Tin tức Miền Tây ngày 4/3/2022: Đền Hùng tại Cần Thơ
Theo doanhnghiepvn, đây là nơi tri ân, tưởng nhớ bậc tiền nhận xây dựng và giữ nước; qua đó, tiếp tục truyền thông giáo dục để thế hệ trẻ tiếp tục giữ gìn, tự hào tiến bước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đền thờ Vua Hùng sẽ trở thành điểm nhấn văn hóa của TP Cần Thơ, phục vụ người dân thăm viếng, tưởng niệm và dâng hương.
Cũng theo kế hoạch trên, các hoạt động phải được tổ chức trang trọng, tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội và an toàn trong việc, phòng chống dịch bệnh COVID-19. Về số lượng đại biểu tham dự (dự kiến) 500 đại biểu gốm : Bộ Chính trị - Ban Bí thư, Bộ, Ban ngành Trung ương, Tỉnh, TP; Lãnh đạo cấp cao Nhà nước đã nghi hưu, Lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang Cần Thơ, Ban Chấp hành Đảng bộ TP, Văn phòng Thành ủy và các Ban, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP, Văn phòng UBND TP các Sở, Ban ngành, Quận, huyện, Cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn …
Đền thờ Vua Hùng tọa lạc trên đường Võ Văn Kiệt, gần sân bay quốc tế Cần Thơ, phường Bình Thuỷ, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ, được khởi công ngày 18/6/2019 do Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest (Hà Nội) tài trợ và thi công. Công trình có tổng diện tích khu đất gần 40.000m2, với tổng mức đầu tư khoảng 129,5 tỷ đồng, các hạng mục chính của dự án như Đền thờ chính, Nhà điều hành, Nghi môn, Nhà bia, Sân đường, Cây xanh, thảm cỏ…
Phối cảnh đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ.
Đền thờ Vua Hùng lấy ý tưởng chính là hình ảnh trống đồng thời Vua Hùng, công trình được bao bọc bởi hồ nước cảnh quan hình tròn và phần đế hình vuông với ý nghĩa trời tròn đất vuông. Các chi tiết hoa văn thời Vua Hùng sẽ điêu khắc trên phần cánh và thân công trình.
Để phương án thiết kế Đền thờ các Vua Hùng nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ đã tổ chức thăm dò, xin ý kiến của lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ; các vị lão thành cách mạng; các nhà nghiên cứu văn hóa; bà con nhân dân... bằng cách đăng trên báo, đài, trang web, trưng bày phương án thiết kế ở Bảo tàng thành phố...
Điểm nhấn của công trình là Đền thờ chính với hình tượng trống đống cách điệu. Tính biểu tượng, truyền thống của công trình thể hiện qua phong cách trang trí, hoa văn thời Hùng Vương, mang tính trang nghiêm, trang trọng nhưng thoáng mát, gần gũi. Đặc biệt, công trình còn gây ấn tượng với thiết kế cây xanh và nét kiến trúc mang đậm bản sắc sông nước đồng bằng.
Trước đó Cần Thơ đã thực hiện trình tự các bước: Rước linh khí từ Phú Thọ về TP Cần Thơ bao gồm đất, nước và chân nhang. Sau đó tiến hành lễ an vị, bài vị. Đồng thời, mời chuyên gia ở Phú Thọ về tập huấn các nghi thức gồm diễu binh rước lễ, các nghi thức thờ cúng trên bàn thờ...
Vươn lên làm giàu nhờ trồng bưởi da xanh
Theo Báo Long An, phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, trồng trọt đã và đang là hướng đi đúng đắn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Qua mô hình trên, nhiều hội viên phụ nữ (HVPN) vươn lên làm giàu chính đáng. Và chị Nguyễn Thị Xiệt (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An, tỉnh Long An) là một trong những tấm gương điển hình vươn lên làm giàu nhờ trồng bưởi da xanh theo hướng hữu cơ.
Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật cùng với việc chăm sóc tỉ mỉ nên vườn bưởi da xanh của chị Nguyễn Thị Xiệt ngày càng tươi tốt, cho năng suất cao
Với khoảng 10 tấn bưởi da xanh thu hoạch mỗi năm, sau khi trừ chi phí, chị Xiệt có lãi hơn 100 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình chị được cải thiện và có điều kiện giúp người dân địa phương cùng vươn lên làm giàu. Chị Xiệt cho biết: “Trước đây, tôi trồng lúa mỗi năm 3 vụ nhưng năng suất thấp, giá bấp bênh. Thu nhập từ trồng lúa chỉ đủ ăn, đời sống gia đình gặp khó khăn. Vì vậy, năm 2014, tôi quyết định chuyển từ trồng lúa sang trồng bưởi da xanh”.
Thời điểm đó, ở xã Nhơn Thạnh Trung chưa có ai trồng bưởi da xanh với quy mô lớn vì cho rằng đất ở đây không phù hợp. Chị Xiệt được xem là người tiên phong đưa bưởi da xanh về vùng đất này. Chị vừa làm, vừa học, tích cực tham gia các lớp tập huấn, tích lũy kinh nghiệm trồng trọt từ những mô hình kinh tế hiệu quả hay thông qua sách, báo.
Điểm nổi bật là chị Xiệt áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ, phân vi sinh cho cây bưởi. Ngoài ra, chị còn đầu tư hệ thống tưới nước, tưới phân tự động để tiết kiệm chi phí thuê nhân công. Theo kinh nghiệm, để vườn bưởi cho trái quanh năm, chị áp dụng biện pháp cắt tỉa cành thay vì phun thuốc. Phương pháp này mang lại năng suất cao, không làm ảnh hưởng môi trường, kéo dài tuổi thọ cho cây. Bên cạnh đó, cần cải tạo vườn cho thông thoáng, trồng bưởi trên mô cao không để ngập nước; ưu tiên sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây và phun thuốc ngừa sâu, bệnh.
Với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nhơn Thạnh Trung, chị Xiệt vận động 10 nhà vườn trồng bưởi da xanh tham gia hợp tác xã. Để giúp các thành viên nâng cao thu nhập, chị nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài việc tìm phương pháp nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi da xanh, chị còn dành thời gian nghiên cứu cách làm tinh dầu bưởi.
Chị Xiệt chia sẻ: “Nhận thấy nhu cầu sử dụng tinh dầu bưởi của người dân ngày càng tăng, bản thân tôi cũng rất thích các sản phẩm chiết xuất từ thiên nhiên nên tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có chiết xuất tinh dầu bưởi. Ban đầu, tôi làm theo cách thủ công, năng suất thấp, sản phẩm thu được là hỗn hợp tinh dầu chứ không phải là nguyên chất. Sau khi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn, hiện Hợp tác xã Nông nghiệp Nhơn Thạnh Trung đầu tư hệ thống chưng cất tinh dầu và hoàn thiện quy trình chiết xuất để có thể đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng”.
Bên cạnh việc làm kinh tế giỏi, chị Xiệt còn được HV tín nhiệm bầu làm Chi hội phó Chi hội PN ấp Nhơn Trị 2. Tham gia công tác Hội, chị Xiệt thường xuyên gần gũi với chị em, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giúp đỡ các HV, PN. Nhận thấy đời sống chị em còn gặp nhiều khó khăn, chị tuyên truyền, hướng dẫn chị em thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả. Với cách làm của chị Xiệt, nhiều chị em PN trên địa bàn xã cải thiện được kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Chủ tịch Hội Liên hiệp PN Việt Nam TP.Tân An - Huỳnh Thị Diễm Lệ cho biết: “Chị Nguyễn Thị Xiệt là một trong những tấm gương PN làm kinh tế giỏi trên địa bàn thành phố, có những đóng góp tích cực cho cộng đồng, góp phần vào phát triển KT-XH địa phương. Với tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm, chị không ngại khó khăn, sâu sát cùng HV, sáng tạo, tìm tòi nhiều cách làm hay, nâng cao chất lượng hoạt động Hội”.
Biết phát huy tiềm năng của vùng đất quê hương cùng với sự quyết tâm, ham học hỏi, chịu khó tự tìm hướng đi thích hợp, chị Xiệt vượt qua khó khăn và thành công trong phát triển mô hình trồng bưởi da xanh theo hướng hữu cơ. Những thành quả đạt được hôm nay của chị Xiệt thật đáng trân trọng, góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người PN Việt Nam "Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang".
Bến Tre: Xây dựng và hình thành vùng sản xuất cây ăn trái đạt chứng nhận VietGAP
Theo Báo Đồng Khởi, với quyết tâm thực hiện đạt hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/1/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh cần tập trung xây dựng và hình thành 750ha vùng sản xuất cây ăn trái đạt chứng nhận VietGAP liên kết với doanh nghiệp (DN) trên địa bàn các huyện Chợ Lách, Châu Thành, Thạnh Phú và Bình Đại.
Sầu riêng Chợ Lách tỉnh Bến Tre. Ảnh: Văn Cử
Đến nay, toàn tỉnh có 104 tổ hợp tác (THT), 53 hợp tác xã (HTX) tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có hiệu quả, liên tục được duy trì và phát triển bền vững.
Hình thức canh tác không ngừng cải tiến, đảm bảo mức độ ổn định của sản phẩm và đạt tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến như quy mô canh tác hữu cơ liên tục được mở rộng với 16.177ha cây ăn trái, thủy sản và dừa được công nhận GAP và hữu cơ (dừa 7.249ha; cây ăn trái 487,55ha; thủy sản 8.440,4ha).
Xuất xứ hàng hóa đã được tăng cường với 5 chỉ dẫn địa lý, 4 nhãn hiệu chứng nhận và 6 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm chủ lực địa phương đã được công nhận.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang được tiến hành khẩn trương và đã cấp 23 mã vùng trồng (MVT) cây nhãn, chôm chôm, xoài và bưởi da xanh (nhãn 2 MVT với diện tích 47,26ha; chôm chôm 13 MVT với 130,13ha; xoài 5 MVT với 52,58ha; bưởi da xanh 3 MVT với 69,60ha); 31 mã cơ sở đóng gói (trong đó có 2 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP).
Xây dựng vùng sản xuất cho 3 chủng loại trái cây chôm chôm, xoài, sầu riêng mỗi loại 250ha; xây dựng thêm 28 MVT, 4 nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể và 300 ngàn tem truy xuất nguồn gốc; đào tạo, nâng cao chất lượng các THT, HTX, 100% đạt diện tích quy trình và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; mở rộng thêm các DN liên kết đầu vào, đầu ra với các THT, HTX cho các vùng sản xuất sầu riêng, chôm chôm, xoài. Nâng tổng giá trị thu nhập 1ha sản xuất trồng trọt của tỉnh đạt trên 180 triệu đồng/ha/năm. Riêng cây ăn trái: sầu riêng, chôm chôm, xoài là cây có giá trị kinh tế cao, giá trị thu nhập khoảng 250 - 400 triệu đồng/ha/năm.
Xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái quy mô 750ha, trong đó xây dựng đạt 250ha vùng sản xuất xoài ở các xã Thạnh Phong, Thạnh Hải của huyện Thạnh Phú và xã Thới Thuận, Thừa Đức, Thạnh Phước của huyện Bình Đại; dự kiến đến năm 2030 phát triển diện tích xoài lên trên 350ha. Xây dựng đạt 250ha vùng sản xuất chôm chôm ở các xã Vĩnh Bình, Phú Phụng của huyện Chợ Lách và xã Phú Đức, Tân Phú, Tiên Long của huyện Châu Thành; dự kiến đến năm 2030 phát triển diện tích lên trên 400ha. Xây dựng đạt 250ha vùng sản xuất sầu riêng ở các xã Vĩnh Bình, Sơn Định, Hòa Nghĩa, Long Thới, Tân Thiềng... của huyện Chợ Lách và xã Tân Phú, Phú Đức, Tiên Thủy... của huyện Châu Thành; dự kiến đến năm 2030 phát triển diện tích lên trên 500ha.
Xây dựng chứng nhận VietGAP hoặc tương đương, tạo điều kiện thuận lợi cho THT, HTX liên kết với DN. Theo đó, các cơ quan có liên quan từng bước tư vấn, hướng dẫn chứng nhận sản xuất cây ăn trái đạt chứng nhận VietGAP 100% diện tích (750ha) theo lũy kế phân kỳ lần lượt: năm 2022 có 280ha, năm 2023 đạt 435ha, năm 2024 là 610ha và năm 2025 là 750ha.
Xây dựng MVT đáp ứng nhu cầu xuất khẩu chính ngạch và truy xuất nội địa, thường xuyên cập nhật thông tin mở cửa thị trường của các loại nông sản chủ lực của tỉnh, hỗ trợ cho các THT, HTX và các DN trong tỉnh tiến hành xây dựng MVT phù hợp cho từng loại nông sản.
Thực hiện kết nối, liên kết DN; đẩy mạnh tìm kiếm các DN, ưu tiên cho những DN chế biến sau thu hoạch tiềm năng trong và ngoài tỉnh; chủ động liên hệ, liên kết với các DN, tổ chức ký hợp đồng đầu vào, đầu ra với THT, HTX của địa phương phù hợp với sự tham gia của các ban, ngành có liên quan.
Tùy theo tình hình phát triển cây ăn trái của từng địa phương, các mối quan hệ liên kết đầu vào và đầu ra không phù hợp nữa sẽ mạnh dạn bổ sung, thay thế thêm những DN tiềm năng, phát triển có nhiều tiềm năng để liên kết tiêu thụ hàng hóa nông sản thuận lợi và đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Đến với điểm Cực Nam của Tổ Quốc
Theo Báo Cà Mau, điểm cực Nam trên đất liền của nước ta là Xóm Mũi, nơi chót cùng của Mũi Cà Mau. Ðiểm cực Bắc nước ta là đỉnh Lũng Cú, nằm trên cao nguyên đá Ðồng Văn. Có một sự gặp gỡ ngẫu nhiên nhưng hết sức lý thú: Nếu đi thẳng theo kinh tuyến 105 thì ta sẽ đi xuyên qua cả 2 điểm cực Bắc và cực Nam này. Do sự chia cắt đất nước trong thời chiến tranh, Xóm Mũi và Lũng Cú đã trở thành biểu tượng cho sự toàn vẹn của Tổ quốc Việt Nam. Như ta đã biết, ÐBSCL thành tạo từ sự bồi đắp phù sa của sông Mê Kông qua hàng triệu năm. Theo diễn thế này thì, hiện tại Xóm Mũi là phần lãnh thổ Việt Nam hình thành sau cùng trong tiến trình tự nhiên ấy.
Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau là biểu tượng thiêng liêng về tình đoàn kết của Nhân dân 2 miền Nam - Bắc, đồng thời khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Ảnh: MINH TẤN
Theo lời kể của ông Huỳnh Công Thành, một cư dân kỳ cựu của Xóm Mũi, ta có thể biết được sự có mặt của 7 ngôi nhà đầu tiên ở nơi tận cùng đất nước này là cách nay vào khoảng trên dưới 100 năm. Cũng theo lời kể trên, những cư dân đầu tiên ấy đến đây từ một chi lưu nằm bên bờ Nam sông Cửa Lớn, đối diện với thị trấn Năm Căn ngày nay, cách Xóm Mũi này chỉ trên dưới 60 cây số. Họ là những lưu dân sinh sống bằng nghề hạ bạc, lãng du theo sông nước, trôi nổi theo dòng cá tôm. Và có lẽ, họ chấp nhận định cư lại Xóm Mũi là vì đất đã hết, sông đã tận cùng, không còn nơi nào để đi tiếp, trước mặt chỉ còn biển cả mênh mông.
Vì là vùng đất mới thành tạo từ sa bồi được cố định dựa vào thực vật của rừng ngập mặn, cho tới hiện tại, mặt đất tự nhiên của Xóm Mũi vẫn còn nằm dưới mực nước biển. Do đặc điểm địa lý này nên từ khi hình thành cho đến năm 2015, khi cung đường cuối của đường Hồ Chí Minh nối từ thị trấn Năm Căn tới Khu Du lịch Mũi Cà Mau chưa được khánh thành, Xóm Mũi chỉ liên hệ với thế giới bên ngoài bằng con đường thuỷ duy nhất là con rạch nhỏ quanh co trong rừng, nối với con sông Rạch Tàu cách đó 5 cây số, nếu không kể phải đi vòng ra biển. Con rạch nhỏ ấy xuồng ghe cũng chỉ đi lại được vào thời điểm triều cường.
Từ 7 ngôi nhà đầu tiên, Xóm Mũi dần hình thành. Những vạt rừng ven rạch được phát hoang và những ngôi nhà sàn gỗ đước, mái lá lần lượt mọc lên. Cũng như những người đến trước, tất cả cư dân đến sau đều sinh sống bằng nghề hạ bạc. Ở thời kỳ khai lập, cá tôm ở đây nhiều vô kể, nhưng khó có thể bán tươi vì phải chở lên tận Năm Căn hay Cà Mau, lại không có phương tiện đông lạnh, nên ngư dân Xóm Mũi có truyền thống lâu đời trong việc chế biến cá khô, tôm khô, mắm các loại...
Nghề biển lâu đời nhất của ngư dân Xóm Mũi là nghề đáy hàng khơi. Những giàn lưới lớn phơi giăng giăng theo rạch Xóm Mũi đó chính là lưới đáy hàng khơi.
Nghề đáy hàng khơi là nghề khai thác hải sản khá đặc biệt, chỉ có ở vùng biển từ Trà Vinh kéo dài đến Mũi Cà Mau. Ðáy là những tấm lưới hình ống to lớn được ngư dân căng đặt trên những dòng hải lưu ngoài khơi để hứng cá tôm. Thông thường, những giàn đáy hàng khơi cách bờ từ 12-20 hải lý, chúng nằm trên khoảng giáp ranh giữa vùng nước biển đục và trong, người địa phương gọi là vùng giáp ngời. Tuỳ vào từng đoạn của dòng hải lưu, mỗi giàn đáy hàng khơi thường kết nhau từ 10 đến vài chục miệng. Ðáy hàng khơi có thể khai thác quanh năm, nhưng mỗi năm có 2 vụ chính. Mùa nam từ tháng 3-6, mùa chướng từ tháng 9-12 âm lịch. Vào chính vụ, bạn chòi phải túc trực trên giàn đáy mỗi con nước từ 1 tuần đến 10 ngày. Thời điểm đặt lưới khai thác trong từng ngày cũng luôn thay đổi, dựa vào chu kỳ chảy của dòng hải lưu. Vì thế, ngoài bạn chòi còn có những ngư dân bạn ghe luôn hợp đồng để đưa tàu ra đáy đúng vào lúc lên lưới để thu gom tôm cá chở vào bờ, đồng thời tiếp tế những vật dụng thiết yếu cho bạn chòi sống được qua con nước trên những ngôi nhà như tổ chim lúc lắc trên những chiếc cột đáy.
Nghề bạn chòi đáy hàng khơi là nghề mạo hiểm. Cơn bão số 5 quét qua Mũi Cà Mau năm 1997, có bạn chòi bị bão hất xuống biển, trôi lênh đênh vô định 2, 3 ngày chỉ bấu víu vào chiếc can nhựa, cho đến khi được cứu vớt.
Sản vật đánh bắt được từ đáy hàng khơi là đủ loại tôm cá, phong phú về chủng loại, cao hơn hẳn về sản lượng so với đáy sông. Khi đáy hàng khơi vào con nước thì chợ Ðất Mũi, nằm ngay trung tâm xã, thuộc xóm Rạch Tàu, cách Xóm Mũi chừng 5 cây số, cũng rộn ràng, tấp nập hẳn lên. Dạo quanh một vòng chợ Ðất Mũi ta sẽ thấy sự phong phú của nguồn hải sản khai thác được từ đáy hàng khơi. Ðặc biệt nổi tiếng là mặt hàng tôm khô. Do lượng tôm khai thác dồi dào nên ở Xóm Mũi có một nghề dịch vụ rất độc đáo, đó là nghề lò luộc và sấy tôm khô thuê, luôn nổi lửa suốt ngày đêm khi đáy hàng khơi vào con nước khai thác.
Người ta thường biết đến Ðất Mũi là vùng đất bồi do phù sa lắng đọng. Nhưng trên thực tế ở xóm chót cùng này, phía bờ Tây đất được bồi ra thì bờ Ðông nhiều nơi vẫn bị sạt lở. Cái điển tích biến thiên dâu bể trong sách xưa, ở đây có thể chứng kiến trong một đời người.
Chợ Ðất Mũi là ngôi chợ xa nhất nước về phương Nam, cũng là một trong những ngôi chợ trẻ nhất nước. Những năm cuối thế kỷ 20, nơi đây chưa có chợ. Muốn đi đến chợ, dân ở đây phải vượt hơn 50 cây số sóng gió để lên chợ Năm Căn vào những năm 90 của thế kỷ trước. Do đặc thù là vùng đất nằm dưới mặt nước biển, cho đến nay, tập quán sinh sống của người dân trong vùng phần lớn vẫn còn cư trú trên các nhà sàn, nhà kê trụ bê-tông để tránh ngập khi nước biển dâng cao. Sự đi lại của con người ở vùng đất này chủ yếu dựa vào thuỷ lộ với các phương tiện xuồng, ghe. Vì thế, người bán và người mua đến chợ Ðất Mũi chủ yếu bằng phương tiện đường thuỷ, mà phổ biến nhất là chiếc vỏ lãi. Không chỉ đi chợ, mỗi sáng dân Xóm Mũi đến các quán cà phê cũng bằng vỏ lãi.
Mũi Cà Mau là địa chỉ du lịch quan trọng của tỉnh Cà Mau. Từ cuối những năm 1990, tỉnh Cà Mau đã cho thành lập khu Công viên Văn hoá - Du lịch Mũi Cà Mau rộng 150 ha, bao trùm toàn bộ phần chót Mũi Cà Mau, nằm liền kề Xóm Mũi. Hiện tại, khu Công viên Văn hoá - Du lịch này đón gần nửa triệu lượt khách tham quan mỗi năm, trong đó có 10% khách quốc tế đến đây.
Một hình thức hoạt động du lịch mới đang phát triển tại Ðất Mũi, thu hút sự tham gia của nhiều hộ dân và rất được du khách ưa thích, gọi là du lịch cộng đồng. Du khách trực tiếp tham quan cảnh quan và cùng trải nghiệm với các hoạt động sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản của người dân. Hộ ông Nguyễn Văn Nhuần, ông Nguyễn Văn Ngãi, ở ấp Cồn Mũi, đang thu hút du khách. Các vạt rừng đước nuôi tôm sinh thái sẽ rất thích thú và khó quên khi du khách được trực tiếp bắt vọp, ốc len, thả rập bắt cua, lưới cá, xổ tôm... Sau đó thưởng thức ngay các sản phẩm mà chính tay mình vừa bắt được theo cách chế biến ẩm thực truyền thống của dân địa phương: đơn giản, ít gia vị, tôn vinh cái ngon tươi nguyên của tự nhiên. Trong khi thưởng thức ẩm thực, du khách còn được thưởng thức món ăn tinh thần, đó là những bản đờn ca tài tử, loại hình nghệ thuật sinh thành trên đất Nam Bộ, đã được Tổ chức Văn hoá và Giáo dục thế giới (UNESCO) công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại.
Tháng 7/2003, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau chính thức được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Khu Bảo tồn thiên nhiên Ðất Mũi được UBND tỉnh Cà Mau thành lập trước đó.
Toàn bộ xã Ðất Mũi nằm trong địa giới của vườn quốc gia này.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có tổng diện tích gần 42.000 ha, trong đó có trên 15.000 ha rừng trên đất liền và hơn 26.000 ha ngập nước ven biển. Phần diện tích đất ngập nước ven biển này hết sức quan trọng vì nó đang liên tục được bồi đắp rộng ra và được xác định là môi trường sinh trưởng lý tưởng cho nhiều loài hải sản.
Chức năng chủ yếu của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là bảo tồn lâu dài hệ sinh thái đất ngập nước đang trong quá trình diễn thế tự nhiên; phục vụ các hoạt động tham quan, du lịch sinh thái; giữ và phát triển quá trình bồi tụ bờ biển, phát triển rừng phòng hộ, hạn chế xói lở; xây dựng và phát triển cộng đồng xã hội dân sinh thân thiện với môi trường, ổn định, bền vững...
Tháng 5/2009, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, từ năm 2007 đến nay, nhiều nơi, nhất là phía bờ Ðông Mũi Cà Mau xuất hiện hiện tượng sạt lở. Ðể khắc phục, tỉnh Cà Mau đã chi hơn 800 tỷ đồng thực hiện 20 km kè bao chắn sóng, trong đó có hơn 6 km bê-tông vĩnh cửu bao quanh phần chót Mũi Cà Mau, vừa là kè chắn sóng, vừa là lối đi tham quan cho du khách. Sau khi kè được xây dựng, phù sa tiếp tục bồi đắp và rừng mắm cũng phát triển nhanh hơn trên đất bồi.
Giờ đây, đến với những ngôi nhà cuối đất, đến với Mũi Cà Mau, sau khi rảo bước dạo quanh phần chót cùng của đất nước trên con đường bê-tông rộng rãi, du khách có rất nhiều nhà hàng du lịch để lựa chọn ghé vào thưởng thức các món ẩm thực đặc sản và món đặc sản tinh thần riêng có của người Nam Bộ, đó là đờn ca tài tử.
Ðến với những ngôi nhà cuối đất là ta đến với địa chỉ mà không người Việt nào không ao ước một lần được đặt chân đến: Ðiểm chót cùng của Mũi Cà Mau. Ở đây, ta sẽ được trải nghiệm cảm xúc không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên đất nước: chỉ cần đứng tại một địa điểm, ta sẽ được ngắm cảnh mặt trời mọc lên từ biển phía Ðông lúc bình minh và mặt trời chìm dần xuống biển phía Tây khi hoàn hôn buông xuống.
Ở đây ta sẽ được chạm tay vào Cột mốc toạ độ quốc gia cuối cùng trên đất liền của Tổ quốc.
Bây giờ, người đồng bào H'Mông anh em trên đỉnh Lũng Cú, Hà Giang, chỉ cần lên chuyến xe, đi một mạch, là có thể đặt chân xuống ngôi nhà nơi tận cùng của đất nước ở phương Nam.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.