hành Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị máy móc.

"Chúng ta đang trên con đường xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, hướng tới nền kinh tế số tiên tiến, bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong kỷ nguyên số của nhân loại. Tôi kêu gọi các cấp, các bộ, ngành, các địa phương, đặc biệt là người đứng đầu quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư công sức, trí tuệ để tạo chuyển biến tích cực, thực chất trong chuyển đổi số", Thủ tướng phát biểu và tin tưởng chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái những thành công lớn hơn trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt của đời sống.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Thẻ trả góp Muadee tung ‘Deal khủng’ cho người dùng Grab, Be, Ví VNPAY

Thả ga mua sắm mùa cuối năm với loạt siêu ưu đãi từ Thẻ trả góp Muadee by HDBank, trả góp từ 3 đến 4 tháng, 0 đồng trả trước và không lãi suất.
2024-10-31 16:18:46

Tổng Giám đốc VTV Lê Ngọc Quang làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình

Tổng Giám đốc VTV Lê Ngọc Quang được Bộ Chính trị điều động, chỉ định giữ chức Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình, nhiệm kỳ 2020- 2025.
2024-10-31 11:00:00

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: Ý nghĩa và tác động đối với xã hội Việt Nam hiện đại

Chính sách ưu đãi đối với người có công đã và đang trở thành một phần quan trọng trong hệ thống chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, không chỉ có ý nghĩa tri ân mà còn góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc trong các thế hệ.
2024-10-31 10:23:36

SHB lãi hơn 9 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng, đạt 80% kế hoạch năm 2024

Sau 9 tháng, lợi nhuận trước thuế lũy kế của SHB đạt 9.048 tỷ đồng, thực hiện 80% kế hoạch năm 2024. Bên cạnh phát triển hoạt động kinh doanh, Ngân hàng tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, ủng hộ người nghèo, xóa nhà tạm theo chủ trương của Chính phủ, thực hiện tốt trách nhiệm cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2024-10-31 09:08:45

Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc hướng tới bước phát triển mới

Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc được thành lập từ năm 2018. Dù thời gian qua còn rất nhiều khó khăn bất cập, nhưng các hội viên luôn đoàn kết phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, ổn định và cải thiện đời sống, phát triển kinh tế gia đình, đồng thời góp phần xây dựng hội ngày càng vững mạnh.
2024-10-31 08:39:43

Hải Phòng phấn đấu phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp

Đó là một trong những nội dung Quyết định số 3473/QĐ-UBND của thành phố Hải Phòng ban hành về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
2024-10-30 21:09:12
Đang tải...