Thực trạng và giải pháp để hạn chế việc nâng khống giá thiết bị giáo dục
Thực trạng đấu thầu tại Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh
Tiết kiệm ngân sách nhỏ giọt, nghi vấn đội giá nhiều thiết bị trong gói thầu nhiều tỷ đồng
Theo tìm hiểu, tháng 5/2021 tại gói thầu: “Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiếu lớp 1 các trường công lập trên địa bàn huyện Đông Anh” do Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Đông Anh (TP Hà Nội) làm chủ đầu tư có mức tiết kiệm ngân sách nhỏ giọt.
Quyết định phê duyệt trúng thầu do bà Dương Thị Sáu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Anh ký.
Theo đó đơn vị được phê duyệt trúng thầu là liên danh Công ty CP thương mại và sản xuất thiết bị Giáo Dục - Công ty CP điện chiếu sáng và thiết bị đô thị Hồ Gươm, Công ty TNHH đầu tư phát triển và thương mại Thiên Ân với giá 12.896.189.000 đồng theo quyết định số 38/QĐ-PGD&ĐT ngày 17/5/2021 do bà Dương Thị Sáu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Anh ký (giá gói thầu là 13.005.000.000 đồng).
Tính ra tại gói thầu có giá trị hơn 13 tỷ đồng nhưng sau đấu thầu chỉ giúp tiết kiệm vỏn vẹn 108 triệu đồng cho ngân sách nhà nước. Đáng nói hơn, dù tổ chức qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhưng chỉ có duy nhất 1 liên danh nhà thầu tham dự và dễ dàng trúng thầu khi không có đối thủ cạnh tranh nào khác.
Chưa hết theo khảo sát, nhiều thiết bị trong gói thầu trên có dấu hiệu bị "đội giá" khá nhiều so với sản phẩm có cùng thông số kỹ thuật, xuất xứ được bán trên thị trường và đơn vị công lập khác.
Tivi trên thị trường có giá bán thấp hơn khá nhiều so với mức giá duyệt mua của Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh.
Đơn cử như Smart Tivi 55 TCL 55P8, xuất xứ Việt Nam được nhà thầu đề xuất và Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh duyệt mua với giá 16.500.000 đồng/chiếc.
Tuy nhiên trên thị trường, sản phẩm trên có giá bán thấp hơn rất nhiều, cụ thể mức giá cao nhất chỉ dưới 10 triệu đồng/cái (đã bao gồm VAT, phí vận chuyển, lắp đặt). Với việc cần mua 47 cái loại này, số tiền chênh lệch lên tới hàng chục triệu đồng, chỉ tính riêng ở hạng mục này.
Công an huyện Quế Võ mua mua Tivi 55 TCL 55P8 với 10 triệu đồng/cái, mức giá này giá thấp hơn 6 triệu đồng/cái so với giá mua của Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh.
Một so sánh khác, trong gói thầu cuối năm 2021, Công an huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) cũng mua Tivi 55 TCL 55P8, xuất xứ Việt Nam nhưng với giá thấp hơn hẳn so với mức duyệt mua của Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh, cụ thể là 10 triệu đồng/cái, tức thấp hơn 4,5 triệu đồng/cái so với giá mua của Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh.
Tương tự, Đàn phím điện tử EZ-300/Yamaha, xuất xứ Việt Nam được nhà thầu đề xuất và Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh duyệt mua với giá 14.635.000 đồng/chiếc. Dù vậy trên giá thị trường, sản phẩm này chỉ có giá khoảng 10 triệu đồng/chiếc (đã bao gồm VAT, phí vận chuyển, lắp đặt).
Sản phẩm Sony DVP – SR370/BCSP6 trên thị trường có giá bán dưới 1 triệu đồng/cái, trong khi giá mua của Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh hơn 2,3 triệu đồng/cái.
Tiếp đó, DVD nhãn hiệu Sony DVP – SR370/BCSP6, xuất xứ Việt Nam được nhà thầu đề xuất và Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh duyệt mua với giá 2.384.000 đồng/chiếc, trong khi đó sản phẩm này trên thị trường được nhiều đơn vị rao bán dưới 1 triệu đồng/cái (đã bao gồm VAT, phí vận chuyển, lắp đặt).
Cài cắm tiêu chí nộp hàng mẫu với hàng hóa thông thường
Vẫn theo tìm hiểu, trong hồ sơ mời thầu của gói thầu: Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiếu lớp 1 các trường công lập trên địa bàn huyện Đông Anh, Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh đã cài tiêu chí nhà thầu tham dự phải nộp hàng mẫu như một tiêu chí đánh giá hồ sơ.
Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh yêu cầu nhà thầu nộp hàng mẫu khiến chỉ có duy nhất 1 liên danh nhà thầu tham dự và nghiễm nhiên trúng thầu.
Điều đáng nói danh sách cần mua trong gói thầu như tranh ảnh, dụng cụ thực hành, loa, đài đều là hàng hóa thông thường, sẵn có trên thị trường.
Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Từ quy định trên, việc yêu cầu nhà thầu phải cung cấp hàng mẫu đối với hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường khi áp dụng đấu thầu qua mạng có thể làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Tại gói thầu do Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh làm chủ đầu tư, việc chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu nộp hàng mẫu khiến đơn vị dự thầu phát sinh thêm chi phí không nhỏ, trong khi chưa thể khẳng định chắc chắn có được phê duyệt trúng thầu hay không. Hệ quả là không ít nhà thầu chọn cách bỏ cuộc.
Tổ chức qua mạng nhưng gói thầu hơn 13 tỷ đồng do Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh làm chủ đầu tư chỉ có duy nhất 1 liên danh nhà thầu tham dự và dễ dàng trúng thầu.
Trên thực tế, tại gói thầu trị giá hơn 13 tỷ đồng do Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh làm chủ đầu tư do yêu cầu cung cấp hàng mẫu nên chỉ có duy nhất liên danh Công ty CP thương mại và sản xuất thiết bị Giáo Dục dự thầu và đơn vị này nghiễm nhiên được phê duyệt trúng thầu sau đó, không có đối thủ cạnh tranh nào khác, khiến việc đấu thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, tính cạnh tranh gần như không có.
Thực trạng đấu thầu tại Phòng GD&ĐT huyện Kim Bôi
Theo khảo sát nhiều gói thầu có giá trị hàng tỷ đồng do Phòng GD&ĐT huyện Kim Bôi làm chủ đầu tư những năm gần đây có mức tiết kiệm hạn hẹp, gần như không đáng kể.
Cụ thể tháng 9/2021 tại gói thầu Thi công xây lắp công trình Cải tạo, sửa chữa nhà lớp học 2 tầng 8 phòng khu A và các hạng mục phụ trợ Trường TH&THCS Kim Sơn, huyện Kim Bôi, Công ty trách nhiệm hữu hạn Tuấn Dũng được chỉ định trúng thầu với giá 6.657.663.000 đồng (giá gói thầu 6.661.535.000 đồng) theo quyết định số 197/QĐ-PGD&ĐT ngày 08/09/2021 do ông Đào Anh Tuấn - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kim Bôi ký. Gói thầu trị giá hơn 6,6 tỷ đồng, tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước số tiền eo hẹp, chỉ khoảng gần 4 triệu đồng.
Trước đó tháng 7/2021 tại gói thầu số 1 Thi công xây lắp công trình: Mở rộng nhà lớp học, nhà hiệu bộ kết hợp chức năng và các hạng mục phụ trợ Trường mầm non Vĩnh Tiến, liên danh Công ty TNHH tư vấn và xây dựng Vương Quân HB và Công ty Cổ phần phát triển thương mại xây dựng Thuận Phát trúng thầu với giá 7.647.646.000 đồng (giá gói thầu 7.657.501.000 đồng) theo quyết định số 156/QĐ-PGD&ĐT ngày 22/07/2021 do ông Đào Anh Tuấn - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kim Bôi ký. Có thể thấy tại gói thầu có trị giá hơn 7,6 tỷ đồng song tiết kiệm cho ngân sách nhà nước quá nhỏ giọt, chỉ khoảng gẩn 10 triệu đồng.
Trước đó tháng 7/2020 tại gói thầu thi công xây lắp công trình Nhà lớp học và các hạng mục phụ trợ Trường TH&THCS Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, liên danh Công ty TNHH MTV Hà Tuân - Công ty TNHH xây dựng Trung Tín được phê duyệt trúng thầu với giá 10.252.618.000 đồng (giá gói thầu 10.254.892.000 đồng) theo quyết định số 185/QĐ-PGD&ĐT ngày 27/07/2020 do ông Đinh Thanh Tùng - Trưởng phòng Phòng GD&ĐT huyện Kim Bôi ký. Gói thầu trị giá hơn 10,2 tỷ đồng chỉ tiết kiệm được khoảng hơn 2 triệu đồng cho ngân sách nhà nước.
Thực trạng đấu thầu tại Phòng GD&ĐT huyện Bảo Lâm
Nhiều gói thầu do Phòng Phòng GD&ĐT huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng) làm chủ đầu tư có mức tiết kiệm ngân sách bằng 0.
Đơn cử như gói thầu Gia hạn hệ thống trao đổi thông tin Nhà trường - Phụ huynh dành cho các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Bảo Lâm, Công ty cổ phần MISA được chỉ định thầu với giá 800.000.000 đồng (giá gói thầu 800.000.000 đồng) theo quyết định số 1091/QĐ-UBND ngày 26/5/2021 do ông Mã Gia Hãnh - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm ký.
Trước đó tháng 11/2021 tại gói thầu Trang bị phần mềm Quản lý và sắp xếp kế hoạch giảng dạy cho các đơn vị trên địa bàn huyện Bảo Lâm, Công ty CP công nghệ và tài nguyên môi trường Thành Nam được phê duyệt trúng thầu với giá 845.500.000 đồng (giá gói thầu 845.500.000 đồng) theo quyết định số 2636/QĐ-UBND ngày 20/11/2020 do ông Trịnh Sỹ Tài - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm ký. Đáng nói dù đấu thầu qua mạng nhưng sau đấu thầu không tiết kiệm được đồng nào cho ngân sách nhà nước.
Tương tự, tại gói thầu Trang bị Hệ thống trao đổi thông tin giữa Nhà trường – Phụ huynh cho các đơn vị trên địa bàn huyện Bảo Lâm, Công ty cổ phần MISA cũng được phê duyệt trúng thầu với giá 800.000.000 đồng (giá gói thầu 800.000.000 đồng) theo quyết định số 2482/QĐ-UBND ngày 30/10/2020 do ông Trịnh Sỹ Tài - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm ký. Tiếp tục là gói thầu tổ chức qua mạng nhưng tiết kiệm ngân sách nhà nước sau đấu thầu là 0 đồng.
Nhiều Giám đốc Sở GD&ĐT, cán bộ bị khởi tố do vi phạm quy định đấu thầu
Mới đây nhất, ngày 16/1/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã thi hành Lệnh bắt để tạm giam và khám xét nơi ở, nơi làm việc của 3 bị can về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng.
Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang còn ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Nhan, nguyên là chuyên viên Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Việt Yên (đã nghỉ hưu); Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Bùi Thị Huế (SN 1986), nguyên Giám đốc Công ty TNHH Sách và thiết bị giáo dục Thái Nguyên, có địa chỉ tại phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên.
Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang xác định, các đối tượng trong vụ án có hành vi thông đồng, chia nhỏ dự án, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu; thực hiện hành vi lập chứng từ mua bán hàng hóa lòng vòng để đẩy giá hàng hóa là thiết bị giáo dục lên từ 3 đến 5 lần, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng.
Trước đó tháng 9/2021 Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên - ông Nguyễn Văn Kiên bị khởi tố do vi phạm quy định trong đấu thầu. Tương tự bà Phạm Thị Hằng khi còn Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của nhiều gối thầu có trị giá nhiều chục tỷ đồng. Sau khi các trang thiết bị này được trang bị cho các trường học thì chỉ trong một thời gian ngắn đã hư hỏng. Gây thiệt hại lớn cho nhà nước.
Trước đó nữa, ngày 24/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh và ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 9 bị can trong đó có Vũ Liên Oanh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh; Ngô Vui, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính; Hà Huy Long, nguyên Phó phòng Kế hoạch Tài chính…
Giải pháp
Từ những vụ án trên cho thấy công tác tổ chức đấu thầu đang có những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng. Hai kẽ hở lớn nhất, đó là: Quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu 2013, cho phép chỉ định thầu trong một số trường hợp như: Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách… hay chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện; và quy định thẩm định viên được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá… (Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012) nhưng lại không có cơ chế hậu kiểm hoặc chịu giám sát, kiểm tra của bất kỳ cơ quan nào. Khiến chính những người đại diện cho cơ quan có thẩm quyền lại rất dễ dàng bị thao túng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện những hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu.
Vì vậy để ngăn chặn hành vi “thổi giá” nâng khống thiết bị xảy ra trong tương lai cần sớm bịt lại các kẽ hở về chỉ định thầu và thẩm định giá. Theo đó, cần phải cân nhắc những nội dung bất cập trong quy định về chỉ định thầu tại Điều 22 Luật Đấu thầu 2013.
Cùng với đó, xem xét sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật làm hạn chế sự lạm quyền của thẩm định viên và các tổ chức hoạt động về thẩm định giá theo hướng muốn “lách” cũng không có “cửa”; bổ sung quy định khắt khe hơn về tiêu chuẩn đào tạo, tuyển dụng và cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thẩm định giá; chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân hành nghề thẩm định giá; công khai những trường hợp vi phạm… Đặc biệt xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân nếu phát hiện có hành vi thông đồng, nâng khống, trục lợi, làm thất thoát tài sản nhà nước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.