Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bảo đảm điện năng phục vụ và phát triển kinh tế - xã hội

2022-04-04 07:07:21 0 Bình luận
Sáng 3/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp về tình hình cung ứng điện và vấn đề cấp than, khí cho sản xuất điện.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính; lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế và các cơ quan liên quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thực hiện Công điện của Thủ tướng chưa quyết liệt, chưa hiệu quả

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, điện năng là 1 trong 5 cân đối lớn mà chúng ta phải bảo đảm để phục hồi nhanh và phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Thời gian qua, cùng với nhu cầu tăng theo tăng trưởng kinh tế-xã hội; sau khi chuyển hướng thích ứng an toàn với dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu năng lượng, cụ thể là nhu cầu điện ở nước ta đang tăng lên. Bên cạnh đó, tình hình cung ứng, giá cả năng lượng trên thế giới có những biến động.

Do đó, ngày 24/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1813/CĐ-TTg về việc dự báo nhu cầu điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm cung ứng điện năm 2022 và các năm tiếp theo. 
Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn nhìn nhận, sau 3 tháng thực hiện Công điện 1813/CĐ-TTg, những vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu vẫn chưa được các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện quyết liệt để có hiệu quả cao.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan kiểm điểm trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, trách nhiệm đối với đất nước, đối với nhân dân, vì mục tiêu chung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận cuộc họp về đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

“Các đồng chí phát biểu ý kiến trên tinh thần nói thẳng, nói thật, nói hết, khách quan, trung thực, xây dựng, cầu thị, không né tránh, không đổ lỗi, xác định rõ trách nhiệm... Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện, mang lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu về điện cho phục hồi kinh tế - xã hội nhanh, phát triển bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.

* Thiếu điện chủ yếu ở phía Bắc và vào thời điểm nắng nóng

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong Quí I/2022, EVN đã đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước với nhu cầu điện tăng trưởng cao hơn kế hoạch.

Về vận hành hệ thống điện và huy động các nguồn điện, do các nguồn nhiệt điện than huy động thấp hơn kế hoạch 1,36 tỷ kWh, đồng thời do nhu cầu điện tăng cao hơn kế hoạch, nên các nguồn thủy điện và điện khí được huy động cao hơn kế hoạch lần lượt là 2,17 / 1,01 tỷ kWh.

EVN tính toán cung cầu điện đến năm 2025, khu vực miền Nam và miền Trung cơ bản đảm bảo cung ứng điện. Đối với miền Bắc, nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước.

Tuy nhiên các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hàng năm trong giai đoạn 2022-2025 luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải nên việc đảm bảo cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh từ vào các tháng 5-7 là thời điểm nắng nóng, đồng thời là cuối mùa khô nên công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm.

Tại cuộc họp, các Phó Thủ tướng, đại diện các bộ, ngành, đơn vị đã thảo luận đưa ra các dự báo; đề xuất các giải pháp để xử lý, khắc phục khó khăn, thách thức; đề xuất công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị nhằm đảm bảo điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong gian tới.

Bảo đảm điện năng phục vụ phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến vấn đề năng lượng nói chung và điện năng nói riêng, nhằm đảm bảo mục tiêu cân đối được nguồn điện, năng lượng, không để xảy ra mất cân đối lớn này, với giá cả hợp lý không làm tăng chi phí sản xuất, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp.

Trong năm 2021 và quý 1/2022 cân đối về điện được đảm bảo, đáp ứng được nhu cầu sản xuất, sinh hoạt; không xảy ra thiếu điện trên tổng thể, song xảy ra cục bộ, tại một số thời điểm nhất định. Mối quan hệ giữa giá nguyên liệu đầu vào và giá điện đầu ra còn thiếu hợp lý.

Nguyên nhân của hạn chế trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó khách quan là do dịch COVID-19, giá đầu vào sản xuất điện tăng; xung đột tại Ukraine ảnh hưởng đến cung ứng nguyên, nhiên liệu; việc đẩy mạnh phục hồi kinh tế dẫn đến nhu cầu điện tăng cao. Về mặt chủ quan, công tác điều hành, phối hợp giữa các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp chưa chặt chẽ, vẫn có tư duy cục bộ, cát cứ trong phạm vi ngành, lĩnh vực của mình; công tác nắm bắt, dự báo tình hình, dự báo nhu cầu chưa sát thực tế và chưa điều chỉnh kịp thời khi tình hình có thay đổi...

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Người đứng đầu Chính phủ nhận định, trong thời gian tới, do tác động phức tạp từ bên ngoài và nhu cầu nội tại của nền kinh tế nên việc đảm bảo cân đối lớn về điện hết sức quan trọng. Do đó, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, bám sát tình hình, chủ động đưa ra các giải pháp đảm bảo cân đối về điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân, với giá thành phù hợp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục phát huy tính tự chủ, tự lực, tự cường về điện, giảm phụ thuộc bên ngoài. Trước mắt, tập trung khai thác hết hiệu suất các nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất điện; tính toán nhập khẩu nguyên liệu hợp lý, không để mất cân đối; điều chuyển, bù đắp điện từ vùng thừa, sang vùng còn thiếu.

Về lâu dài phải hướng tới phát triển bền vững, tăng cường phát triển năng lượng tái tạo, phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện của Việt Nam; khai thác năng lượng bền vững, sản xuất điện bền vững; đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện hơn nữa; khuyến khích sản xuất điện trong nước; khuyến khích đổi mới sáng tạo, nâng cao năng xuất lao động để tạo ra sản phẩm điện với chi phí thấp, an toàn, hiệu quả; giải quyết tốt mối quan hệ giữa giá nguyên liệu đầu vào và giá điện đầu ra, đảm bảo nguyên tắc thị trường, song có sự điều tiết của nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục bám sát tình hình thị trường để có điều tiết phù hợp; đồng thời tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong sản xuất, cung ứng điện; phối hợp chặt chẽ với nhau để việc sản xuất, cung ứng điện được vận hành hiệu quả. 

"Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách liên quan sản xuất điện, than, khí để đảm bảo an ninh năng lượng, với yêu cầu chính sách phải ổn định, kế hoạch phải dài hạn”, Thủ tướng lưu ý.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp phải phát huy tinh thần trách nhiệm, tất cả vì công việc chung, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển đất nước; đây mạnh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong các ngành sản xuất than, điện, dầu khí; chống cơ chế xin-cho, ban hành các giấy phép con; bảo đảm cân đối lớn về năng lượng điện, phục vụ phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với một số đề xuất của các tập đoàn kinh tế trong sản xuất, cung ứng điện; đồng thời giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và các bộ, ngành liên quan xử lý theo thẩm quyền; những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng và cấp có thẩm quyền để xem xét.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

CSGT Lào Cai dùng 'mắt thần' đặc biệt đối phó xe phóng ẩu

Quá trình làm nhiệm vụ, Tổ công tác Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai đã dùng "mắt thần" phát hiện, ghi hình hàng loạt tài xế ô tô lái xe chạy quá tốc độ.
2024-11-25 11:03:24

VPBankS khẳng định vị thế số 1 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam

Hai giải thưởng Top 1 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam ngành Dịch vụ tài chính khối Doanh nghiệp vừa và Top 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam khối Doanh nghiệp là kết quả của sự nỗ lực chung của cả tập thể hơn 500 nhân sự của VPBankS.
2024-11-25 10:21:02

Từ chiến trường đến thương trường

Trong số những doanh nghiệp làm ăn giỏi trên địa bàn Hà Nội, có một doanh nghiệp khá đặc biệt. Ðó là Công ty Bao bì 27-7 Hà Nội, đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, doanh nghiệp của những người thương binh và các đối tượng chính sách, do Tổng giám đốc là một thương binh năng động "chèo lái".
2024-11-25 09:47:14

Kỷ niệm 10 năm Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh

Tối 23/11, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (thành phố Vinh), tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
2024-11-24 07:35:00

Phát hiện, xử lý nhiều thanh niên tụ tập gây rối trật tự công cộng

Công an thị xã Sa Pa đã kịp thời phát hiện, xử lý nhóm thanh thiếu niên có hành vi tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự.
2024-11-23 13:52:22

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia – sự kiện văn hóa thường niên, đã trở thành biểu tượng của nền xuất bản Việt Nam, không ngừng lan tỏa giá trị tri thức, văn hóa và góp phần xây dựng xã hội học tập.
2024-11-22 22:15:00
Đang tải...