Tin tức miền Tây 13/5: Cần Thơ tìm đủ nguồn cát làm cao tốc

2023-05-14 11:00:00 0 Bình luận

Cần Thơ đã có đủ 3,5 triệu m3 cát san lấp cho hai dự án cao tốc qua địa bàn

Tình trạng khan hiếm nguồn cát san lấp cho các dự án cao tốc Bắc Nam nói chung, dự án cao tốc đi qua đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, đang là vấn đề nan giải. Tuy nhiên, TP. Cần Thơ vừa cho hay, đã tìm đủ 3,5 triệu m3 trong tổng số trên 5 triệu m3 cho hai dự án cao tốc đi qua địa bàn.

Cần Thơ đã tìm đủ nguồn cát làm cao tốc.

Đó là hai dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và dự án cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.

Theo thống kê của Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận), chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn đi qua vùng đồng bằng sông Cửu Long, tổng lượng cát san lấp dùng cho đoạn Cần Thơ – Cà Mau vào khoảng 18 triệu m3.

Tuy nhiên, trên thực tế, lượng cát tập kết về chỉ được khoảng trên 2% tổng khối lượng so nhu cầu. Đây được cho là nguyên nhân chủ yếu làm chậm tiến độ triển khai dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Dự án này có tổng chiều dài 109 km, tổng mức đầu tư hơn 27.254 tỷ đồng; trong đó, đoạn Cần Thơ – Hậu Giang dài hơn 37 km, vốn đầu tư 9.769 tỷ đồng, được điều chỉnh lên 10.370 tỷ đồng. Chiều dài tuyến nối 9,2 km và đoạn thuộc địa bàn TP. Cần Thơ dài 0,6 km.

Tính tổng thể toàn tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Bộ Giao thông vận tải cho biết cần khoảng 15 triệu m3 cát san lấp; trong đó năm 2023 cần khoảng 10 triệu m3 cát đắp, năm 2024 cần khoảng 5 triệu m3 cát đắp. Nếu không thu xếp đủ nguồn cung cấp sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành hai dự án thành phần này.

Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ cho biết, trong tổng số khoảng 5 triệu m3 cát san lấp cho các công trình thuộc hai dự án đi qua địa phận Cần Thơ, địa phương này đã thu xếp và tìm đủ 3,5 triệu m3 cát.

Cụ thể, TP. Cần Thơ đã làm việc với tỉnh An Giang, nơi có trữ lượng cát lớn và tỉnh này đã đồng ý dành cho hai địa phương là Cần Thơ và Hậu Giang khai thác hai mỏ cát có trữ lượng trên 7 triệu m3. Với khối lượng dồi dào như vậy, phần cát san lấp phục vụ cho các dự án cao tốc qua Cần Thơ cơ bản đã được giải quyết.

ĐBSCL: Hết lo hạn, mặn lại lo sạt lở

ĐBSCL hiện đã bước vào mùa mưa, những cơn mưa liên tục đã giải nhiệt và giảm sự xâm nhập mặn. Tuy nhiên theo quy luật cứ sau hạn, mặn khu vực ĐBSCL lại đối diện với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đe dọa đến đời sống và sản xuất của người dân.

Sạt lở ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng.

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở các địa phương vùng ĐBSCL được dự báo trong thời gian tới sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, tình trạng sạt lở sau mùa khô sẽ diễn ra ngày càng nhiều theo quy luật.

Thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, từ năm 2010-2022, địa phương có 262 điểm sạt lở với chiều dài 9.870m. Các vụ sạt lở làm tử vong 4 người, 5 người bị thương và 94 căn nhà hư hại hoàn toàn. Diễn biến của sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn ngày một nghiêm trọng và phức tạp (tăng cả cường độ và số lượng), đặc biệt là các đoạn sông, kênh, rạch chảy qua các khu vực đông dân cư, các cồn trên sông Hậu.

Còn theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 điểm sạt lở, tổng chiều dài 469m, diện tích mất đất 2.858m2, ước tổng thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Hậu Giang là địa phương có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, biến đổi khí hậu khiến cho tình trạng sạt lở bờ sông liên tiếp xảy ra và ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, thời gian qua Hậu Giang đều chủ động xây dựng, cập nhật, triển khai thực hiện phương án ứng phó với sạt lở, sụt lún đất; tổ chức rà soát, cắm biển cảnh báo sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện xung quanh khu vực sạt lở; triển khai các giải pháp kè bảo vệ; đồng thời khắc phục hậu quả khi xảy ra sạt lở để người dân sớm ổn định, yên tâm sản xuất.

Bên cạnh tình trạng sạt lở bờ sông, sạt lở bờ biển cũng diễn biến tương đối phức tạp. Theo khảo sát của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, toàn vùng ÐBSCL có chiều dài bờ biển khoảng 744km, thì hiện nay có hơn 268km đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Tình trạng sạt lở ngày càng tăng, bởi nguồn phù sa từ thượng nguồn suy giảm làm ảnh hưởng đến quá trình bồi lắng của đồng bằng; hệ sinh thái ven bờ biển và rừng ngập mặn ven biển đang bị mất dần, cùng với đó là hiện tượng thủy triều, nước biển dâng và sụp lún, xâm nhập mặn… tác động ngày càng nặng nề. Sạt lở bờ biển gia tăng đã làm mất đi nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản; mất nhà cửa, tài sản, sinh kế của người dân…

Ở Bạc Liêu, tỉnh này đã phải yêu cầu ngành chức năng thiết lập hành lang an toàn, lắp đặt biển báo ở khu vực sạt lở ven biển để ngăn người, phương tiện vào khu vực sạt lở; theo dõi diễn biến hiện trường để kịp thời ứng cứu, xử lý. Phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ người dân đắp đất, bao cát ngăn chặn nước biển tràn vào nhà dân; thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trong vùng ảnh hưởng sạt lở.

Trong khi đó ở vùng ven biển của tỉnh Trà Vinh, diễn biến tình trạng sạt lở ngày càng phức tạp hơn, ông Trần Trường Giang - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, Trà Vinh cũng như các địa phương ven biển khác thường xuyên chịu tác động mạnh của triều cường, nước biển dâng, đặc biệt là vào mùa gió chướng. Thống kê chưa đầy đủ, vài năm trở lại đây khoảng 3km chiều dài ven biển bị nước biển xâm thực làm mất hơn 210ha đất sản xuất rau màu và đất rừng phòng hộ khiến người dân lo lắng…

Kiên Giang ra mắt kho thực phẩm cộng đồng 

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang vừa phối hợp Ngân hàng thực phẩm Food Bank Việt Nam (Food Bank) ra mắt Kho thực phẩm cộng đồng - Food Bank Kiên Giang.

Ra mắt Kho thực phẩm cộng đồng - Food Bank Kiên Giang.

Kho tọa lạc tại huyện Châu Thành, sẽ cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các đối tượng cần trên địa bàn tỉnh như người khó khăn, vô gia cư, người già neo đơn, trại trẻ mồ côi, mái ấm, trẻ em khuyết tật, khu trọ nghèo, công nhân thất nghiệp, người khó khăn vùng sâu vùng xa, bệnh nhân nghèo... Bà Danh Thị Hạnh, ở huyện Châu Thành, cho biết hoàn cảnh bà neo đơn, bệnh tật không đi làm thuê được, nhờ kho thực phẩm cộng đồng mà bà có thêm thực phẩm về nấu ăn, bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Kiên Giang Lưu Kim Oai cho biết: Ðể đi vào hoạt động và hỗ trợ được nhiều đối tượng khó khăn, kho thực phẩm cộng đồng Kiên Giang tiếp tục kết nối, đưa nguồn lương thực, thực phẩm từ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân... về kho lưu trữ tại trụ sở Hội Chữ thập đỏ Vòng Tay Nhân Ái tại huyện Châu Thành. Qua quá trình phân loại và xử lý, bảo quản, sau đó nguồn thực phẩm này được đưa đến nơi cần một cách nhanh chóng và kịp thời.

Cà Mau: Cua chết do ký sinh trùng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau vừa có báo cáo vụ việc cua nuôi bị thiệt hại thời gian gần đây.

Cua Cà Mau.

Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, cua nuôi của người dân chết rải rác ở một số vùng chuyên canh nuôi thủy sản như huyện Ðầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, tổng diện tích bị ảnh hưởng hơn 12.000ha, mức độ thiệt hại 20-60%. Ðây là năm thứ 3 liên tiếp Cà Mau phát hiện tình trạng cua nuôi trong vuông tôm bị chết rải rác. Qua phân tích mẫu cua chết, bước đầu nhóm nghiên cứu từ Phân Viện nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu tìm thấy tác nhân gây bệnh trên cua nổi bật là ký sinh trùng giáp xác chân tơ trong xoang thân cua. Trong thời gian chờ kết quả nghiên cứu từ Phân Viện nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu để có biện pháp phòng trừ dịch bệnh hữu hiệu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đề nghị các đơn vị chuyên môn cơ sở theo dõi tình hình, tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân phối hợp lực lượng chuyên môn xử lý khi phát hiện dịch bệnh. Nên thu hoạch cua đạt kích cỡ thương phẩm khi phát hiện cua mắc bệnh hoặc chết để hạn chế thiệt hại. Khi phát hiện vuông nuôi có cua chết nên thu gom chôn, xử lý bằng vôi hoặc chlorine tránh để phát tán mầm bệnh lây lan khu vực xung quanh. Nên cắt vụ nuôi, không thả thêm giống và tiến hành cải tạo vuông nuôi để tránh tình trạng dịch bệnh lặp lại. Khi đủ điều kiện thả nuôi nên chọn con giống tốt, cỡ lớn, chất lượng, thả giống với mật độ từ 0,2-0,5 con/m2, thời gian bổ sung giống lần sau từ 2-2,5 tháng, với vụ nuôi phụ mật độ thả bằng ½ vụ chính.

Cà Mau hiện có hơn 250.000ha nuôi cua, là nơi có diện tích nuôi cua lớn nhất cả nước, tổng sản lượng ước tính khoảng 25.000 tấn/năm, tổng giá trị khoảng 10.000 tỉ đồng.

Dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu tăng tại Kiên Giang

Theo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, từ ngày 17/4 đến nay, tỉnh Kiên Giang ghi nhận trên 350 ca mắc COVID-19, trong đó riêng 4 ngày (từ ngày 4 đến 7/5) ghi nhận 169 ca mắc COVID-19.

Xét nghiệm Covid-19.

Hiện tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên số ca mắc trong cộng đồng và nguy cơ tử vong có thể tăng do một số nguyên nhân như mầm bệnh đã và đang lưu hành trên toàn thế giới, không thể bóc tách hoàn toàn khỏi cộng đồng. Hiện Trung tâm Thu dung, điều trị COVID-19 tỉnh Kiên Giang đang điều trị 37 ca mắc COVID-19, đều là người lớn tuổi có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, di chứng tai biến mạch máu não… Trong đó có 3 trường hợp suy thận mạn tính phải lọc thận thường xuyên, 1 trường hợp thở máy. Ðặc biệt sau nghỉ lễ, số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 đến Trung tâm điều trị tăng, trung bình tiếp nhận 5 ca/ngày. Ðầu tháng 4/2023 đến nay, chưa ghi nhận trường hợp tử vong tại Trung tâm nhưng bệnh nhân COVID-19 tại đây đều lớn tuổi có nhiều bệnh nền, nguy cơ tử vong cao.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Tập đoàn Hateco kỷ niệm 20 thành lập, đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

Ngày 9/11/2024, Tập đoàn Hateco long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (4/11/2004 - 4/11/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Đảng, Nhà nước trao tặng.
2024-11-10 09:39:37

Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh nhanh nhất trong 20 năm qua

Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024 (diễn ra sáng 9/11), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, với nhiều điểm sáng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao.
2024-11-10 09:29:50

Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân huyện Vĩnh Bảo

Sáng 9/11, Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Văn Tùng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Đông Lôi 2 (Thắng Thủy, Vĩnh Bảo).
2024-11-09 21:12:15

“Văn hoá tín ngưỡng và kiến trúc nhà thờ, không gian thờ cúng tổ tiên các dòng họ người Việt trong lịch sử”

Vừa qua, chiều ngày 02/11, tại Khách sạn Nesta, 83 phố Hào Nam - Hà Nội, Công ty Cổ phần Viện Phong thuỷ Khoa học Toàn Cầu – thuộc Tập đoàn Xherozone, Hệ sinh thái Phong thuỷ Đại Nam tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia Dự thảo nghiên cứu: “Văn hoá tín ngưỡng và kiến trúc nhà thờ, không gian thờ cúng tổ tiên các dòng họ người Việt trong lịch sử”.
2024-11-09 17:15:00

Bản tin Hòa Nhập số 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa phát đi công điện yêu cầu các bộ ngành và địa phương khẩn trương giải quyết dứt điểm những dự án tồn đọng và ngừng thi công, đồng thời triển khai nhanh chóng để hoàn thành và đưa vào sử dụng một cách hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí và thất thoát.
2024-11-09 07:55:00

Tạp chí Điện tử Hòa Nhập chúc mừng Hội Phổ biến và Tham vấn Pháp luật Việt Nam

Ngày 8/11, ông Nguyễn Ngọc Quyết – Tổng biên tập Tạp chí Điện tử Hòa Nhập đã tham gia tọa đàm do Hội Phổ biến và Tham vấn Pháp luật Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam.
2024-11-08 19:55:00
Đang tải...