Tin tức miền Tây 19/5: Vinh danh lễ hội Vía Bà Chúa Xứ
Ưu tiên trình UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản gửi Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam về việc đăng ký hồ sơ ưu tiên của Việt Nam cho đợt xét duyệt năm 2024 là Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam.
Miếu Bà Chúa Xứ ở núi Sam.
Trước đó, tháng 3/2022, Chính phủ cũng đã đồng ý đệ trình UNESCO xem xét ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại (DSVHPVT).
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam hiện có 15 DSVHPVT được UNESCO ghi danh, trong đó có 13 di sản vào Danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại và 2 di sản vào Danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp. Các di sản phân bố ở 61/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất ở miền Bắc (10 di sản). Miền Nam mới có 1 di sản được ghi danh DSVHPVT đại diện của nhân loại là Nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ và chưa có di sản của dân tộc thiểu số nào ở khu vực này được ghi danh.
Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam có văn bản gửi UNESCO thông báo về lựa chọn ưu tiên của Việt Nam cho đợt xem xét hồ sơ của Ủy ban Liên chính phủ năm 2024 tới là hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam - di sản thuộc đa loại hình: lễ hội truyền thống, tri thức dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. Nếu được ghi danh, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam sẽ là di sản đầu tiên của Việt Nam có chủ thể là các dân tộc đa số và thiểu số.
Lễ Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam diễn ra từ 22 đến 27/4 âm lịch hằng năm, tại tỉnh An Giang. Cũng tại văn bản này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất ưu tiên thứ hai là “Nghề làm tranh khắc gỗ dân gian Ðông Hồ”.
Bạc Liêu phát động trồng cây bảo vệ môi trường sinh thái
Ngày 17/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Tỉnh đoàn và UBND thị xã Giá Rai tổ chức Lễ phát động trồng cây, trồng rừng nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023) và thực hiện “Ðề án trồng 1 tỉ cây xanh” của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn năm 2023.
Ảnh minh họa.
Tại Lễ phát động, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... tham gia tích cực vào phong trào xã hội hóa trồng cây xanh, ủng hộ kinh phí để trồng cây trên các tuyến đường do cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội phát động. Mỗi người, mỗi nhà tùy theo điều kiện góp phần vào việc trồng, bảo vệ và chăm sóc cây xanh; tạo nên môi trường trong lành, cảnh quan tươi đẹp.
Ngay sau lễ phát động, lãnh đạo tỉnh Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố và đông đảo đoàn viên thanh niên, các học sinh đã trồng 500 cây giáng hương trên tuyến đường Giá Rai - Phong Tân.
Cần Thơ: Rà soát, đánh giá, đưa ra giải pháp cải thiện, nâng chất chỉ số PAR INDEX, PAPI, PCI và SIPAS
UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị Phân tích chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2022.
Quang cảnh hội nghị.
Theo kết quả công bố của các cơ quan có thẩm quyền, năm 2022, TP Cần Thơ có 2 chỉ số tăng hạng: PAR INDEX tăng 25 bậc, từ 51 lên hạng 26; SIPAS tăng 12 bậc, từ 48 lên hạng 36 và 2 chỉ số sụt giảm hạng là PCI giảm 7 bậc và PAPI giảm 13 bậc. Kết quả này đặt ra vấn đề cấp thiết cần phân tích, đánh giá sâu để tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp tiếp tục duy trì, nâng cao hơn nữa các chỉ số có kết quả đánh giá tốt và khắc phục, cải thiện các chỉ số đánh giá thấp, tụt hạng.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến yêu cầu các sở ngành hữu quan kịp thời công bố, công khai và cập nhật thủ tục hành chính (TTHC) trên cổng dịch vụ công, trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị và tại nơi tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trách nhiệm giải trình, đối thoại với người dân; tạo thuận lợi để người dân được tham gia đối thoại tại cơ sở và tham gia đóng góp ý kiến về các vấn đề bức xúc. Cùng với đó, chú trọng các nội dung về công khai, minh bạch và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về thu, chi ngân sách nhà nước và các nội dung về chế độ chính sách cho người dân; kịp thời giải quyết các kiến nghị của người dân đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tránh khiếu nại vượt cấp, kéo dài.
Trường Đại học Trà Vinh tiếp tục vào Top 100 của WURI Ranking 2023
Trường Đại học Trà Vinh xếp hạng 43, tăng 19 bậc so với năm 2022, tiếp tục tăng hạng trong Top 100 của các trường có ảnh hưởng và đóng góp tích cực cho xã hội, theo xếp hạng WURI Ranking 2023 (Global Top 100 Innovative Universities).
Trường ĐH Trà Vinh.
Ngoài ra, Trường Đại học Trà Vinh còn xếp thứ 11 trong Top 50 về giá trị khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (Entrepreneurial Spirit); xếp thứ 34 trong Top 50 về mở rộng hợp tác và trao đổi sinh viên quốc tế, cơ hội giao lưu học tập sinh viên giữa các cơ sở giáo dục ngoài nước (Student Mobility and Openness);
Xếp thứ 18 trong Top 50 về kết nối mở, chuyển đổi số và các ứng dụng tích hợp (Fourth Industrial Revolution); xếp thứ 29 trong top 50 về quản lý các giá trị phát triển bền vững (Crisis Management); xếp thứ 49 trong Top 50 về giá trị đạo đức (Ethical Value) và xếp thứ 45 trong top 50 về ứng dụng khoa học, công nghệ (Industrial Application).
Được biết, Liên minh các trường đại học Hanseatic được thành lập bởi Đại học Khoa học ứng dụng Hanze, Hà Lan vào tháng 4/2018. WURI Ranking có cách tiếp cận sáng tạo, đổi mới đối với công tác nghiên cứu và giáo dục của các trường đại học, tập trung vào 04 lĩnh vực cụ thể: hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp; các giá trị của khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; trách nhiệm với xã hội; các chương trình trao đổi, hợp tác dành cho sinh viên.
Hậu Giang quyết tâm bàn giao 100% mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Ngày 19/5, Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Hậu Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TTXVN.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo, thực hiện trong thời gian qua. Nổi bật là tỉnh đã xác định, công tác hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính là một trong 3 đột phá chiến lược của nhiệm kỳ 2020-2025, là nhiệm vụ trọng tâm.
Trong thời gian tới, Hậu Giang cần tiếp tục phát huy trách nhiệm, chủ động tham mưu thực hiện các công tác trong thẩm quyền. Tỉnh Hậu Giang cũng cần đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và công nghệ thông tin; nhất là thực hiện các chủ trương, chính sách và triển khai đồng bộ hệ thống các văn bản mang tính định hướng chiến lược, chi phối, tạo nền tảng cho thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025 nhanh, bền vững.
Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thời gian tới tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm như: quán triệt, tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương; thực hiện nghiêm, có kết quả thực chất các nghị quyết, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội...
Tỉnh tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, sớm hiện thực hoá tối đa các dự án cam kết đầu tư. Tỉnh cũng huy động nguồn lực vốn, nhân lực, cơ chế cho đầu tư phát triển, nhất là hạ tầng khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch, xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ.
Từ nay đến cuối năm 2023, tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt trên 95%; quyết tâm bàn giao 100% mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 đoạn qua địa bàn tỉnh. Hậu Giang cũng chuẩn bị mặt bằng đất sạch và các điều kiện cần thiết để khởi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và tập trung triển khai thực hiện dự án, đảm bảo hoàn thành sớm hơn chỉ đạo của Chính phủ.
Kết quả tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang trong quý I/2023 đạt 12,67%, tăng cao hơn so với cùng kỳ (quý I/2022 tăng 4,69%), lần đầu tiên tăng trưởng của tỉnh được xếp đạt mức cao nhất cả nước. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, quy mô và diện tích nuôi thủy sản tiếp tục được mở rộng. Thị trường hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng.
Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt triển khai các công trình trọng điểm, bàn giao mặt bằng dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn qua địa bàn tỉnh sớm hơn so với chỉ đạo của Chính phủ. Dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng do tỉnh làm chủ đầu tư hiện đang hoàn thiện phương án để phê duyệt, chi trả cho dân. Công tác xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tăng so với cùng kỳ; an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm thực hiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững, ổn định...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.